Một trong những thứ khó nhất trong cuộc đời đó là biết khi nào cần tiếp tục và khi nào cần bỏ qua thứ gì đó để rẽ sang một hướng khác.
Một mặt, sự kiên trì (perseverance) và bền bỉ (grit) là hai điều cốt lõi để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực. Bất kỳ ai muốn trở thành "bậc thầy" trong nghề của họ đều sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc của sự nghi ngờ và bằng cách này hay cách khác cũng sẽ phải tìm kiếm tinh thần quyết tâm từ bên trong con người mình để có thể tiến về phía trước. Nếu muốn xây dựng một công ty thành công hoặc có được một cuộc hôn nhân tuyệt vời hoặc chinh phục được một kỹ năng mới thì khi đó, "tiếp tục bám đuổi mục tiêu đó ngay cả khi gặp khó khăn" có lẽ là phẩm chất quan trọng nhất mà mỗi người cần phải có.
Mặt khác, việc khuyên một người "đừng bao giờ từ bỏ" là lời khuyên thật "kinh khủng". Những người thành công – họ từ bỏ liên tục. Nếu có thứ gì đó không hoạt động hoặc không xảy ra, người thông minh không làm đi làm lại. Họ xem xét. Họ điều chỉnh. Họ đổi hướng, rồi họ lại từ bỏ. Giống như một câu nói được cho là của Einstein rằng: "Làm đi làm lại cùng một thứ nhưng lại mong chờ nhận được những kết quả khác nhau là một điều điên rồ".
Cuộc sống đòi hỏi cả hai chiến thuật trên. Thi thoảng, bạn cần thể hiện một sự tự tin không có gì có thể lay chuyển và tối đa hóa những nỗ lực của bạn. Thi thoảng, bạn lại cần từ bỏ những thứ không hoạt động và thử một thứ gì đó mới mẻ. Câu hỏi quan trọng ở đây là: làm thế nào mà bạn biết được khi nào cần từ bỏ và khi nào cần tiếp tục làm nó dù khó khăn đến mức nào?
Một cách để trả lời câu hỏi trên chính là sử dụng một bộ khung mà tôi gọi đó là "3 Stages of Failure" – 3 giai đoạn của sự thất bại.
Bộ khung này sẽ giúp bạn làm rõ mọi thứ bằng cách phân chia các thử thách thành 3 giai đoạn của sự thất bại:
Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn một câu chuyện, một giải pháp và một đoạn tóm tắt ngắn cho từng giai đoạn của sự thất bại. Hy vọng của tôi là bộ khung gồm "3 giai đoạn của sự thất bại" này sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định đầy khó khăn rằng khi nào sẽ từ bỏ và khi nào sẽ tiếp tục chiến đấu với nó. Mặc dù không phải là giải pháp hoàn hảo nhưng tôi mong bạn sẽ tìm thấy những điều hữu ích.
Sam Carpenter trở thành ông chủ của một hãng kinh doanh nhỏ vào năm 1984. Bằng việc sử dụng 5.000 USD như một khoản trả trước, ông đã mua được một công ty đang rơi vào giai đoạn khó khăn ở Bend, Oregon và đặt tên nó là Centratel.
Centratel cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại 24/7 cho các bác sĩ, bác sĩ thú y và một số hãng kinh doanh cần những chiếc điện thoại được nhấc máy mọi lúc nhưng không đủ khả năng để chi trả cho việc tuyển thêm người về làm việc trực tiếp tại văn phòng. Khi mua công ty này, Carpenter hy vọng rằng Centratel "một ngày nào đó, sẽ trở thành một hãng cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại có chất lượng tốt nhất tại Mỹ".
Thế nhưng, mọi thứ xảy ra không như mong đợi. Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2012, Carpenter đã mô tả hơn 10 năm đầu tiên làm kinh doanh của mình như sau:
"Chính xác thì tôi đã phải làm việc từ 80 đến 100 giờ mỗi tuần trong 15 năm liền. Dù bạn tin hay không thì tôi là một ông bố đơn thân với 2 đứa con. Tôi đã từng thử tất cả các loại thuốc chống trầm cảm và nhiều hơn nữa. Tôi không có đủ tiền trả lương cho nhân viên và có thể mất cả công ty của mình. Nếu bạn có thể tưởng tượng được về một người đàn ông vô dụng, một người tàn phế và sau đó, nhân nó lên gấp 10 lần thì đó chính là con người tôi. Đó thực sự là một quãng thời gian khủng khiếp".
