Cuộc đời của mỗi người là một chuyến lữ hành, ai đó nói như vậy thì chắc là như vậy rồi. Đi qua nhau, ngoái lại, cười, xã giao vài ba câu rồi lại đi.
***
Có khi may mắn, người ta gọi là có duyên, gặp lại, ngạc nhiên và thích thú vì còn gặp lại lần nữa, lại hỏi thăm vài câu xã giao, may thay thì có thể kết nối, không thì lại đi qua, như một chuyến lữ hành nào đó đã từng. Cũng chẳng mấy ai lưu lại trong trí nhớ người này nụ cười của người kia.
Người ta từng nhớ nhau mà còn chẳng nhớ nổi người này khi cười nụ cười có hình gì nữa kia mà.
Đôi khi nụ cười có hình nước mắt. Thì nước mắt cũng như vậy, rơi mau rồi khô mau, nào có để lại dấu vết gì.
Vậy nên trí nhớ có tốt mấy thì nụ cười cũng mờ đi trong trí nhớ.
Người càng đi về phía tuổi già càng không muốn nhớ nhiều. Có lẽ đó là liệu pháp để sống bớt ưu hoài. Ưu hoài, đâu ai thích. Người ta thích một cuộc đời bình lặng nhưng đẹp đẽ, nhiều kỷ niệm vui hơn những nốt trầm u sầu. Người ta chọn cách quên, làm trí nhớ bỏ rơi những mảng ký ức buồn đó đi, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Cất giữ tất cả, là một đòi hỏi có phần quá sức với một con người.
Cất giữ ký ức buồn, là đòi hỏi quá đáng đối với một con người vốn đã quá nhiều ký ức buồn. Là đòi hỏi quá đáng với bất cứ con người nào.
Vậy nên, sớm mai nào tỉnh giấc, nằm bần thần trên chiếc giường quen thuộc, cứ muốn nhớ mãi về nụ cười nào đó từng có trong ký ức của mình nhưng bất lực chẳng thể nhận ra rõ, nụ cười đó từng có hình dáng của yêu thương, ân cần nào, của buồn phiền hay của màu sắc tàn phai nào, thì cũng đừng quá bần thần. Chỉ là đến lúc nụ cười đã mờ trong trí nhớ, vì nó cần phải như vậy. Để người ta còn được sống.
Ai cũng cần được sống. Một sáng nào đó thức dậy, ngỡ ngàng về giấc mơ nào đó quá thân quen vừa đi qua, tôi cũng tin là như vậy.
Con người ta cần được sống. Và được quên.
Diệu Hạnh