Các trường đại học, cụ thể hơn là các ngành học liên quan đến kinh doanh – tài chính – kinh tế chỉ dạy bạn cách làm thế nào để vận hành một công ty thành công về lý thuyết. Tuy nhiên, thương trường không hề đơn giản như bạn nghĩ và thậm chí, kiến thức đã học được nếu áp dụng vào thực tế không khéo léo có thể còn trở thành "bẫy chết người".
Không có gì tốt hơn là bạn nên tự tìm tòi và trau dồi cho mình các kỹ năng kinh doanh cần thiết ngay từ bây giờ nếu đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành ông chủ. Khởi nghiệp hay tự mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ không phải là điều dễ dàng trừ khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi thứ, kể cả việc phải thất bại.
Dưới đây là 6 kỹ năng kinh doanh mà Tạp chí Enterpreneur đã tổng hợp mà bạn khó có thể thực sự tìm thấy ở bất kỳ một cuốn sách giáo khoa nào. Hãy ghi nhớ và rèn luyện mỗi ngày để chúng trở thành hành trang đưa bạn thành công trên bước đường đã chọn.
EADD, viết tắt của Entrepreneurial Attention Deficit Disorder – Hội chứng giảm chú ý xuất hiện ở những người kinh doanh. Họ có mặt ở khắp mọi nơi và có các triệu chứng bên ngoài rất dễ nhận diện, bởi vì, họ sáng tạo, có tầm nhìn. Tuy nhiên, họ thường bỏ lỡ mất một thứ: kiên định theo đuổi.
Nếu bạn có một tiệm bánh mì, bạn là một huấn luyện viên làm giàu và cũng biết làm đồ trang sức, vậy thì đâu là đam mê thực sự của bạn? Điều gì khiến bạn có thể làm việc một cách hăng say để tạo ra kết quả tốt nhất? Bạn chắc chắn muốn thành công với nhiều ý tưởng kinh doanh trong đời, nhưng nếu bạn cố gắng làm tất cả cùng lúc thì bạn không thể nào tập trung được vào bất cứ mục tiêu nào cả.
Khi bắt đầu kế hoạch làm một điều gì đó thực sự lớn lao, chúng thường phải đối mặt với rất nhiều chướng ngại vật cũng lớn không kém – sẽ có người nói rằng bạn chẳng bao giờ thực hiện được đâu và tốt nhất là nên từ bỏ. Hãy bám chặt lấy nó. Khi ai đó nói "bạn không...." hoặc khẳng định "ý tưởng của bạn chỉ đáng vứt vào sọt rác" thì hãy nhớ rằng con đường mà bạn đã bắt đầu luôn có sỏi đá. Điều bạn cầm làm là tập trung và tìm một lối rẽ tốt hơn để đạt được mục tiêu của mình.
Có thể hành trang mà bạn mang theo chưa đủ hoặc chưa phù hợp với chuyến hành trình phía trước, nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ thất bại.
Lùi lại, phân tích sai lầm, kiểm định tính khả thi của ý tưởng bằng các công cụ, đánh giá nó dựa trên tư vấn của những người bạn tin tưởng, phân tích thị trường và làm tất cả mọi thứ để sẵn sàng cho chuyến hành trình tiếp theo. Nếu ước mơ và khao khát đủ lớn, bạn sẽ làm được.
Phàm là người kinh doanh thì sẽ có lúc chúng ta vô định, giống như đang bơi giữa đại dương hoặc di chuyển trên một thung lũng chẳng hề biết đâu là biên giới, đâu là điểm đến cuối cùng; phải làm những điều mà người khác không dám làm và không ủng hộ.
Người kinh doanh, người khởi nghiệp, doanh nhân đều là con người nên cũng sẽ có lúc sợ thay đổi. Bộ não phát ra tín hiệu này để thực hiện chức năng bảo vệ và chúng ta lựa chọn đánh trả hay chạy khi đối đầu với điều gì đó nằm ngoài vùng an toàn, ngay cả khi bản năng mách bảo rằng có thể đó là điều vô hại.