Một buổi tối, ngay trước thời điểm đến hạn trả lương cho nhân viên, Carpenter đã nhận ra một điều mà trước đây ông không hề nghĩ đến. Việc kinh doanh của ông gặp khó khăn bởi vì nó hoàn toàn thiếu các hệ thống cần thiết để đạt được năng suất tối đa. Ông chia sẻ rằng: "chúng tôi đối mặt với đủ các vấn đề bởi vì mọi người đang làm theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất".
Carpenter lý giải, nếu ông có thể hoàn thiện các hệ thống này thì nhân viên của ông mỗi ngày có thể tập trung vào những phần việc quan trọng nhất thay vì liên tục dành thời gian cho những vấn đề lặt vặt. Ngay lập tức, ông bắt đầu vạch ra giấy từng bước đi cho hoạt động kinh doanh của mình.
"Chẳng hạn," ông nói, "chúng ta có quy trình 9 bước cho việc trả lời điện thoại ở bàn tiếp tân. Mọi người đều làm theo cách này. Đây là cách 100% tốt nhất để làm nó. Chúng ta có một hệ thống hữu cơ, biến nó thành một cơ chế và khiến nó trở nên hoàn hảo".
Hai năm sau đó, Carpenter tiếp tục ghi lại và tiến hành sửa đổi từng quá trình trong công ty. Làm thế nào để tạo một bài thuyết trình bán hàng, làm thế nào để gửi tiền vào ngân hàng bằng séc, làm thế nào để thanh toán hóa đơn cho khách hàng, làm thế nào để xử lý bảng lương... Ông đã xây dựng một cuốn cẩm nang hướng dẫn mà bất cứ nhân viên nào cũng có thể đọc và áp dụng theo từng quy tắc, quy trình đã được thiết lập, cho từng hệ thống một với từng bước cụ thể.
Điều gì đã xảy ra?
Tuần làm việc của Carpenter giảm một cách nhanh chóng từ 100 giờ xuống còn ít hơn 10 giờ mỗi tuần. Ông không còn phải xử lý từng tình huống khẩn cấp bởi vì đã có sẵn một bộ thủ tục hướng dẫn các nhân viên giải quyết trong các trường hợp đó. Khi chất lượng công việc được cải thiện, Centratel đã nâng mức phí dịch vụ và biên lợi nhận của công ty đã tăng lên tới 40%.
Ngày hôm nay, Centratel đã phát triển với khoảng 60 nhân viên và gần đây đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 thành lập công ty. Hiện giờ, Carpenter chỉ làm việc 2 giờ mỗi tuần.
Cách sửa chữa sự thất bại trong chiến lược
Thất bại trong chiến lược là vấn đề của "HOW" – như thế nào. Trong trường hợp của Centratel, họ đã có một tầm nhìn rõ ràng (để trở thành một hãng cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại chất lượng tốt nhất ở Mỹ) và một chiến thuật tốt (thị trường cần các dịch vụ trả lời điện thoại rộng mở). Tuy nhiên, họ không biết cách làm thế nào để thực thi chiến lược và tầm nhìn đó.
Có 3 cách để sửa chữa sự thất bại trong chiến lược:
Ghi chép lại quá trình: McDonald có hơn 35.000 địa điểm bán hàng trên khắp thế giới. Tại sao các nhân viên mới của họ lại có thể "cắm vào là chạy" trong khi vẫn bán duy nhất một loại sản phẩm? Bởi vì họ có một hệ thống "chết người" phù hợp cho từng quá trình. Cho dù bạn đang điều hành một hoạt động kinh doanh, chăm sóc gia đình hay quản lý cuộc sống riêng của bạn thì xây dựng các hệ thống tuyệt vời là điều cốt yếu cho những thành công lặp đi lặp lại. Tất cả đều bắt đầu với việc vạch ra giấy từng bước đi cụ thể cho từng quá trình và phát triển một checklist (danh sách nhắc việc, đánh dấu các công việc đã hoàn thành hoặc chưa) mà bạn có thể theo dõi khi mọi thứ diễn ra không như mong muốn.
