Tôi nhớ, cách đây ba năm người yêu cô bạn tôi gửi vào máy nó một tin nhắn rất lãng mạn: “Tháng ba, hương hoa sữa vào tận cửa sổ phòng em, mang theo nỗi nhớ của anh. Xin cho tình đầu của đôi ta mãi tinh khôi như sắc trắng của hoa sữa..." (Theo tôi đọc là như thế).
Tin nhắn trên điện thoại, không có dấu. Tôi với cô bạn lăn ra cười, không hiểu anh chàng bói đâu ra hoa sữa vào tháng ba, nhắn tin chọc quê thì nhận được câu trả lời: “Dốt ạ, anh bảo hoa sưa chứ có phải hoa sữa đâu. Em lên dọc đường Thanh Niên mà xem. Hoa nở trắng muốt, rụng phủ kín cả lối đi”. Hai đứa nhà quê vội dắt xe đi lên đường Thanh Niên để… mở rộng tầm mắt.
Hôm đấy trời vừa mưa xong, dọc đường Thanh Niên rải đầy hoa trắng. Chỉ một làn gió xuân nhẹ nhàng làm động thôi là ngàn đóa hoa tựa ngàn đôi cánh rơi rụng trên mặt đất. Chút nắng vàng rực rỡ ngoài kia cũng trở nên dịu dàng đến lạ khi bước vào phố mùa hoa sưa. Tôi chợt thấy nao lòng với cảm giác thời gian như ngừng lại, cả đất trời còn mình ta với sắc trắng tinh khôi tắm đẫm tình ý của xuân tháng ba.
Từ dạo đó tôi biết thêm một loài hoa đẹp giữa lòng thủ đô. Loài hoa mang cái tên đến lạ: hoa sưa. Một đôi người vì nhầm tưởng hay vì ý thích mà còn gọi nó là hoa xưa. Nhưng tôi vẫn thích cái tên “sưa” hơn. Hoa sưa nở và rụng chỉ trong một tháng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, cả tán lá xanh um tùm bỗng bừng lên sắc trắng khiến người qua đường phải ngỡ ngàng dừng chân tự hỏi: “Phải chăng đất trời đã chọn lấy riêng một loài hoa này để thả xuống lòng thủ đô sắc xuân ngọt ngào”. Cứ thế, đứng lặng… ngẩn ngơ…
Tôi thích nhất là vác chiếc máy ảnh cũ kỹ lang thang trên các con phố ngắm hoa sưa và mơ mộng vẩn vơ. Trong những lần lang thang một mình như thế, tôi có thói quen dừng chân bên gánh hàng rong của một bà cụ. Không hiểu sao cứ thấy mái tóc bạc phơ của bà có một nét gì đấy đồng điệu với con phố, bờ tường cũ, gốc sưa phủ đầy hoa sau cơn mưa. Tất cả như một bức tranh theo trường phái cổ điển, gợi nhắc đến một Hà Nội hoa mộng xưa cũ mà tôi – một đứa con gái tỉnh lẻ đã thấy rất nhiều trong thơ văn và âm nhạc, khác xa Hà Nội ồn ào, bụi bặm bên ngoài tán hoa sưa kia.
Gánh hàng của bà cụ chỉ có ấm chè xanh, sữa đậu nành, nước giải khát và đôi ba thức quà vặt. Thú thực ngoài món cóc dầm, xoài dầm thì tôi chả thấy có gì đặc biệt cả. Ít lâu, khi đã thành khách quen tôi mới đề nghị:
- Con thích uống cà phê, bà có nước nóng. Hôm nào con mang ra, bà pha giúp con nhé, con vẫn gửi tiền nước như thường.
Bà cụ cười hiền lành:
- Cứ đưa ra đây bà pha cho, tiền nong gì. Riêng cái khoản chi cho cóc dầm của con cũng đủ giúp bà kiếm bao nhiêu tiền rồi.
