Trên hành tinh trái đất của chúng ta có rất nhiều người bận rộn, nhưng đó cũng là những người ham đọc sách nhất. Việc đọc sách mỗi ngày châm ngòi cho sự sáng tạo, giúp chúng ta tăng thêm vốn hiểu biết về những vấn đề phức tạp và phát triển toàn diện về mặt trí tuệ. Trong khi đó, đọc sách còn là một hoạt động giúp thư giãn rất tốt. Vậy làm sao chúng ta có thời gian đọc sách khi ngày nào cũng bận rộn chứ?
Trong những bài báo cáo gần đây cho biết con người chúng ta đang ngày càng ít đọc sách hơn. Một nghiên cứu năm 2004 phát hiện rằng số sách trung bình được đọc ở Mỹ mỗi năm là 12 quyển, trong khi số sách trung bình mỗi người đọc chỉ là 5 quyển/năm. Nếu muốn "đánh bại" con số thống kê đáng buồn này, tăng số sách đọc mỗi năm và có nhiều thời gian đọc sách hơn, hãy đọc tiếp bài này nhé.
Vào năm tôi hoàn thành luận án Tiến sĩ, tôi đã đi khắp các nơi trên thế giới, tham dự hội thảo ở từng châu lục trên thế giới để trình bày nghiên cứu của mình (trừ châu Nam Cực), tôi đã ghi thêm 69 cuốn sách vào tài khoản GoodReads của mình. Nhiều người thắc mắc tôi lấy đâu ra thời gian để đọc nhiều sách đến thế trong khi đang có một năm bận rộn. Để giúp tăng số sách đọc mỗi năm, tôi đã tổng hợp 11 mẹo hay nhất về việc đọc sách dành cho người bận rộn.
1. Mượn nhiều sách hơn mức bạn có thể đọc
Nếu bạn thích mượn sách từ thư viện, hãy mượn nhiều hơn mức bạn nghĩ mình có thể đọc hết. Việc có những quyển sách chất đống trong nhà – mà biết sẽ phải trả lại – khuyến khích bản thân bạn đọc nhiều hơn mức dự tính ban đầu.
Còn nếu bạn thích đọc sách kỹ thuật số, hãy đảm bảo bạn đã tải cả kho sách về máy đọc để luôn có nhiều lựa chọn ngay trên đầu ngón tay, khiến bạn nôn nóng được đọc.
2. Đọc cùng lúc nhiều quyển
Nhiều người thích đọc từng quyển sách một, nhưng những người khác lại hưởng lợi từ việc đọc nhiều quyển cùng lúc. Một số cuốn sách thích hợp đọc ban đêm (tiểu thuyết chẳng hạn), trong khi những quyển khác, như phân tích thực tế, có thể sẽ thích hợp hơn để đọc trong lúc di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Tôi có một số sách đang đọc để trên bàn nhỏ trong phòng, cũng như một cuốn tiểu thuyết và ít nhất một cuốn phi tiểu thuyết đang đọc trong máy. Với những sách về phát triển bản thân, bạn nên kéo dài việc đọc ra một thời gian dài để có cơ hội làm theo những lời khuyên trong sách.
3. Đặt mục tiêu cho mỗi giai đoạn đọc
Nếu bạn không có thói quen đọc cả đống chữ một lúc, hãy đặt mục tiêu đọc cho từng giai đoạn. Ví dụ, bạn có thể thách thức bản thân đọc 50 trang trước khi bỏ sách qua một bên, hoặc kết thúc chương trước khi chuyển sang công việc tiếp theo. Mỗi lần đọc lại đặt một mục tiêu cao hơn. Đọc thêm một ít mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng số sách đọc được hàng năm so với trước đó.
4. Bỏ qua những thứ bạn "nên" đọc
Dù có thể tìm thấy cảm hứng trong danh sách những quyển sách hay nhất, bạn hãy đọc cho bản thân. Hãy đọc vì sự yêu thích và sự hiểu biết của chính mình. Đừng đặt áp lực lên bản thân phải đọc những gì mà cả thế giới nói bạn phải đọc bởi điều đó sẽ không đưa bạn đến đâu cả. Nếu đọc theo ý thích và niềm vui của mình, bạn sẽ thấy mình dành nhiều thời gian hơn để đọc chính vì sự thú vị của cuốn sách hay chủ đề đó.
