Cứ bảo đàn ông chỉ biết nghe lời bố mẹ mình, rồi khi sống chung trong một nhà, để vợ làm hết mọi việc cũng là có lý do. Người ta chê bai đàn ông cũng không phải không có lý. Bây giờ thì tôi đã ngộ ra, vì chính bản thân tôi nhiều lúc cũng bó tay vì không thể nào ngăn cản được chuyện này. Lắm lúc, phận làm con khó xử, phận làm chồng còn khó xử hơn.
Ngày trước, tôi luôn nhắc vợ, làm vợ là phải nghe lời chồng, về làm dâu thì càng phải nghe lời bố mẹ. Tôi luôn muốn vợ mình phải là một người vợ tốt, gương mẫu để người khác nhìn vào mà khen ngợi. Vợ tôi đúng là một người phụ nữ biết điều, biết kính trên nhường dưới, biết trước biết sau. Từ cách cư xử với hàng xóm tới bố mẹ, tôi đều hài lòng.
Việc vợ nấu nướng, tôi không chê vào đâu được. Bố mẹ tôi cũng phải ca ngợi tài nấu nướng của vợ, toàn món ngon mà bài trí rất đẹp. Ngày về làm dâu, vợ chịu khó dậy sớm, dọn dẹp tươm tất mọi thứ trong nhà, tôi rất hài lòng. Nhưng lâu dần, chuyện đó trở thành thói quen và vô tình, mọi việc đều đến tay vợ.
Trước đây tôi rất nghe lời mẹ, lần nào mẹ nói gì thì dù có quyết định rồi tôi cũng phải xem xét lại sau lời khuyên ấy. Tôi là người con trai mà trong mắt mẹ là rất tốt, rất biết nghe lời, biết tôn trọng người trên. Thế nên, khi vợ về, tôi cũng vẫn tôn trọng quyết định của mẹ hơn vợ mình.
Từ bao giờ, công việc trong gia đình tôi đổ hết lên đầu vợ. Có hôm vợ kêu mệt, tôi cũng làm ngơ bảo là cố gắng, nhà có mấy việc đâu. Nhưng đúng là, chính sự vô tâm của tôi khiến vợ chán nản. Có lần vợ phát ốm, thế mà vẫn phải dậy dọn dẹp từ trên xuống dưới ngày cuối tuần. Vợ bảo, ‘nay em mệt lắm, em muốn nằm thêm, anh xuống xem có gì bố trí cơm nước giúp em’. Lúc đầu tôi cũng cau có nhưng sau thương vợ nên làm, thế mà mẹ tôi đã hắng giọng nói vọng lên trên tầng rằng, con dâu gì mà ngủ nướng tới tận bảnh mắt không chịu dậy còn bắt chồng làm. Chẳng hiểu sao từ sau lần ấy, tôi lại có thái độ khó chịu với chính mẹ đẻ của mình.
Xuống nhà, nhìn quần áo ngổn ngang, vứt đầy trong nhà tắm từ trên xuống dưới. Nhà thì có mẹ, có em chồng mà không ai động tay vào. Sân nhà thì lá rụng đầy sân, bẩn mà không ai chịu quét. Tôi hỏi mẹ sao không ai dọn dẹp, mẹ bảo đó là việc của con dâu. Tôi đâm bực tức trong người.Bữa trưa ấy, không ai nói chuyện cơm nước. Tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo ‘mày lên gọi vợ mày xuống làm, ngày nào nó chả làm’. Tôi bực quá quát lên ‘vợ con ốm, mẹ với em không làm được sao còn đợi vợ con’. Mẹ tôi hắng giọng ‘ốm gì mà ốm, qua tao còn thấy nó khỏe như voi, thế mày không thấy mẹ mày ốm à, tao mệt gần chết đây. Làm gì có kiểu con dâu nằm ườn ra thế’. Tôi bực quá, không nói gì, cho nhịn luôn nếu như không ai chịu động vào bếp. Tôi đi nấu cháo cho vợ.
Vợ tôi chắc nghe được, xuống dưới nhà không cho tôi động vào bếp và tự nấu nướng cơm nước, chuẩn bị thức ăn trong tủ lạnh có sẵn. Mẹ tôi nói với ra ‘ốm mà cứ nằm thì bao giờ mới khỏe, dậy khởi động tay chân thì khỏi ngay’. Nghe mẹ nói tôi bực. Người chứ có phải trâu bò đâu mà lại không có ngày ốm đau.