Tôi cười tít cả mắt lại. Sau hôm đó, mỗi lần đến tôi lại uống cà phê tự mang theo, gọi thêm một đĩa hoa quả dầm to tướng, ngồi vừa nhâm nhi cà phê, vừa ăn vừa ngắm phố. Về sau tôi còn gửi hẳn túi cà phê trong cái thúng lẫn lộn mấy thức quà vặt của bà cụ.
Sang năm thứ hai, tôi gặp anh trên con đường hoa sưa, trong một ngày mưa lất phất. Chúng tôi đi tản bộ ngược chiều nhau. Tôi mải mê chụp ảnh, không để ý, đến khi rửa cuộn phim mới biết anh có mặt trong một đôi bức hình. Trong ảnh, anh quay lưng lại với ống kính, đứng tư lự nhìn lên tán lá rất lâu. Tôi bỗng thấy một cảm giác gần gũi đến lạ. Sau hôm đấy chúng tôi còn chạm mặt nhau vài lần nữa, cũng trên con đường ấy, thong thả đi ngược chiều nhau. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà chúng tôi bắt đầu gật đầu chào nhau mỗi lần đi qua. Tuy nhiên anh không bắt chuyện, tôi cũng chẳng chờ đợi điều đó. Đối với tôi, cái gật đầu chào trong im lặng ấy thật… dễ chịu.
Tôi vốn là đứa biết ăn nói, bởi vậy rất hiếm người cho tôi cảm giác cuốn hút khi trò chuyện cùng. Đôi khi tôi cũng phát chán lên với cái vai trò nói chuyện của mình. Đấy là chưa kể lối bắt chuyện làm quen, tán tỉnh chán ngắt của mấy anh chàng. Họ cứ nghĩ nói những lời hoa lá là ghi điểm hay sao ấy. Thế nên, cứ để yên mọi thứ nhẹ nhàng thi vị như thế, còn hơn là một lần trò chuyện rồi chả còn gì để mơ mộng.
Có lẽ, chúng tôi sẽ mãi chỉ là những người xa lạ đi qua nhau như thế, nếu không có một lần tình cờ. Sau khi lang thang chán, tôi dừng chân ở gánh hàng rong của bà cụ như thường lệ. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy anh ngồi đó với… cốc cà phê. Nhìn thấy tôi, bà cụ cười bảo với anh:
- Đấy, cà phê của cô cháu gái này đấy.
Anh nhìn tôi reo lên:
- A, là… cô bé. Đúng là có duyên thật.
Tôi mỉm cười, gật đầu chào anh, thầm nghĩ “Duyên gì chứ” – lại bắt đầu thói quen góc cạnh của mình. Tôi định lờ anh đi, như trước nay vẫn thế, nhưng phải nhanh chóng thừa nhận khả năng bắt chuyện của anh. Không phải những lời hoa mỹ, sáo rỗng, rất thành thật, giản dị nhưng cũng rất tự tin. Lần đầu tiên cái tính đa nghi như tào tháo (theo nhận xét của bạn bè) của tôi bị nhấn chìm xuống, thay vào đó là sự quý mến đến kỳ lạ với người con trai mới gặp.
Rồi tôi yêu anh, hiển nhiên và nhanh chóng đến mức tôi không một phút băn khoăn xem liệu có phải mình đang rơi vào trò đùa nào đấy của một chàng trai Hà thành đào hoa hay không. Anh có lắm tài lẻ, và đích thực là một chàng trai Hà thành đào hoa, nhưng may mắn cho một cô nàng tỉnh lẻ như tôi, anh không hề có ý định kéo tôi vào một cuộc chơi ngắn nào cả. Tuy nhiên, điều làm tôi thực sự yêu anh chính là tính nghiêm túc, người lớn và rất biết nhường nhịn. Nếu không có những đức tính đó, anh không đời nào có thể chịu đựng được sự bướng bỉnh, cứng đầu và ngang như cua của tôi.
