Đời người ta đôi khi cứ mải mê mang vác những thứ vật chất nặng nề, mà không hề biết rằng: Chỉ có tình yêu là thứ con người có thể mang đi theo mình mãi mãi mà thôi.
Cả đời hai ông bà sống trong căn hộ tập thể hơn bốn chục mét vuông và cao chưa đầy ba mét. Mặt đường cao hơn sàn nhà. Cứ mỗi lần mưa to là bà lại hì hục tát nước, tát hết đằng trước lại ra đằng sau. Nếu mưa cả đêm là cả đêm tát nước. Trong căn hộ tập thể ấy, cả bốn mùa ông bà đều phải thắp đèn. Nhưng nơi ấy cũng chình là nơi ba đứa con, hai gái một trai của ông bà ra đời, lớn lên rồi thành đạt. Đối với những người làm cha làm mẹ, cuộc đời này chỉ thế là đủ hạnh phúc rồi. Ông vẫn bảo:
Nhà là nơi có đủ hạnh phúc, không cần phải có đủ chiều rộng và có đủ chiều cao.
Ngày trẻ vất vả, mỗi khi nghe thấy ông nói thế bà thường cáu:
Gớm ông không có nhà cao cửa rộng nên lại tự an ủi mình thôi. Chứ ở nhà cao của rộng ai mà không sướng chứ.
Nói là nói vậy chứ bà chả bao giờ muốn rời khỏi căn nhà này. Đi đâu một hai ngày là lại như chấy cắn. Nhấp nhổm không yên. Lo trời mưa thì ngập trời nắng thì nóng, lo ở nhà không biết mấy bố con xoay sở ra sao, cơm nước thế nào?... Đàn bà thường là vậy đấy!
Thế rồi quanh đi quẩn lại, con cái ba đứa đều đã trưởng thành, căn nhà xưa chật hẹp ra vào chạm mặt nhau, ngủ cũng không đủ chỗ kê giường... Vậy mà giờ trở nên rộng thênh thang. Nhiều khi bà đùa ông:
Hình như dạo này tôi già rồi, người lại teo đi sao ấy. Chẳng phải căn nhà mình ở bao năm mà giờ lại thấy nó rộng nó cao thấy lạ.
Nhà cũ, bong rộp, những mảng xi măng cũ cứ thể vỡ ra. Bà lại hì hụi trát trát tô tô, như là người ta cẩn thận băng bó vết thương cho người vậy. Vừa làm vừa xuýt xoa, thở dài:
Gớm chỗ này lại bong ra rồi. Chỗ kia cũng sắp ông ạ... Cứ như là người già ấy. Nay đau chỗ này, mai nhức chỗ kia...
Nhưng đường xá người ta lại xây, nhà cứ thấp dần so với đường. Mỗi cơn mua bà lại tát nước nhiều hơn. Ông vẫn trầm ngâm ngồi hút thuốc ngắm người đi ngang ngực mình.
Rồi ông bà chuyển nhà. Chuyển tới một căn hộ chung cư đẹp hơn, sạch sẽ hơn và nhất là nước chẳng bao giờ ngập tới. Vui là thế, vậy mà bà cứ than ngắn thở dài không muốn chuyển khỏi căn nhà mà cả đời bà cứ cằn nhằn chê bai nó. Ông lại cười:
Kể ra bà cũng lạ.
Nhưng rồi chính ông cũng không muốn nhấc chân đi. Cứ thấy, đúng là nhà không phải đủ cao, không cần đủ rộng mà là nơi chứa cả một hành trình hạnh phúc của con người và cứ mỗi ngày lại đầy thêm, đầy thêm… Cho đến lúc người ta cứ nghĩ nó chính là sinh mệnh của mình.
Lại còn chuyện chuyển nhà, ông đau đầu vì bà cái gì cũng không nỡ vất đi. Kể cả là cái hũ muối cà muối dưa đã cũ, vài thứ đồ bao nhiêu năm chả dùng nhét vào một góc bà cũng nhất nhất mang đi. Ông thì không. Ông cứ dửng dưng bà đưa cái gì ông cầm cái đó. Bà cáu:
Ông đúng là có mới nới cũ. Bao nhiêu năm sống ở đây, ông không lưu luyến gì, không muốn mang theo cái gì sao?
Ông cười:
Tôi không mang gì hết. Tôi chỉ cần mang mỗi bà đi cùng. Thì tất sau đó có đủ cả.
Bà lườm ông. Còn ông nhìn bà nét cười đậm trong đôi mắt đục màu thời gian. Miệng lẩm nhẩm:
Cái bà này, bao nhiêu năm rồi mà chả thay đổi được gì. Sang đó thiếu gì đâu mà bà nhặt nhạnh cho mệt.
Nói vậy nhưng ông vẫn để bà mang theo tất cả những gì bà muốn.