Đo lường các kết quả đạt được: Nếu có điều gì đó quan trọng với bạn, hãy đo lường nó. Nếu là một doanh nhân, hãy đo lường có bao nhiêu cuộc gọi bán hàng bạn tạo ra được mỗi ngày. Nếu là một người thích viết lách, hãy đo lường tần suất bạn xuất bản được một bài viết mới. Nếu là một vận động viên cử tạ, hãy đo lường xem tần suất bạn tập luyện như thế nào. Nếu chưa bao giờ đo lường các kết quả thì làm sao bạn biết được liệu chiến lược nào của mình là khả thi?
Xem xét lại và điều chỉnh các chiến lược: Thứ gây mệt mỏi nhất về các thất bại trong giai đoạn 1 đó là chúng không bao giờ dừng lại. Các chiến lược thường áp dụng sẽ trở nên lỗi thời. Các chiến lược mà trước đây có vẻ rất tồi thì bây giờ có thể trở thành một ý tưởng tốt. Bạn cần liên tục xem xét lại và cải thiện cách bạn làm việc. Những người thành công thường từ bỏ các chiến lược mà không thể khiến cho chiến thuật và tầm nhìn được dịch chuyển về phía trước. Sửa chữa thất bại trong các chiến lược không phải là công việc chỉ được thực hiện một lần mà nó phải trở thành phong cách sống.
Vào tháng 3 năm 1999, Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon đã có một thông báo rằng công ty của ông đã khởi động một dịch vụ mới có tên là Amazon Auctions nhằm giúp mọi người bán "gần như tất cả mọi thứ trên Internet". Ý tưởng này đã tạo ra một thứ gì đó có thể cạnh tranh với eBay. Bezos biết có hàng triệu người với rất nhiều hàng hóa muốn bán và ông muốn Amazon trở thành nơi mà các giao dịch này được thực hiện.
Greg Linden – kỹ sư phần mềm tại Amazon ở thời điểm đó đã nhớ về dự án này như sau: "Đây thực sự là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tất cả mọi người trong công ty đều phải tạm dừng các dự án của họ để tập trung cho nó. Toàn bộ trang Auctions với tất cả các tính năng giống với eBay và nhiều hơn nữa được xây dựng từ chỗ chưa có gì cả. Nó được thiết kế, được sáng tạo, được phát triển, được kiểm tra và được khởi chạy trong chưa đầy 3 tháng".
Amazon Auctions là thất bại thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Chỉ 6 tháng sau khi ra mắt, bộ phận quản lý đã nhận ra rằng dự án này rồi chẳng đi đến đâu cả. Vào tháng 9 năm 1999, họ chuyển sang một đề xuất mới đó là chuyển đổi ý tưởng hình thành công ty đấu giá trực tuyến trên thành Amazon zShops – cho phép tất cả mọi người từ các công ty lớn cho tới các cá nhân có thể tạo ra cửa hàng trực tuyến và bán hàng hóa qua Amazon. Một lần nữa, Amazon lại chao đảo và thất bại. Cho đến hôm nay, cả Auctions lẫn zShops đều không tồn tại. Vào tháng 12 năm 2014, Bezos đề cập đến các dự án không thành hiện thực của mình với câu nói nổi tiếng rằng: "tôi đã tạo ra hàng tỷ USD cho các thất bại tại Amazon.com. Đúng là hàng tỷ thật".
Không hề nản lòng, Amazon thử một lần nữa bằng cách tạo ra một nền tảng dành cho những người bán hàng hợp tác với các bên thứ ba (Third-party seller). Tháng 11/2000, họ ra mắt Amazon Marketplace cho phép các cá nhân có thể bán các hàng hóa đã qua sử dụng bên cạnh những sản phẩm mới của trang web này. Chẳng hạn, một cửa hàng sách nhỏ có thể bao gồm các cuốn sách đã được đọc và những cuốn sách mới từ Amazon.
Dự án đó đã thành công và đến năm 2015, Amazon Marketplace đã chiếm gần 50% trong tổng 107 tỷ USD doanh thu bán hàng tại Amazon.com.
Sửa chữa thất bại trong chiến thuật
Thất bại trong chiến thuật chính là vấn đề của "WHAT" – cái gì. Vào năm 1999, Amazon đã có một tầm nhìn rõ ràng là "trở thành một công ty trung tâm thu hút nhiều khách hàng nhất". Họ cũng là "bậc thầy" trong việc biến mọi thứ xảy ra và đó là lý do tại sao họ có thể ra mắt Amazon Auctions chỉ sau chưa đầy 3 tháng. "Tại sao" và "làm thế nào" đã được kiểm soát nhưng "cái gì" thì vẫn chưa rõ.
