Sáng nay thức giấc. Một sáng ấm áp. Cả mùa đông dài khóc, bao nỗi niềm trôi hết cả rồi.
***
Tặng N
Cả mùa đông dài bải hoải, tôi nhớ. Mùa đông Melbourne đặc màu xám, phủ lấy từng phố, từng mái nhà, trong mắt tôi và nỗi nhớ của tôi. Mùa đông Melbourne từng là mùa đông rất xa xôi trong miền ký ức thơ ngây của tôi. Tôi từng mường tượng nó sẽ phủ trắng đất đai nhưng trời vẫn ngát xanh như Canada. Và có khi, tôi ngây ngô khi nghĩ rằng mùa đông Melbourne tuyết sẽ ngập đầy không thua gì Peterburg.
Cuối cùng thì mùa đông Melbourne đã đến với tôi. Melbourne đông về không có tuyết, không mưa phùn, không có cải vàng... Tôi đã lựa chọn du học, vào đúng thời điểm đông về. Và rồi tất cả đều màu xám.
Ba năm trước, tôi thoát khỏi vòng kiềm kẹp của gia đình. Một thân, một mình vào Sài Gòn, làm quen với giảng đường đại học. Sài Gòn tấp nập, đông vui có thua gì Hà Nội vừa truyền thống vừa hiện đại của tôi đâu! Tôi học về báo chí và biên tập. Cái ngày bỡ ngỡ chốn đất khách, cái ngày chợt nhận ra người đối xử với người bằng mặt chứ chẳng bằng lòng, tôi đã quen N. N không phải dân Hà Nội. N đến từ Trà Vinh. Nhưng N chia sẻ cùng tôi một ước mơ: tự do.
Chúng tôi tự do rồi! Quãng đời sinh viên ở Việt Nam, ở Sài Gòn tự do lắm. Tiền có thể tự kiếm. Tiền bố mẹ cho có thể thoải mái mua sắm. Hết tiền thì ăn mì tôm. Chúng tôi chẳng oán trách gói mì tôm nhạt nhẽo vì chúng tôi đã tự quyết định lấy cuộc sống như thế! Chúng tôi tôn thờ chủ nghĩa tự do, giữa Sài Gòn chật chội, dưới căn nhà trọ ẩm thấp.
Thời ấy, tôi thích dạo phố. Chiều tan trường, tôi thường tản bộ về nhà trọ. Tôi thường trốn những buổi học nhàm chán để rong ruổi khắp quận Một. N không thích những buổi sáng Sài Gòn. N thích đêm hơn. Tám giờ tối, N thường rủ tôi ra phố ăn kem. Kem Sài Gòn đủ loại nhưng không bằng kem Tràng Tiền. Phố Sài Gòn trẻ quá, không bằng phố Hà Nội cổ kính. Tôi đi nhiều hơn tôi tưởng. Từ ngày qua Melbourne, tôi hiếm khi đi dạo. Mùa đông Melbourne dài quá, uống cà phê nóng để khỏi gật gù, quên trạm khi đi xe điện, làm gì có dịp mà ăn kem, làm gì có dịp mà so sánh kem Melbourne với kem Sài Gòn, kem Tràng Tiền?
N vẫn trung thành với cái nghề, với chủ nghĩa tự do mà nó chọn. Còn tôi, tôi còn tự do không khi đặt chân qua xứ người lần thứ hai? Tôi nhớ N, nhớ những tháng ngày Sài Gòn, trôi qua chóng quá; tôi còn chưa kịp cảm nhận. Tôi nhớ cái hôm N và tôi nhịn đói cả ngày để mua bằng được cuốn sách của nhà văn Rachel Gibson. Chúng tôi chia sẻ cùng nhau giấc mơ Mỹ. Đứa nào cũng chăm học tiếng Anh, để có cái chứng chỉ IELTS đạt điểm tối đa. Đứa nào cũng muốn đoạt được học bổng toàn phần. N cười lộ cái má đồng tiền, thong thả bảo tôi:
"Sau này, chắc chúng mình sẽ nhớ những tháng ngày này lắm nhỉ?"
