Có một người hỏi vị thiền sư: “Thưa thầy, trên đời cái đáng sợ nhất là gì ạ? Thiền sư nói: “Dục vọng”. Người kia vẻ mặt tràn đầy nghi hoặc, thiền sư nói: “Hãy nghe ta kể câu chuyện sau"
Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông ta muốn vẽ tranh Phật và ma quỷ. Nhưng ông ta không tìm thấy trong thực tế hình mẫu của hai nhân vật này. Trong đầu ông ta nghĩ thế nào cũng không thể tưởng tượng ra hình dạng của Phật và ma quỷ, cho nên rất sốt ruột và lo lắng.
Thế rồi, cơ hội liền đến khi ông ta đã đi chùa bái lễ. Trong lúc đó đã vô tình phát hiện ra một vị hòa thượng, các loại khí chất trên thân thể vị hòa thượng kia đã hấp dẫn vị họa sĩ một cách sâu sắc. Thế là ông ta liền đi tìm vị hòa thượng đó, nguyện ý trả cho vị hòa thượng này một số tiền lớn với điều kiện là vị hòa thượng sẽ dành một ngày làm mẫu để họa sĩ kia vẽ.
Sau này, tác phẩm của vị họa sĩ hoàn thành đã gây ra chấn động rất lớn tại địa phương. Họa sĩ nói: “Đó là bức tranh mà tôi hài lòng nhất. Bởi vì vị hòa thượng làm mẫu cho tôi vẽ kia khiến tôi tin rằng nhất định ông chính là một vị Phật. Những khí chất thanh tịnh và thư thái ông mang trên mình có thể gây cảm động đến mỗi người.”
Vị họa sĩ cuối cùng cũng đã thực hiện lời hứa của mình, trả cho vị hòa thượng kia rất nhiều tiền. Cũng bởi vị bức tranh này, mọi người không gọi ông ta là họa sĩ nữa mà gọi là “Họa Thánh”.
Một thời gian ngắn sau, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào vẽ ma quỷ. Nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó khăn cho ông, đi đâu mà tìm được hình dáng của ma quỷ đây? Ông ta tìm hỏi qua rất nhiều địa phương, tìm rất nhiều người hung ác bên ngoài nhưng không có ai thỏa mãn cả. Cuối cùng, ông ta tìm đến một nhà tù và cực kì vui mừng. Bởi ông ta đã tìm được một người giống ma quỷ thực sự. Thời điểm ông họa sĩ đối mặt với tên phạm nhân kia, tên phạm nhân đã ở ngay trước mặt ông ta mà khóc rống lên. Vị họa sĩ thấy vô cùng kỳ lạ, bèn hỏi tên phạm nhân kia có chuyện gì vậy? Tên phạm nhân kia nói: “Tại sao lần trước vẽ Phật cũng tìm tôi mà lần này vẽ ma quỷ cũng lại tìm tôi?”
Vị họa sĩ bị chấn động, ông nhìn tên phạm nhân một cách cẩn thận rồi nói: “Tại sao lại có thể thế được? Lúc vẽ Phật tôi tìm người kia có khí chất phi phàm. Còn ngươi thoạt nhìn đã thấy ngay là hình tượng ma quỷ rồi. Tại sao lại là cùng một người được? Thật là quá kỳ lạ! Quả thực là điều không ai có thể lý giải nổi.”
Tên phạm nhân kia nói: “Từ sau khi ông trả cho tôi tiền, tôi đã đi tìm thú vui mới, mặc sức tiêu xài. Sau này, khi đã tiêu hết tiền, mà tôi lại quen với cuộc sống xa hoa như trước, dục vọng đã khởi lên mà không thể vãn hồi được. Thế là tôi đi cướp đoạt tiền của người khác, còn cả giết người nữa. Chỉ cần có thể kiếm được tiền, việc xấu thế nào tôi cũng có thể làm. Kết quả là trở thành như bộ dạng của ngày hôm nay.”