3 cách cơ bản để sửa chữa thất bại trong chiến thuật:
Bắt tay vào làm thật nhanh: Một vài ý tưởng khả thi hơn rất nhiều so với các ý tưởng khác nhưng không một ai biết được thực sự các ý tưởng đó có trở thành hiện thực được hay không trừ khi thử chúng. Không một ai biết trước được tương lai – kể cả các nhà đầu tư mạo hiểm, kể cả những người được cho là thông minh tại Amazon, kể cả bạn bè hay các thành viên trong gia đình của bạn. Tất cả các nghiên cứu, thiết kế và việc lập kế hoạch chỉ là những gì được vạch ra trên giấy. Tôi rất thích một câu nói của Paul Graham rằng: "Bạn không thực sự bắt đầu làm việc [với ý tưởng của bạn] cho tới khi bạn bắt tay vào làm nó".
Chính vì điều này mà điểm cốt lõi đó là phải đưa ra được các chiến thuật thật nhanh. Bạn thử nghiệm một chiến thuật vào thực tế càng sớm thì bạn càng nhanh nhận được phản hồi liệu rằng nó có khả thi hay không. Hãy chú ý các thời điểm của Amazon: Amazon Auctions ra mắt vào tháng 3/1999, Amazon zShops ra mắt vào tháng 9/1999 và Amazon Marketplace ra mắt vào tháng 11/2000. Ba nỗ lực vô cùng lớn chỉ trong vòng 20 tháng.
Hãy làm nó thật rẻ: Giả sử rằng bạn đạt được mức chất lượng tối thiểu, điều tốt nhất ở đây là đừng đầu tư quá nhiều tiền cho việc thử nghiệm các chiến thuật mới. Thất bại một cách "rẻ nhất" sẽ làm tăng cơ hội bạn có được thành công bởi vì nó có nghĩa là bạn có thể thử thêm nhiều ý tưởng nữa. Ngoài ra, làm những thứ rẻ cũng sẽ tạo điều kiện để thực hiện mục đích quan trọng khác. Nó sẽ khiến bạn không quá bám sát vào một ý tưởng đặc biệt. Nếu đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào một chiến thuật đặc biệt thì sẽ thật khó để từ bỏ hoàn toàn chiến thuật đó. Càng nhiều năng lượng đầu tư cho một thứ thì bạn càng cảm thấy "quyền sở hữu" cho nó nhiều hơn. Những ý tưởng kinh doanh tồi, những mối quan hệ độc hại và tất cả những thói quen tiêu cực sẽ rất khó để loại bỏ một khi chúng trở thành một phần trong bản sắc của bạn. Hãy thử nghiệm các ý tưởng mới "thật rẻ" để tránh những cạm bẫy này và tăng khả năng rằng bạn sẽ theo đuổi được một chiến thuật tốt nhất hơn là theo đuổi một chiến thuật mà bạn đầu tư nhiều nhất.
Xem xét lại nhanh chóng: Các chiến thuật mặc nhiên cần được xem xét và điều chỉnh. Bạn cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm một doanh nhân, nghệ sỹ hoặc nhà sáng tạo thành công – người mà hiện nay đang làm chính xác cùng một thứ giống với thời điểm họ bắt đầu. Starbucks bán café và các loại máy pha café espresso hơn một thập kỷ trước khi họ bắt đầu. 37 Signals bắt đầu với vai trò là một hãng thiết kế web trước khi thay đổi hướng đi để trở thành một công ty phần mềm có giá trị hơn 100 triệu USD như hiện nay. Nintendo đã sản xuất thẻ bài và máy hút bụi trước khi "đánh cắp được trái tim" của hàng triệu người hâm mộ video game trên toàn thế giới.
Quá nhiều doanh nhân nghĩ rằng nếu ý tưởng kinh doanh đầu tiên là một thất bại thì họ không có khả năng để làm điều đó (không có khiếu về thứ đó). Quá nhiều nghệ sĩ cho rằng nếu vai diễn đầu đời không nhận được lời khen ngợi thì họ không hề có kỹ năng phù hợp cho công việc này. Quá nhiều người tin rằng nếu một hoặc ba mối quan hệ đầu tiên quá tệ thì họ sẽ không bao giờ tìm được tình yêu đích thực.
