Bất cứ ai đã từng tham gia các lớp học về kinh tế cũng đã từng nghe đến câu nói này: "Không có thứ gì gọi là bữa trưa miễn phí cả".
Điều này có nghĩa mọi thứ trên đời này đều mất phí, ngay cả khi những khoản phí đó không rõ ràng từ lúc ban đầu. Để đạt được bất cứ điều gì, bạn buộc phải từ bỏ một thứ gì đó khác.
Trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi hạnh phúc như hiện nay, đa phần ai cũng theo đuổi thứ ngược lại: hạnh phúc miễn phí, tất cả các lợi ích. Chúng ta muốn phần thưởng mà không có rủi ro, muốn được lợi mà không trải qua đau đớn.
Nhưng trớ trêu thay, sự không sẵn sàng hy sinh và không muốn từ bỏ bất cứ điều gì đó lại càng khiến chúng ta càng khốn khổ.
Xem thêm:
Như tất cả những thứ khác trên đời, hạnh phúc cũng mất phí. Nó không hề miễn phí. Và mặc dù điều mà Cover Girl, Tony Robbins hay Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói với bạn về hạnh phúc thì chẳng có gì dễ dàng như cơn gió thoảng qua vậy đâu.
Nhiều người tin rằng họ chỉ cần có một ngôi nhà, một người bạn đời, một chiếc xe hơi và 2 đứa con là mọi thứ đã trở nên "hoàn hảo". Cuộc sống như thể có một checklist. Bạn đánh dấu nhân khi đã đạt được thứ gì đó, bạn vui, rồi bạn già đi sau vài thập kỷ và sau đó, bạn qua đời.
Một khi chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân mình thì không một ai có thể sử dụng chúng để chống lại bạn
Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra theo cách như vậy. Các vấn đề luôn tồn tại – chúng thay đổi và tiến hóa. Sự hoàn hảo của ngày hôm nay sẽ trở thành "đầm lầy" đầy rẫy những vết nhơ bẩn của ngày hôm qua và chúng ta càng nhanh chóng chấp nhận cuộc sống luôn phát triển và không hoàn hảo thì tất cả chúng ta càng sớm có thể đặt được món pizza yêu thích và trở về nhà (mà không phải lo toan hay bon chen gì nữa cả).
Hoàn hảo là điều lý tưởng hóa. Nó là thứ gì đó có thể được tiếp cận nhưng không bao giờ đạt được. Bất cứ khái niệm nào của sự "hoàn hảo" xuất hiện trong cái đầu nhỏ bé đầy xinh xắn của bạn thì tự bản thân nó là một khái niệm không hề hoàn hảo.
Không hề có sự hoàn hảo. Đó là điều duy nhất mà bạn chỉ có thể ước trong đầu.
Chúng ta không thể quyết định được sự hoàn hảo là gì. Chúng ta cũng không biết. Tất cả những gì chúng ta biết đó là thứ gì tốt hơn hoặc tệ hơn hiện tại. Và ngay cả khi đó, chúng ta cũng thường mắc sai lầm.
Khi từ bỏ khái niệm về thứ hoàn hảo và thứ gì đáng lẽ "nên" hoàn hảo thì chúng ta sẽ tự giải phóng chính mình khỏi căng thẳng và nỗi thất vọng phải từ bỏ một vài tiêu chuẩn độc đoán. Và thường, tiêu chuẩn này không phải của chúng ta! Đó là tiêu chuẩn mà chúng ta nuôi dưỡng từ những người khác.
Chấp nhận sự không hoàn hảo không hề dễ bởi vì nó buộc chúng ta phải chấp nhận sống với những thứ mà mình không hề thích. Chúng ta không muốn từ bỏ điều đó. Chúng ta muốn giữ lấy chúng để điều khiển và để cả thế giới biết nền dân chủ của người Canada nên như thế nào và tại sao season finale của phim Breaking Bad (Rẽ trái) lại trở nên lộn xộn như vậy.
Tuy nhiên, cuộc sống sẽ không bao giờ diễn ra theo cách đáp ứng với tất cả những khao khát của mỗi người. Chưa từng như vậy. Và chúng ta sẽ luôn mắc sai lầm về một thứ gì đó, theo cách nào đó.
Điều trớ trêu là học cách chấp nhận sự thật này sẽ khiến chúng ta sống hạnh phúc hơn, trân trọng hơn những sai lầm của mình và của những người khác. Và đó, mới là thứ tốt đẹp.
