Thú thực là tôi không mê xem bóng đá như bọn con trai, dù thi thoảng cũng vẫn cùng hội bạn đá vài trận... Bạn ấy thường chê tôi không phải con trai.
***
Viết cho mùa World Cup...
Cả khu phố đón World Cup bằng những đêm sáng đèn, tiếng bình luận viên phát từ ti vi và tiếng hò hét mỗi khi kết thúc trận bóng. Trên facebook, new feed đưa tin rặt về World Cup, mấy câu status la hét chuyện thua cá độ, kể cả mấy cô nàng thường ngày chẳng bao giờ biết đến "việt vị", "phạt góc" là cái gì cũng ầm ầm chuyện anh cầu thủ nào đẹp trai, kute. Chỉ có riêng tôi vẫn thờ ơ đứng ngoài. Một ngày không World Cup, vẫn dậy sớm đi luyện thi đại học, đến lớp tiếng Nhật cùng Khanh, tối thì đi làm thêm ở cửa hàng bánh ngọt, vài ba buổi chiều rỗi rãi lại ghé qua sân tập bóng rổ hai tiếng.
Thú thực là tôi không mê xem bóng đá như bọn con trai, dù thi thoảng cũng vẫn cùng hội bạn đá vài trận. Tôi khoái bóng rổ hơn. Ấy thế mà cô bạn Khanh nhà hàng xóm bên cạnh thì lại khác. Giải Ngoại hạng Anh, World Cup, Euro, Khanh gần như ăn, ngủ, nghỉ cùng bóng đá. Cô nàng mê trái bóng lăn, thuộc làu làu tên các cầu thủ nổi tiếng, các câu lạc bộ, cuối tuần nào cũng dành thời gian đi đá bóng với hội con trai. Trong những buổi thức đêm xem bóng đá, khi tôi đã cảm thấy vô vị đến mức buồn ngủ díp mắt thì hai mắt Khanh vẫn mở thao láo và dính chặt vào màn hình ti vi. Bạn ấy thường chê tôi không phải con trai.
"Cậu cũng không phải con gái. Con gái gì mà lúc nào cũng huỳnh huỵch."
Khanh chỉ cười toe và nhét cốc trà sữa mát lạnh vào miệng tôi. Thế đấy.
"Vào!!! Vào rồiiii"
Tiếng la hét ầm ĩ ở khu phố làm tôi giật mình giữa giấc ngủ. Tôi xuống dưới nhà pha một cốc trà mang lên tầng. Đứng trên ban công tầng hai, vừa nhâm nhi cốc trà nong nóng, tôi vừa đưa mắt xuống sân nhà bác Tám bên kia tìm bóng người quen thuộc. Quả nhiên nhìn thấy cô bạn nhỏ nhắn đang la hét ăn mừng với mấy anh lớn trong phố, gương mặt rạng rỡ. Tôi cười thầm, hai tay áp vào thân cốc, hơi nóng dịu dàng tỏa ra.
Nhớ lần đầu tiên gặp cô bạn, tôi mới là một cậu bé năm tuổi mới chuyển về khu phố này sống, rụt rè đứng trong sân nhà mình nhìn lũ bạn chưa quen chơi đùa. Bỗng đâu một cô bé gầy nhom, mái tóc cắt ngắn đến gáy như con trai chạy ào tới kéo tay tôi đi đá bóng. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một đứa con gái chơi đá bóng, mà đá còn hay hơn lũ con trai. Cô bé ấy có đôi mắt rất trong, rất sáng, người gầy bé nên luồn lách linh hoạt, nhanh nhẹn. Chúng tôi quen nhau như thế, rồi thân hơn chút nữa, chút nữa, rồi lại chút nữa.
Nhớ cái hồi trẻ con non nớt Khanh vẫn hay đứng ra chịu phạt vì tôi. Khi tôi mới đi học lớp một, lớp hai có rất nhiều đứa con trai to khỏe trong lớp cậy thế mà bắt nạt. Khanh lôi từng đứa một thụi vào bụng nó những cú đau điếng. Nhưng lúc bị cô giáo, bố mẹ phạt, Khanh không hé răng dù chỉ một lời. Buổi tối tôi chạy sang nhà Khanh, nép mình sau cánh cổng dòm vào, tôi thấy Khanh đang đưa tay ra để bố đánh. Từng roi từng roi hạ xuống, gương mặt bạn ấy vẫn cứng cỏi như vậy, thậm chí một giọt nước mắt cũng không rơi, một tiếng kêu cũng không bật ra khỏi miệng. Sáng hôm sau cùng nhau đi học, tôi lén chạm vào lòng bàn tay Khanh, sưng phồng. "Không sao, chúng mình là bạn mà, nhớ không?" Bạn ấy đã từng nói như thế. Người lớn thường bảo trẻ con ngây thơ, non nớt không biết gì, nhưng tôi của ngày ấy, một cậu nhóc sáu bảy tuổi đã nghĩ rằng nhất định phải luôn bảo vệ Khanh, bảo vệ nụ cười rạng rỡ nở trên môi bạn ấy. Và bây giờ, khi đã mười tám tuổi, lớn hơn, khỏe hơn, đã trở thành đội trưởng đội bóng rổ ở trường, tôi không còn bị ai bắt nạt đến phát khóc nữa, tôi nghĩ tôi vẫn sẽ bảo vệ Khanh, bảo vệ nụ cười của bạn ấy, giống như bạn ấy đã từng bảo vệ tôi.