Bấy lâu nay tôi vô tâm với vợ, không nghĩ vợ mình lại chịu nhiều áp lực từ mẹ đến vậy. Bình thường vợ làm hết, mẹ không nói gì. Nay vợ mới ốm một hôm, mẹ đã nói vậy thì thực tình tôi nghĩ, vợ tôi không thể nào thoát được sự soi mói của mẹ. Vợ hay kêu than, tôi lại làm ngơ, nghĩ là vợ lắm chuyện, con dâu mẹ chồng nào cũng không ưa nhau. Lại bênh mẹ mình nên đâu hay biết, vợ mình lại chịu nhiều áp lực như vậy.
Là một người chồng vô tâm, lúc nào cũng nghĩ tới từ chuẩn mực, lúc nào cũng mong vợ mình làm tròn bổn phận dâu con mà không hề hay nghĩ đến hoàn cảnh của vợ. Thật sự tôi cũng cảm thấy áy náy vô cùng. Vợ đã quá đảm đang, quá chu toàn nhưng tôi lại không hiểu, chuyện vợ ở nhà chồng với người mẹ chồng, em chồng khó tính như gia đình tôi đã chịu khổ như thế nào. Vợ sợ tôi nghĩ ngợi, bảo vợ ki ke, kêu ca này kia nên nhịn, không dám nói, mà nói ra tôi cũng không hiểu nên đành...
Hôm nay, nhìn vợ có bầu, bụng to rồi mà còn phải dậy thật sớm vì không dám ngủ nướng, nhìn vợ đánh dọn nhà vệ sinh, nhìn vợ giặt đồ rồi phơi đồ, nhìn vợ quét dọn nhà cửa xong lại lo cơm nước ngày cuối tuần mà xót vợ vô cùng. Người ta có thể nghỉ ngơi thoải mái thời kì này, có thể thảnh thơi ngủ nghỉ ngày cuối tuần thì với vợ, ngày cuối tuần cứ như ngày bị tra tấn, bao nhiêu việc đổ lên đầu, chuẩn bị đi chợ, nấu nướng cho bao nhiêu người.
Tôi xót vợ nên đã giúp vợ làm các việc trong nhà nhưng mẹ tôi thì cứ ngồi đó, nói cáy nói móc. Thật tình, tôi chẳng thể thương nổi mẹ nữa rồi. Tôi ra mặt bênh vợ, mắng em mình vì không chịu làm ăn gì, sau này rồi cũng sẽ đi làm dâu thì em tôi làm um lên. Vợ ái ngại bảo tôi nói vậy ảnh hưởng cuộc sống gia đình, tôi thấy thương vợ biết bao.
Tôi đã nghĩ đến chuyện này, ra tay giúp vợ làm việc nhà, nhưng mà cứ mỗi lần nhìn ánh mắt của mẹ lại thấy cảm thương thay cho vợ. Vì tôi làm vậy lại là hại vợ tôi, nhưng không làm thì vợ cũng chết dở, mệt phờ người. Lắm đêm nằm an ủi vợ, xoa bụng vợ mà rằng ‘anh sẽ cố gắng bằng mọi cách để sớm chuyển ra ở riêng, sớm cho em một tổ ấm mới, để em có thể yên tâm mà an dưỡng, mà chăm con’. Tôi thề là tôi sẽ phải nỗ lực hết mình làm việc đó, để vợ không còn phải sống cuộc sống mệt mỏi như thế này.
Bây giờ thì tôi càng hiểu tại sao nhiều người lại sợ làm dâu như vậy. Các đức ông chồng hãy tìm hiểu cuộc sống của vợ mình, cố gắng hiểu vợ hơn một chút chứ đừng khư khư bảo thủ nghĩ nhà mình là trên hết. Làm dâu không giống như con trai trong nhà, có thể làm gì cũng được, ngủ nướng cũng được. Làm dâu là phải dậy sớm, phải dọn dẹp, phải nấu nướng, phải phục vụ nhà chồng. Nhưng phải xem lại, việc đó vợ có làm nổi hết không... Đừng khiến những người yêu thương đều khó chịu với nhau và chịu áp lực trong cuộc sống mà vốn là của họ.
(ST)