5. Tập đọc nhanh
Bí quyết này đơn giản thôi: nếu bạn muốn đọc được nhiều sách hơn trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể tự rèn luyện cách đọc nhanh. Có những kỹ thuật khác nhau để đọc nhanh mà bạn có thể tự rèn luyện. Những kỹ thuật này bao gồm việc nhóm nhiều từ thay vì đọc từng từ, bắt mắt bạn di chuyển nhanh hơn bằng cách di chuyển cây thước hay bút trên trang giấy, hay nín thở và cố gắng hoàn thành một đoạn văn trong thời gian đó (kỹ thuật này giúp triệt tiêu việc phát âm thứ cấp, là khuynh hướng "nghe" những từ chúng ta đọc trong đầu).
6. Đọc sách kỹ thuật số trên tất cả các thiết bị di động
Nếu bạn đọc sách kỹ thuật số, hãy đảm bảo bạn có một ứng dụng đọc sách trên các thiết bị di động để có thể đọc bất kỳ khi nào có thời gian rảnh. Sách trong máy đọc của tôi được đồng bộ với điện thoại thông minh và máy tính bảng, tôi có thể đọc khi đang xếp hàng chờ ở ngân hàng, khi người lao công lau dọn văn phòng, hay khi tôi nghỉ giải lao giữa ngày. Có một quyển sách đồng bộ trên tất cả thiết bị sẽ giúp bạn đọc vài trang ở đây đó trong suốt cả ngày. Làm như thế, khi kiểm tra máy đọc vào cuối ngày, bạn sẽ thấy mình dễ dàng đọc được 20 trang chỉ trong những khoảng thời gian vụn vặt.
7. Đọc trước khi đi ngủ
Đọc cuốn tiểu thuyết hay phi tiểu thuyết hay vào buổi tối trước khi ngủ là một phương pháp thư giãn đã được chứng minh, để một ngày làm việc bận rộn lại phía sau và chuẩn bị cho bản thân một giấc ngủ ngon. Cũng giống những bằng chứng như vậy, bạn có thể luyện thói quen đọc vài trang vào buổi sáng, hoặc đọc một chương sau bữa trưa khi đang tiêu hoá thức ăn và sẵn sàng cho ca làm việc hiệu quả vào buổi chiều.
8. Tham gia cùng những người giống bạn
Tìm những người trong cộng đồng hoặc trên mạng cũng đang đọc quyển sách giống như bạn. Theo dõi các thảo luận và ý kiến của họ trong lúc đọc sẽ giúp bạn tiến bộ hơn. Chắc chắn bạn không muốn là người bỏ lỡ chương ra vào tuần trước phải không?
9. Theo dõi tiến trình đọc trên mạng
Nhiều trang web có thể sử dụng để theo dõi tiến trình đọc qua cả năm; trang mà tôi yêu thích là GoodReads. Một tài khoản trực tuyến trong đó đánh giá sơ lược về những cuốn sách bạn đang đọc và tiến độ đọc đến đâu, sẽ giúp bạn tập trung vào việc đọc hơn. Ngoài ra, bạn có thể theo dõi những quyển sách bạn muốn để lại đọc sau và thêm những đánh giá về quyển bạn đã đọc. Nhiều trang còn giới thiệu sách khác dựa trên những quyển bạn đã đọc và thích nữa.
10. Ngừng đọc những bản tin thời sự ngẫu nhiên
Nếu muốn dành thêm thời gian đọc sách, bạn sẽ phải cắt bỏ thời gian của những hoạt động khác để giải phóng thời gian dành cho việc đọc. Một trong những phương pháp bạn có thể làm theo là giảm số lượng những bài báo ngẫu nhiên được chia sẻ trên các mạng xã hội mà bạn thường xuyên đọc, dùng thời gian này đọc thêm những phân tích sâu về cuốn sách mà bạn đang đọc.
11. Tham gia một cuộc thi đọc
Cũng giống như điểm thứ 3, bạn có thể tham gia cuộc thi đọc và đặt mục tiêu về số sách bạn sẽ đọc trong một năm được đưa ra. Để thực sự thách thức bản thân, hãy đặt giới hạn cao hơn một chút so với mức bạn nghĩ bạn có thể làm được. Tự đặt cho mình một thách thức cụ thể sẽ giúp bản thân có trách nhiệm và thúc đẩy đạt được mục tiêu. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình có thể đọc nhiều thế nào trong một năm đó.
Tác giả: Eva Lantsoght
Tham khảo thêm một số bài viết:
Chúc các bạn vui vẻ!