Đổ lỗi cho thế giới về những vấn đề của mình là cách dễ nhất mà rất nhiều người lựa chọn. Đây là điều rất hấp dẫn và thậm chí là tạo ra sự hài lòng. Chúng ta là nạn nhân, sống dựa vào cảm xúc và tỏ ra phẫn nộ trước tất cả những sự bất công khủng khiếp mà chúng ta phải chịu. Chúng ta coi mình là những nạn nhân để khiến bản thân có cảm giác là những kẻ độc nhất và đặc biệt theo cách mà chúng ta không bao giờ cảm thấy được những điều đó ở bất kỳ một nơi nào khác.
Nhưng vấn đề là chúng ta không duy nhất và cũng không phải là những người đặc biệt.
Luôn bắt đầu xem xét vấn đề từ bản thân mình trước
Nét đẹp của việc chấp nhận sự không hoàn hảo trong kiến thức của bạn đó là bạn không còn quả quyết rằng bạn không đổ lỗi cho các vấn đề bạn gặp phải. Bạn có thực sự bị muộn do tắc đường? Hay bạn có thể đến sớm hơn? Bạn trai của bạn có thực sự là người ích kỷ? Hay bạn quá cầu toàn và đòi hỏi anh ta quá nhiều? Có phải do sự yếu kém về khả năng quản lý khiến bạn không được thăng chức? Hay vẫn còn nhiều thứ khác mà đáng lẽ ra bạn phải hoàn thành?
Sự thật thường ở một nơi nào đó mà bao gồm cả hai cái trên – mặc dù nó biến đổi từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Nhưng vấn đề đó là bạn chỉ có thể sửa chữa những gì không hoàn hảo của mình chứ không phải là sự không hoàn hảo của người khác. Thế nên, bạn rồi cũng sẽ quen dần với những khiếm khuyết của họ.
Chắc chắn là những điều tồi tệ vẫn xảy ra. Đó không phải là lỗi của bạn nếu có một gã say rượu nào đó tông phải bạn, khiến bạn bị gãy chân và phải phẫu thuật. Đó là trách nhiệm của bạn phải hồi phục từ chấn thương đó, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế nên, hãy tự hồi phục đi, đừng kêu ca nữa.
Đổ lỗi cho người khác về những vấn đề trong cuộc đời của bạn sẽ khiến bạn có một chút khuây khỏa trong ngắn hạn nhưng sau cùng, nó hàm ẩn một thứ gì đó ngấm ngầm phát triển bên trong người bạn: rằng bạn không có khả năng kiểm soát số phận của mình. Đó là nhận định đáng thất vọng nhất cho tất cả những ai đang nghĩ như vậy.
Lòng dũng cảm luôn đi kèm với nỗi sợ hãi. Dũng cảm là chịu đựng nỗi sợ hãi, nghi ngờ, sự mất an toàn và quyết định có một thứ gì khác quan trọng hơn.
Dũng cảm không có nghĩa là không sợ hãi
Nếu nhận ra các trạng thái cảm xúc và mức độ dễ bị tổn thương của chúng ta từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác thì hạnh phúc sẽ trào dâng rồi đột ngột hạ xuống như thể một cuộc truy hoan trác táng bắt nguồn từ Wall Street(1) mà nay đã bị dẹp bỏ. Nếu không hề biết thứ gì về khu phố này thì đáng buồn thay cho bạn. Chúng ta muốn hạnh phúc bền vững và có tính "đàn hồi" chứ không phải là thứ cứng nhắc và những cuộc hoan lạc.
Hạnh phúc đích thực, kéo dài, có thể khiến cho cả người lớn và trẻ con đều cảm thấy thỏa mãn không bắt nguồn từ trạng thái cảm xúc tức thì của chúng ta – kể cả cảm giác chóng mặt hay bực mình tới mức không thể chịu đựng được – mà nó xuất phát từ những giá trị sâu sắc hơn mà chúng ta định nghĩa về chính bản thân mình. Sự hài lòng về cuộc sống cơ bản (Ultimate Life Satisfaction) không được định nghĩa bởi thứ chúng ta làm và xảy ra với chúng ta mà là tại sao chúng ta lại làm những điều đó và tại sao chúng lại xảy ra mà thôi.
Cách hay hơn để nói điều này đó là bạn phải chọn thứ gì tạo động lực cho bạn. Đó có phải là thứ gì đó hời hợt và ở bên ngoài hay thứ gì đó sâu xa và ý nghĩa hơn?
