Tôi luôn suy nghĩ về việc, cái gì mà chẳng có sự bắt đầu! Khi bắt đầu rồi thì nhiều thứ không thể kết thúc được. Ngay cả một chuyến tàu. Nó bắt đầu từ một nhà ga này rồi sẽ dừng lại ở một nhà ga khác mà mỗi người cứ tưởng nó có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Nhưng không phải thế! Ngày mai, cũng thế; ngày kia, cũng vậy...
Và mãi mãi chẳng bao giờ kết thúc trừ khi con tàu đó không thể sống được nữa. Cứ vậy, cứ vậy mà cũng thật lạ! Mỗi chuyến tàu đến rồi đi, dù lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn mang đến cho người ta những cảm xúc, những ưu tư, những trăn trở, những khát vọng không giống nhau. Tôi gọi đó là “giai điệu của dòng chảy cuộc sống”.
Điều đó luôn diễn ra và tôi ngắm nhìn, lắng nghe, học cách hòa mình vào dòng chảy ấy...
Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một câu chuyện tôi đã biết. Theo thời gian, tôi dần hiểu nó theo nhiều khía cạnh. Nhưng mỗi lúc khó khăn nhớ lại thì thấy bình yên lạ lùng!
Câu chuyện về Đường Tăng.
Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai vào yết kiến Phật Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới đất này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông thấy lòng mình chợt day dứt. Nó là một cái gì đấy như một vết xước sắc nhẹm làm trái tim ông rỉ máu, nhỏ từng giọt, từng giọt thành một thứ nước không màu trong đêm tối.
Quá vất vả khi đến được cõi Phật nhưng khi nghỉ ngơi trong vài ngày lại làm thân thể Đường Tăng rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn giữ ông ở lại, máu ông nhức nhối chảy qua tim một cách khó nhọc, cứa vào quá khứ làm lòng ông đau xé. Ông nhớ về người cha, người mẹ của mình, người đã tạo nên hình hài ngày nay mà bao nhiêu năm nay chưa một lần ông thắp một nén nhang, không một lần nhắc tới.
Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim Đường Tăng dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài.
Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.
Ông trở mình, thở dài: “Không là Người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết thành Phật hay ma?”.
Đường Tăng chợt thấy đau nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.
Đường Tăng thở hắt: “Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”. Nói rồi lại nhắm mắt. Nghe tiếng Ngộ Không: “Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp Người” – Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất – “Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành Người. Thầy đã là Người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa”.
Bát Giới cười khẽ: “Làm Người thì có gì vui. Chúng ta dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc!”.
Sa Tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người, công quả vĩ đại lắm”.
Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng trở lại. Rồi ông nói như trăn trối: “Ta ước gì đêm nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành Người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng được khai sáng. Còn ta? Không còn là Người, không phải là Người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người”.
Ngộ Không sụp xuống nắm lấy tay thầy nghẹn ngào: “Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi”.
Câu chuyện của tôi là vậy!
Một ngày 24 giờ, một tuần 7 ngày, một năm 365 ngày. Ai cũng hối hả bước, hối hả đi và ít khi nào có những khoảnh khắc cho riêng mình, cho những người mình yêu thương.
Tôi luôn mệt khi cứ phải đều đều tiếp tục những thứ như vậy nên thỉnh thoảng tôi để tất cả ở lại. Sự hối hả, những sải bước dài, nhanh, đầy tự tin trên con đường hàng ngày để về với khoảng lắng của riêng mình; để nhấn những thứ đó theo những guồng quay của bánh xe; để nó quay tròn, quay tròn trôi đi và bình yên!
Để giữ lại một chút hồn nhiên cho riêng mình giữa lòng cuộc sống đầy biến động. Để được chìm đắm trong những giấc mơ dài bất tận khi thấy sao đổi ngôi ở xứ cao nguyên, giữa vùng quê yên tĩnh, lắng nghe, bước vào thế giới của riêng mình. Chỉ của riêng mình... Để biết được rằng mình vẫn còn sống, còn đang được sống kiếp một con người. Để thấy đời vẫn còn đẹp lắm! Và rồi sẽ lại tiếp tục đi theo tiếng gọi của trái tim. Để tự mình đứng trên hiện thực chứ không phải sống trên nền những giấc mơ. Để mỉm cười khi gặp những người qua lại trong cảm giác quen thuộc, gần gũi mặc dù xa lạ.
Để khi tiếp tục nhấn những vòng xe, cho nó quay đều trước mênh mang của cõi đời mà không thấy mình quá nhỏ bé, nhạt nhòa. Để những khoảng cách xa vô tận trở nên thật gần, gần giống như hơi thở của cuộc sống vậy! Để tôi có thể là chính mình, để nhận ra điều, trong lúc chúng ta tìm kiếm hạnh phúc, thì hạnh phúc lại luôn ở bên cạnh chờ đợi ta.
(ST)