Theo nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới Carol Dweck đến từ trường Đại học Stanford, đồng thời cũng là người sau nhiều năm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cống hiến, chăm chỉ và phục hồi còn quan trọng đối với sự tăng trưởng và thành công hơn rất nhiều so với trí thông minh và não bộ thì tư duy (mindset) là một tập hợp các thái độ. Khi chúng ta thay đổi tư duy sang tư duy phát triển thì chúng ta sẽ thay đổi cuộc đời.
Để cải thiện tư duy, dưới đây là 5 thứ mà bạn có thể làm mỗi ngày, rất đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng chỉ trong 20 phút.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dành một vài phút mỗi ngày để tĩnh tâm có thể giúp cho đầu óc của bạn được "thông thoáng" và đón nhận thêm nhiều ý tưởng sáng tạo.
Ngồi hoặc đứng tại một nơi yên tĩnh với chân trần, hai tay thả lỏng hoặc đặt trên đầu gối và cố gắng không suy nghĩ bất cứ điều gì cả. Hãy tưởng tượng bạn đang ở một nơi yên bình như trên một bãi biển hay thảo nguyên xanh mướt, sau đó, tập trung vào hơi thở (thở bằng bụng) một cách có ý thức và sâu sắc.
Nếu phát hiện tâm trí bắt đầu có những xáo trộn do suy nghĩ về một vấn đề gì đó thì hãy quay trở lại hình dung về bức tranh yên bình mà bạn đã tưởng tượng ra trước đó.
Bạn không cần phải là một chuyên gia về thiền. Chỉ cần dành ra từ 5 đến 10 phút mỗi ngày để tĩnh tâm và tập trung vào hơi thở là bạn đã có thể giải tỏa mọi căng thẳng, làm sạch tâm trí của mình và sẵn sàng hơn cho những thử thách kế tiếp.
Bạn đã bao giờ thức dậy vào buổi sáng mà thấy thời tiết ngoài trời rất âm u chưa? Những lúc như vậy, có phải bạn tự nhủ rằng "chắc hôm nay sẽ là một ngày tệ hại?" Tôi đã từng thế rồi đấy.
Thường, những ngày đó sẽ kết thúc đúng như bạn dự đoán: tẻ nhạt, tồi tệ, khủng khiếp với đủ các loại biến cố và bạn chỉ muốn về nhà đi ngủ!
Suy nghĩ của chúng ta có một sức mạnh vô cùng lớn. Chúng tạo ra cảm xúc dẫn tới hành động và những cách cư xử mà quyết định cả một ngày của chúng ta sẽ diễn tiến theo chiều hướng như thế nào. Do vậy, hiểu rõ được việc lựa chọn suy nghĩ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mỗi người có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
Mỗi ngày, hãy dành ra 5 phút để kiểm tra xem thử những suy nghĩ của bạn hiện tại là tiêu cực hay tích cực và thẳng tay gạt bỏ những tư tưởng bi quan để bắt đầu một ngày mới thật tuyệt vời nhé.
Trước khi ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng, hãy đặt ra mục tiêu bạn muốn kết thúc ngày hôm nay của mình như thế nào? Bạn muốn hoàn thành những việc mà khiến bạn hài lòng vào cuối ngày? Bạn có muốn gặp lại bạn cũ, hẹn hò, hoàn thành một dự án nào đó, đi xem bộ phim yêu thích không? Bạn có muốn nấu một món ăn mới hay tự tay làm món quà tặng cho người ấy?
Không nhất thiết phải là những điều lớn lao. Chỉ cần thứ bạn muốn đạt được khiến bạn hài lòng và phù hợp với mục tiêu lớn hơn mà bạn đang cố gắng chinh phục.
Đặt thời gian mỗi ngày và đến đúng thời điểm đó thì hãy ngồi vào bàn và viết ra những thứ khiến bạn cảm thấy biết ơn. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học Robert Emmons đến từ Học viện giảng dạy và nghiên cứu đa ngành hàng đầu thế giới UC Davis thì duy trì một cuốn sổ biết ơn sẽ góp phần vào việc hình thành thái độ sống tích cực, cải thiện tâm trạng, ngủ ngon hơn và hệ miễn dịch cũng hoạt động "khỏe" hơn nữa.
Từ hôm nay, mỗi ngày, hãy thử ghi ra 5 điều mà bạn cảm thấy biết ơn và chắc chắn, bạn sẽ bất ngờ vì những điều tốt đẹp mà thói quen này mang đến đấy.
Trước khi muốn đưa tâm trí vào trạng thái tĩnh lặng, hãy dành 2 phút để đăng xuất khỏi mạng xã hội, Gmail, các ứng dụng chat, điện thoại... hay bất cứ thứ gì khác khiến bạn cảm thấy phân tán.
Trên đường đi làm hoặc đi học, bạn có thường đeo tai nghe không? Nếu có thì ngay ngày mai, hãy thử tắt hết chúng: không nghe nhạc, không nghe điện thoại, podcast, tin tức, bài giảng, video, không dán mặt vào điện thoại...., đơn thuần, chỉ đi trên đường và tới nơi làm việc. Chắc chắn, bạn sẽ thấy mọi thứ rất khác đấy.
Đừng để phụ thuộc vào các thiết bị điện tử khi bạn có thời gian để hòa nhập vào cuộc sống thường ngày, hãy lắng nghe nhiều hơn, quan sát nhiều hơn và bạn sẽ thấy xung quanh còn rất nhiều điều ý nghĩa mà bạn đã vô tình lãng quên đấy.