Hôm nay là giỗ bố tôi. Nhà đơn chiếc nên tôi phải chạy lên, chạy xuống để phụ dọn thêm thức ăn cho khách thì chợt nghe to tiếng ở đằng trước:
- Ông bà bảo là “ bất quá tam”. Nhưng nãy giờ, tao để ý mầy khiếm nhã đến bốn lần rồi. Tao thương, tao nói, tao dạy để mà có kinh nghiệm sống ở đời. Chứ cách đứng ngồi, ăn uống, nói năng như mày thì ai mà thương nổi.
- Xin hỏi bác cháu khiếm nhã ở chỗ nào để cháu sửa?
À, thì ra đó là anh Ba, hàng xóm với tôi, đang có ý răn dạy thằng Nhân- cũng là láng giềng. Thấy cũng hơi lạ vì thằng này tuy tuổi mới 25, còn khá nhỏ, nhưng kiến thức sống thì khá lắm, lại lễ phép. Cũng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc đàng hoàng nhưng vì bất mãn chốn quan trường nịnh hót, rồi cảnh thân thế chèn ép mà thà bỏ việc về làm kinh tế, chăm lo cha mẹ, nhất định không lụy người. Cha mẹ bảo nó lấy vợ mà nó chưa chịu vì muốn có sự nghiệp ổn định trước. Còn anh Ba, tuổi 62. Lớn tuổi hơn tôi. Giàu trong trứng giàu ra. Lại thêm ông cậu có chút địa vị nên ảnh cũng hay ỷ lại, quan cách. Thật lòng tôi cũng chẳng thích ảnh, nhưng biết sao được, hàng xóm mà! Thấy vậy tôi cũng chẳng muốn xen vào làm gì, để thử coi sao!...
Anh Ba trả lời:
-Việc thứ nhất: Trong bàn, mầy chẳng lớn hơn ai mà ngồi ghế dựa, trong khi những người còn lại đều ngồi ghế đẩu, thử xem chướng mắt không? Thứ hai, khi thấy người lớn tuổi đến cũng không biết nhường ghế. Thứ ba, không biết phép tắc khi rót trà. Giờ lại vi phạm chuyện tế nhị trong ăn nhậu. Còn trẻ mà không sửa đến già còn lỗi!...
Đợi ảnh nói hết câu, thằng Nhân bình thản đáp:
- À! Thì ra Bác nói những chuyện đó!… Ghế dựa không phải ai cũng ngồi được đâu bác ạ! Sở dĩ như thế là vì chú Hai, chủ nhà mời cháu ngồi đấy. Không tin, Bác hỏi mấy anh em thì rõ.
Một người trong bàn chen vào :
- Phải đấy Chú! Chính anh Hai Trọng lấy ra mời nó đó. Ảnh nói thưởng cho công trạng của nó để nó đỡ mỏi lưng vì thức phụ làm heo từ ba giờ sáng, rồi che rạp, rồi leo dừa, phụ đi chợ, lấy nước đá,… đến giờ mới xong.
Nó nói tiếp:
- Còn chuyện không nhường ghế ấy cho Bác cũng là lẽ thường. Bác chắc có xem báo đài chứ? Ở Nhật, những nơi công cộng hay trên các phương tiện đi lại, người trẻ tuổi mà nhường chỗ, nhường ghế cho người già là điều cấm kị. Vì họ không muốn bị xem là già, là gánh nặng, là ăn bám. Nhường cho họ chẳng được lời cảm ơn mà còn bị mắng. Họ rất bình đẳng trong việc ấy. Bác có lẽ chỉ ngoài 60 nên tất nhiên con không dám xem bác là già, là gánh nặng, là ăn bám nên không thể nhường. Vả lại, trong bàn còn ghế trống mà; nhường cho bác thì con phụ lòng chủ, coi sao được…
Trong bàn đã có vài tiếng cười đồng tình.
Rồi ảnh lại tiếp:
- Xem ra mày giỏi lí luận. Còn chuyện uống trà thì mày tính sao? Bình trà mới pha mầy nhỏ mà rót ra uống trước tiên, coi được không? Rồi rót qua, rót lại, rót cho tao sau cùng, tao uống đồ cặn của mầy à?...
Tôi thật sự không ngờ anh Ba lại hẹp bụng như vậy. Người lớn ai lại như thế chứ? Nhưng tôi cũng chưa ra mặt vội vì muốn xem thằng nhỏ đáp có thông không. Tức thì nó trả lời:
- “ Trà ngon li cuối”, bác chưa nghe câu ấy sao? Bình trà mới pha, li đầu tiên là lợt nhất, tức dở nhất, con rót cho con. Còn lại khá hơn nên con rót một phần li cho mấy anh, mấy chú rồi rót lại một phần nữa cho mấy chú, mấy anh để tất cả các li có độ đậm của trà bằng nhau. Li sau cùng rót cho bác là đặc nhất, ngon nhất bác còn không chịu là thế nào?!
Biết anh Ba thất thế, nếu để nó “bẻ” thêm lỗi thứ tư về việc gắp ngay món khoái khẩu của anh thì thẹn không biết giấu vào đâu được, tôi vào cứu viện:
-Anh Ba mới qua. Xin anh thông cảm, đơn chiếc quá, nãy giờ em bận ở sau bếp phụ mang thức ăn lên. Mời anh Ba vào bàn giữa, mình dùng tiệc, đàm đạo.- Vừa nói tôi vừa kéo anh ra khỏi chỗ… Tôi dìu anh vào trong nhà mà không quên ngoảnh đầu lại nháy mắt với nó và anh em trong bàn như ngụ ý: “ Giỏi lắm! Chúc tất cả ngon miệng!”.
Vào dùng tiệc, anh chọn chỗ ngồi quay mặt vào bàn thờ.(Chỗ này theo lí phải người lớn tuổi nhất mới được ngồi.). Tôi là chủ nhà nên cũng không thể yên vị mãi nên phải tới lui mỗi bàn một tí. Trong bàn còn lại anh là người nhỏ nhất. Ra đến ngoài mà vẫn nghe trong này miệng anh oang oang chuyện thời sự chỗ này tham nhũng, chỗ kia giết người, chỗ nọ oan sai,…Nhưng hỏi cụ thể tên họ là gì thì nói sai bét. Hết chuyện thời sự, anh lại nói kinh nghiệm, triết lí sống đại loại như: chuyện phòng the, chuyện chọn gà chọi, chuyện chạy chỗ cho con,…Nhưng khó chịu nhất là anh thích đề cập đến cái mà anh không hề biết hoặc nếu biết cũng chẳng bao giờ làm được như: “Trà đạo Nhật Bản”, “Trà tam rượu tứ”, “Nguồn gốc rượu đế”; “Nghệ thuật nói chuyện”, “Đức khiêm tốn”…
Thế mới biết: người sống nhiều không nhất thiết phải là người nhiều tuổi; người nhiều tuổi chắc hẳn là người sống lâu chứ chưa hẳn đã sống nhiều./.
Trà Vinh: 9/10/2016
Võ Quốc Tuấn