Bạn nghĩ rằng mình luôn khiến nhân viên cảm thấy vui vẻ nhưng có thể nhiều người không thực sự vui vẻ như bạn nghĩ. Một nghiên cứu mới đây của 1 tổ chức cung ứng nhân sự mang tên Spherion chỉ ra rằng có nhiều vấn đề bất đồng quan điểm giữa cấp trên và cấp dưới khiến cho mối quan hệ công sở trở nên căng thẳng.
Sandy Mazur – giám đốc bộ phận của Spherion nói rằng: Hai bên có những kì vọng khác nhau, điều này dẫn tới một mối quan hệ rạn nứt và xa cách. Nghiên cứu về lực lượng nhân công mới (Emerging Workforce Study) trong năm nay chỉ ra rằng trong khi nhân viên mong muốn môi trường làm việc linh hoạt và có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì phía nhà tuyển dụng lại cắt giảm các chương trình như vậy. Khi nói tới lý do giữ chân nhân viên ở lại doanh nghiệp, những ông chủ tin rằng cách thức quản lý và văn hóa doanh nghiệp là quan trọng nhất, trong khi nhân viên lại cho rằng những đền bù và lợi ích tài chính mới là điều quan trọng.
Kì vọng khác nhau dẫn tới mối quan hệ xa cách giữa nhân viên và sếp
Không chỉ các chính sách gây nên khoảng cách giữa nhân viên và doanh nghiệp. Rosalinda Oropeze Randall, chuyên gia về các phép tắc (etiquette expert) và cũng là tác giả của cuốn sách "Dont Burp in the Boardroom: Your Guide to Handling Uncommonly Common Workplace Dilemmas" (Familius, 2014, tạm dịch là "Hướng dẫn xử lý những tình huống tiến thoái lưỡng nan ít gặp nơi công sở) nói rằng những xung đột cá nhân, cách quản lý yếu kém và thiếu sự tôn trọng hoặc thiếu hiểu biết có thể gây tổn thương tới mối quan hệ giữa nhân viên và cấp trên. Oropeza Randall nói trên tờ Business News Daily: Việc nhân viên cảm thấy họ bị đánh giá quá thấp, bị sa thải hay có ý kiến bất đồng về cách sếp điều hành công việc đều có thể dẫn tới sự xa cách trong mối quan hệ. Điều đó thực sự là "liều thuốc độc" nơi công sở.
Giao tiếp kém hiệu quả ảnh hưởng tới nhiều vấn đề
Cho dù vấn đề tồn tại là gì, việc hai bên ít giao tiếp đều mang lại những hệ quả xấu. Nếu bạn đang có mâu thuẫn với sếp hay nhân viên trong công việc hàng ngày thì cách tốt nhất là hãy đối mặt với vấn đề. Dưới đây là 1 vài lời khuyên cơ bản giúp bạn cải thiện mối quan hệ nơi công sở.
Bước đầu tiên để cải thiện quan hệ với sếp là tìm ra cách nói chuyện với họ. Oropeza Randall chỉ ra rằng việc này có thể khó hơn nếu sếp của bạn thường xuyên bị stress hoặc không cởi mở. Nhưng dù phong cách nói chuyện của họ ra sao thì cách tốt nhất là hãy cố giữ bình tĩnh và có thái độ chuyên nghiệp khi muốn đề cập tới các chủ đề nhạy cảm. Nếu vấn đề không liên quan tới chính sách, Mazur khuyên bạn nên đứng từ góc độ nhà quản lý và suy nghĩ trước khi nêu ra vấn đề. "Liệu có phải kì nghỉ hè chậm trễ là do công ty vừa mất đi 1 khách hàng lớn? Các chương trình làm việc từ xa () bị cắt giảm đơn giản chỉ bởi doanh nghiệp muốn mọi người tương tác trực tiếp nhiều hơn? Nhân viên toàn công ty không được tăng lương là bởi công ty đang thực hiện cắt giảm chi phí? Những nhân viên hiểu được nguyên nhân đằng sau có thể sẽ có cách tiếp cận vấn đề mềm mỏng và có trách nhiệm hơn, cho thấy sự quan tâm của họ tới công ty".
