Về tác giả: Bài viết được chia sẻ bởi John Fawkes đăng trên trang Medium.
Tôi không muốn khiến bạn cảm thấy rùng mình khi đọc tiêu đề này: "miserable people" – những người khốn khổ. Nhưng kỳ thực là tôi biết rất nhiều người như vậy cho đến thời điểm này. Điều nực cười ở chỗ, tôi đã từng là một trong số đó.
Những người không hạnh phúc kiểu "mãn tính" thường có một vài điểm chung rất dễ nhận ra, chẳng hạn như thói quen hàng ngày hay một vài triết lý sống mà họ tự gắn chặt mình vào đó. Thế nên, nếu muốn thoát khỏi nhóm người được cho là "khốn khổ" cả đời thì tốt nhất là bạn nên thẳng tay vứt bỏ 6 thứ dưới đây ra khỏi đầu và ra khỏi cuộc sống của bạn ngay bây giờ trước khi quá muộn.
Tranh cãi với mọi người trực tiếp thường đã lãng phí thời gian rồi chứ chưa nói đến việc bạn dành hàng giờ chỉ để cố cãi lý với một vài người trên Internet. Bởi lẽ, đa phần, tình huống càng trở nên trầm trọng hơn nữa và khiến cho việc người khác có thể tiếp thu ý kiến của bạn hay thay đổi ý kiến của họ càng khó. Thường, những cuộc tranh cãi này càng làm bạn rơi vào tâm trạng khủng hoảng nhiều hơn là thực sự được tham gia vào một cuộc "khẩu chiến" với ai đó trên mạng xã hội.
Những người khác đã từng có ý định sỉ nhục bạn chưa? Họ có ghét bạn không? Họ có "troll" bạn không? Họ có cố gắng bắt đầu một cuộc "chiến tranh" trên Internet hay tham gia vào một cuộc tranh cãi có tính xây dựng? Bạn không hề biết.
Bạn có thể tham gia vào những cuộc tranh cãi có tính xây dựng nhưng nếu nhận thấy cách sử dụng ngôn từ của mình bắt đầu có xu hướng tiêu cực thì hãy biết kiềm chế. Đừng để cơn giận lấn át lý trí của bạn dẫn tới trạng thái khủng hoảng tồi tệ. Chẳng có gì tốt đẹp khi tranh cãi với ai đó trên Internet đâu. Thế nên, hãy học cách "miễn dịch" với những thứ đó nếu không muốn trở thành người "khốn khổ" như tôi đã từng vậy.
Những người không cảm thấy hạnh phúc thường có tầm nhìn hết sức ảm đạm về tương lai. Thực tế, điều bất ngờ là nhiều trong số họ còn lạc quan rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn một ngày nào đó nên chẳng cần làm gì cả, cứ vậy và rồi mọi chuyện sẽ trở về đúng trật tự ban đầu. Vấn đề là ở đây là tất cả các hy vọng mà họ đang giữ trong đầu lại phụ thuộc vào một thứ gì đó tốt đẹp sẽ "vô tình" đến với họ một ngày nào đó.
Có lẽ, họ kỳ vọng sẽ có được một công việc hoàn hảo một cách tình cờ mà không mất nhiều nỗ lực, chẳng hạn như lời đề nghị làm việc từ một người bạn. Hoặc sẽ được gặp người tình trong mộng tại một cửa hàng tạp hóa mà không cần mất nhiều thời gian kiếm tìm. Hoặc sẽ đi du lịch hay thử một sở thích mới "khi có thời gian".
Đa phần, họ bào chữa cho cách sống này đó là "chờ một cơ hội". Tuy nhiên, điều họ không hiếu đó là những cơ hội thường phải được tạo ra chứ không xuất hiện một cách tình cờ. Xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ và tìm kiếm công việc, tham gia vào một club để gặp gỡ mọi người hay lập một kế hoạch cụ thể để quản lý thời gian hiệu quả hơn. "Cơ hội" có nghĩa là bạn phải đặt bản thân mình vào vị trí mà có thể khiến cho những mong muốn cá nhân trở thành hiện thực.
Có người nói với bạn rằng bạn không nên quan tâm tới điều những người khác nghĩ về bạn. Thật ra, lời khuyên này không hẳn đã đúng. Con người là loài có tính xã hội, chúng ta cần hòa hợp với mọi người. Thế nên, một vài thứ người khác nghĩ về bạn cũng quan trọng.
Tuy nhiên, quan điểm của mọi người thì khác. Tôi đã nhìn thấy không ít người lãng phí năng lượng của mình cố gắng giành được sự chấp thuận của những người họ không hề thích. Có lẽ, họ nghĩ rằng ai cũng phải thích mình. Có lẽ, họ đánh giá thấp bản thân trong khi đánh giá cao sự tự tin, vẻ ngoài hay trí thông minh của người khác. Từ đó, họ cho rằng, việc làm hài lòng họ sẽ có ý nghĩa với mình ở một vài mức độ nào đó.
