Chiếc xe con Mazda 626 đưa chúng tôi đến một thị xã miền Tây Bắc ì ạch leo dốc. Con đường ngoằn ngèo núi cao. Dưới kia là vực sâu thung lũng sườn đồi loang lổ từng vạt nắng vàng. Đây đó mọc lên những bản nhà sàn bên đường có dải mây trắng vắt ngang thật thơ mộng. Những chỗ ngoặt chúng tôi lại thấy một cái cột sắt sơn trắng có gương hình cầu nhô lên. Trong xe chỉ có 3 người. Tôi, chú tài xế và giám đốc họ Phạm vui tính. Chiếc cát sét trên xe đang thánh thót một bài ca:
Tôi có người yêu từ thuở tình yêu ban đầu
Dệt bao nỗi nhớ và lòng xây đắp bền lâu
Giọng nam ca sĩ ngọt ngào sâu lắng. Giám đốc Phạm nói: - Mình kể một câu chuyện diễn ra ở nơi chúng mình sắp đến nhé.
-Anh kể đi. Có lẽ nghe như thế thì lái xe đỡ buồn ngủ? Tôi nói. Giám đốc Phạm vội tắt máy cát xét rồi thủ thỉ vào đề:
-Ông bạn phó giám đốc ở một công ty trên thị xã miền Tây Bắc này tên là Tòng Văn Tiểu, dáng người to con, nước da trắng trẻo khuôn mặt tuấn tú. Nghĩa là anh vào hạng đẹp trai. Tiểu lại nói chuyện có duyên và năng động trong công tác. Anh có tên trong danh sách thay thế vị giám đốc sắp về hưu. Nói chung là tương lai của Tòng Văn Tiểu sáng sủa...Cách đây 16 năm, vừa tốt nghiệp trung cấp ra trường, anh về quê hương công tác. Ít lâu sau anh yêu một cô thiếu nữ người Thái tên là Hoàng Diệu Thìn. Các cậu biết thế nào không? Con gái Thái xinh lắm. Cô ta lại là văn công. Phải nói là sắc nước hương trời. Một con cá lượn mấy người buông câu, nhưng cuối cùng Tòng Văn Tiểu đã chiến thắng. Đám cưới của họ thật vui. Cả thị xã ai cũng khen hai người đẹp đôi lắm. Ngày ngày anh công tác cơ quan Còn Diệu Thìn và đoàn văn công của tỉnh đi biểu diễn .Có lúc đoàn ra tận biển đảo Trường Sa biểu diễn phục vụ bộ đội. Có lúc đoàn lên biên giới phục vụ đồng bào chiến sĩ biên cương. .
Một người con gái kiêu sa như một bông hoa rừng xinh đẹp phơ phất trước gió, nhiều chàng trai ước ao. Cứ sau mỗi buổi biểu diễn, nàng lại bị bao chàng trai vây quanh, kẻ xin chữ ký, người bắt tay, kẻ bông đùa, có người mạnh dạn ôm hôn nàng thắm thiết... Những cử chỉ ấy đến tai Tòng Văn Tiểu. Lúc đầu anh thấy gai gai sống mũi khó chịu thật. Sau anh bất bình mặt đỏ tăng găng. Dĩ nhiên là sau mỗi lần như thế đón vợ về nhà anh lại hỏi bóng gió “Nó có hôn thật không” “Nó có làm gì không” “Ai mà biết ma ăn cỗ” “... Lại rấm rứt vợ chồng cãi nhau, nhưng rồi Tiểu lại gạt đi “Vợ là văn công thì tránh sao khỏi? Lấy vợ văn công thì phải chấp nhận, má văn công, mông bộ đội”? Cuộc sống lại ào đi rồi lại cãi nhau. Nhưng cơ bản họ không bỏ nhau. Không hiểu sao họ có thực hiện kế hoạch không hay muộn mằn mà lấy nhau đến 5 năm anh chị vẫn chưa có con. Nàng càng ngày càng xinh tươi sắc sảo đến mức chim sa, cá lặn. Có anh chàng thi sĩ si tình đã tặng nàng một bài thơ mùi mẫn:
Em ơi chẳng hiểu vì sao
Hình em in đậm mãi vào tim anh ...
