Những ngày tựu trường đang gần kề, thời gian này là lúc mà hầu hết các bạn sinh viên chuẩn bị quay lại giảng đường để tiếp tục việc học của mình. Với những bạn tân sinh viên, lần đầu tiên đi xa nhà để đi học chắc chắn còn nhiều lo lắng và bỡ ngỡ như việc học như thế nào, thầy cô bạn bè ra sao... và một vấn đề khiến nhiều bạn sinh viên quan tâm nhất chính là ở đâu khi đến một môi trường mới như thế này?
Nếu gia đình bạn có người quen tại nơi bạn theo học hoặc trường có ký túc xá cho sinh viên thì không có gì phải lo lắng quá nhiều. Nhưng nếu không thì sao? Chắc chắn lúc này các bạn phải tự mình đi thuê phòng. Lần đầu xa nhà, tự mình đi thuê nhà trọ hầu hết các bạn đều chưa có kinh nghiệm, gặp vô vàn khó khăn.
Để giúp các bạn có thể thuê được một phòng trọ ưng ý nhất. Dưới đây là một số những kinh nghiệm quan trọng khi đi thuê nhà trọ - phòng trọ. Hãy cùng tham khảo nhé.
Hiện nay mạng xã hội rất phát triển, hầu hết các phòng trọ đều được đăng trên rất nhiều diễn đàn, chỉ cần lướt một chút là có thể tìm ra vô vàn phòng trọ cho thuê. Tuy nhiên các bạn cũng đừng vội vàng tin những thông tin trên mạng đó, đôi khi nó chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó” rất dễ bị lừa. Vì thế, các bạn có thể lưu lại những phòng trọ mà gần nơi mình học để tiện cho việc đi lại, sau đó ghi lại địa chỉ và số điện thoại chủ nhà và đến tận nơi để tham khảo giá cả và phòng xem có giống như trên hình đăng hay không? Ngoài ra, xung quanh các trường đại học cũng có rất nhiều phòng trọ cho thuê, bạn có thể đi quanh đó để hỏi thăm những người dân sống trong khu vực đó để tìm phòng và tham khảo giá cả trước khi đưa ra quyết định.
Khi đi thuê phòng, các bạn nên tìm cho mình những phòng gần trường mình học để dễ đi lại. Hoặc những nơi có phương tiện đi lại thuận lợi, đi đến trường nhanh. Bên cạnh đó, cũng hãy quan tâm tìm hiểu xem khu vực này có thường bị ngập khi trời mưa không. Những khu vực bạn cảm nhận thấy nó trũng, thấp thì nên bỏ qua vì khi trời mưa to rất dễ thấy cảnh lội nước lõm bõm khi vào nhà. Khi đi xem nhà, hãy tranh thủ hỏi han những người xung quanh về vấn đề trật tự an ninh của khu phố và để ý một chút về cuộc sống sinh hoạt của hàng xóm. Nếu bạn ở trong ngõ, hẻm thì vấn đề này rất đáng lưu ý. Không nên tìm những nhà trọ quá xa, quá hẻo lánh và nên hạn chế ở những nơi có nhiều tệ nạn như bài bạc, cá độ, nhiều quán karaoke tụ tập, quán bia rượu tụ tập… vì nơi đây sẽ rất ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của bạn.
Yếu tố thứ hai là về giá cả của các phòng trọ. Tùy vào nơi bạn học có phải là trung tâm thành phố hay ngoại thành, phòng chung cư mini hay nhà trọ bình thường mà giá cả các phòng trọ sẽ có giá khác nhau. Hãy tham khảo xem giá phòng như thế nào, có phù hợp với nhu cầu kinh tế của bản thân mình không? Để có sự lựa chọn đúng đắn nhất. Ngoài ra bạn nên hỏi chủ nhà xem cách tính tiền phòng của họ như thế nào? Nộp tiền nhà bao giờ? Có làm hợp đồng, đặt cọc tiền thuê phòng hay không? Một bật mí nhỏ cho các bạn khi muốn xem chủ nhà là người như thế nào hãy hỏi chính những người đang sinh sống ở đó, những người này sẽ cho bạn những thông tin, lời khuyên chính xác nhất đấy.