Tôi thích cảm giác yên lặng cùng anh đi dưới những hàng cây, con phố cũ kỹ của Hà Nội, thích được nghe anh gọi là “cô bé”, thích cái nắm tay nhẹ nhàng giữa ngày mùa đông, thích nụ cười rạng rỡ của anh trong một chiều mưa u ám… và thích nhất là đôi mắt anh. Đôi mắt sâu thăm thẳm mà mỗi lần nhìn vào đó tôi lại ngỡ như mình lạc vào đại dương mênh mông. Tôi say mê đôi mắt ấy.
Một năm sau, anh ra trường, đi làm. Rồi một hôm anh ngỏ ý mời tôi về nhà chơi. Tôi xem đó như là dấu hiệu cho một lời hẹn ước, hạnh phúc và hồi hộp chờ đến ngày hẹn.
Chiếc xe dừng lại ở một cánh cổng rất lớn, nhưng những gì tôi thấy bên sau hàng rào mới thật đáng ngưỡng mộ. Tôi mất mấy giây đứng lặng trước ngôi nhà năm tầng đồ sộ, đứng sừng sững giữa khuôn viên là vườn cây cảnh được chăm sóc, tỉa tót cẩn thận. Một năm quen nhau, chúng tôi chưa kể gì nhiều về gia đình. Phần anh tôi không rõ, riêng tôi rất ít khi nói chuyện nhà ra ngoài. Nhìn anh, tôi cứ nghĩ chắc gia đình cũng chỉ khá hơn nhà tôi một chút thôi. Nhưng không, nhìn ngôi nhà, tôi bỗng có cảm giác mình như một cô nàng nhà quê chính hiệu, nói một cách lãng mạn thì chả khác gì cô bé lọ lem lạc vào cung điện của hoàng tử. Anh nắm lấy bàn tay tôi, nhìn trìu mến như thể hiểu được điều tôi nghĩ. Tôi hít một hơi dài, yên tâm hơn một chút, đi theo anh vào nhà.
Bố mẹ anh đang ngồi ở phòng khách. Nghe tôi chào, bố anh rời cặp kính ra khỏi tờ báo, gật đầu rồi đứng dậy… đi lên gác. Tôi khá bất ngờ, nhưng còn tệ hơn khi mẹ anh nhìn tôi, từ đầu đến chân bằng cặp mắt lạnh lùng, quay sang anh hỏi:
- Ai vậy?
- Bạn con, là người con có kể ấy ạ - Anh đáp.
Mẹ anh tiếp chuyện tôi một cách miễn cưỡng. Bà đã gần năm mươi nhưng từ khuôn mặt đến dáng người đều toát lên vẻ thanh thoát, sang trọng. Tôi ngồi thụt sâu vào chiếc ghế sô pha, bối rối trả lời những câu hỏi của bà. Chưa bao giờ tôi thấy run và thiếu tự tin như lúc ấy. Anh có điện thoại nên ra ngoài nói chuyện. Chờ anh đi khuất cánh cửa, bà bắt đầu hỏi về gia cảnh của tôi, bố mẹ làm gì, anh chị em ra sao… Sau mỗi câu trả lời của tôi, bà lắc đầu nghi ngại, chân mày nhíu hết cả lại. Rồi bà nói với tôi, những lời mà một bà mẹ giàu có vẫn hay nói để bảo vệ cậu quý tử nhà mình khỏi nguy cơ bị đào mỏ.
Tôi không nhớ hết những gì bà nói, lúc đó tai tôi ù đi, cổ họng nghẹn ứ lại, cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương ghê gớm. Tuy vậy, tôi không khóc, hay đúng hơn cố để không khóc trước ánh nhìn lạnh như băng của người phụ nữ trước mặt. Tôi cũng không hiểu mình lấy đâu ra bản lĩnh để tiếp tục giả vờ như không có gì xảy ra khi anh quay trở vào, lễ phép đứng dậy cáo lỗi có việc đột xuất để về sớm. Anh ngạc nhiên hỏi nguyên do, nhưng tôi không nói, cũng không cho anh đưa về như thường lệ.