Bài thơ ấy đã lọt vào tay Tòng Văn Tiểu, chàng sôi lên muốn cho con vợ lăng nhăng một cái tát. Nhưng nàng giải thích đó chỉ là cảm xúc, là hư cấu của mấy ông văn nghệ vì thực ra “em rất giữ gìn chỉ biết có chàng hoàng tử của em mà thôi”. Nàng lại ngúng nguẩy ôm lấy chồng mà thơm lấy thơm để: “Cưng cưng của em có thế mà cùng ghen. Vợ mình phải xinh đẹp như thế nào mới có kẻ ước ao chứ xấu như ma mút thì có ma nó nhìn”.”. Cái ghen bóng, ghen gió bay đi hết. Có nhiều kẻ bóng gió đơm đặt nhiều về nàng lại làm anh ghen. Cứ mỗi lần bực dọc Tiểu lại uống rượu giải sầu. Có người không được nàng yêu đã làm thơ chế người chồng có vợ mọc sừng:
Giận vợ uống rượu bét nhè
Ông chồng cay cú hầm hè rõ dơ
Đọc câu thơ vè đó Tiểu ấm ức trong lòng vô cùng. Đã đến nước này anh bắt vợ phải nghỉ việc ở nhà nội trợ để đầu óc được thảnh thơi. Tiểu nắm tay thành quả đấm mặt lại đỏ tăng găng dễ sợ.
Đối với Diệu Thìn nghề ca sĩ nay đây mai đó hát hò dưới ánh đèn lung linh được khán giả lên tặng hoa, được chụp ảnh, được người xem xin chữ ký, được bông đùa mến mộ...nay chồng bắt nghỉ ở nhà nội trợ chị không thể chịu được?. Nhưng rồi cuối cùng nàng phải ưng thuận. Sáng sáng nàng dậy sớm tập thể dục, rửa mặt trang điểm rồi dăt chiếc xe đạp mi ni Nhật đi chợ mua thức ăn. Tiểu nhìn vợ mới kiều diễm làm sao. Anh thật tự hào lấy được cô vợ đẹp nhất nhì thị xã...
Giám đốc Phạm ngừng kể lấy chai nước khoáng la vi nhấp giọng rồi nói:
-Các cậu biết không ở địa vị Tòng Văn Tiểu phó giám đốc một công ty lớn, khách ra vào thường xuyên, bạn bè nhiều. Thế là vợ của ông như một vật trang sức, là niềm tự hào kiêu hãnh. Ai đến nhà cũng phải khen, phải phục sếp Tiểu có phu nhân xinh đẹp lại tế nhị. Nhiều người vô ý tứ ngay trước mặt Tiểu cũng tán tỉnh. Khi về lại bắt tay vợ bạn cố ý nắm tay khá lâu. Những hành động ấy liệu ông có vợ như thế ông có chịu nổi không. Khách ra về anh lại trút bực dọc lên đầu vợ.
Giám đốc Phạm nói:
-Chính tôi đã một lần chứng kiến cảnh đó. Một tay ở cơ quan văn hóa gì đó cứ tán cô nàng như không có chồng người ta ngồi đó. Tôi thì thật đứng đắn nghiêm túc. Cho nên ông Tiểu ông ấy phục tôi lắm.
Nghe đồn đại thì chỉ vì sắc đẹp của vợ mà vợ chồng Tiểu hay cãi nhau. Cứ sau mỗi lần ghen tức ông ta lại tìm đến rượu giải sầu, mà nào ông uống có ít, cứ một lít cuốc lủi hết bay. Và chính cái thứ thuốc lú ấy nó đã hại ông.
Đúng vào dịp tết nguyên đán năm kia ngày mồng 6 tết, ông Tiểu đi chúc tết anh em nhân đầu xuân mới. Khi trở về vừa bước vào nhà ông bắt gặp ngay vợ mình đang lả lơi bỡn cợt với tay bạn cũ của của cô ta cử chỉ kia ông đoán chỉ có thể là bồ bịch chứ không phải là bạn bình thường nữa rồi. Họ ngang nhiên đầu mày cuối mắt. Thế có lộn tiết không chứ? Tiểu ấm ức. Anh chàng kia vội cáo lui ra về. Sẵn máu ghen ông lại mang rượu ra giải sầu. Ông uống nhiều quá vợ can ngăn không được. Ông cứ uống say mèm mặt đỏ tăng găng rồi xám xịt. Uống hết chai cuốc lủi thì ông gục hẳn. Người Tiểu mềm nhũn như cái lạt. Bấy giờ người vợ mới cuống quýt gọi xe đưa chồng đi cấp cứu. Nhưng muộn mất rồi. Tòng Văn Tiểu đã vĩnh viễn ra đi vào đúng mùng 6 tháng giêng tết. Anh mới có 49 tuổi thật chua sót.