Chúng ta sẵn sàng làm những công việc nguy hiểm để giành được phần thưởng lớn hơn vì lợi ích cá nhân và lợi ích cho công ty đã xây dựng. Thường, rủi ro càng lớn, cái lợi nhận được sẽ càng cao. Đừng thò một chân xuống hồ để kiểm tra nước nóng hay lạnh, hãy nhảy bằng cả hai chân. Nếu bắt đầu chỉ với nỗ lực nửa vời thì bạn chắc chắn sẽ nhận được quả đắng.
Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ nếu như bạn bắt đầu với niềm tin và lòng nhiệt huyết cao nhất.
Biết cách nói "có" với mọi cơ hội, luôn duy trì một niềm tin mặc dù không chắc chắn về tương lai và dũng cảm khi ra quyết định là những yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Tuy nhiên, nói "không" cũng là điều vô cùng cần thiết.
Khi có thứ gì đó khiến bạn phân tán, chẳng hạn như một dự án hay một ý tưởng không nằm trong chiến lược ban đầu thì tốt nhất là hãy nói "không" và tập trung vào mục tiêu chính. Biết nói "không" nghĩa là bạn có nhiều thời gian để suy nghĩ về những điều mình đã nói "có" – đó mới là thứ bạn cần tập trung năng lượng và sự sáng tạo để hoàn thành. Đó mới là cách để thành công từ cái bạn đã chọn.
Nhiều chủ buôn, người khởi nghiệp, thậm chí là doanh nhân trẻ bị "mắc bẫy" của sự hoàn hảo. Kinh doanh không hoạt động theo cơ chế như vậy. Cái bạn cần là tiến về phía trước, sẵn sàng vứt bỏ những rào cản trên đường và tiếp tục di chuyển. Chấp nhận sai lầm, còn không bạn sẽ "bế tắc" ở một giai đoạn nào đó và chẳng bao giờ phát triển được.
Những doanh nhân thành công đều có một cơ số lần thất bại trước khi tỏa sáng như bạn thấy lúc này. Điều này cũng đúng với một nhà văn khi họ sẽ phải trải qua rất nhiều lần bị từ chối trước khi được một nhà xuất bản chấp nhận. Thế nên, hãy cứ tiếp tục và đừng từ bỏ.
Khi làm thứ mình thích thì điều tất yếu có thể xảy ra là bạn sẽ chìm đắm trong một viễn cảnh vô cùng "lãng mạn" và hết sức tươi đẹp. Kinh doanh cũng vậy. Nhiều người làm vì đam mê nên kinh doanh với họ giống như một con đường được trải thảm đỏ.
Tuy nhiên, họ đã quên một sự thật đơn giản: lợi nhuận.
Bạn sẽ phải có đủ tiền để trả cho nhân viên – những người dọn dẹp văn phòng của bạn hàng ngày, tính toán số liệu, xử lý chứng từ, theo dõi thị trường cho đến nhân viên bảo vệ - những người làm việc thật sự để bạn có thời gian nghĩ về tương lai "tươi đẹp" đó. Bạn cần tiền để vận hành các dự án hiện tại trong khi tập trung vào cải tiến sản phẩm, phát triển ý tưởng hoặc đầu tư ra bên ngoài. Nói thẳng ra, bạn cần nghiêm túc hơn vào số tiền mà mỗi ngày công ty của bạn làm ra được – đó chính là doanh thu – là số tiền mà nhân viên của bạn có thể "móc ví" người tiêu dùng.
Thế nên, hãy đầu tư cho đội bán hàng, đào tạo họ, huấn luyện họ, cả về kỹ năng, chuyên môn và đừng quên các hoạt động đãi ngộ. Bạn, công ty bạn và ước mơ của bạn cần tiền. Hãy luôn nhớ điều đó!