Rất nhiều bậc cha mẹ duy trì tư tưởng rằng vì cuộc đời của mình thiếu thốn nên họ PHẢI nỗ lực để vun đắp cho con cái của mình: bao bọc, che chở chúng nhiều hơn, mua sắm cho con cái nhiều hơn và cố gắng để cho con được "bằng chúng, bằng bạn". Tuy nhiên, suy nghĩ này – trong cuộc sống hiện đại – đang là cái bẫy "giết chết" con trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành; bởi, chúng thiếu tính tự lập, sống phụ thuộc, yếu ớt cả về thể chất lẫn tinh thần và không thể ra quyết định ngay cả những vấn đề nhỏ nhất liên quan đến bản thân.
Có lẽ, đây chính là căn nguyên dẫn tới xã hội bây giờ có nhiều người được gọi là "em bé tuổi 30 (tuổi 20)" đến vậy!
Câu chuyện về một người phụ nữ Mỹ dạy con dưới đây sẽ là bài học về cách dạy con mà mỗi chúng ta – những ông bố bà mẹ (hoặc tương lai sẽ là những ông bố, bà mẹ) cần suy ngẫm.
Về tác giả câu chuyện: Bài viết này được tác giả Kate Bassford Baker đăng trên trang Alameda Patch vào năm 2013 và trở thành một trong những bài viết nổi bật nhất trên website này với hơn 440 nghìn lượt chia sẻ. Nhan đề của bài viết gốc là "Please Don't Help My Kids".
Thưa các bố mẹ đang ở công viên!
Xin đừng đỡ các con gái tôi lên bậc thang cao nhất, nhất là khi bạn đã nghe tôi nói với bọn trẻ rằng tôi sẽ không làm việc đó và khuyến khích chúng tự cố gắng.
Tôi ngồi cách các con gần 5 mét và không muốn đứng lên chẳng phải vì tôi lười mà bởi tôi đưa các con tới công viên không phải để bọn trẻ học cách nhờ vả người khác làm giúp mình những việc khó. Tôi đưa chúng tới đây để các con học cách tự thực hiện mọi việc. Bọn trẻ không vào công viên để đứng trên bậc cao nhất, chúng phải học cách tự trèo lên. Nếu con không thể tự làm điều đó, chúng sẽ phải học cách vượt qua nỗi thất vọng. Hơn thế nữa, trẻ sẽ học cách đưa ra mục tiêu và có động cơ để cố gắng đạt được.
Trong khi đó, trẻ có thể sử dụng các bậc thang. Tôi muốn các con đừng tự giới hạn khả năng của mình và nỗ lực hết sức mà không cần sự giúp đỡ từ mẹ. Không phải việc của tôi và chắc chắn không phải việc của bạn – khi giúp các con mình tránh khỏi cảm giác thất bại, lo sợ và khó chịu. Nếu tôi làm vậy, tôi đã cướp của các con cơ hội học hỏi rằng những điều này không phải là dấu chấm hết và có thể vượt qua hay tận dụng các lợi thế của mình.
Nếu con gặp khó, việc của tôi không phải là giúp chúng ngay lập tức. Nếu tôi làm vậy, tôi đã cướp của con cơ hội học cách tự giữ bình tĩnh, đánh giá tình huống và cố gắng tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Tôi cũng không có nhiệm vụ giữ cho các con khỏi ngã. Nếu tôi làm vậy, tôi đã lấy đi của con cơ hội hiểu rằng vấp ngã là điều có thể xảy ra nhưng đáng mạo hiểm và rằng các con lại có thể đứng dậy sau cú vấp.
Tôi không muốn các con gái mình nghĩ rằng chúng không thể vượt qua được những trở ngại nếu thiếu sự trợ giúp.
Tôi không muốn chúng cho rằng mình có thể đạt được quả ngọt mà không cần cố gắng. Tôi không muốn các con hiểu là chúng có quyền được hưởng những thứ chúng không nỗ lực giành được.
Tôi muốn các con gái của mình biết niềm vui khi vượt qua sợ hãi và ngờ vực cũng như đạt được thành công qua gian khó.
Tôi muốn các con tin vào khả năng của mình và tự tin, kiên định vào hành động của chúng.
Tôi muốn trẻ chấp nhận giới hạn của bản thân cho tới khi chúng có thể tìm ra được sức mạnh đặc biệt của bản thân.
Tôi muốn chúng cảm nhận được khả năng tự đưa ra quyết định tự phát triển các kỹ năng, tự chấp nhận rủi ro và đối mặt với cảm xúc của chính mình.
Tôi muốn các con trèo lên chiếc thang đó mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào, dù có ý tốt đến đâu, từ người khác. Bởi vì chúng có thể làm được. Tôi biết vậy. Và nếu tôi dành cho các con một chút không gian, chúng cũng sẽ sớm nhận điều đó.
Vì vậy, tôi sẽ cảm ơn nếu bạn lùi lại và để tôi làm công việc của mình – mà chủ yếu là ngăn các bạn giúp con tôi và cố gắng mím chặt môi mỗi lần muốn kêu lên "Cẩn thận, con ơi" và lựa chọn đứng lại – một cách chủ ý, đau đớn, lặp đi lặp lại – thay vì tiến lên.
Bởi vì, khi các con trưởng thành, những bậc thang sẽ chỉ cao thêm, đáng sợ hơn và khó leo lên hơn. Tôi không biết bạn thế nào, còn tôi, tôi sẽ chọn dạy con học các kỹ năng chúng cần để tự định hướng từ lúc này, khi mà mỗi sai lầm chỉ đi kèm với một vết thương nhẹ và có thể lành lại nhờ một nụ hôn. Dù cho, đối với chúng, khoảng cách gần 5m rất gần nhưng với tôi, đã là quá xa để tôi có thể chạy tới bên chúng.
Thế nên, tôi chọn cách dạy con tự lập ngay từ bây giờ để mỗi khi không có tôi bên cạnh, chúng vẫn đủ vững vàng để tự đứng dậy và bước tiếp.
Thế nên mới nói "vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" chính là vậy.