Lâu lắm, 42 , 43 năm rồi. Thời gian đâu phải là ngắn, trên dưới nửa đời người. Vì cuộc sống bôn ba nơi hải ngoại, dường như đã làm cho tôi quên mất những cảnh cũ, xưa mà tuổi xuân tôi từng trải. Nhưng trong tiềm thức thì còn. Bởi nó là kỹ niệm.
Hôm nay Chúa nhật, đường phố vắng lặng, lộ ít xe chạy, mọi người gần bên hình như còn ngủ nướng. Bỗng tiếng chuông nhà ngân lên- mở cửa, thì ra bạn tôi Nhà văn, Nhà thơ Lê Thanh mang đến tặng tôi hai bức ảnh về Mỹ Tho xưa (Quê hương của chúng tôi) Đó là ảnh một bến xe Lam nơi mà thời học sinh tôi và Thanh mỗi ngày lên và xuống để về một quận lỵ cách Mỹ tho 12 cây số và ảnh cây cầu Quây được bắt ngang qua sông Bảo Định là cầu nối giữa thành phố Mỹ tho và xã Tân Mỹ Chánh nơi chúng tôi theo học. Nơi ấy chính là trường trung học Nông Lâm Súc Định Tường.
Tôi vui mừng chào Thanh và hỏi ?
-Hôm nay mầy ngủ không được sao mà tìm đến tao sớm thế ?
Thanh cười.
-Ngủ ngon, nhưng tao vừa tìm được hai bức ảnh hay quá, chẳng lẽ xem một mình nên vội mang tặng mầy để cùng xem cho vui.
-Thế thì tuyệt, vào đi Thanh. Tao làm hai cốc Cà- phê tao với mầy uống nhá.
-Ừ.
Hai thằng vừa uống vừa ngắm ngía hai bức ảnh rất vui thú, như hai thằng nhóc con không khác. Thanh thì nhận diện một đường, còn tôi thì nhận diện một ngã thật buồn cười. Nhưng cuối cùng cũng đi đến kết luận chung và chính xác nơi chúng tôi thường qua lại.
Suốt ba năm dài, khi hai tôi chuyển từ trường Nông Lâm Súc Tân Hiệp về NLS Định tường để học, ngày nào hai thằng cũng cho hai chiếc xe đạp lên mui và đi xe lam đến Mỹ Tho, rồi từ đó chạy tiếp hơn bốn cây số nữa để đến trường và chiều về ngược lại cũng y như thế.
Hồi ấy còn trẻ cũng khá vui, bạn bè thường gọi tôi và Thanh là hai nhà thơ “Bồ Đề “. Nhiều lúc cũng giận, nhưng nhiều lúc tôi nói với Thanh họ nói cũng đúng. Từ hai đối lập ấy hòa lẫn với nhau nên chúng tôi lờ đi, ai gọi gì thì gọi, tùy họ. Tại sao họ lại gọi chúng tôi như thế ? Bởi, dân học Nông Lâm Súc là dân mặc áo màu nâu hơn nữa đoạn đường từ thành phố Mỹ tho về trường hồi ấy hai bên đường có rất nhiều quán Hủ tiếu chay của người đạo Dừa từ cồn Phụng ở Bến Tre sang, bán rất rẻ và ngon khoảng 150 đồng (Thời ấy) Một tô còn mấy quán Hủ tiếu thịt thì mắc hơn, nên tôi và Thanh thường hay ăn Hủ tiếu chay vào những buổi trưa để cầm hơi và vào học tiếp cho mãi đến chiều. Ngoài ra những lúc thực tập nông trại ngoài hiện trường tôi và Thanh hay làm những bài thơ tình trêu ghẹo những cô bạn gái cho vui. Trong nhí nhỏm nầy chúng tôi chưa bao giờ nhận được lời phiền trách mà ngược lại họ rất thích vô cùng nên họ ban tặng cho chúng tôi cái tên khá hay đó là nhà thơ “Bồ Đề” Danh hiệu nầy suýt chút nữa nếu không đi vượt biên ở nhà chắc hai tôi ế vợ luôn.
Qua Tây rồi cũng thế, thằng Thanh có bản tính đùa dai, hay gợi lại chuyện cũ ngần mấy năm trời và vô tình để lọt vào tai một ít người. Tôi thấy ngại nên bảo: Thanh mầy làm ơn chuyển hướng và tắt cái đài mầy giùm tao không khéo nơi mơi nó lan tràn hết nước Đức có môn hai thằng xin vô chùa ở luôn. Nó hỡ là cười. Thì đâu có sao đâu, vào đó bọn mình còn sướng hơn, khỏi lao động và còn gặp rất nhiều Tài tử- Giai nhân nữa là khác. Và, ta tha hồ làm thơ ca tụng.
Nói chung chuyện xưa, tích cũ nếu kể thì kể sao cho hết. Nhưng ấn tượng nhất là khi nhìn lại hai bức ảnh mà Thanh mang tặng, tự dưng cảm giác tôi nghĩ về nó như vừa mới hôm qua.
Thủy Điền
23-04-2017