Tôi vẫn nhớ, hồi nhỏ, sau mỗi trận mưa rào tháng bảy, con đường nhỏ từ ngoài đường cái vào nhà tôi ngập đến đầu gối. Sớm hôm sau, lũ trẻ chúng tôi thích thú hò hét nhau dậy để ra đường bắt cá, lội nước nghịch.
***
Nước từ phía thượng nguồn đổ về, màu đỏ oạch, trôi theo đầy rác rưởi. Những trận mưa to như thế này, phần lớn những nhà có ao cá trong làng đều bị ngập, cá theo đó bị trôi ra ngoài vô số. Cầm mấy chiếc cần câu nhỏ xíu, chúng tôi lao ra cùng tụi trẻ trong xóm để câu cá, ếch, nhái. Đứa thì mặc quần sóc, đứa thì quần thâm vẻn cao, lấy dây chuối buộc cho khỏi tuột để lội, khi thích chí còn đùa nhau té nước ướt sũng. Hai bên đường, từng vạt lúa chìm nghỉm. Chúng tôi cười sảng khoái, những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên mà không biết rằng cha mẹ ở nhà đang nẫu ruột, nẫu gan nhìn mấy sào lúa cấy chưa đầy tháng ngập trong màn nước trắng xóa. Lũ trẻ chúng tôi cũng chẳng hề thắc mắc khi cả tuần mưa, nhà chỉ ăn lạc rang với mắm, thịnh soạn hơn là bát tương đánh trứng gà hấp vào nồi cơm mà không hề có một đĩa rau, bát canh như thông thường. Mưa to, mưa liên tục như thế, cả bãi rau muống đã ngập úng, dàn bí xanh mẹ trồng hôm nào gần nhà còn ra hoa vàng chi chít giờ cũng đổ xiêu vẹo và dần bị chết rút.
Mùa mưa bão, nước mắt con trẻ tôi sợ hãi hòa cùng nước mưa khi ba mẹ con trong căn nhà cấp bốn chật vật chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia lấy xô, chậu hứng cho khỏi dột, lúc sấm to, tôi co ro nép vào người mẹ. Ngôi nhà xây dựng gần 30 năm chỉ bằng tường cay, mái ngói lâu năm mục hai bên xô như một bà cụ cao tuổi răng rụng gần hết. Cứ mỗi độ mưa to, mẹ mắc màn vội rồi giục tôi trèo lên giường nằm và nhắm mắt thật kỹ. Trong tâm trí tôi, lúc đó chỉ nghĩ mẹ dặn phải làm theo nếu không ông "sấm ù" nổ thì sợ lắm. Nhưng thực ra là vì mưa, gió thốc mạnh, mái ngói xô lệch làm bụi rơi đầy xuống nhà. Hôm sau, mẹ và chị Hai lại dậy sớm, lau trên bàn thờ, quét dọn nhà cửa, rũ chăn màn ra cho hết những bụi ngói rơi xuống từ đêm trước.
Mùa mưa còn kéo dài cả tháng 9, 10 âm lịch, khi lúa hè thu được thu hoạch. Nhà tôi khi ấy cấy gần một mẫu ruộng. Mẹ gặt được gần 2 sào thì gặp những trận mưa như trút nước. Đêm, tôi thấy mẹ đi ra, đi vào áng chừng sốt ruột lắm. "Xin ông trời, ông thương chúng con mà cho mưa ngớt đi", mẹ lẩm bẩm. Sớm hôm sau, khi tôi vẫn còn ngái ngủ thì mẹ đã ở ngoài đồng. Mẹ đội nón, mặc chiếc áo mưa bộ đội, thắt lưng bó rơm nếp để ra đồng "dựng" những khoảng lúa qua trận mưa bão bị đổ ẹp xuống, buộc túm thành từng bó. Xong những phần lúa còn xanh, mẹ vội vàng sang những khu ruộng lúa đã chín ngả màu vàng, gặt đua với mưa. Chị Hai lúc đó vào cuối tuần được nghỉ học cũng cùng mẹ ra đồng cắt lúa. May là vẫn có hôm trời tạnh ráo, chúng tôi cùng mẹ nhanh chóng suốt chỗ lúa chín được gặt về. Nhìn chị Hai thân hình nhỏ nhắn cùng mẹ hết sức đạp chiếc máy tuốt lúa tôi còn thích thú lanh chanh ra đòi mẹ cho làm cùng.
Thóc vừa suốt xong, chưa kịp hong khô thì lại gặp những trận mưa xối xả. Căn nhà nhỏ của tôi trở thành nơi trải thóc để phơi. Mẹ chỉ để đúng một lối nhỏ từ ngoài cửa đi vào giường ngủ, còn mọi chỗ để đổ thóc. Mấy chiếc quạt cây được sử dụng triệt để cả ngày đêm để hong thóc. Vậy nhưng vẫn không ngăn được số thóc lên mậm trắng. Có lần, nhìn mẹ lấy chiếc cào liên tục đảo thóc, rồi lại bỏ cào xuống, lấy tay vốc từng vốc thóc nóng, ẩm ướt lên phía trước quạt, nước mắt ngân ngấn, tôi thương mẹ quá. Năm học mới sắp đến rồi, tiền đóng học, tiền đồng phục... và đủ thứ tiền khác đang trông chờ chỉ vào những hạt thóc này.
Đêm nay, trời cũng mưa tầm tã. Mỗi lần sấm chớp liên hồi, cậu con trai tôi lại giật mình thon thót, nép vào lòng mẹ. Tự dưng tôi thấy khó ngủ và nhớ về mẹ. Căn nhà cấp bốn của mẹ đã được sửa sang lại chắc chắn từ mấy năm nay. Từ giờ mưa to, gió lớn, cứ đóng kín cửa, mẹ sẽ chẳng phải lo chạy đôn chạy đáo lấy xô chậu hứng nước mưa dột từ trên xuống. Duy chỉ có điều, trong căn nhà nhỏ có chút khang trang nay một mình mẹ vẫn nằm thui thủi. Không biết, mẹ có yên giấc hay đang thao thức, lo lắng cho chúng tôi.
Linh Lan