"Ừ!", tôi đáp, "và biết đâu mình còn tự phục mình trong quá khứ, khùng điên hết chỗ nói!"
"Nhưng mà...", bỗng dưng N thở dài nói, "chúng mình sao mơ mộng quá! Đâu dễ gì mà đặt chân đến Anh, Mỹ hay Úc? Mãi mãi chắc chỉ là giấc mơ mày ạ!"
Có lẽ, ngày ấy, N tiên đoán cho chính mình. Tôi may mắn được đặt chân đến Úc, thiên đàng của bao kẻ. N ở lại học cho xong cái bằng cử nhân. Rồi nó lăng quăng khắp các tòa soạn ở Sài Gòn tìm việc. Nó vất vả, và nếu tôi ở lại, cũng như nó.
Mùa đông sao trải dài những nỗi nhớ? Những buổi chiều ngồi trên xe điện ngầm, tôi thút thít nhớ lại những buổi chiều quê hương. Sài Gòn và Melbourne cách nhau năm tiếng phi cơ, nằm cùng trên một hành tinh nhưng cứ ngỡ như hai thế giới biệt lập. Có bức tường vô hình nào không? Tôi cố leo mãi trong những giấc mơ nhưng không thể nào trở về ngày cũ.
N trao cho tôi những cuốn sách mà nó quý nhất. Tôi đã do dự rất nhiều, không biết nên bỏ vào vali hay sẽ nhờ người nhà gửi lại cho nó. Nhưng cuối cùng, tôi cũng mang theo kỷ vật của N, cô bạn gái Trà Vinh có cái má đồng tiền. Chúng tôi từng bị những trang sách làm cho quên ăn quên ngủ. Quãng đời sinh viên ở Việt Nam, giờ nhìn lại, sao thấy nó đẹp! Tôi cất kỹ trong ngăn bàn học. Tôi khóa cửa kỹ khi ra khỏi phòng. Tôi sợ mất những cuốn sách ấy. Melbourne xa lạ. Melbourne đất khách. Melbourne là Sài Gòn thứ hai. Melbourne bằng mặt chứ chẳng bằng lòng. Melbourne không có N.
Tôi xuống phố, vác về cái bụng đầy pizza và coca. Tôi ăn cho có lệ. Sao giữa cái Melbourne xám này không có lấy một tri kỷ? Tri kỷ tôi ở đâu? Tôi cầm đại một cuốn sách, giở đại một trang. Đây rồi, sách là tri kỷ của tôi! Đây rồi, Midori là tri kỷ của tôi! Đây rồi, Don Quixote là tri kỷ của tôi!... Ở đây tôi bị trói buộc, tôi không có tự do. N tự do hơn tôi. Thế là tuổi trẻ tôi chấm dứt rồi?
Đặt chân xuống phi trường, tôi định thần lại. Tôi đã là con người khác rồi, một con người ở xứ tự do nhưng không có tự do. Tôi phải tiếp tục sống, phải tiếp tục học. Tôi học về kinh tế, cái ngành học trói buộc đầu óc tôi trong những con số, những khái niệm "vi mô", "vĩ mô", "thặng dư",... Tôi phải đi làm. Làm để phục vụ cho cái điều kiện tiên quyết: "sống". Thế đấy, sống, học và làm. Làm để nhận rõ ra một Melbourne bằng mặt chứ chẳng bằng lòng. Làm để sống!
Ngày còn ở Việt Nam, tôi không có thói quen ngủ sớm. Kem Tràng Tiền phải ăn buổi tối mới ngon. Ngắm Tháp Rùa ban ngày không đủ đẹp. Ăn bánh tôm phải ngồi cạnh hồ Tây về chiều... Sài Gòn về đêm thì đẹp lắm. Nếu không đi dạo cùng N, không ăn kem, không ghé vào Chợ Lớn ăn sủi cảo thì cũng nằm đọc sách ở nhà. Chúng tôi từng bị những trang sách làm cho quên ăn quên ngủ. Melbourne không như Sài Gòn, không như Hà Nội. Melbourne vắng vẻ. Melbourne làm tôi nhớ nhà, quê nhà!
