Theo quan niệm xưa, mỗi năm mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh khác nhau, trong đó có những sao tốt và sao xấu. Nếu gặp sao xấu, cần phải làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa hoặc tại nhà nhằm hóa giải vận hạn trong cả năm.
Dưới đây là một số địa điểm làm lễ giải hạn được nhiều người dân lựa chọn ở Hà Nội.
Chùa Phúc Khánh còn có tên khác là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang, được xây dựng vào thời Hậu Lê. Hiện nay, chùa Phúc Khánh nằm trên phố Tây Sơn thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.
Lễ dâng sao giải hạn thường được tổ chức vào ngày mùng 8, 15 và 18 tháng Giêng. Nhưng ngay từ mùng 2, 3 tháng Giêng, hàng nghìn người đã tới chùa để đăng ký.
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội.
Chùa Hà nổi tiếng là linh thiêng nên thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Đặc biệt vào ngày mùng 1, ngày rằm có rất nhiều các bạn trẻ, những người chưa có người yêu hay những đôi yêu nhau thường đến đây để cầu duyên.
Ngoài sự nổi tiếng linh thiêng về cầu duyên, chùa Hà cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng nhiều người chọn lựa để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.
Ngôi chùa hơn 1.500 năm tuổi này được xây dựng vào thời Tiền Lý năm 541 và là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, chùa Trấn Quốc cũng luôn được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan trong và ngoài nước.
Vào ngày rằm, mùng 1, các ngày lễ Tết rất nhiều người dân tới chùa Trấn Quốc để cầu bình an, may mắn.
Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV và được mệnh danh là ngôi chùa thiêng bậc nhất của Hà Nội.
Ngôi chùa này được chọn làm trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phân viện Nghiên cứu Phật học.
Nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô, ngôi chùa luôn tấp nập khách tới lễ Phật vào đầu năm, ngày lễ Tết, rằm và mùng 1 để cầu may mắn cho bản thân và gia đình.
Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng là một trong những ngôi đền linh thiêng để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới ở Hà Nội.
Đền Quán Thánh được Vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ở phía Bắc tòa thành Thăng Long để trấn tà khí từ phương Bắc tràn xuống. Đền nằm ở góc đường Cổ Ngư, nay là đường Thanh Niên.
Trong đền Quán Thánh có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen cao 3,07, chu vi 8m, nặng 4 tấn là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam.
Là một trong những ngôi đền nổi tiếng của Hà Nội, đền Quán Thánh được rất nhiều người chọn là nơi để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Đền Kim Liên nằm ở phía Nam của kinh thành Thăng Long cùng với đền Quán Thánh thuộc "Thăng Long tứ trấn" có từ thời vua Lý Thái Tổ.
Đền Kim Liên là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương (con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ) và hai nữ thần là Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa.
Đền Kim Liên hiện còn lưu giữ được tấm bia đá cổ được dựng từ năm 1772 khắc thần tích và bài minh ca ngợi Thần được soạn từ năm 1510 và 39 đạo sắc phong của các triều đại.