Cậu lái xe nói chêm vào:
-Lấy vợ đẹp thì có sướng nhưng hậu quả khôn lường. Chẳng thế mà ở làng em người ta bảo vợ đẹp là vợ người. Có bà cụ già còn bảo “Ao dậm thì lắm ốc nhồi. Vợ mà nhan sắc nửa người nửa ta”
Tôi vui vẻ thử hỏi lái xe:
-Theo cậu, thanh niên khi chọn vợ nên theo tiêu chuẩn nào?
Chú tài xế cười:
-Theo em lấy vợ đẹp thì hơn, đạo đức kém còn dạy được chứ người hình thức xấu thì không thể làm cho đẹp được. Nhưng có lẽ hình thức chỉ nên vừa vừa thôi chứ đừng sắc nước hương trời, chim sa cá lặn...
-Ơ kìa! Đã đến nơi rồi! Giám đốc Phạm reo lên. Chiếc xe lượn vào thị xã núi non vây quanh lọt thỏm những tòa nhà hai ba tầng, nhà mái bằng thi nhau mọc lên san sát. Bỗng rực lên trong ánh nắng chiều.
Sáng hôm sau thi sĩ giám đốc Phạm đến thăm gia đình người bạn xấu số. Theo ông thì Phó giám đốc Tòng Văn Tiểu là người tốt mà ông rất nể trọng. Chúng tôi vừa bước vào nhà, một thiếu phụ mặc váy đen thon thả kiêu sa tóc vấn cao theo phong tục người Thái chứng tỏ phụ nữ đã có chồng. Nàng đi ra chào khách. Tôi thật sự bàng hoàng vì sắc đẹp của nàng thật mặn mà khả ái đầy nhựa sống. Nhất là đôi mắt sắc như dao cau vửa vời vợi, vừa lúng liếng hút hồn. Đúng như giám đốc Phạm đã kể cho nghe trên đường suốt cuộc hành trình. Nhưng giám đốc Phạm đã ghé tai tôi nói nhỏ “ Cô này không phải vợ Tiểu”. Nàng đi thướt tha kiều diễm đài các hấp dẫn làm sao? Tôi thấy chú lái xe nhìn nàng đắm đuối. Giám đốc Phạm đoán đúng tâm lý vội nói nhỏ để tôi đủ nghe:
-Đây là cô em gái, cô là giáo viên. Cô chị tức vợ ông Tiểu còn gấp nhiều lần cơ đấy.
Nàng đón chúng tôi vào nhà rồi nói:
-Chị Diệu Thìn em hôm nay lên biên giới hát cho các chiến sĩ anh ạ. Ngày mai chị em về.
Nàng pha nước rồi rót ra các ly mời chúng tôi. Tôi ngước nhìn lên bàn thờ, chân dung anh Tòng Văn Tiểu lồng trong khung kính – Khuôn mặt thật dễ thương. Đằng trước khung ảnh là bát hương đầy những chân nhang. Giám đốc Phạm thắp ba nén nhang đặt lễ. Chúng tôi kính cẩn kính viếng người bạn xấu số đã ra đi đột ngột .
Chúng tôi ở khách sạn Hoa Hồng, trung tâm thị xã, một khách sạn 2 sao bình dị phía trước có vườn hoa xanh rợp những cây long não. Cạnh đấy là hồ nước trong xanh xung quanh có những hàng liễu rủ. Phong cảnh thật thơ mộng. Buổi tối sau khi ăn cơm xong chúng tôi ra ban công khách sạn ngắm cảnh. Công viên lấp lánh ánh điện. Đây đó trên ghế đá có từng đôi tình nhân tình tự. Phố núi bình dị , mơ màng. Sáng hôm sau giám đốc Phạm đi Phù Yên công tác. Ông bảo tôi:
-Duy này, tớ phải đi hai ngày làm việc mới trở về thị xã. Cậu ở nhà nghỉ ngơi đi thăm phong cảnh, thấy nơi nào đẹp thì vẽ, mấy khi đã có dịp lên trên này.
Trước khi lên xe anh lại dặn:
-Nếu thích cô gái Thái nào thì cứ việc. Con gái ở đây đẹp lắm đấy. Coi chừng bị các em chài thì tôi mất bạn đấy họa sĩ ạ.
Ông cười tít mắt tếu táo bông đùa thật vui.
Tôi ở nhà những hai ngày thoải mái về thời gian. Trước tiên là tôi vào Toalet tắm rửa sạch sẽ, ăn vận chỉnh tề rồi khóa cửa phòng lại gửi chìa khóa cho lễ tân. Tôi lững thững ra khỏi khách sạn gọi một chiếc xe ôm chở đến nhà Tòng Văn Tiểu.
