Có ba con chuột cùng nhau đi ăn trộm mỡ, thế nhưng chum mỡ quá sâu, mà mỡ lại tận dưới đáy chum, nên chúng chỉ có thể ngửi thấy mùi thơm của mỡ. Chỉ ngửi mà không được ăn khiến chúng vô cùng thèm muốn. Càng thèm muốn, chúng càng cảm thấy khó chịu và lo lắng, nhưng lo lắng lại không thể giải quyết được vấn đề, do đó, chúng tĩnh tâm lại và suy nghĩ.
Cuối cùng, chúng đã nghĩ ra một cách rất hay, đó là một con chuột này cắn đuôi của con chuột khác, nối đuôi nhau xuống đáy chum ăn mỡ. Chúng cùng đi đến một đồng thuận rằng: chúng sẽ thay phiên nhau ăn mỡ, có phúc cùng hưởng và không ai được có những suy nghĩ ích kỷ.
Con chuột thứ nhất là con chuột được đưa xuống ăn đầu tiên, nó nghĩ: “Mỡ chỉ có một tí như thế này mà mọi người lần lượt ăn thì chả bõ dính răng. Hôm nay coi như mình may mắn, mặc kệ bọn chúng mình cứ đánh no nê cái đã”.
Con chuột thứ hai ở giữa thì lại nghĩ: “Mỡ bên dưới chả có là bao, lỡ may con chuột thứ nhất kia ăn hết thì hóa ra mình không được cái gì à? Mình tội gì phải khổ sở treo người lơ lửng ở giữa để cho con chuột thứ nhất kia hưởng hết cơ chứ! Hay mình cứ thả nó ra, rồi tự mình nhảy xuống chén no nê cho bõ thèm”.
Con chuột thứ ba cũng nghĩ thầm: “Mỡ ít như vậy mà đợi hai con chuột kia ăn no thì làm gì còn phần của mình, thôi thì nhân lúc này thả bọn nó ra rồi mình tự nhảy xuống ăn một bữa no nê cho bõ thèm”.
Thế là, con chuột thứ hai nhẫn tâm thả đuôi của con chuột thứ nhất, con chuột thứ ba thì vội vàng thả đuôi của con chuột thứ hai, rồi chúng vội vã tranh nhau nhảy vào chum.
Và khi chúng đã thỏa mãn cơn thèm muốn của chúng, thì chúng phát hiện ra người của chúng đã ướt đẫm, cộng thêm chum thì sâu chân thì trơn, chúng mãi mãi không thể thoát khỏi cái chum mỡ ngon lành này được nữa. Cuối cùng, cả ba con chuột đều chết trong chum mỡ.
Một tập thể xuất sắc là phải có cùng một mục tiêu, và mỗi một thành viên phải có niềm tin vững chắc vào năng lực và phẩm chất của các thành viên khác, đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc mọi cam kết với tập thể.
Câu chuyện này là một bài học thực tế của rất nhiều mối quan hệ xã hội. Rất nhiều minh chứng đã chứng minh rằng, những nhà quản lý thành công, ngoài bản thân họ có chuyên môn giỏi ra, thì quan trọng hơn đó là sự trung thực và yêu nghề. Bất kể ai vì lợi ích cá nhân mà bất chấp đến lợi ích của tập thể thì sớm muộn họ cũng sẽ bị tập thể loại bỏ.
Những người không muốn giúp đỡ người khác, thì cũng sẽ không bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Chỉ có sự chân thành hợp tác giữa các thành viên trong tập thể, mới có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu nhóm.
Chúng ta, mỗi thành viên, mỗi nhân viên cần phải trung thành và có trách nhiệm với công việc của bản thân, không phải chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp lợi ích của người khác. Như vậy, chúng ta mới tạo ra được sự gắn kết, tăng cường khả năng cạnh tranh, tối đa hóa tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mình.
(ST)