Melbourne, nơi tôi đang sống, nơi tôi phải đi ngủ sớm. Giấc ngủ Melbourne là giấc ngủ mỏi mệt sau những giờ nhồi nhét giá trị thặng dư, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, phát triển kinh tế, phát triển kinh tế! Melbourne nhắc tôi phải ngủ sớm để sáng mai còn phải lồm cồm bò dậy để đi làm. Làm để sống. Melbourne không cho tôi ngủ nướng. Trời lạnh, ai không muốn ngủ thêm, nhưng Melbourne giục dậy sớm đi làm. Cuộc sống của người Việt đất khách là thế. Làm để sống. Tôi sẽ phải ăn một ổ sandwich, thức ăn của người phương Tây. Tôi sẽ phải "hello" thay vì "xin chào", sẽ phải "i'm sorry" khi tôi đến trễ mà không thể nói thêm lý do. Tôi có còn là người Việt, có còn là con của mẹ Âu Cơ?
Đêm qua tôi nhận được cuộc điện thoại của mẹ trước khi bị lôi vào giấc ngủ. Cũng vẫn là những lời hỏi han, tôi còn ho không, đủ tiền ăn không, mặc đủ ấm không...? Các bà mẹ đều hỏi như thế nếu con mình xa nhà. Giọng mẹ tôi đêm qua nghe mệt mỏi hơn, già nua hơn giọng mẹ tôi hồi tháng trước. Tôi làm khổ mẹ. Lẽ ra tôi nên yên thân ở Việt Nam. Lẽ ra tôi phải giật được học bổng toàn phần. Lẽ ra tôi nên học ở Hà Nội, ở cạnh mẹ trước khi sang Úc.
Tháng Chín vừa rồi, Melbourne lạnh cóng, Hà Nội trở gió. Gió mùa đông bắc. Gió mùa đông bắc se lòng. Sài Gòn vẫn nắng ráo. Sài Gòn, trời vẫn xanh. N cặm cụi trong tòa soạn. Tôi lê bước đơn độc trên hè phố Melbourne. Phải rồi, tháng Chín không đơn thuần là Hà Nội trở gió, Melbourne lạnh cóng, N cặm cụi làm việc. Tháng Chín còn là tháng đánh dấu mối tình thời sinh viên. Thời sinh viên mà không chịu yêu thì để dành thời nào yêu?
Tôi yêu anh. Tháng Chín. Sài Gòn nắng ráo. Trời vẫn xanh. Tôi yêu anh. Anh còn nhớ đến tôi không? Ngày tôi lên chiếc phi cơ, anh nắm chặt tay tôi. Và tiễn biệt. Tại sao không phải là tạm biệt?
Dạo miền quá khứ, anh đã từng nói tôi có nụ cười tỏa nắng. Thế nào là tỏa nắng hả anh? Anh nói nụ cười tỏa nắng của tôi chỉ riêng anh cảm nhận được. Anh nói anh có đôi mắt của kẻ si tình. Nhưng không gian thực tại là căn phòng trống vắng. Mình tôi. Anh đã ở lại, tiễn tôi đi. Tôi cứ tưởng anh sẽ không đến để tiễn tôi đi.
Cuối tháng Mười, anh chạy chiếc xe honda, giữa trưa, đến trường tôi học. Anh nói anh xin lỗi vì hôm nay khách đông. Tôi giận anh mấy phút. Cái hôm tôi giận là cái hôm kỷ niệm một tháng yêu nhau. Anh không đi học. Anh là một thằng đàn ông. Anh tự do. Anh sống tự lập. Anh đi làm. Làm để sống. Anh làm phục vụ cho một quán ăn. Tôi yêu anh chỉ vì vậy.
Anh nhớ ngày kỷ niệm yêu nhau. Anh tặng tôi cây bút máy. Cây bút máy bơm thứ mực tím ngắt như màu buồn tô lên chuyện tình của chúng tôi. Cây bút máy tôi đang cố viết nắn nót những dòng chữ này. Tôi sẽ đưa những dòng này cho ai đọc? Ai sẽ hiểu tôi? Anh không hiểu tôi! Nếu anh hiểu tôi, tôi sẽ không bơ vơ giữa Melbourne.
