Nghe cách nói, nhìn cách thức và sự biểu lộ tình cảm của một ai đó ta có thể phán đoán tính cách của người đó.
Dùng thời gian để nhìn người là ám chỉ sự quan sát lâu dài, không phải là ngay từ lần đầu gặp mặt đã vội vàng đưa ra kết luận tốt xấu về một người nào đó. Kết luận vội vàng sẽ dẫn đến việc nhìn nhận lầm giữa kẻ xấu và người tốt, từ đó ảnh hưởng đến sự giao tiếp của mình với người đó sau này.
Ngoài ra con người còn vì lợi ích sinh tồn, đa số đều mang trên mình một chiếc mặt nạ. Khi gặp bạn họ thường đeo một chiếc mặt nạ giả. Đây là một hành vi có ý thức. Những chiếc mặt nạ chỉ có thể dùng khi gặp bạn, và chỉ thể hiện ra ở những góc độ mà bạn thích. Nếu bạn chỉ căn cứ vào những điểm này mà phán đoán sự tốt xấu của một người, từ đó quyết định mức độ giao tiếp với người đó thì bạn có thể mắc phải sai lầm.
Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Dùng thời gian để nhìn người chính là để áp dụng câu châm ngôn trên.
Hàng ngày chúng ta đều phải làm việc, giao tiếp, hợp tác với rất nhiều người có tính cách khác nhau, vậy mà đôi khi ta không có một chút khái niệm nào về “nhìn người”. Cổ nhân đã dạy:
01. Muốn nhìn thấu suy nghĩ của ai, hãy nhìn vào đôi mắt của người đó.
02. Muốn biết địa vị của một người, hãy xem đối thủ của họ ra sao.
03. Muốn hiểu thêm về tính cách của người nào, hãy để ý bạn bè xung quanh họ.
04. Muốn đánh giá quyết tâm của một người, hãy xem cách người đó đứng dậy sau thất bại.
05. Muốn biết quan hệ giữa hai người thân thiết đến đâu, hãy xem phản ứng của họ khi nghe tin người kia gặp bất trắc.
06. Người bạn tốt sẽ không bao giờ xa lánh khi ta gặp khó khăn.
07. Người được dạy dỗ tử tế sẽ cư xử hòa nhã với người già và trẻ nhỏ.
08. Người tâm địa thật thà sẽ không nói xấu sau lưng người khác.
09. Người có tiềm năng làm nên việc lớn sẽ không ham lợi nhỏ.
10. Người có ý lợi dụng thường chỉ đến với ta khi họ gặp khó khăn.
(ST)