Hãy tưởng tượng nếu các lực trong tự nhiên cũng hoạt động theo cách này. Sẽ như thế nào nếu "Mẹ tự nhiên" chỉ dành cho mình duy nhất một lần tạo ra sự sống? Khi đó, tất cả chúng ta chỉ là những cơ thể đơn bào. May thay, đây không phải là cách mà quá trình tiến hóa diễn ra. Hàng triệu năm, cuộc sống đã thích nghi, tiến hóa, sửa đổi và lặp đi lặp lại cho tới khi nó đạt đến sự đa dạng và phong phú về các loài – những sinh vật hiện đang sống trên hành tinh. Giải quyết/làm rõ tất cả các vấn đề chỉ trong lần thử đầu tiên không phải là tiến trình tự nhiên của tạo hóa.
Thế nên, nếu ý tưởng ban đầu của bạn là một sự thất bại và bạn có cảm giác như thể mình đang không ngừng xem xét lại và điều chỉnh nó thì hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Thay đổi chiến thuật của bạn thật bình thường. Đó mới chính là cách mà thế giới tồn tại. Bạn phải tập trung vào những gì bạn muốn chứ đừng để bị phân tán khỏi mưu cầu của mình bằng cách so sánh với những quan điểm hay thành công của những người khác.
Ralph Waldo Emerson sinh năm 1803 tại Massachusett. Bố của ông là mục sư tại nhà thờ Unitarian – một nhánh tương đối phổ biến của Đạo Cơ-đốc ở thời điểm đó.
Giống như bố của mình, Emerson cũng học đại học Harvard và trở thành một linh mục. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng bản thân mình không đồng ý với nhiều quan điểm giảng dạy tại nhà thờ sau một vài năm làm việc tại đó. Emerson thể hiện thái độ bất đồng quan điểm mạnh mẽ với những người đứng đầu nhà thờ trước khi đưa ra quyết định rằng: "Cách nhà thờ này tôn kính Chúa không phù hợp với tôi và lý do này đủ để buộc tôi phải rời khỏi nó".
Emerson rời khỏi nhà thờ vào năm 1832 và dành những năm sau đó để đi du lịch khắp Châu Âu. Những chuyến hành trình mới lạ đã khai phá trí tưởng tượng và giúp ông xây dựng được những tình bạn tốt đẹp với nhiều nhà triết học và nhà văn đương đại như John Stuart Mill, William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge hay Thomas Carlyle. Có tài liệu viết rằng những chuyến du lịch của ông tới Paris đã làm lóe lên "khoảnh khắc của cảm xúc mãnh liệt về khả năng nhìn xa trông rộng giúp ông rời bỏ chủ nghĩa thần học và hướng đến khoa học".
Sau khi trở về Mỹ, Emerson đã thành lập Transcendental Club gồm một nhóm người trí thức giống như ông cùng nhau thảo luận về triết học, văn hóa, khoa học và con đường cải tiến xã hội Mỹ.
Vẫn còn những thắc mắc khó hiểu về cuộc đời và những giá trị của Emerson khi ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò là một mục sư, sau đó lại có những chuyến hành trình đi khắp thế giới và tiếp tục tham gia vào những buổi gặp gỡ của Transcendental Club để nhận ra ước mơ của mình là trở thành một nhà triết học và nhà văn. Ông đã dành những năm còn lại của cuộc đời mình để theo đuổi những tư tưởng độc lập, viết luận và những cuốn sách mà đến hôm nay, chúng vẫn còn giá trị.
Sửa chữa thất bại trong tầm nhìn
Thất bại trong tầm nhìn chính là vấn đề của chữ "WHY" – tại sao. Chúng xảy ra bởi vì tầm nhìn hoặc mục tiêu của bạn đối với điều bạn muốn trở thành (lý do của bạn) không ăn khớp với những hành động mà bạn đang thực hiện.
