Rất nhiều thứ liên quan đến môi trường kinh doanh trong tương lai đã được dự đoán nhưng không một ai biết chắc chắn về việc mọi thứ thực sự sẽ diễn ra như thế nào. Trong khi đó, các công ty hàng đầu vẫn không ngừng cải tiến chiến lược phát triển giúp hợp nhất chặt chẽ các quá trình quản lý nhân lực và tổ chức.
Khi bàn về tương lai của các doanh nghiệp, Toni Cusumano – người hiện đang điều hành "gã khổng lồ" về tư vấn kiểm toán PwC (một trong tứ đại gia về kiểm toán – Big 4) đã tạo ra 3 viễn cảnh khác nhau và tương ứng với mỗi viễn cảnh này là một thế giới. Mặc dù không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về một tương lai như thế nào sẽ được xem là tốt hơn nhưng điều này cũng sẽ thúc đẩy các tổ chức cân nhắc những kế hoạch phát triển của họ khi thị trường lao động có sự thay đổi theo chiều hướng khác và làm thế nào mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược của mình để đảm bảo đi đúng tầm nhìn và đạt được thành công như mong muốn.
Viễn cảnh thứ nhất được đặc trưng bởi một thế giới "màu cam" – nơi sự nhỏ nhắn được xem là điều tốt đẹp. Thế giới lúc này nổi bật với các tổ chức được chia thành nhiều mạng lưới hợp tác làm việc dưới các quy mô nhỏ hơn và thay vì là các tập đoàn khổng lồ, chúng được chuyên môn hóa để hoạt động trong các mô hình công nghệ cao hoặc có tác động thấp với mục tiêu tối đa khả năng linh hoạt và tối thiểu chi phí.
Trong thế giới "màu cam", số lượng các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn bắt đầu giảm. Đồng thời, chúng được thay thế bởi các công ty nhỏ và có sự linh hoạt cao hơn, cung cấp nguồn nhân công với khả năng tự quản và đa dạng phương pháp làm việc. Người lao động cũng không còn mặn mà với các con đường phát triển sự nghiệp theo cách truyền thống hay làm việc tại cùng một tổ chức trong nhiều năm liền, giờ đây, họ "ưa thích" ký kết các hợp đồng lao động với thời giạn dài. Theo PwC, cứ 5 nhân viên văn phòng thì có 2 người tin rằng tuyển dụng truyền thống sẽ không còn phù hợp với sự phát triển trong tương lai nữa. Đồng thời, viễn cảnh "màu cam" này cũng phản ánh một sự tăng trưởng lớn về số lượng thế hệ Millennials trong môi trường làm việc.
Viễn cảnh thứ hai đó là một thế giới "màu xanh da trời" – nơi các tập đoàn lớn được xem là những ông hoàng. Trong thế giới này, các tổ chức tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn và chi phối nền kinh tế với biểu lộ bên ngoài mang đậm các sắc thái của chủ nghĩa tư bản.
Động lực của các tập đoàn là những kỳ vọng về lợi nhuận khổng lồ và kiểm soát thị trường, buộc họ phải cạnh tranh để giành giật lấy các tài năng và nguồn lực với những công ty lớn khác trên toàn thế giới. Để đáp ứng được những đòi hỏi của khách hàng, các tổ chức này cũng không ngừng đối mới và thử nghiệm những điều mới. Thay vì đưa ra những đề xuất về cơ hội làm việc dưới dạng hợp đồng cho người lao động, thế giới "màu xanh trời" tưởng thưởng cho những nhân viên đồng hành cùng tổ chức trong thời gian dài với sự cam kết về nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Sau thời gian dài cống hiến, họ cũng sẽ nhận được một mức lương có sự điều chỉnh tương ứng.
Viễn cảnh cuối cùng được biết đến như là một thế giới "màu xanh lá cây" bị chi phối bởi trách nhiệm xã hội. Trong tương lai này, những công ty thành công nhất là những doanh nghiệp quan tâm và có các chương trình phát triển bền vững. Sự trung thành giữa nhà quản lý và người lao động ngày càng bền chặt thông qua các giá trị về mặt đạo đức và sự cân bằng mạnh mẽ giữa công việc – cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy 65% người lao động trong thế giới "màu xanh lá cây" muốn làm việc cho các tổ chức có sự nhận thức rõ ràng về xã hội và viễn cảnh này cũng có sự xuất hiện của một lượng lớn thế hệ Millennnials sống có mục đích và trách nhiệm xã hội - những thứ mà họ cũng muốn được nhìn thấy tại các công ty mà họ ứng tuyển.
Nghiên cứu này của PwC không dự đoán được liệu nền kinh tế trong tương lai sẽ như thế nào nhưng rõ ràng, những kết luận trên đã thúc đẩy các doanh nghiệp cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về mọi thứ sẽ xảy ra trong thời gian tới qua nhiều lăng kính khác nhau thay vì bảo thủ với góc nhìn hiện tại. Có như vậy, doanh nghiệp mới dễ dàng thích nghi và điều chỉnh chiến lược phát triển của mình một cách phù hợp hơn trước các thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.