Khi đã tìm được phòng ưng ý, bạn nên vào tham quan phòng xem phòng đó như thế nào? Diện tích phòng có thoải mái không? Nếu xác định sẽ tìm thêm bạn ở cùng để chia sẻ tiền phòng thì tốt nhất nên tìm phòng có diện tích lớn một chút, để sinh hoạt cho thoải mái. Ngoài ra hãy xem phòng này ở liệu có mát không? Nên chọn phòng có cửa sổ để giúp phòng luôn được thông thoáng.
Nhà vệ sinh cũng là điều đáng quan tâm, tùy vào nhu cầu của từng người. Phòng trọ sẽ có nhà vệ sinh chung hoặc phòng trọ khép kín có nhà vệ sinh luôn trong nhà. Những nhà vệ sinh này luôn có những ưu nhược điểm riêng, vì thế hãy tham khảo xem cái nào phù hợp nhất thì thuê nhé.
Khi thuê phòng trọ bạn sẽ gặp phải 2 trường hợp là ở chung chủ nhà hoặc không.
Với những bạn sinh viên năm nhất là con gái, lời khuyên tốt nhất là nên ở cùng chủ, điều này sẽ an toàn hơn rất nhiều, thế nhưng khi ở với chủ, đôi khi cũng sẽ gặp phải một số bất tiện như lối sống, cách sinh hoạt, giờ giấc... với những bạn có cá tính, thì khó mà sống được trong môi trường này. Chính vì thế, nếu muốn ở cùng chủ thì hãy tìm hiểu kỹ về tính cách chủ nhà trước khi quyết định, tránh ân hận sau này.
Còn ở không chủ, một điều chắc chắn là rất thoải mái. Bạn có thể sống tự do, không bị cai quản giờ giấc, cách sống như thế nào. Trước khi chuyển đến ở bạn nên kiểm tra những thiết bị điện, ống dẫn nước... có gì hư hỏng không để yêu cầu chủ nhà sửa chữa, tránh trường hợp khi bạn vào ở, thiết bị hư hỏng chủ nhà không chịu trách nhiệm, lúc đó bạn sẽ tiêu tốn một khoản chi phí. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu kỹ giờ giấc đóng cửa của chủ nhà. Nếu bạn thường đi làm về muộn, tốt nhất xin một chiếc chìa khóa cổng cho riêng mình, để tránh làm phiền người xung quanh.
Ngoài ra, nơi ở cần có đủ chỗ để bạn cất xe bên trong hoặc chỗ giữ xe an toàn gần đó. Bạn cũng cần nhờ chủ nhà hoặc hỏi thông tin về việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại nơi bạn ở nhé.
Khi thuê phòng bạn nên hỏi chủ nhà xem giá tiền điện, nước, phí ở đó như thế nào. Nếu sử dụng nước theo khối yêu cầu cần có đồng hồ để tính. Tùy vào từng khu vực bạn ở mà giá tiền điện, nước sẽ được chủ nhà tính với giá khác nhau. Ví dụ ở một số khu vực như Quận Cầu Giấy, Từ Liêm,… thường với giá: Nước: 80.000 đ/tháng/người, điện: 3500-4000 đồng/số điện.
Sau khi đã xem xét căn phòng bạn sắp thuê cũng như tìm hiểu được một số thông tin về tình hình an ninh xung quanh, nếu cảm thấy chỗ đó hợp với mình, bạn nên nói chuyện với chủ nhà về việc làm hợp đồng và đặt cọc. Bạn cần trao đổi với chủ nhà rõ ràng về các khoản chi phí: tiền phòng, tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền internet, các khoản chi phí phát sinh và những khoản này phải được ghi trong hợp đồng đầy đủ. Một lưu ý khác đó là hình thức trả tiền nhà, một tháng một, 3 tháng hay 6 tháng một lần. Hãy cố gắng hạn chế việc trả tiền nhà theo 6 tháng một.
Đặt cọc cũng là một điều bạn phải hỏi kỹ, số tiền đặt cọc bao nhiêu, bạn có lấy lại được số tiền đó khi chuyển đi không, điều kiện để được nhận lại là như thế nào?
Hãy xem xét kỹ càng trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng nếu không muốn “Bút sa gà chết”.
Một số lưu ý nhỏ khi thuê phòng trọ