Sau hôm đó, tôi không nghe điện thoại, cũng không trả lời tin nhắn của anh. Anh đến phòng trọ tìm, tôi đóng cửa nằm bên trong. Anh tìm gặp tôi ở trường, tôi cũng tránh mặt. Tôi đã suy nghĩ suốt một tuần và quyết định chia tay anh. Tôi không dám gặp mặt để nói lời chia tay, sợ đôi mắt anh sẽ làm tim tôi mềm lại và tất cả quyết tâm sẽ bay mất. Đây là lần đầu tiên tôi quyết định chạy trốn. Chạy trốn anh, chạy trốn chính tôi. Không phải chỉ vì những lời mẹ anh nói, chỉ đơn giản tôi biết hoàng tử là để dành cho các công chúa.
Tôi khá lãng mạn, nhưng không phải là người xa rời thực tế. Tôi hiểu, ngay cả trong các câu chuyện cổ tích, cô bé lọ lem có ở bên cạnh chàng hoàng tử đi nữa, thì phép màu cũng biến mất sau 12 giờ đêm mà thôi. Cuộc sống không phải là những câu chuyện cổ tích. Cũng có thể tôi quá đề cao tự tôn cá nhân, hoặc quá lo xa, nhưng tôi không muốn sống một cuộc đời bên cạnh một người mà luôn thấy mình đứng sau họ. Với tuổi trẻ, và nhất là những người có cái tôi rất cao như tôi, đôi khi có những lý lẽ dẫn đến những quyết định không ai hiểu nổi.
Sau đó một tháng, tôi bỏ số điện thoại cũ, chuyển phòng trọ, bắt cô bạn thân phải hứa không được nói gì với anh nếu không tôi sẽ nghỉ chơi. Ban ngày tôi cố tỏ ra bình thường, nhưng không ai biết hằng đêm tôi vẫn khóc trong nỗi nhớ anh đến cồn cào. Ngay cả cô bạn thân cũng lắc đầu bảo: “Tao thấy tội anh ấy quá. Mày thật tàn nhẫn!”. Tôi chấp nhận, không giải thích, đóng vai một người “tàn nhẫn” như lời cô bạn. Biết làm sao khi tôi không đủ tự tin để tiếp tục bên cạnh anh. Có lẽ, tình yêu của chúng tôi chưa đủ, có lẽ tôi là kẻ chạy trốn hèn nhát…
Cuối cùng, anh thôi đến trường tìm tôi. Cũng phải thôi, tôi đã rời bỏ anh không một lời giải thích, tránh mặt anh mọi lúc. Sự kiên nhẫn và chịu đựng của con người có hạn. Tôi cố không đi qua những con đường mà trước vẫn đi cùng anh, nhưng đôi khi thấy mình không hiểu từ lúc nào đã tha thẩn đi dưới hàng cây kỷ niệm. Mùa hoa sưa năm ấy, buồn tang tóc.
Hai năm đã trôi qua, trái tim lạnh lùng của tôi vẫn chưa một lần lỡ nhịp trước bất kỳ ai. Nỗi nhớ anh thỉnh thoảng vẫn khiến tôi thổn thức. Tuy nhiên, tôi không hối hận với quyết định của mình, có chăng chỉ là chút nuối tiếc những xúc cảm đầu đời. Nếu không đủ tự tin để tiếp tục điều gì, thì tốt nhất là nên kết thúc nó và bước sang một con đường mới – lý trí vẫn nhắc nhở tôi thế.
Hà Nội mùa hoa sưa thứ tư, tôi bận túi bụi với bài vở, luận văn tốt nghiệp. Một ngày tháng ba, đi qua con phố cũ, nhìn hoa sưa nở trắng muốt lòng bỗng mơ hồ buồn. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, chỉ những kỷ niệm là còn vướng vít trên cành hoa sưa, để mỗi độ tháng ba xuân về lại sống dậy giữa lòng Hà Nội.
Tôi nhớ hai câu thơ có lần anh đọc cho tôi nghe:
“Hà Nội nhỏ như bàn tay con gái
Nhỏ như tay em trong tay anh…” (Thơ Ơi em! – Hoàng Anh Tú)
Hà Nội nhỏ là thế, sao ta chưa một lần tình cờ gặp nhau trên phố?!