Người ta thường nghĩ tình yêu thay đổi hết mọi tật xấu của con người, có tình yêu nhất định sẽ có người tốt với nhau. Thưa đúng, nhưng chỉ khi tình yêu mới chớm còn mặn nồng và chuyện cơm áo gạo tiền cùng những mối quan hệ khác chưa xen vào thứ tình cảm trong sáng ấy.
***
Khi còn bé, cứ nghe ông này bỏ bà kia cặp bồ, bà kia bỏ ông nọ theo trai lạ, tôi chửi rằng họ điên rồi. Nhưng khi lớn lên mới biết, chuyện bình thường ở ấp thôi. Người ta không còn tình thì sống vì nghĩa, có nhiều người không có nghĩa thì sống vì tình khác, thế thôi.
Người ta nói, không có gia đình nào là không có tranh chấp cãi vã. Nhưng chính những tranh chấp ấy lại chia tình cảm ra thành hai hướng đi: Một là thông cảm, hiểu nhau và tình yêu bền chặt, hai là ghim gút nhau trong lòng, thấy người khác tốt hơn, tranh cãi đổ vỡ, ly thân, ly dị, tan đàn rẽ nghé, con cái cù bất cù bơ.
Trong hôn nhân, người đau khổ nhất khi nó đổ bể không phải là giọt nước mắt người phụ nữ, cũng chẳng phải là những ngày sầu ngập trong rượu và khói thuốc của đàn ông, mà chính là đứa con đứng lặng giữa phố đông nhìn những đứa trẻ trong tay cha mẹ dạo phố mà cười nhạt, ừ từng có một gia đình như thế...Tôi từng nghĩ đằng sau những lần tranh chấp vụn vặt, đằng sau những lần lớn tiếng và đằng sau những lần động tay chân, luôn có hình ảnh một đứa con ngồi một góc từ khóc rồi chuyển sang im lặng, từ khuyên can chuyển sang không muốn nói lấy một lời. Không phải là nó hết thương, hết đau lòng, mà là nó đã quá tổn thương đến mức lời nói không thể nào bù đắp được nữa cả.
Nhiều người nói tôi tại sao con có đứa này ngoan, đứa kia hư, đứa này vô tình, đứa kia đa sầu đa cảm v.v... Tôi im lặng, uống vội ly trà đá lạnh chạy xuống cuống họng mà lòng thầm nghĩ: "Đứa trẻ nào sinh ra không trần truồng và non nớt, chính cách mà cha mẹ sống với nhau đã dạy cho đứa con về tình nghĩa ở đời."
Là con của ai, đứa trẻ không có quyền chọn lựa, nhưng được yêu thương như thế nào, nó có quyền lợi được thừa hưởng. Người Á Đông chúng ta, cứ trọng những mối quan hệ bên ngoài, cứ xem trẻ con không biết gì mà không quan tâm, thưa vâng, những đứa trẻ thật sự không biết gì, nhưng nó có suy nghĩ có cảm xúc riêng nó, đừng để nó lớn dần lên với những tổn thương và cái câu: " con nít con nôi biết gì mà nói" giấu chặt cảm xúc của nó xuống tận cùng giọt nước mắt thầm lặng những khi gia đình bất hòa.
Nhiều khi ngồi xem tivi, mấy phim nước ngoài thấy con nít bên đó thổ lộ tình cảm giản đơn như một câu nói. Có lần có một người nói với tôi: "Cứ mở mồm con yêu mẹ con yêu bố thế kia thì được cái mồm thôi." Tôi không tranh cãi, con người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, những câu yêu thương đó càng lớn đứa con càng khó nói ra, dần dần khoảng cách giữa con đến cha mẹ quá lớn, đến những chuyện ngoài đời làm nó vấp ngã đau đớn có thể bạn thân biết trước gia đình.
Tôi có vài người bạn, một người thì con cô vợ bé kia, một người là con vợ lớn nọ, họ sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều giống nhau giữa họ là sự thiếu thốn. Một người thì cha về cãi vã hoặc đụng tay chân, một người thì cha thường xuyên vắng mặt, muốn nhắn tin hoặc gọi một tiếng cha ơi cũng khó như lên trời. Tôi cũng vậy, có đôi lần về nhà, mà chưa muốn vội về nhà, điện thoại nhiều người vẩn vơ đi ăn uống cà phê, ờ thì hôm nay chán, hôm nay buồn, vui, có tiền hoặc đủ lí do trên đời chỉ để có một người ngồi đó, cười nói như không có gì xảy ra để lòng phiền thật phiền khi về gần đến cổng nhà, vậy mới là đời chứ, đúng không? Vui không buồn thì còn gì là trần gian này nữa!
Một hôm, tôi vào nhà một người bạn trong con hẻm bé tý nằm ở gần cuối thành phố, tôi giật mình bởi hình ảnh một cô gái trông tuổi đời rất trẻ bị xích tay vào cột nhà, hung hăng lao ra với những tiếng thét rợn người không hiểu nổi. Tôi thắc mắc, bạn tôi tỉnh bơ: " Bị vậy hai năm nay rồi, ba nó đó, đó đó, cái thằng cha ốm nhom ngồi ở gốc cây bàng đó, nhìn vậy đó mày, mà có bồ, ghê chưa? Má nó bỏ đi, còn nó đi bắt ghen một vài lần rồi khùng điên, lúc nào cũng đòi chém giết, gặp ai son phấn mượt mà là đòi cắt tiết đủ các kiểu. Nằm bệnh viện có hết được đâu? Nghĩ sao gia đình đang yên ấm như vậy, hạnh phúc như vậy mà đùng một cái tan nát vậy thì nghĩ sao hổng điên cho được?" thoáng nghe, nhìn cô gái trẻ có nét xinh xắn đáng yêu mà đôi mắt vô hồn toát lên sự hung hăng thù hận kia, lén trút một tiếng thở dài, người cha còm nhom ngồi cầm điện thoại nói chuyện cười đùa vô ý, đứa con bị cột tay vào cột nhà giật bần bật như con thú hoang bị thương, chiều muộn, vài giọt nắng buồn bã rớt trên hàng mi cong của cô gái ấy.
Nhiều người cắn răng chịu đựng nhau để đứa con không bị mang tiếng tan nát gia đình, nhiều người tự giải thoát bản thân bằng nhiều cách, lại còn nhiều người, bản thân dù còn tình còn nghĩa hay không cũng thân mang trách nhiệm gia đình mà lại tự tay đập nát gia đình mình. " Cuộc chơi bên ngoài xã hội mà" nhưng tổn thương của con cái cũng là thật mà, người cha, người mẹ nó noi theo cả đời, người cha, người mẹ mà nó tôn kính truyền cảm hứng và châm ngôn sống, là thước đo chuẩn mực cho đứa con, thì những "cuộc chơi" nhỏ nhặt kia làm con cái tổn thương dần, mòn, rồi đến mức không còn tổn thương được nữa, nó lại im lặng đứng ngẩn người trên phố đông ngắm nhìn gia đình người ta hạnh phúc từng có của nó.
Nếu một ngày, bậc làm cha, làm mẹ vì điều gì mà để con cái tổn thương, đứng đằng sau nhìn ánh mắt thèm thuồng của con mình trước một mâm cơm ấm cúng, trước một gia đình đầy ắp tiếng cười, thì anh, chị sẽ nghĩ gì?
ND