Có 3 cách cơ bản để sửa chữa các thất bại trong tầm nhìn:
Xem xét một cách cẩn thận cuộc đời bạn: Hiếm khi chúng ta dành thời gian để nghĩ một cách nghiêm túc về tầm nhìn và giá trị của mình. Chắc chắn, đó không phải là yêu cầu khi nói rằng bạn phải phát triển tầm nhìn cá nhân về công việc hay đời sống riêng. Nhiều người sẵn sàng làm theo ý mọi người hoặc đám đông mà bỏ đi kế hoạch đã định trước và sống theo kiểu "cái gì đến sẽ đến". Về lý thuyết, điều này ổn thôi. Tuy nhiên, trong thực tế, lại có vấn đề:
Nếu không bao giờ quyết định tầm nhìn của cuộc đời bạn thì thường bạn sẽ thấy mình đang sống với giấc mơ của người khác.
Giống như những đứa trẻ, Emerson cũng nối gót sự nghiệp của cha mình đó là vào học tại trường Đại học Harvard và làm cùng một công việc trước khi nhận ra rằng đó không phải là điều ông muốn. Coi tầm nhìn của người khác là của bạn – liệu rằng nó xuất phát từ gia đình, bạn bè, những người nổi tiếng, sếp hay xã hội – sẽ không đưa bạn tới ước mơ bạn muốn. Bản sắc của bạn và những thói quen của bạn cần được ăn khớp với nhau.
Chính vì điều đó, bạn cần dành thời gian để suy nghĩ kỹ về cuộc đời của mình. Bạn muốn hoàn thành điều gì? Bạn muốn dành những ngày trong cuộc đời mình để làm gì? Không ai có nhiệm vụ phải làm rõ tầm nhìn của bạn cho bạn. Đó là nhiệm vụ bạn phải làm. Đề xuất của tôi là hãy bắt đầu bằng cách khám phá những giá trị cốt lõi trong cuộc đời bạn. Sau đó, xem xét lại những trải nghiệm gần đây bằng cách viết ra một bản đánh giá thường niên (Annual Review) hoặc làm một bản báo cáo thật khách quan.
Xác định rõ thứ không thể lay chuyển được ở bạn: Điều gì đó "không thể lay chuyển" là thứ mà bạn không sẵn sàng để nó bị lung lay, bất kể có vấn đề gì xảy ra. Một sai lầm phổ biến đó là chúng ta dễ dàng tạo ra một chiến thuật không thể lay chuyển, trong khi đáng lẽ ra đó phải là tầm nhìn. Việc bị gắn chặt với ý kiến cá nhân là điều quá dễ. Nhưng khi bị ám ảnh bởi thứ gì đó, bạn cũng sẽ bị ám ảnh bởi tầm nhìn của bạn chứ không phải là ý kiến của bạn. Hãy vững chắc trong tầm nhìn chứ không phải là "phiên bản đặc biệt" của bất kỳ một ý kiến nào cả. Như Jeff Bezos đã từng nói: "Chúng ta kiên quyết trong tầm nhìn nhưng chúng ta linh hoạt trong các chi tiết".
Chìa khóa ở đây là nhận ra rằng gần như tất cả mọi thứ đều là chi tiết – chiến lược của bạn, chiến thuật của bạn và ngay cả mô hình kinh doanh của bạn cũng vậy. Nếu "sự không lay chuyển được của bạn" là có thể trở thành một doanh nhân thành công, sau đó, bạn sẽ có rất nhiều cách để đạt được tầm nhìn đó. Nếu "sự không lay chuyển được của Amazon" đó là "trở thành một công ty thu hút nhiều khách hàng nhất" thì họ có thể mất hàng tỷ USD cho Amazon Auctions, Amazon zShops và vẫn đạt được mục tiêu của họ đấy thôi.
Một khi đã tự tin với tầm nhìn của mình thì hiếm khi bạn mất tất cả cùng một lúc. Một vài sai lầm xảy ra có thể hủy hoại toàn bộ ước mơ của bạn. Nhiều khả năng hơn, bạn sẽ không thành công ở mức độ chiến thuật và cảm thấy bị gục ngã. Điều này sẽ làm tê liệt sự cố gắng, nhiệt huyết của bạn và bạn sẽ từ bỏ không phải bởi vì bạn nên mà là bạn cảm thấy phải như vậy. Cảm xúc của bạn khiến bạn chuyển từ thất bại trong giai đoạn 1 hoặc 2 sang thất bại trong giai đoạn 3. Đa phần các sai lầm mà mọi người cho đó là thất bại trong tầm nhìn thì quả thực, đó chính là thất bại trong chiến thuật. Nhiều doanh nhân, nghệ sĩ và nhà sáng tạo đặt niềm tin rất lớn vào ý tưởng của họ và khi ý tưởng đó không thể thành hiện thực thì họ cũng từ bỏ luôn tầm nhìn. Đừng phát triển một cảm giác "sở hữu" đối với những thứ sai lầm. Gần như có vô số con đường có thể đạt được tầm nhìn của bạn nếu bạn sẵn sàng linh hoạt trong từng chi tiết.