Chỉ một loáng anh xe ôm đã đưa tôi đến nơi. Hoàng Diệu Thìn hôm nay có nhà. Nàng quả thực là bức tranh hoàn bích. Nàng chinh phục tôi ngay từ cái nhìn ban đầu. Ánh mắt của nàng như có luồng điện. Tôi nói rằng tôi là họa sĩ là bạn của giám đốc Phạm. Hôm qua chúng tôi có đến thăm nhà. Nàng tỏ vẻ cảm tạ tấm lòng của chúng tôi. Nàng nói “Khi em về, em gái đã cho biết thật quí hóa thịnh tình của các anh. Anh Phạm là bạn thân của nhà em. Anh là bạn của giám đốc Phạm, em cũng trân trọng như thế” Nàng mời tôi ngồi rồi đi pha trà. Cử chỉ của nàng thật đoan trang.
Nàng đẹp toàn diện. Từ mái tóc đen láng vấn gọn kiêu sa đến khuôn mặt sắc sảo, nước da trắng hồng mịn màng, hàm răng đều tăm tắp trắng tinh, đôi mắt đen lay láy, hàng mi cong đượm buồn sâu thăm thẳm. Nàng mặc chiếc áo trắng bó sát thân thể có hàng khuy bạc lấp lánh nhô lên bầu ngực chật căng khêu gợi. Chiếc váy đen mới thật vừa vặn thân thể nàng. Khi nàng cúi xuống lấy phích nước lộ ra bắp chân trắng nõn. Cả dáng hình nàng toát lên vẻ đẹp sắc sảo tươi roi rói sức xuân mơn mởn tràn trề cuốn hút. Nàng kể với tôi về gia cảnh, về người chồng mà nàng yêu quí.
-Anh Tiểu rất chiều vợ. Anh ấy muốn em không phải đi làm chỉ ở nhà nội trợ. Còn em chỉ muốn vừa lòng người mình yêu. Anh tính em mới ngoài hai mươi tuổi vừa bay nhảy lại phải ở nhà. Em đã trải qua rất nhiều năm ăn học mới vào được nghề mà em thích. Ấy thế mà em phải bỏ nghề. Mà anh biết cuộc sống như thế thì có gì buồn hơn. Em đã như con họa mi không được tự do hót bị nhốt trong lồng son đã hai năm để chồng em yên lòng nào ngờ anh ấy lại bỏ em .- Nàng lấy khăn tay khẽ chấm vào mắt khiến tôi mủi lòng.
Nàng rót thêm nước trà vào ly rồi trầm trầm kể, tôi lắng nghe mà cảm thông với người vợ trẻ sớm góa bụa “Em cũng muốn có một đứa con nhưng tại anh ấy. Chứ có phải em kế hoạch đâu” Chuyện nọ ra chuyện kia, nàng hỏi thăm tình hình dưới Hà Nội nơi mà nàng đã xuống học tập rồi có kỳ đi hội diễn toàn quốc. Nàng lại nói về đoàn văn công của tỉnh, về những nhạc cụ dân tộc, về phong tục hôn nhân của người Thái. Nàng kể về những buổi biểu diễn đi đây đi đó. Tuổi trẻ của nàng thật mơ mộng hồn nhiên. 23 tuổi Hoàng Diệu Thìn mới lấy chồng. Tuy rằng được chồng chăm sóc nhưng nàng vẫn cảm thấy tù túng, buồn tẻ. Nàng đã phải an phận với mái ấm trời cho mà không được? . Sau khi chồng mất nàng lại xin trở lại đoàn văn công. Nghề ca hát biểu diễn đã là nghiệp rồi nàng không thể bỏ được. Nàng thở dài nhìn ra bên ngoài có cây long não đang trút những chiếc lá vàng rơi lả tả. Nghe nàng tâm sự giãi bày, tôi thêm mủi lòng.