'Chuyển sang nhà mới mà bà chả vui', ông lại đùa:
Ngày trước bà chẳng suốt ngày ước được nhà cao cửa rộng là gì? Hay ở nhà thấp cửa chật quen rồi ra nhà cao cửa rộng lại chếnh choáng?
Bà thở dài:
Tôi cứ thấy, ở đây thiếu vắng, trống trải chứ không đầy ăm ắp như căn nhà cũ của mình. Ở đó, cái gì cũng có, cái gì sờ đến cũng gắn với những kỉ niệm. Thấy lòng ấm áp. Còn ở đây, sờ tới cái gì cũng thấy nó vô tri vô giác. Đẹp đẽ đấy mà chẳng vui lòng.
Thế rồi, ở nơi mới ấy, đi đâu ông cũng muốn bà đi theo, làm gì cũng muốn bà làm cùng. Sáng dậy nhất nhất không cho bà theo tập cùng mấy bà hàng xóm khác mà đi bộ cùng ông. Thậm chí, chơi cờ, uống rượu cũng phải có bà bên cạnh. Bà cáu:
Ông làm sao mà đi đâu làm gì cũng mang tôi theo thế? Ông mắc bệnh sợ người lạ à?
Ông lại cười:
Vì ở đây, cái gì cũng trống rỗng, chỉ có bà là không. Cứ nhìn bà là tôi thấy bao nhiêu kỉ niệm, mọi thứ cứ như ngày hôm qua. Già rồi lú lẫn, nên muốn bà ở bên cho nhớ.
Nghe ông nói thế, bà mới để ý. Dạo này ông hay quên thật. Con bé hàng xóm ngày nào cũng qua chơi mà mỗi lần ông lại chào nó với một cái tên khác. Đồ đạc ông vừa dùng rồi lại quên. Tên ba đứa con mà nhiều khi ông cứ gọi đứa nó thành đứa kia…
Ông mắc bệnh quên của người già thật rồi. Mới chỉ có một năm sang nhà mới mà bao nhiêu chuyện đổi thay. Bà bảo với con, ông bà muốn trở về nhà cũ ở. Nơi đó ông bà có nhiều kỉ niệm và cảm thấy ấm áp, thân thuộc hơn.
Ông trở về xóm cũ, nên vui vẻ hơn rất nhiều. Ông sang chơi nhà hàng xóm cũ, chơi cờ với mấy ông bạn già, nhưng đi đâu cũng có bà đi cùng. Mọi người ai cũng nói: Già rồi, cần có bầu có bạn là vì thế. Bệnh của ông đỡ đi. Thỉnh thoảng ông lại cười bảo bà: Tôi chỉ cần mang theo bà là đủ.
Người ta nói, thời gian là bạn đồng hành của tình yêu bởi chỉ có thời gian mới có thể kiểm chứng được đâu mới là tình yêu chân thành. Nhưng thời gian cũng là khắc tinh của tình yêu bởi cũng chỉ có thời gian mới có đủ sức mạnh khiến những người yêu thương nhau phải tình nguyện mà chia lìa nhau.
Sau ngày ông mất, là một ngày mưa rất to. Bà không muốn tát nước. Mặc nó tràn qua lớp ngăn cửa, tràn cả vào nhà ngập ngụa. Lòng bà giờ cũng thế. Câu ông nói và nụ cười ấy mỗi khi nhìn bà bảo: Tôi chỉ cần có bà là đủ lại khiến đôi mắt mờ đi nhòe nhoẹt nước.
Cuối cùng thì, con người vẫn phải ra đi mà không thể mang theo được thứ mà mình muốn. Ông không thể mang theo bà bên mình. Nhưng có lẽ lòng ông đầy đủ. Chúng ta có thể mang được gì qua bên kia thế giới? Đời người ta đôi khi cứ mải mê mang vác những thứ vật chất nặng nề, mà không hề biết rằng: Chỉ có tình yêu là thứ con người có thể mang đi theo mình mãi mãi mà thôi. Thảo nào mà ông luôn nhắc bà: Chỉ cần mang theo bà là đủ! Sống chết là chuyện tất yếu, còn chọn mang theo mình thứ gì trong suốt cuộc đời mình lại là do chúng ta tự lựa chọn.
Chỉ có điều trong cuộc đời này, có một thứ tình yêu là sở hữu chung của hai con người. Nhưng rồi ai cũng phải đến cái đoạn đường mà tình yêu ấy, cả hai người cùng mang theo nhưng lại đi ngược theo hai hướng, bước ngược nhau ở hai thế giới. Mỗi người mang nặng tình yêu ấy và âm thầm chịu đựng sự chia ly. Cho nên, có lẽ khi sống, không cần nhà cao cửa rộng, không cần giàu sang tiền bạc mà chỉ cần khi nào cũng đủ đầy yêu thương. Chỉ cần có yêu thương là đủ. Chỉ cần người mình yêu thương bên mình là đủ lắm rồi!
Có lẽ người già sẽ không còn nhiều nước mắt. Người già đã có đủ thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời này...
(ST)