Chúng tôi thường đứng trên ban công, hai ban công kề sát nhau chỉ cách một bức tường, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Khanh vẫn hay mơ ước được đặt chân đến Nhật Bản, đất nước có loài hoa anh đào đẹp đẽ mà ngắn ngủi. Cô bạn bảo hết mùa World Cup năm nay sẽ không thi đại học mà tìm một học bổng sang Nhật. Những câu chuyện ở ban công lớn dần với chúng tôi, lớn dần với thời gian. Có lẽ chúng sẽ mãi nằm im ở ban công đầy gió ấy, gửi vào ánh trăng những lời thì thầm dịu ngọt.
Đôi lúc, vô tình hoặc cố ý, Khanh vẫn nhắc tới Quân. Quân là cậu bạn lớp trưởng ở lớp tiếng Nhật mà tôi với Khanh vẫn hay tới học. Khanh thích Quân lâu lắm rồi, gần hai năm. Quân là một cậu bạn bí ẩn. Cậu dong dỏng cao gầy, mái tóc nâu xù, đôi mắt đen sâu thăm thẳm. Quân ít khi bắt chuyện với các bạn khác trong lớp, ừm, hình như là ngoài Khanh thì không còn ai nói chuyện được với cậu ta cả. Khanh bảo hai người họ làm chung chỗ làm thêm ở tiệm sách. Khanh còn bảo Quân hay đọc sách, mê chụp ảnh và thích uống cà phê. Cô bạn nói nhiều về cậu ấy lắm. Nhiều đến mức có đôi khi tôi hay gắt lên khi Khanh chuẩn bị nói điều gì đó về Quân. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy Khanh là con gái. Thích làm đẹp hơn, ăn nói nhỏ nhẹ hơn và thường xuyên ngồi ngẩn ngơ trên ban công. Sự thay đổi ấy như là một điều tất yếu khi người con gái mới lớn bắt đầu bước vào thời kì yêu đương. Nhưng sự thay đổi nho nhỏ từng chút một ấy cũng đủ làm tôi khó chịu. Tôi vẫn thích bạn ấy cắt tóc ngắn như con trai, hò hét ngồi xem bóng đá và chạy huỳnh huỵch theo trái bóng lăn tròn.
"Tớ tỏ tình với Quân, nhé?"
Khanh đứng trên ban công, đôi mắt sáng nhìn sang tôi háo hức. Lời bạn ấy làm tôi bất ngờ đến nỗi suýt sặc... trà sữa.
"Mai chở tớ tới Brown Coffe nhé, tớ hẹn Quân rồi." - Khanh thản nhiên nhìn tôi ho khổ sở, rồi lại thản nhiên nói.
Tôi không biết mình có thích Khanh hay không, nhưng tôi vẫn sẽ luôn bảo vệ nụ cười rạng rỡ của bạn ấy và giúp bạn ấy hạnh phúc. Vì vậy bất kì chuyện gì có thể khiến Khanh mỉm cười, tôi cũng sẽ làm.
"Cậu chắc chắn về quyết định của mình không? Có hối hận không?"
"Tớ chắc chắn, tớ sẽ không hối hận. Thật đấy." – Khanh nhìn tôi chắc chắn.
"Điều này làm cậu vui chứ?"
"Đương nhiên." – Đôi mắt bạn ấy lấp lánh như sao trời.
"Được, tớ ủng hộ cậu."
