Mẹ tôi luôn nói rằng nếu bà không tự nói với mình thì chẳng ai nghe bà nói cả. Dù lời bà nói nghe có vẻ giễu cợt hài hước nhưng cũng có điều gì đó đúng. Tự nói chuyện với mình có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho trí nhớ và khả năng nhận thức, có lợi cả về mặt thể chất và tinh thần. Dù có thể mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt kì quặc khi bắt gặp bạn đang nói chuyện 1 mình nơi đông người, hãy cứ thoải mái nói với mình rằng làm vậy là bạn đang giúp mình tự cân bằng trong thời đại và những ngày tháng bận rộn mà chúng ta đang sống. Dưới đây là 6 lợi ích của việc nói chuyện 1 mình mà có thể bạn không biết.
Bạn có nhận ra mỗi khi đi mua đồ mà không thể tìm ra món đồ mình muốn, ta thường có xu hướng tự lẩm bẩm với mình - rau mùi, rau mùi, rau mùi... - như 1 cách để lọc ra các loại rau mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn cũng làm thế thì bạn không phải là người duy nhất. Một nghiên cứu trên tạp chí Quarterly Journal of Experimental Psychology chỉ ra rằng những người thường nhắc đi nhắc lại các món đồ khi tìm kiếm thường có khả năng tìm nhanh hơn những người tìm kiếm trong im lặng. Giả thiết đặt ra là việc lặp lại những từ đó thành tiếng giúp gợi lên món đồ trong trí nhớ, khiến chúng trở nên "dễ trông thấy" hơn và nổi bật hơn trong mắt người tìm kiếm.
Nếu đã từng làm việc với trẻ em thì bạn sẽ nhận ra rằng chúng dường như không bao giờ ngừng nói. Điều đó hoàn toàn không xấu chút nào. Khi lớn lên, trẻ em dùng giọng nói của mình và bắt chước những đoạn hội thoại của người lớn. Chúng học cách phát âm, ngữ pháp và cú pháp bằng cách nghe và lặp lại những gì cha mẹ nói. Điều này cũng giúp chúng giải quyết các vấn đề khi học cách tiếp thu mọi thứ theo 1 trình tự. Nếu đã từng hát bài Peanut Butter and Jelly với trẻ em, bạn sẽ thấy điều này có ích thế nào.
Trong thế giới bận rộn ngày nay, lúc nào cũng có hàng triệu suy nghĩ trong đầu chúng ta. Chúng trở nên vô cùng lộn xộn và bạn có thể bị quá tải nếu không "duyệt" lại từng suy nghĩ. Cũng như cách những đứa trẻ làm, nói chuyện với chính mình sẽ giúp bạn đặt thứ tự ưu tiên cho điều gì là quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất với mình. Nó cũng giúp chúng ta nhận ra những "chuyện nhỏ nhặt" và rằng chúng ta đang tự chồng chất lên mình những thứ không quan trọng. Bằng cách tự nói với mình, chúng ta sẽ hiểu họ hơn về thế giới quanh mình.
Viết danh sách to-do nghe có vẻ là 1 ý tưởng hay nhưng khi danh sách trở nên quá dài thì bạn cũng sẽ thấy bị quá tải. Điểm qua những việc trong danh sách không chỉ giúp phân loại mức ưu tiên cho chúng mà còn khiến cho các mục tiêu dường như dễ đạt được hơn. Cũng như khi bạn cứ tự nhắc đi nhắc lại với mình "ngô, ngô, ngô" thì hình ảnh bắp ngô trở nên rõ ràng và dễ nhìn hơn trên giá hàng, nhắc lại các mục tiêu trong danh sách to-do sẽ giúp bạn hình ảnh hóa nhiệm vụ mà bạn đã viết ra. Nhà tâm lý học Linda Sapadin cho biết nói thành tiếng mục tiêu của mình giúp "tập trung sự chú ý, nhắc lại những nội dung đã có, kiểm soát cảm xúc và loại bỏ những điều gây mất tập trung".
Vì tự nói chuyện với mình giúp tổ chức suy nghĩ và đặt ra thứ tự ưu tiên cho những việc cần làm, suy nghĩ của bạn sẽ không phải chạy đua, lo lắng xem mình có đủ thời gian để làm mọi việc hay không. Đổi lại, bạn sẽ thư giãn và thoải mái hơn. Hơn thế nữa, nói chuyện 1 mình cũng giúp bạn chuẩn bị cho những khó khăn trong cuộc sống, ví dụ như chuẩn bị trước cho 1 cuộc nói chuyện với người yêu, đồng nghiệp hay sếp. Cho dù là tự nói để lấy động lực hay đang luyện tập trước những gì mình sẽ nói thì việc nghe từ ngữ từ miệng mình phát ra sẽ khiến hành động trở nên khả thi hơn, giúp bạn đối mặt với những tình huống khó khăn, đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và sự tự tin.
Những người nói chuyện 1 mình thường tự tìm sự giúp đỡ trong chính con người mình khi cần giải quyết 1 vấn đề nào đó. Trong khi những người khác đi tìm đồng nghiệp hay người giám sát thì những người nói chuyện 1 mình lại có khả năng phân tích tình huống và đưa ra quyết định độc lập mà không cần ai hướng dẫn. Cũng bằng cách nói chuyện với chính mình, chúng ta biết cách lắng nghe giọng nói bên trong mình, khám phá ra những gì chúng ta thực sự muốn. Nói đơn giản là những người dành thời gian nói chuyện với mình và lắng nghe chính mình sẽ tự hiểu mình nhất.
Tác giả: Matt Duczeminski