Giữ bình tĩnh và thái độ chuyên nghiệp ngay cả khi sếp khó tính
Ông Bill Peppler - đồng quản lý của tổ chức cung ứng nhân sự Kavaliro - khuyến khích nhân viên nêu ra vấn đề với sếp và đồng nghiệp với thái độ chuyên nghiệp và tôn trọng. Ông nói: Đưa ra giải pháp cho 1 vấn đề được mọi người cùng nhận thức là cách tiếp cận chủ động hơn là cùng nhau phàn nàn về nó.
Orpeza Randall nhắn nhủ tới những nhân viên công sở rằng khi nói chuyện với sếp, hãy sử dụng ngôi thứ nhất "tôi" thay vì "anh" hay "họ" để tránh đổ lỗi. Ví dụ như các cụm từ "Tôi lo ngại rằng..." hay "Tôi cảm thấy..." sẽ hiệu quả và nghe có vẻ chuyên nghiệp hơn là "Họ khiến tôi cảm thấy...". Cách diễn đạt như vậy giống như bạn đang cố đổ lỗi cho người khác vậy. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm tới vấn đề, và bạn đã làm tất cả những gì mình có thể để tự mình giải quyết vấn đề".
Nếu một nhân viên gặp vấn đề với bạn hoặc cách quản lý của bạn, có thể cô ấy (hoặc anh ấy) không cảm thấy thoải mái để nói trực tiếp – hay ít nhất là nói ngay lập tức. Nhưng khi họ đã nêu ra vấn đề thì giờ là lúc bạn cần có trách nhiệm làm gì đó.
Khi nhân viên đã nêu vấn đề thì sếp nên có trách nhiệm cố gắng giải quyết
Mazur cho biết: Thường thì các sếp không biết tới những vấn đề mà nhân viên của họ gặp phải. Vậy nên khi nhân viên đã đề xuất với sếp thì trách nhiệm của sếp là cố gắng hết sức giải quyết vấn đề. Họ có thể làm điều này bằng cách đưa ra 1 câu trả lời trung thực, tìm ra 1 thỏa thuận phù hợp hay thực hiện 1 thay đổi nào đó cho nhân viên.
Oropeza Randall nói rằng mặc dù có vẻ như nhân viên thường hay phàn nàn nhưng thực sự lắng nghe và kiên nhẫn với họ là rất quan trọng. Những vấn đề mà họ nêu ra là có thực và cô cũng nhắc rằng các sếp nên thường xuyên hỏi ý kiến phản hồi từ nhân viên. "Đừng quên hỏi ý kiến họ ngay bởi nhân viên là tai mắt của bạn. Họ biết chính xác những chuyện gì đang diễn ra trong công ty và có thể giúp đỡ bạn".
Mọi doanh nghiệp đều có những khoảng thời gian mà các mối quan hệ công sở trở nên không hiệu quả, nhưng nếu tất cả mọi người đều mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn thì năng suất làm việc, sự gắn bó của nhân viên cũng như sự hài lòng của họ cũng sẽ cao hơn.
Cùng nhau xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa sếp và nhân viên
Mazur nói rằng: Cả nhân viên và sếp đều nên hướng tới việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu cả 2 bên đều nỗ lực đầu tư và phát triển mối quan hệ thì cả 2 sẽ gắn bó hơn, cùng nhau hướng tới những mục tiêu và kì vọng chung. Một mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa sếp và nhân viên là 1 dạng "cổ tức dài hạn" và sẽ mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Nhân viên vui vẻ thì họ sẽ gắn bó, làm việc có động lực và năng suất hơn".
Tác giả: Nicole Fallon Taylor