Vị họa sĩ nghe tên phạm nhân kia nói xong, vô cùng bùi ngùi, ông cảm thấy sợ hãi khi mà nhân tính chì vì dục vọng lại có thể chuyển biến nhanh đến như vậy. Con người vốn là sinh vật yếu ớt như thế. Ông đau đớn quẳng bút vẽ đi. Từ đó về sau không bao giờ thấy ông vẽ tranh nữa.”
Vị thiền sư kể xong câu chuyện liền nhắm mắt không nói gì. Nhưng người hỏi kia từ câu chuyện đã có được lời giải đáp.
Hóa ra cái đáng sợ nhất trên đời này chính là dục vọng của con người. Dục vọng càng khởi lên nhiều thì tham vọng càng lớn. Chúng giống như những đợt sóng ngầm cứ cuộn trào, cuộn trào không ngừng nghỉ. Và khi những tham vọng không được đáp ứng đủ thì ta sẽ không thấy hạnh phúc, không vui vẻ từ đó sinh tâm phiền não.
Chính vì lẽ đó nên qua câu chuyện vị thiền sư muốn nhắn nhủ tới người bạn ấy rằng: Tiền chính là gông xiềng, tham lam là phần mộ, truy danh trục lợi cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng. Chỉ có tẩy tịnh đi đủ loại dục vọng trong lòng, buông bỏ lòng tham, quay trở về với bản tính thật thà, lương thiện mới có thể hiểu được mọi vinh hoa phú quý trong thế gian này chỉ như mây khói thoảng qua. Suy cho cùng chúng đều là những thứ vô thường vậy.
Dục vọng từ xưa đến nay luôn là điều được đức Phật răn dạy các hàng đệ tử của mình. Bởi với một trí tuệ siêu việt Người nhìn thấy trước được những khổ đau do dục vọng đem lại cho con người. Con người một khi rơi vào bẫy của dục vọng thì rất dễ đánh mất chân tâm của chính mình. Không những thế, để phá trừ tận gốc rễ dục vọng là một việc vô cùng khó khăn, cho nên nhân tính không thể ở cùng với tham niệm.
Phật nói, con người đối với dục vọng thì như cầm đuốc lửa mà đi ngược gió. Nếu không bỏ đuốc xuống thì tất bị cháy tay. Độc tố tham dục ở ngay trong thân tâm, y như đuốc lửa ở nơi tay mình. Không sớm đem đạo hạnh mà trừ bỏ thì như ham cầm đuốc lửa, tất có cái họa cháy tay. Con người tự là đuốc lửa cho mình. Nếu ôm tham dục thì đuốc lửa cháy tay. Có đạo hạnh thì đuốc lửa soi đường.
Với dục vọng, Người cũng từng nói nó không khác nào miếng thịt trong đám diều hâu. Giống như một con diều hâu cắp được miếng thịt bay lên hư không. Những con diều hâu khác liền vây lấy nó và tấn công bằng mỏ nhọn và vuốt sắc mãi đến khi nó nhả miếng thịt ra. Hễ con nào buông bỏ miếng thịt thì được yên thân và ngược lại. Từ đó, Đức Phật đã suy niệm: “Những tham dục của chúng ta cũng giống như những miếng thịt. Ai nắm lấy chúng thì bị đau khổ,ai thả chúng ra thì được an bình.”
Khi dục vọng lên ngôi thì khổ đau xuất hiện. Bản chất dục vọng và cách thức chuyển hóa chúng đã được đức Phật chỉ bày khá rõ, vấn đề mức độ chuyển hóa thành công hay không liên quan đến sự chuyên tâm, nỗ lực của từng người.
Lòng tham và dục vọng là những nhân của khổ đau. Mọi sự vật đều đổi thay không sớm thì muộn. Vậy chớ nên tham đắm vào bất cứ vật gì mà cần phải tinh cần nỗ lực tu hành, cải đổi thân tâm để tìm thấy hạnh phúc viên mãn. Dứt bỏ nóng giận, diệt trừ tính kiêu căng, không luyến ái vật chất, không còn ham muốn dục vọng sẽ giải thoát được mọi sự ràng buộc và không bao giờ bị phiền não.
(ST)
CHÚC CÁC BẠN & GIA ĐÌNH TỐI CHỦ NHẬT YÊU THƯƠNG, ẤM ÁP