Khanh ra khỏi Brown Coffee, thẫn thờ bảo: "Bạn ấy không thích tớ, thật đấy, dù chỉ là một xíu xiu." Tôi thấy giọng Khanh như sắp khóc. Tôi bảo bạn ấy lên xe và cứ dựa vào lưng tôi, nếu muốn. Khanh áp mặt vào lưng tôi nhưng không nói gì, những tiếng thổn thức thật khẽ. Tôi không về nhà ngay mà đạp xe quanh quanh thành phố. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy Khanh khóc, dù bạn ấy bị ngã xe, máu chảy thấm ướt quần áo, dù bạn ấy bị cô giáo mắng té tát trước lớp, bạn ấy cũng chưa từng rơi một giọt nước mắt. Thế mà hôm nay vì một cậu con trai mà Khanh khóc suốt một tiếng đồng hồ, khóc đến khi phát nấc lên. Có lẽ, bạn ấy phải thích Quân nhiều lắm.
Khanh vẫn đi học tiếng Nhật nhưng là ở ca khác, vẫn đi làm thêm nhưng chuyển tới một quán cà phê mới mở. Đêm, bạn ấy không xem World Cup, không hò hét khi có bóng vào lưới, không chạy theo trái bóng lăn tròn. World Cup không có Khanh, buồn thiu. Ban công lộng gió không còn những tiếng cười đùa, những câu chuyện về bóng đá, về đất nước Nhật Bản của bạn ấy, cũng trở nên buồn tẻ.
Tôi ghét Khanh của bây giờ, chạy trốn như một con rùa rụt cổ. Tôi nhớ bạn ấy ngày xưa hơn, mạnh mẽ đứng ra bảo vệ tôi, khi tôi bỏ cuộc, tôi chạy trốn, bạn ấy đấm vào mặt tôi một phát và gào lên: "Chạy nữa đi xem nỗi buồn của cậu có mọc chân mà chạy đi mất không?" Bây giờ tôi cũng muốn gào lên với bạn ấy như thế quá.
Hai giờ sáng, đèn bên nhà bác Tám vẫn sáng choang, tiếng ti vi phát, tiếng người trò chuyện, bình phẩm. Tôi ra ngoài ban công, bâng quơ nhắn cho Khanh: "Ra ban công chơi với tớ đi." Năm phút sau tiếng cửa cọt kẹt mở ra, Khanh díp mắt nhìn tôi.
"Tớ muốn xem World Cup."
"Ừ thì đi xem đi, sao phải gọi tớ?"
"Vì World Cup không có cậu thì buồn thiu."
Khanh bật cười trước câu nói của tôi. Tôi lại bảo: "Xem World Cup với tớ đi Khanh. Trốn mãi cậu không thấy mệt à, dù cậu có trốn được mãi thì nỗi buồn cũng đâu có mọc chân mà chạy đi, Quân cũng đâu có thích cậu được."
Khanh cúi đầu nhìn sang sân nhà bác Tám, mái tóc dài bay phất phơ trong gió.
"Ừ thì đi, đi xem World Cup, cho nỗi buồn mọc chân chạy đi mất nào."
Tôi và Khanh đã đi qua mùa World Cup năm nay như thế, đi qua nỗi đau thất tình ấy như thế. Mỗi buổi tối lại ôm đủ thứ bỏng ngô, bim bim, nước ngọt sang nhà bác Tám, ngồi trước màn hình ti vi và hò hét khi có bóng vào lưới. Mỗi chiều mát rượi lộng gió lại chạy lên ban công, nói chuyện đủ kiểu. Về World Cup, về bóng đá, về Nhật Bản.
World Cup có tiếng hò hét của chúng tôi, lại rộn ràng. Ban công đầy gió có tiếng người nói chuyện, có những câu chuyện linh tinh của hai đứa nhóc, lại vui.
Hết mùa World Cup, Khanh không thi đại học mà xin được một học bổng du học sang Nhật hai năm. Trước ngày Khanh bay, chúng tôi lại lên ban công và nhồi thêm cho nó những câu chuyện mới. Cô gái nhỏ của tôi, tôi không biết mình thích cô ấy hay không, à mà điều ấy không quan trọng, quan trọng là chúng tôi đã đi qua được nỗi buồn to bự chảng của cô ấy, đã đi qua mùa World Cup đáng nhớ. Và, chúng tôi vẫn đang nắm lấy tay nhau, thật chặt.
Tôi và Khanh ngồi ở ghế chờ, cả hai chìm trong những mớ hỗn độn miên man riêng mình. Khi tiếng loa thông báo vang lên, Khanh chậm rãi kéo chiếc vali đi vào phía trong. Đột nhiên bạn ấy dừng lại, quăng vali bỏ đấy và chạy tới ôm chầm lấy tôi một cái. Qua những tiếng thổn thức khẽ khàng, tôi nghe thấy bạn ấy nói: "Chờ tớ. Tớ nhất định sẽ về kịp Euro mùa sau..."
World Cup 2014.