Tháng Ba, Sài Gòn ngập nắng, tôi lại trốn học để rong ruổi phố xá cùng anh, hôm ấy anh nghỉ làm. Chúng tôi thích vừa trò chuyện vừa tản bộ. Anh vuốt mái tóc tôi. Anh lại ngắm nghía nụ cười tỏa nắng của tôi. Thế nào là tỏa nắng hả anh?
Buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn còn vô tư. Giấc mơ Mỹ tồn đọng trong ngõ ngách nào của vô thức? Tôi không nhớ rằng mình có giấc mơ Mỹ. Tôi chỉ biết tôi yêu anh. Tôi chỉ biết tôi quý N. Tôi chỉ biết tôi thương mẹ. Còn giấc mơ Mỹ thì sao? Thì nếu sau bốn năm, tôi không đoạt được suất học bổng toàn phần, tôi sẽ nhượng lại cho những đứa em khóa dưới. Nhưng bất chợt anh nói:
"Mình chia tay đi!"
Sài Gòn nắng đẹp, khung cảnh này phù hợp với lời tỏ tình, lẽ nào lại là yêu cầu chia tay? Tôi vỗ vai anh:
"Anh đùa à?"
"Không", anh đáp, "em còn tương lai, còn giấc mơ du học. Đừng vì anh mà từ bỏ giấc mơ. Hãy học tiếng Anh thật tốt. Hãy xa nhau ngay từ bây giờ cho quen".
Tôi giận anh một tháng. Giấc mơ Mỹ chỉ là giấc mơ. Giấc mơ Mỹ không phải cứu cánh trong cuộc đời. Tôi muốn tự do, không muốn bị bó buộc. Anh không hiểu tôi. Tôi giận anh một tháng. Và sau đó, chúng tôi chia tay thật. Tôi có chê anh nghèo hèn? Tôi yêu anh chỉ vì "anh sống như anh đang sống".
Cuối tháng Tám vừa rồi. Tôi đặt chân xuống Melbourne. Tôi đặt chân xuống nước Úc, không phải nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ chết rồi. Tôi căm thù nó. Giá như tôi đừng ôm ấp giấc mơ Mỹ. Nhưng tôi đến Úc làm gì? Để học kinh tế! Để xa anh! Tôi đã chọn du học tự túc để xa anh, để anh nhận ra anh đã sai khi nói lời chia tay vào cái hôm Sài Gòn bước vào độ tháng Ba. Tháng Tám, Melbourne lạnh hơn tôi tưởng. Tháng Chín, con phố dài mải miết, xám màu trong mắt tôi.
Tháng Chín, đông dài, tôi nhớ. Nhớ mẹ, nhớ N, nhớ anh, nhớ Sài Gòn. Sài Gòn nắng ráo. Melbourne đào đâu ra giọt nắng Sài Gòn? Tôi đọc tiểu thuyết. Tôi viết những dòng nhật ký màu mực tím. Màu tím pha nỗi nhớ. Tôi nằm mơ, giấc mơ muốn trèo qua bức tường vô hình, về lại Sài Gòn. Tôi mơ cái ngày tôi về Việt Nam, anh quỳ dưới chân tôi xin tạ lỗi, N ôm chầm lấy tôi hỏi tôi về những cuối sách. Cỏn mẹ tôi. Mẹ tôi khóc ngập cả Nội Bài. Tôi cũng khóc. Tôi tỉnh giấc và tôi khóc. Lại viết nhật ký và khóc ướt những dòng chữ tím.
Sáng nay thức giấc. Một sáng ấm áp. Cả mùa đông dài khóc, bao nỗi niềm trôi hết cả rồi. Nắng ấm quá. Ngoài song cửa, nắng lên rồi. Gió lạnh chết rồi, nắng đến khai tử cho mùa đông dài lạnh lẽo. Ôi, nắng đến khai tử cho nỗi buồn của lòng tôi, nắng ơi! Tôi viết cả mùa đông của tôi vào những trang cuối cùng cuốn nhật ký.
- Lý Minh Kỳ -