Điều khiển sự chỉ trích: Chỉ trích có thể xem là một chỉ báo của những chiến thuật và chiến lược thất bại, tuy nhiên – giả sử bạn là một người có lý trí với những mục tiêu khả thi thì hiếm khi đó lại là chỉ báo của một tầm nhìn thất bại. Nếu đã cam kết hình thành nên một tầm nhìn như là một yếu tố "không thể lay chuyển được" trong cuộc đời và không từ bỏ ngay từ lần thử đầu tiên thì khi đó, bạn phải sẵn sàng điểu khiển sự chỉ trích. Bạn không cần phải xin lỗi khi bạn đam mê thứ gì đó nhưng phải học được cách đối phó với những kẻ đáng ghét.
Giai đoạn thứ 4 của sự thất bại chưa được nhắc đến ở trên đó chính là Thất bại trong cơ hội.
Đây chính là những sai lầm của "WHO" – ai. Chúng xảy ra khi xã hội không thể cung cấp cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Các thất bại trong cơ hội là kết quả của rất nhiều nhân tố phức tạp: độ tuổi, chủng tộc, giới tính, thu nhập, nền tảng giáo dục và nhiều hơn nữa.
Chẳng hạn, có hàng ngàn người đàn ông bằng tuổi của tôi đang sống trong những khu nhà ổ chuột ở Ấn Độ hoặc trên đường phố ở Bangladesh – những người thông minh và tài năng hơn tôi. Nhưng cuộc sống của chúng tôi khác nhau rất nhiều, phần lớn bởi vì cơ hội đến với mỗi người quá khác biệt.
Có rất nhiều thứ mà mỗi chúng ta có thể làm trong vai trò là từng cá nhân hay xã hội để làm giảm những thất bại trong cơ hội đó. Tuy nhiên tôi không chọn tập trung vào nó ở đây bởi vì các thất bại này rất khó tác động. Trong khi đó, tầm nhìn, chiến thuật và chiến lược của bạn là tất cả những thứ mà bạn có thể kiểm soát trực tiếp.
Hy vọng rằng, bộ khung 3 giai đoạn của sự thất bại sẽ giúp bạn làm rõ những vấn đề mà bạn đang phải đối mặt và biết cách giải quyết chúng. Một thứ có thể khiến bạn cảm thấy hơi mơ hồ đó là các giai đoạn này có thể tác động tới nhau như thế nào.
Chẳng hạn, các thất bại trong chiến lược thường tạo ra đủ sự tàn phá khi bạn tin một cách sai lầm rằng bạn có một thất bại trong tầm nhìn. Hãy tưởng tượng Sam Carpenter cảm thấy như thế nào khi ông đang làm việc 100 giờ mỗi tuần. Có thể, sẽ khá dễ dàng khi giả sử rằng tầm nhìn trở thành một doanh nhân của ông là một sự thất bại nhưng, thực tế, điều gây ra rắc rối chỉ là những chiến lược yếu kém.
Thi thoảng, bạn không cần nhiều chiến lược để tạo ra đủ các khoảng trắng nhằm xác định rõ chiến thuật và tầm nhìn của mình. Đây là lý do tại sao tôi viết về những thứ như cách quản lý các công việc hàng ngày, cách xác định các ưu tiên của bạn hay tại sao ôm đồm nhiều việc cùng lúc là chuyện hoang đường. Những điều này về bản chất sẽ không tạo ra một tầm nhìn thay đổi thế giới nhưng nó sẽ giúp bạn làm rõ được con đường của mình để vươn tới ước mơ thay đổi thế giới.
Hay nói cách khác, sau cùng, bạn có lẽ không đi sai đường. Đó chỉ là có quá nhiều dòng xoáy đầy bụi bẩn bủa vây khiến bạn không thể nào nhìn rõ con đường đó. Hãy xác định những chiến lược và một chiến thuật đúng đắn – "làm sạch bụi trong không khí" và bạn sẽ thấy rằng tầm nhìn, thường, tự nó sẽ được tiết lộ.