Một lần tôi nhận được một mảnh giấy. Nhìn nét chữ tôi biết đó là của một nữ sinh. Cách viết của một người bướng bỉnh đầy cá tính. Lối hành văn thì sắc sảo và có phần hơi hỗn: “Thầy có nghĩ rằng có những lúc chúng em nghe mà không hiểu thầy đang nói gì cả? Đôi khi em cho rằng thầy đang nói với chính mình chứ không phải là đang giảng bài. Một bài giảng sẽ trở nên ít ý nghĩa biết bao nếu như nó không có sự đồng cảm giữa thầy và trò”. Đọc mảnh giấy tôi bị sốc thật sự. Gần như là cảm giác bị ai đó tát vào mặt.
Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ nổi. Đầu tiên là cảm giác bị xúc phạm bởi một kẻ hỗn xược không biết điều. Sau đó là ý định thôi thúc phải tìm cho được “cô ả” lếu láo đó rồi cho cô ta một bài học. Hôm sau lên lớp, tôi “đọc lệnh” cho cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút. Cả lớp ngơ ngác nhưng phải chấp hành. Tôi ra một đề thi thật dễ trong môn lịch sử Trung Hoa. Tôi tin bằng cách đó người viết sẽ viết nhanh và quả quyết. Vì thế tôi sẽ dễ dàng tìm ra tác giả của mảnh giấy “bố láo” kia.
Sau buổi học, tôi đem bày cả 60 bài kiểm tra lên bàn để chuẩn bị đảm trách vai trò của một cảnh sát hình sự. Đúng vào lúc ấy, hình như từ tiềm thức của một con người đã mách bảo rằng tôi đang phạm phải một sai lầm khó có thể chấp nhận. Tôi đang hành động như một kẻ tiểu nhân chứ không phải là hợp lẽ cao thượng cần có của một người thầy.
Tại sao tôi không nghĩ là cô nữ sinh ấy đúng, còn tôi thì đã sai? Nhất định có không ít bài giảng mà tôi đã không làm chủ giáo án. Cái quan trọng nhất là với một nhân cách như cô gái ấy, tôi không hề bộc lộ một chút trân trọng mà chỉ nghĩ đến cách “trị” – một kiểu nói thật là hay ho của sự trả thù.
Những trăn trở đã buộc tôi phải dừng lại. Mấy ngày sau đó là những ngày mà tôi thật sự cảm thấy khó sống nhất trong cuộc đời dạy học. Cuộc đấu tranh giữa điều muốn biết và lẽ không cần biết; giữa bản năng và lương tâm đã làm tôi nhiều lúc thấy khó thở. Thế rồi tôi đã chọn cách có lẽ là tốt nhất: tôi đốt cả tập bài kiểm tra, cả mảnh giấy. Hôm sau trở lại lớp tôi thản nhiên thông báo rằng vì bài làm quá kém nên tôi không chấm nữa.
Nhiều năm sau, vào ngày 20-11, tôi nhận được một tấm thiệp chúc mừng và một bức thư ngắn với nét chữ rất quen:
“Có lẽ cho đến tận lúc này thầy vẫn chưa biết em là ai. Em tin chắc vào điều em nghĩ vì hồi đó khi thi vấn đáp thầy đã không đọc bất kỳ phần chuẩn bị nào của sinh viên nữ. Em hiểu thầy không muốn biết ai là kẻ đã hỗn xược dám viết những dòng chữ ấy. Thầy ơi, lần đó em “vượt” qua môn học của thầy với điểm 9. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất.
Từ sau khi em viết để bày tỏ ý kiến của mình, những bài giảng của thầy đã hay và dễ hiểu hơn rất nhiều. Vẫn chưa hết thầy ạ: thầy đã dạy cho em một bài học về sự cần thiết của cái đúng mức, về giá trị của lẽ phải, về lương tâm trong sáng của con người…”.