Ngoài kia nắng xuân dìu dặt. Nàng kể cho tôi nghe chuyến đi biểu diễn dài ngày phục vụ chiến sĩ biển đảo Trường Sa. Một chuyến đi đầy kỷ niệm. Nàng cho biết Mẹ anh ở góa nuôi hai người con. Hiện nay mẹ chồng nàng ở dưới quê với bác cả. Từ khi con trai chết, bà cụ thật đau khổ tóc bạc trắng da nhăn nheo. Nàng rất thương mẹ. Tôi ngồi nói chuyện với nàng đúng 2 giờ đồng hồ. Nàng mời tôi ở lại xơi cơm. Tôi từ chối. Nàng bảo:
-Chẳng mấy khi anh lên trên này công tác chắc anh cần đi thăm phong cảnh, họa sĩ mà. Giám đốc Phạm đi vắng, chiều nay và ngày mai nhân tiện em còn được nghỉ ở nhà em đưa anh đi thăm một số nơi để anh lựa chọn mà vẽ. Biết đâu chuyến đi này anh lại sáng tác được mấy tác phẩm hay?
Tôi nhận lời. Chiều hôm đó Hoàng Diệu Thìn đến tận khách sạn Hoa Hồng đón tôi bằng xe máy. Nàng làm tài xế tôi cầm giá vẽ ngồi đằng sau chiếc Spac mầu trắng. Chiếc xe vù đi rẽ qua mấy đường phố rồi vọt lên đồi cao có nhà bảo tàng tỉnh và những hàng cây xà cừ cổ thụ vươn cành râm mát.
Tôi đặt giá vẽ xuống quan sát rồi cầm cành cọ phác thảo vài nét. Sau đó tôi và nàng lại tiếp tục tham quan khu vực bảo tàng. Đi bên nàng tôi thấy an tâm và có nhiều ấn tượng.
Sáng hôm sau Hoàng Diệu Thìn dành cho tôi một buổi dã ngoại thật thú vị. Hôm nay nàng ăn vận kiểu miền xuôi. Nhìn nàng chẳng khác những thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp.
Nàng chở tôi ra ngoại vi thị xã: “Hôm nay anh tha hồ mà vẽ”. Tôi mỉm cười cảm ơn. Xe lướt qua con đường chạy giữa mấy quả núi đá thoai thoải. Một lát sau một bản người Thái đã hiện ra. Chúng tôi gửi xe máy ở một điểm giữ xe rồi đi bộ vào bản. Nàng đi sát bên cạnh giơ chiếc dù hoa lên che nắng cho tôi. Hai người đi bên nhau. Hai bóng nắng nhún nhẩy bước theo uyển chuyển giao hòa.Nàng giới thiệu :
-Đây là bản Láp một bản đa số người Thái cư trú lâu đời. Em đã sinh ra ở bản Láp. Trước đây bản này nghèo khổ, nay là bản kiểu mẫu của thị xã đón khách tham quan.
Tôi nhìn ra bốn phía những ngôi nhà sàn to nhỏ đủ kiểu lợp ngói, lợp lá cọ nằm bên sườn đồi dưới các tán cây to râm mát, có những con đường cong cong rải nhựa vòng vèo như những nét vẽ trong bức tranh kỳ thú. Đây đó có những cô gái Thái, những khách tây khách nội địa dập dìu những chiếc ô nhấp nhô, phong cảnh thật mộng mơ. Chốc chốc chúng tôi phải tránh vài con ngựa thồ những bó củi từ trên núi xuống. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe máy Min khơ hay ô tô du lịch lượn qua. Tôi chọn một điểm dưới gốc cây xà cừ đặt giá vẽ quan sát rồi nhanh tay phác thảo cảnh vật trong tranh.
.Nàng lại đưa tôi vào thăm một xưởng dệt thổ cẩm. Tôi trò chuyện với những cô gái Thái duyên dáng thành thạo dệt nên những tấm thổ cẩm tuyệt đẹp và không quen vẽ cảnh một em đang dệt. Tôi chú ý vẽ tả đôi mắt của cô gái long lanh vời vợi. Nàng lại đưa tôi đến vẽ thác nước ào ào thác tung bọt trắng xóa. Cảnh quan như trong huyền thoại.
Đến trưa nàng đưa tôi vào một nhà hàng đặc sản mang tên Hương rừng. Khách ra vào tấp nập, trên vách treo những chiếc cồng và cái đầu trâu. Nàng tìm chỗ ngồi thuận tiện rồi mời tôi món cơm Lam ăn với thịt nai rừng và uống rượu lá Tây Bắc.
Diệu Thìn nói:
-Anh cứ thực tình. Em với anh hôm nay hãy ăn uống hết mình đấy. Người Thái chúng em rất quí khách mà. Hôm nay em phải cho anh đứt cước nhé.
Diệu Thìn vui vẻ, đôi mắt long lanh. Nàng rót rượu mời rồi cùng tôi ngoắc tay trăm phần trăm.