Bạn không cần phải như vậy. Hãy làm hài long những người yêu quý bạn, có ý nghĩa với bạn thay vì cố gắng hòa hợp với tất cả những người luôn chỉ trích bạn, hạ gục bạn và làm bạn nhụt chí. Bạn không nên đánh giá thấp bản thân mình để đổi lấy việc được ai đó "thích" mà không hề cảm nhận được lòng thiện chí thực sự từ phía họ.
Đây không phải là vấn đề riêng của những người "khốn khổ". Đây là vấn đề trong cách mà xã hội hiện nay nhìn nhận hạnh phúc: giống như ánh sáng cuối đường hầm, phần thưởng sẽ được trao tặng cho những ai đạt được mục tiêu đã được thiết lập.
Rắc rối ở đây gồm hai khía cạnh. Thứ nhất, cảm giác không hạnh phúc sẽ làm tê liệt chúng ta. Nó tiêu diệt động lực làm việc để đạt được mục tiêu. Thứ hai, chúng ta cần có mục tiêu. Nếu thiếu chúng, bạn sẽ mông lung và sống mà không hề có mục đích. Khi đạt được những gì đã được lên kế hoạch từ trước thì điều tuyệt vời nhất để làm là ăn mừng nhưng đừng "ngủ quên trong chiến thắng" quá lâu mà hãy nhanh chóng đặt ra mục tiêu mới.
Vậy thì đặt ra một mục tiêu mới liệu có khiến chúng ta không hạnh phúc thêm một lần nữa? Chắc chắn là không. Đó là điều cần thiết và là dấu hiệu của sự phát triển. Đừng từ chối hạnh phúc từ chính con người mình bởi vì bạn chẳng thể nào đạt được tất cả mục tiêu và cũng không bao giờ dừng ham muốn cả. Thay vào đó, hãy tận hưởng cuộc hành trình, cảm nhận những điều tốt đẹp từ những điều nhỏ nhặt và đừng để niềm vui của bạn phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Nếu bỏ qua triết lý về một tâm hồn cao thượng thì phần lớn hạnh phúc có liên quan chặt chẽ với các cơ chế sinh học. Ăn uống điều độ, đủ chất, thường xuyên tập thể dục, dành thời gian dưới ánh nắng Mặt Trời và quan trọng hơn là ngủ đủ giấc và chất lượng.
Trừ một số ngoại lệ, những người thành công nhất coi giấc ngủ là một trong những ưu tiên hàng đấu. Trái lại, những người làm việc kém hiệu quả, khủng hoảng, liên tục mệt mỏi, lo lắng và sống tiêu cực thì khó ngủ và thiếu ngủ trầm trọng.
Giấc ngủ là một trong những nền tảng góp phần hình thành nên một cuộc sống tốt đẹp. Đối với phần lớn chúng ta, ngủ từ 7 đến 9 tiếng trong một căn phòng tối, yên tĩnh là điều vô cùng tuyệt vời. Thế nên, hãy chăm sóc giấc ngủ của bạn ngay từ hôm nay nhé.
Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã phân biệt rõ hai kiểu hạnh phúc: chân thật (Eudaimonia) và khoái lạc (Hedonia).
Hedonia đặc trưng với sự hài lòng hết sức dơn giản: ăn bánh mì pita (loại bánh mì tròn rất phổ biến ở vùng Trung Đông), uống rượu hoặc xem những gã đàn ông trần như nhộng đang giằng co nhau trong lễ hội "bôi dầu thi đấu vật" (oil wrestling).
Trái lại, Eudaimonia đặc trưng với sự cảm nhận sâu sắc về sứ mệnh và mục đích. Đó là cảm giác hài lòng mà bạn có được khi làm việc để xây dựng nên đền Parthenon, sáng tạo ra các hình dạng hay trở thành nhà vô địch trong lễ hội "bôi dầu thi đấu vật". Và khoa học chỉ ra rằng đây là kiểu hạnh phúc mang đến sự thỏa mãn lớn hơn rất nhiều so với hedonia.
Hedonism, về bản chất, sẽ đưa bạn tới một kiểu hạnh phúc "trổng rỗng", cũng cảm nhận được một vài điều tốt đẹp nhưng nó không đủ để khiến cuộc sống của bạn khác biệt hoàn toàn so với cuộc sống của một người đơn thuần không hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hedonism là cách sống nên tránh. Thi thoảng, bạn có thể thưởng thức một ít rượu và ăn bánh mì pita nhưng như vậy là chưa đủ. Eudaimonia mới giúp bạn sống có mục đích hơn và cảm nhận được hạnh phúc viên mãn.