Con còn nhớ ngày xưa, hồi con còn nhỏ, mỗi chiều tan trường cha đón con ở cổng. Lũ bạn thường ghé tai nhau thì thào “cha cái Bông chỉ có một tay một chân thôi” rồi chúng thì thà thì thầm, có đứa còn tỏ ra sợ hãi. Những lúc như thế con thường vùng vằng “đã bảo con tự về được mà” rồi cắm đầu đi trước, ba tập tễnh chiếc nạng gỗ đi sau.
Con đã từng sợ hãi biết bao mỗi khi trời trở gió. Bởi những lúc ấy cha không còn là người cha ít nói của ngày thường. Cha la hét, cha đập phá, rồi lại đột nhiên ngồi khóc như một đứa trẻ, còn chị em con đứng dạt vào một góc nhà, thương mẹ đến trào nước mắt. Lúc đó đứa trẻ lên 9 là con thầm nghĩ “cha suốt ngày làm khổ mẹ”. Mẹ vừa ôm chặt lấy cha, vừa bảo chúng con đừng sợ. Để rồi mỗi lần qua cơn đau, cha lại gọi chúng con đến gần, dùng bàn tay còn lại vuốt nhẹ lên mái tóc màu vàng chanh khét lẹt bởi nắng của con rồi khẽ hỏi: “Con có sợ cha không?”. Con khẽ lắc đầu, nhưng mắt vẫn len lén niềm sợ hãi.
Trở về từ chiến tranh, với đôi chân không lành vẹn và một bàn tay đã mất, cha chỉ có thể quẩn quanh ở nhà, giúp mẹ trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Chiếc chân giả của cha vẫn in dấu trên khắp mảnh vườn, một cánh tay vẫn thoăn thoắt vét bùn, nhặt cỏ. Hoa trái trong vườn nhờ bàn tay cha mà xanh mướt sum suê, nhờ sự chăm chỉ của cha mà sai hoa trĩu quả.
Cha hay ốm hay đau, nên mọi nặng nhọc trong nhà hầu như dồn lên vai của mẹ. Cha hay tự trách bản thân mình. Những lúc như vậy mẹ chỉ nhìn cha, miệng khẽ cười “Cha nó có thể trở về đã là niềm may mắn lớn nhất với mẹ con em rồi” Ánh mắt cha hay nhìn xa xăm như nghĩ gì lung lắm sau câu nói của mẹ. Chỉ có mẹ là đọc được suy nghĩ của cha, mẹ khẽ nhắc chúng con bớt ồn ào, mẹ nói cha đang nhớ về những đồng đội cũ.
Lớn lên, con thấu hiểu nhiều hơn, thương cha nhiều hơn. Con không còn chạy trốn mỗi khi cha la hét. Con biết lắng nghe những chuyện đời cha kể. Những đêm sáng trăng, ngồi bên hiên nhà, cha kể cho chúng con nghe về những trận đánh, những vùng đất ba đã đi qua, những cái tên đồng đội đã cận kề bên cha trong những ngày lửa khói. Giọng ba khi hào sảng, khi run run, khi ồn ào, khi thỏ thẻ. Rồi trong làn gió mát bên hè, con gục ngủ trong tiếng hát thì thầm của cha.
Mẹ nói với chúng con rằng cha hay nghĩ lắm, hay tự thấy tủi thân vì không thể đồng hành cùng chúng con trong những ngày quan trọng. Cha không thể như những người cha khác, chở chúng con đi thi Đại học rồi loay hoay đợi để đón con về, không thể chạy đi chạy lại tự tay mình lo đám cưới cho con, không thể giặt cho cháu mình một cái tã sạch sẽ. Điều cha có thể làm chỉ là nhìn chúng con ngày càng trưởng thành, lớn lên. Âm thầm lo lắng, âm thầm sướng vui cho những trắc trở hay may mắn trên đường đời mà chúng con vấp trải.
Chúng con lớn lên rồi tung cánh bay xa, mải sống, mải vui nhiều khi quên rằng ở nhà có mẹ cha ngóng đợi. Mỗi lần gọi điện, mẹ hay bảo con: cha dạo này yếu lắm. Vậy mà gọi điện cho cha, cha cứ cười bảo mình rất khỏe, kết thúc cuộc gọi khi nào cha cũng hỏi “ khi mô thì tụi bay về?”.
Cha ạ, con rất muốn được về nhà, về để được ngồi bên cha. Để xoa xoa lên vết thương đã liền da cụt đến gần đầu gối vẫn thường làm cha đau đớn. Để được cầm bàn tay gầy guộc còn lại của cha mà nói với cha rằng: Đã lâu lắm rồi con không còn sợ cha đâu. Nếu cha đau, hãy cứ ôm con vào lòng mà khóc. Và cha nhé, đừng bao giờ nghĩ rằng cha là một người cha có nhiều thiếu sót vì đã không thể bên chúng con vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời. Chỉ cần chúng con có cha bên đời, dõi theo và biết rằng các con của cha sẽ luôn sống tốt. Chỉ cần mỗi lần gọi điện về nhà được nghe cha cười và nói rằng “Cha khỏe” đã là niềm hạnh phúc quá lớn lao rồi.
Lê Giang