Bên người đẹp ân cần chiều chuộng, tôi ăn uống quá chén gục xuống lúc nào. Tôi bị nôn lơ mơ như bay bồng bềnh trên mây khói. Diệu Thìn cuống cuồng vỗ về tôi “ Yên tâm, anh không việc gì đâu mà” rồi nàng gọi taxi đưa tôi về khách sạn Hoa Hồng.
Xe đến nơi nàng bá cổ dìu tôi lên phòng. Nàng đặt tôi nằm trên giường cởi áo tôi rồi xoa mạnh trên trán, trên ấn đường, xoa hai bên thái dương. Nàng vuốt mạnh trên sống lưng, trên vòm ngực rồi lấy dầu gió xoa dần quanh rốn, vuốt xuống hai bắp chân ( thật tình tôi chưa bao giờ được người con gái đẹp chăm sóc như thế). Nàng vừa xoa bụng vừa nựng:
-Anh Duy ơi anh cứ an tâm đi chỉ chút nữa thôi sẽ khỏi ngay thôi mà.
Cả người tôi nóng ran rồi lạnh toát, bồng bềnh. Trong lòng tôi vừa sợ, vừa lo ốm, vừa xấu hổ hoặc có thể bị nàng chài như giám đốc Phạm vui đùa đã dặn. Diệu Thìn đoán được ý nghĩ ấy đã động viên:
-Em thông cảm, con trai phải như thế này mới thực tình lố Nam tử Việt mà!.
Nàng buông một câu hồn nhiên. Nàng gọi lễ tân bưng lên cho tôi một ly chanh đá “ anh uống đi cho rã rượu”.
Trời đã nhạt nhòa thì tôi khỏi hẳn. Cái mệt bay đi hết, nàng lấy áo trong tủ ra cho tôi thay, cẩn thận đâu đấy mới an tâm. Nàng dịu dàng:
-Bây giờ anh đi ăn cơm ở khách sạn này, xong anh đi ngủ thật say cho đẫy sức. Nếu có gì cần anh phôn cho em nhé. Đây số điện thoại của em đây.
Nàng lấy danh thiếp đưa cho tôi rồi mới đi ra. Khi nàng đã khuất sau cánh cửa tôi chợt nghĩ. Sao không mời nàng ở lại ăn cơm luôn thể ngu ơi là ngu. Tôi bèn cầm “các lơ vít” của nàng lên xem rồi lấy điện thoại di động: “A lô! Tôi Duy đây đang mệt lắm Thìn đến ngay đi”!
Quả nhiên nàng quay lại khi tôi vừa kịp vờ nằm xuống. Diệu Thìn vào phòng hương hoa ùa vào theo. Tôi vờ nhắm mắt, nàng đặt bàn tay lên trán tôi và để lặng yên. Tôi như đê mê chờ câu hỏi của nàng:
-Anh Duy vẫn mệt à? Tôi bảo nàng đỡ tôi ngồi dậy rồi nhìn vào mắt nàng khiến nàng bối rối. Tôi nói:
-Diệu Thìn này, bữa chiều nay anh mời em xơi cơm.
Tôi đổi ý xưng hô thân mật hơn. Nàng đáp lại bằng nụ cười ý nhị. Nàng lại bảo tôi nằm xuống nghỉ cho khỏe. Nàng ngồi bên cạnh kể cho tôi nghe những câu chuyện vu vơ.Giọng nói của nàng thủ thỉ lôi cuốn. Mặt trời tắt nắng,chúng tôi cùng nhau đi xuống nhà ăn của khách sạn Hoa Hồng. Tôi gọi các món ăn thịnh soạn có bia Hà Nội và nước ngọt.
Sau bữa ăn ngon lành chúng tôi ra hành lang hóng mát. Thị xã miền Tây Bắc lấp lánh ánh điện, ánh sao bàng bạc, gió vi vu. Đây đó những quả núi lù lù mờ ảo màn sương giăng giăng mờ đục. Những tòa nhà hai ba tầng le lói ánh đèn nhấp nháy.
Chúng tôi lại thì thầm trò chuyện nàng rủ rỉ rù rì kể cho tôi nghe những câu chuyện về dân tộc của nàng về những đự định của nàng trong năm tới . Giong nói của nàng như tiếng chim thoảng bên tai.Chúng tôi cùng đứng lặng bên nhau ngắm công viên phía dưới kia trên ghế đá có từng đôi nam nữ đang chụm đầu tâm sự thật mộng mơ ..