Được tạo động lực bởi tiền chỉ vì tiền sẽ kéo theo sự điều tiết cảm xúc không ổn định và nhiều hành vi nông cạn, hiểm độc. Coi tiền là động lực để một người có thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình và con cái của họ sẽ là nền tảng bền vững hơn rất nhiều. Mục đích sâu xa hơn này sẽ thúc đẩy người đó vượt qua căng thẳng, nỗi sợ và những biến chứng quen thuộc khác mà động lực hời hợt thường không thể mang đến.
Hãy đi tìm mục đích sâu xa hơn cho các hành động của bạn
Được tạo động lực bởi sự chấp thuận của người khác sẽ kéo theo những hành vi khô cứng và kém hấp dẫn. Nhưng coi sự chấp thuận của người khác là động lực bởi vì bạn là một nghệ sĩ và muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có thể thu hút và truyền cảm hứng tới mọi người theo những cách mới lạ và mạnh mẽ sẽ bền vững và cao thượng hơn rất nhiều. Bạn có thể vượt qua sự không chấp thuận, ngượng nghịu và những nghịch cảnh thường ít khi xuất hiện khác.
Vậy làm thế nào để có thể tìm ra được mục đích sâu xa hơn? Tất nhiên, không phải là dễ dàng. Khi đó, một lần nữa, hạnh phúc kéo dài, bền vững và có tính "đàn hồi" cũng vô cùng khó để đạt được.
Tuy nhiên, một gợi ý cho bạn là luôn có thứ gì đó để làm nếu muốn tăng trưởng và cống hiến. Tăng trưởng nghĩa là tìm cách để khiến bản thân mình trở thành người tốt hơn. Cống hiến nghĩa là tìm cách để giúp người khác cũng tốt hơn như bạn. Hãy tìm kiếm các cách mà bạn có thể thống nhất hai điều này để trở thành động lực của chính mình.
Không có gì sai nếu bạn coi tình dục, tiền bạc hay âm nhạc là động lực. Tuy nhiên, tình dục cần được tạo động lực bởi thứ gì đó sâu xa hơn nó, tiền cần được tạo động lực bởi thứ gì đó giá trị bền vững hơn chỉ là tiền và âm nhạc cũng cần được tạo động lực bởi thứ gì đó ý nghĩa hơn nữa.
Tôi đã từng viết trong một cuốn sách về chủ đề hẹn hò rằng bạn không thể xuất hiện với khả năng tạo ra sự thay đổi trong cuộc đời của một vài người mà không cảm thấy bối rối và bị coi là trò đùa trong mắt của những người khác.
Đừng sợ thất bại
Nét đẹp trong bản chất của con người đó chính là sự đa dạng của các giá trị sống. Khi tồn tại cùng với các giá trị của bạn và để cho chúng thúc đẩy các hành động cũng như cách hành xử của mình thì bạn chắc chắn sẽ bị hạ gục bởi những người mà có các giá trị trái ngược hẳn với bạn. Những người này không thích bạn. Họ để lại những lời bình luận ẩn danh ác ý trên Internet và đưa ra những lời nhận xét thiếu lịch sự về gia đình của bạn.
Bất cứ thứ gì quan trọng mà bạn làm cũng sẽ luôn có những người chỉ mong muốn bạn thất bại. Đó không phải bởi vì họ là người xấu mà là bởi gì giá trị của họ khác của bạn.
Một vài người khôn khéo hơn tôi đã từng nói rằng: "Haters gonna hate" (những kẻ ghen ăn tức ở cũng chỉ luôn ghét người khác như vậy thôi mà).
Trong bất kỳ một hành động liều lĩnh nào, thất bại cũng luôn là yêu cầu cần để tiến bộ. Và sự tiến bộ, theo định nghĩa, là thứ sẽ dẫn đến hạnh phúc – sự tiến bộ của chính bản thân chúng ta, sự tiến bộ của những người khác, sự tiến bộ của các giá trị và thứ mà chúng ta quan tâm. Nếu không có sự thất bại thì không hề có sự tiến bộ và nếu không có sự tiến bộ thì không hề có hạnh phúc.
Hãy thêm gia vị cho sự đau đớn. Hãy đắm mình trong sự khinh bỉ. Kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là tìm cách tránh việc bị hạ gục mà đúng hơn là học cách lùi lại và sau đó, đứng dậy. Những kẻ ghen ăn tức ở cũng chỉ luôn ghét người khác như vậy thôi. Đừng quan tâm đến họ.
(1): Bạn đọc có thể xem thêm bộ phim The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) để hiểu hơn về lối sống sa đọa của những con người quá tham lam và muốn trở nên giàu có bằng bất cứ giá nào.