Với một số lượng lớn hồ sơ xin việc cần phải xử lý mỗi ngày thì thật khó để các nhà tuyển dụng có thể xem kỹ được thông tin của từng ứng viên. Do vậy, hầu hết họ đều chỉ dành tối đa khoảng 6 giây để nhìn vào sơ yếu lý lịch, sau đó, ra quyết định nhanh liệu ai sẽ may mắn được gọi đến phỏng vấn.
Trước tình huống như vậy, các ứng viên sẽ phải làm gì để nhà tuyển dụng có thể nhận thấy điểm mạnh của họ trong 6 giây ngắn ngủi? Có nên sử dụng thật nhiều bullet point để làm nổi bật thông tin quan trọng thay vì viết câu dài dòng? Bỏ qua việc chỉ rõ thành tích đạt được, thay vào đó là viết một cách chung chung hay rút ngắn đơn xin việc bằng cách chỉ sử dụng 5 từ khóa trọng tâm và tăng kích thước phông chữ so với trước?
Hoàn toàn không! Mục tiêu của bạn thực sự rất rõ ràng: Hãy cho các nhà tuyển dụng một lý do xứng đáng để tập trung kỹ hơn vào lý lịch của bạn, có thể là vẫn trong khoảng thời gian 6 giây hoặc họ buộc phải nhìn hồ sơ của bạn lâu hơn so với các ứng viên khác.
Dưới đây là một vài thủ thuật thông minh mà bạn có thể áp dụng:
Rất nhiều ứng viên có thói quen liệt kê kinh nghiệm bằng cách sử dụng bullet. Tuy nhiên, trừ khi có điều gì đó thực sự cuốn hút, bằng không, họ thậm chí còn chẳng bao giờ xem đến phần giữa (thường là phần trọng tâm) CV của bạn. Hãy chấp nhận sự thật đó.
Bí quyết ở đây là hãy đẩy các phần quan trọng mà có thể sử dụng các từ khóa để diễn tả lên trước, chẳng hạn như kỹ năng hay thành tích, tập trung vào những điểm mạnh của bạn phù hợp với mô tả công việc và chắc chắn là bạn đã sắp xếp thông tin một cách phù hợp để nhà tuyển dụng không phải mất thời gian tìm kiếm nội dung mà họ sẽ quan tâm đến.
Ngoài từ khóa thì tên của các mục cũng là yếu tố mà chúng ta cần nhấn mạnh. Hãy viết chúng một cách rõ ràng, tập trung và dễ hiểu. Kể cả khi bạn in đậm, sử dụng font chữ hay màu sắc lòe loẹt mà tiêu đề không cụ thể, chung chung thì nhà tuyển dụng cũng chẳng màng ngó đến.
Chẳng hạn, thay vì đặt tên đề mục là "Kinh nghiệm", hãy đổi thành "Kinh nghiệm giảng dạy" (nếu bạn ứng tuyển vị trí giáo viên, quản lý giáo dục....), "Kinh nghiệm quản lý" (nếu ứng tuyển vị trí quản lý, trưởng phòng...); thay vì đặt tên "Kỹ năng" thì hãy đổi thành "Kỹ năng mềm", "Kỹ năng giao tiếp", "Kỹ năng bán hàng"... tùy thuộc vào vị trí ứng tuyển và mức độ thành thạo mà bạn đã đạt được.
Việc nhấn mạnh đến công ty cũ không phải là điều xấu. Trong thực tế, đó chính là lợi thế trên hồ sơ của bạn.
Nếu đã từng làm việc cho các công ty như Facebook, Google hay Alibaba thì chắc chắn rằng, nhà tuyển dụng sẽ "phải" dành thêm một hoặc hai phút để xem thử liệu bạn đã từng làm những gì ở đó. Lúc này, một chiến thuật tuyệt vời là hãy in đậm hoặc viết hoa tên tổ chức cũ thay vì in nghiêng và viết chữ thường.
Bạn chắc chắn đã nhận được rất nhiều lời khuyên về việc nên tập trung vào các điểm mạnh, thành tích và kinh nghiệm có liên quan đến vị trí ứng tuyển khi viết CV hay đơn xin việc. Đây không phải là lời khuyên sai lầm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa một vài năng khiếu nổi bật (có thể không liên quan đến công việc) không có giá trị.
Nếu đã giành được đai đen của môn Taekwondo hay là một "cao thủ" trượt patanh thì bạn hãy mạnh dạn đưa chúng vào sơ yếu lý lịch. Đây là những thông tin rất thú vị mà nhiều nhà tuyển dụng thường bị thu hút vì họ cho rằng, ứng viên có thể sẽ có những tính cách đặc biệt.
Về tác giả: Lily Zhang là một chuyên gia phát triển nghề nghiệp tại MIT (Học viện công nghệ Massachusetts) - nơi cô làm việc cùng với rất nhiều sinh viên từ người mới ra trường cho đến các tiến sĩ để giúp họ đạt được những mong muốn trong công việc.