Một nghiên cứu mới đây khẳng định rằng thể hiện sự đồng cảm với nhân viên có khả năng sẽ khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thành công hơn nữa.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Businessolver – một nhà cung cấp dịch vụ quản lý các quỹ phúc lợi cho người lao động – cho thấy nhân viên nhiều khả năng muốn làm việc cho một ông chủ mà hiểu được tâm tư tình cảm của họ. Hơn thế nữa, họ còn làm việc chăm chỉ hơn và muốn cống hiến nhiều hơn cho tổ chức.
Cụ thể, 56% số công nhân tham gia khảo sát cho thấy họ muốn làm việc cho một công ty mà ban lãnh đạo thấu hiểu được nhu cầu của họ, 35% nói rằng họ sẽ "nhảy việc" sang làm cho một doanh nghiệp khác – nơi không có sự phân biệt đối xử về tuổi tác, chủng tộc, giới tính, vùng miền, quan điểm chính trị, dân tộc hay các vấn đề khác; tiền lương được trả dựa trên thực lực và một vị sếp biết thông cảm cho người lao động. Ngoài ra, 40% số người được hỏi sẽ sẵn sàng làm việc ngoài giờ nếu nhà lãnh đạo thấu hiểu đóng góp và nỗ lực của họ.
Theo tác giả nghiên cứu, "trong một tổ chức kinh doanh – nơi mà sự đồng cảm được ưu tiên thì mọi người sẽ sẵn sàng vượt qua các giới hạn do chính họ thiết lập, trung thành hơn và muốn cống hiến hết mình cho sứ mệnh của tổ chức. Thậm chí, họ còn là nhân tố góp phần tăng chỉ số NPS (Net promoter core) – chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng".
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều nhà lãnh đạo đánh giá quá cao khả năng của mình để có thể hiểu cảm xúc của người lao động: 60% CEO khẳng định công ty của mình luôn duy trì thái độ cảm thông trong văn hóa làm việc, trong khi chưa đầy ¼ người lao động cảm nhận được điều này. Ngoài ra, 31% nhân viên tin rằng doanh nghiệp mà họ đang làm việc quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn là chính họ.
"Báo cáo đã chỉ ra được một khoảng cách khá lớn giữa CEO và nhân viên khi xét đến sự đồng cảm", Jon Shanathan – CEO của Businessolver cho biết.
Một số lượng lớn người tham gia cuộc điều tra – khoảng 46% nói rằng lãnh đạo công ty nên tạo ra bầu không khí hài hòa cho tất cả mọi người bằng cách làm cho tinh thần cảm thông lan tỏa khắp tổ chức.
Các nhà nghiên cứu khuyên các chủ doanh nghiệp nên làm tốt hơn nhiệm vụ huấn luyện các quản lý cấp dưới thể hiện sự đồng cảm với người lao động mỗi khi giao tiếp với họ. Nghiên cứu nhận thấy rằng 3 hành vi phản ánh một công ty chú trọng xây dựng "văn hóa cảm thông" đó là lắng nghe nhiều hơn nói, kiên nhẫn và dành thời gian để nói chuyện trực tiếp với từng người lao động.
Adam Waytz – phó giáo sư nghiên cứu về lĩnh vực quản trị và các tổ chức tại trường quản trị Kellogg của Đại học Northwestern cho biết "Nhiều chương trình nghiên cứu khác cũng đã bắt đầu có những bằng chứng thể hiện rằng đồng cảm là yếu tố tạo nên sự thống nhất trong môi trường làm việc và có ảnh hưởng quan trọng tới lợi nhuận ròng của doanh nghiệp".
Những nghiên cứu này đã góp phẩn khẳng định rằng tất cả các lãnh đạo cần quan tâm sâu sắc hơn tới việc thấu hiểu cảm xúc và cuộc sống riêng của người lao động.
Dưới đây là 5 hành vi thể hiện sự cảm thông mà mỗi công ty cần quan tâm nhiều hơn nữa, được tổng hợp dựa trên ý kiến của các nhân viên tham gia khảo sát:
Vậy thì từ bây giờ, các lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn tới suy nghĩ, cảm xúc và cuộc sống của đội ngũ nhân sự tại công ty của mình, đồng thời, khuyến khích phát triển "văn hóa cảm thông" và chia sẻ.
Chú thích: Nghiên cứu được dựa trên các khảo sát với sự tham gia của 1.730 người Mỹ trưởng thành, bao gồm 165 CEO tại các công ty với hơn 100 nhân viên, 100 chuyên gia về lĩnh vực nhân sự và 740 nhân viên làm việc toàn thời gian (không phải là CEO hay chuyên gia HR).