Không gian bao la ,một làn gió thổi đám mây trôi qua mặt trăng lộ ra như chiêc lươc vàng bầu trời như dát bạc làm tâm trạng chúng tôi trở nên khoan khoái .Tôi thấy đôi măt của nàng bỗng long lanh vời vợi
Chừng một giờ sau nàng xin phép ra về. Trong lúc bịn rịn nàng nhìn tôi như muốn nói nhiều điều sâu thẳm. Tôi mạnh dạn kéo nàng vào gần rồi nói “ Em đẹp quá “ Nàng đáp lại thật dịu dàng “Em cám ơn anh” “ Thôi nhé em về”. Tôi tiễn nàng xuống cầu thang ra cửa khách sạn đi một khoảng xa, nàng quay lại bảo tôi:
-Mai có thời gian muốn đi vẽ ở đâu anh cứ điện cho em, thị xã này còn nhiều cảnh đẹp lắm.
Tôi nhận lời rồi gọi một chiếc taxi đưa nàng đến nơi gửi xe máy lúc sáng.
...Tối hôm ấy, tôi đã gặp anh Tòng Văn Tiểu của nàng. Anh cao dong dỏng đẹp trai. Tôi nhận ra anh là do đã nhìn chân dung anh trên bàn thờ. Khu vực xung quanh đèn hoa đăng lộng lẫy rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo.
Tiểu mặc bộ com lê đen thắt cà vạt hoa, đôi mắt long lanh. Anh bước đi dõi mắt bao quát nhìn như tìm kiếm. Đi theo anh là một người đàn ông hộ pháp mặc bộ quần áo thổ cẩm. Ông ta có bộ mặt đen xì với hàm râu quai nón như Hắc Toàn Phong. Một tay gã cầm quả chùy một tay cầm cái khèn nhìn thật gớm ghiếc.
Tôi đang ngồi trong nhà hàng nhấp rượu cần thì Tòng Văn Tiểu nói với ông mặt sắt điều gì tôi thấy ông gật đầu, Tiểu mới đi đến phía tôi ngồi. Anh nhìn chằm chằm vào tôi cái nhìn sắc lạnh tôi thấy sờ sợ. Bỗng anh mỉm cười:
-Anh là Duy phải không? Tôi là Tiểu đây. Chúng ta gặp nhau nhé. Hôm nay anh đi chơi với vợ tôi phải không?
Tôi gật đầu bày tỏ: Tôi là bạn của giám đốc Phạm có đến viếng và chia buồn với chị. Còn đi chơi với Diệu Thìn là do chị ấy có nhã ý mời tôi , chị ấy đưa tôi đi tham quan để vẽ.
Tiểu gạt đi:
-Không sao! Không sao! Anh không thấy Diệu Thìn của tôi có sắc đẹp hút hồn sao. Cô ấy đã làm chết mê chết mệt biết bao chàng trai ở thị xã này. Trước khi lấy tôi Diệu Thìn đã yêu 5, 6 người. Vợ tôi đẹp thế chàng trai nào gặp lại không mê. Nhất là đôi mắt hút hồn của cô ấy, nàng lại hát hay đã được mấy Huy chương vàng rồi.
Tòng Văn Tiểu uống một cốc rượu rồi chép chép miệng lơ đãng nhìn ra hồ nước mờ mờ sương khói. Tiểu nói chậm rãi:
-Cũng là do sắc đẹp sắc sảo của nàng mà tôi phải chết. Nàng sát chồng đấy anh Duy ạ. Trước khi lấy tôi nàng đã qua một đời chồng. Cái tay Vừ A Phiềng thổi khèn điêu luyện nhất đoàn văn công tỉnh hơn nàng 2 tuổi. Gã cưới nàng được 2 tháng thì gã bị tai nạn giao thông chết tươi. Gã kia kìa – Anh Tiểu chỉ tay ra dãy bàn cách đấy không xa. Tôi nhìn theo thấy một thanh niên to con mặc áo thổ cẩm cộc tay đang cầm cái khèn. Gã đang phì phèo tẩu thuốc trên môi nhả khói mù mịt.
Tòng Văn Tiểu lên tiếng gọi bằng tiếng dân tộc lơ lớ tôi nghe không hiểu. Anh chàng tên Vừ A Phiềng vội đi lại chỗ chúng tôi. Tiểu giới thiệu tôi với anh ta. Tôi giơ tay định bắt tay Vừ A Phiềng. Tiểu gạt đi:
-Đừng bắt tay, âm dương cách biệt, chỉ nói chuyện được thôi chứ không chạm vào nhau được anh Duy ạ.
Vừ A Phiềng kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Tòng Văn Tiểu nói tiếp:
-Cũng vì Diệu Thìn sắc nước hương trời mà chúng tôi phải chết yểu, xót xa biết chừng nào.
Vừ A Phiềng chêm vào:
-Diệu Thìn họ Hoàng đẹp rực rỡ nhưng nàng như một bông hoa độc chỉ nên ngắm chứ tợp vào là chết đấy.
Nói rồi gã thở dài:
-Chỉ vì mình hám sắc đẹp của nàng nhất là đôi mắt của nàng biết nói hút hồn tôi mới chết oan. Trong một lần đi xe máy, cả chiếc xe lao xuống vực, mình chết tươi mất cả mảng đầu đây này – Gã chỉ lên vết lõm sau gáy.
-Tối nay anh vừa tỏ tình với nàng – Tòng Văn Tiểu nói – Tôi không ghen đâu mà ghen thế nào được tôi đã chết rồi. Nhưng anh ạ, anh cũng như tôi và giám đốc Phạm, vợ tôi họ là những nghệ sĩ mà nghệ sĩ thì trái tim hay thổn thức quá đà. Nên dừng lại ở đây thôi ông Duy ạ. Nếu ông dấn thêm bước nữa sẽ có kết cục như chúng tôi thôi. Kia kìa cả lũ những ai yêu nàng đều ngồi ở đây cả kia kìa – Tiểu trỏ tay ra dãy bàn ở gian bên cạnh tôi thấy có cả những gã choai choai, những người đứng tuổi có lẽ họ đã từng yêu Diệu Thìn?
Tôi lặng người nhìn ra xung quanh đèn hoa lộng lẫy lung linh. Bỗng dưng biến mất, Tiểu, Phiềng và bọn họ lẩn vào ánh sáng đùng đục như biển sương mù xa xa eo óc tiếng gà báo sáng. Tôi giật mình người nóng ran run lên bần bật, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi hiểu chỉ là giấc mơ nhưng đã làm tôi sợ hết hồn.
Hôm sau giám đốc Phạm đã từ Phù Yên trở về. Khi xe dừng ở khách sạn Hoa Hồng tôi ra đón anh. Giám đốc Phạm cười cởi mở:
-Hai ngày ở nhà có ăn thua gì không? Anh nháy mắt cười.
Tôi giục:
-Thôi ngày mai ta về Hà Nội thôi anh ạ.
-Tại sao lại về sớm vậy? Anh hỏi.
Tôi không trả lời vào câu hỏi mà nói lảng đi:
-Chơi thế là đủ rồi. Tôi cũng đã vẽ được vài bức rồi anh ạ.
Anh có biết đâu tôi đã yêu Diệu Thìn rồi, . Nhưng tôi sợ...
Về xuôi được hai ngày, tôi bỗng nhớ người đẹp cồn cào. Tôi lấy giá vẽ ra cầm cọ phác thảo vài nét, người con gái miền sơn cước hiện ra lung linh. Diệu Thìn của tôi đó nhưng đôi mắt của nàng thì tôi không thể nào vẽ được. Đôi mắt ấy sâu thăm thẳm hút hồn tôi . Đêm vừa chợp mắt tôi lại mơ thấy nàng. . Chao ôi tôi tương tư người đẹp đến mê mẩn tâm hồn. Tôi điện lên cho nàng. Nàng điện về cho tôi. Một tháng sau tôi không chịu nổi phải bổ ngay lên với nàng. Chúng tôi gặp nhau vui mừng khôn tả. Tôi nói: Anh nhớ em quá em ơi.Nàng nói: Em cũng thế ... Nàng lại bố trí cho tôi ở khách sạn Hoa Hồng. Buổi sáng, nàng lại đưa tôi đi vẽ. Chúng tôi lại sóng đôi tình tự bên nhau. Lựa lúc thư thả tôi bộc bạch thật lòng:
-Anh muốn đưa em về xuôi để sống với em trọn đời.
Nàng đắn đo không muốn xa thành phố miền Tây Bắc nơi nàng đã sinh ra và lớn lên. Nàng cho tôi biết “Em có vài ba chàng trai ở thị xã này cả dưới xuôi xin lấy em làm vợ. Nhưng em chưa nhận lời ai cả. Em không muốn lấy chồng nữa.Anh Duy hãy coi Diệu Thìn là bạn tri kỉ.Anh Duy ơi anh bằng lòng với em đi .
Nàng thở dài thườn thượt. Tôi thấy đôi mắt đen láy của nàng bỗng như nhòa vào ánh trăng bàng bạc, mờ ảo.
NGUYỄN THĂNG