Về mặt lý thuyết thì nền tảng phát triển ứng dụng (application development platform - là phần mềm được sử dụng để xây dựng, kiểm tra và triển khai ứng dụng) phải giống như 1 ước mơ thành sự thật. Nó mang tới cho những nhà phát triển sở hữu kinh nghiệm thiết kế hay viết code ở bất kì mức độ nào cơ hội xây dựng ứng dụng, giúp quy trình phát triển nhanh hơn so với việc xây dựng từ con số 0. Những cũng như những con đường tắt khác, nhiều nền tảng phát triển ứng dụng mang tới những hạn chế của riêng mình.
Sử dụng nền tảng phát triển ứng dụng thường đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ tính hiệu quả mà các ngôn ngữ mã nguồn nguyên gốc (native source code) mang lại. Ngoài ra, bạn cũng cần phải học hỏi thêm các chức năng hay những giải pháp thay thế cụ thể cho từng nền tảng. Điều này có thể dẫn tới việc hợp tác kém giữa những nhà thiết kế, nhà phát triển, chủ sở hữu và còn luôn mang tới rủi ro biến bạn thành người đi sau các tính năng mới nhất và tuyệt vời nhất của hệ thống hay phần cứng nếu như giải pháp mà bạn lựa chọn kém cập nhật so với thời đại.
Những trở ngại này không có nghĩa rằng nền tảng phát triển ứng dụng không bao giờ là 1 giải pháp đúng đắn. Quan trọng là bạn phải cẩn thận và chọn ra giải pháp phù hợp với mình. Dưới đây là 7 điều bạn cần lưu ý khi lựa chọn nền tảng phát triển ứng dụng.
Ngành công nghiệp mobile đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh và theo kịp sự phát triển đó mà không có các phần mềm của bên thứ 3 kéo bạn chậm lại cũng đã đủ khó rồi. Nhiều công cụ phát triển ứng dụng lại gặp vấn đề với việc theo kịp các thay đổi mới nhất của hệ điều hành iOS và Android, điều này có thể khiến cho doanh nghiệp của bạn đi chậm vài năm nếu bạn sử dụng các phiên bản lỗi thời. Hãy đảm bảo giải pháp mà bạn lựa chọn có thể hỗ trợ hệ điều hành mới nhất chứ đừng chỉ hy vọng nó sẽ mau chóng đuổi kịp.
Hãy tránh các nền tảng yêu cầu bạn phải làm quá nhiều việc, có thể là viết code từ đầu. Mục đích chính của 1 nền tảng phát triển ứng dụng là giúp cho quy trình phát triển trở nên hiệu quả hơn. Loại bỏ những giai đoạn tốn thời gian trong quá trình viết code sẽ giúp bạn tập trung vào những điều quan trọng hơn, ví dụ như tạo ra các tính năng mới cho ứng dụng của mình. Nếu thường xuyên phải trở đi trở lại để sửa những gì mà nền tảng phát triển ứng dụng đã làm thì cuối cùng nó cũng không tiết kiệm được cho bạn bao nhiêu thời gian cả. Tiết kiệm thời gian viết code không phải để bó ra khoảng thời gian đó để đi sửa lỗi.
Một công cụ phát triển ứng dụng tốt có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian code bằng cách thực hiện các công việc lặp đi lặp lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có lựa chọn thực hiện tất cả mọi công việc hoàn toàn thủ công nếu thấy cần thiết. Hãy coi chừng các nền tảng phát triển ứng dụng giới hạn quyền truy cập vào mã nguồn của bạn hoặc dựa quá nhiều vào các framework mà họ đã xây dựng - bạn sẽ không bao giờ biết được bên trong đó có gì cả.
Template có thể là lựa chọn hay để nhanh chóng mang lại cho ứng dụng 1 cấu trúc "đúng ngay lần thử đầu tiên" nhưng nó cũng có thể giới hạn rất nhiều. Một mẫu template có thể là 1 điểm bắt đầu chứ không phải là thứ mà bạn sẽ phải lựa chọn để rồi chịu ơn và dựa dẫm vào nó. Không nên hy sinh bản sắc thương hiệu cho bất cứ 1 thứ gì khác để đổi lấy hiệu quả. Nếu một nền tảng phát triển ứng dụng yêu cầu bạn sử dụng 1 trong các template và không cho phép tùy biến để mang lại hình ảnh riêng thì có lẽ bạn nên lựa chọn 1 công cụ khác - có rất nhiều trong số chúng được phát triển dựa trên template chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào template.
Cũng như không nên để cho template quyết định vẻ ngoài của ứng dụng, bạn cũng không nên để tính năng (capability) của ứng dụng quyết định giao diện người dùng. Người dùng luôn phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Một nền tảng phát triển ứng dụng có các lựa chọn thiết kế giao diện giới hạn cũng không sao - miễn là chúng là các lựa chọn bạn cần hoặc nền tảng đó cho phép bạn thêm các component hoặc plug-in khác. Nhưng nếu những gì mà nó mang lại không thể so sánh với thiết kế mà bạn nghĩ tới thì có lẽ nên lựa chọn 1 giải pháp khác.
Lý do nhiều nền tảng phát triển ứng dụng có thể mang tới ứng dụng hoạt động trên nhiều nền tảng là bởi chúng là các ứng dụng lai - được viết bằng ngôn ngữ web nhưng có bao gồm các gói nguyên gốc (native wrapper) để thêm tính năng. Cho dù các ứng dụng có thể hoạt động bình thường nhưng khi chúng ảnh hưởng tới tốc độ hoạt động hay các tính năng khác của ứng dụng thì điều đó là không đáng. Chí ít thì hãy tìm kiếm 1 nền tảng phát triển ứng dụng hỗ trợ việc chỉnh sửa mã nguồn để bạn có thể tự xây dựng lại các tính năng bị thiếu khi cần thiết. Ngoài ra, nếu tốc độ và khả năng phản ứng là yếu tố cốt yếu trong ứng dụng của bạn thì bạn nên tập trung vào các nền tảng phát triển ứng dụng nguyên gốc thực sự.
Nếu bạn lựa chọn 1 giải pháp ứng dụng lai, hãy xem xét mình sẽ sử dụng ngôn ngữ gì trong quá trình phát triển. Các ngôn ngữ phổ biến như Swift, Objective-C, Java hay JavaScript là tốt hơn cả bởi ngay cả khi bạn không biết ngôn ngữ đó thì cũng có thể dễ dàng tìm kiếm 1 người giúp bạn code thủ công. Nếu mắc kẹt với các ngôn ngữ ít người dùng như Dart, không chỉ dự án bị ngưng trệ trong lúc bạn học ngôn ngữ mới mà cũng có khi bạn không thể tăng thêm số lượng thành viên phát triển trong nhóm mình. Hãy lựa chọn những ngôn ngữ bạn biết hoặc phổ biến trong ngành vào thời điểm hiện tại.
Kết luận
Dù nền tảng phát triển ứng dụng có thể là một giấc mơ biến thành sự thật, nếu bạn không lựa chọn đúng công cụ có thể giúp bạn tự do thiết kế sản phẩm cuối cùng mà mình vẫn mường tượng trong đầu - chứ không phải sản phẩm mà giới hạn của nền tảng đó ép bạn tạo ra - thì có lẽ đó chỉ là 1 giấc mơ viển vông. Hãy tìm kiếm các tính năng như khả năng tích hợp API, hệ thống plug-in mạnh mẽ và đảm bảo bạn có thể tự viết code của mình bằng ngôn ngữ mà mình thấy thoải mái nhất.
Trong điều kiện tốt nhất, nền tảng phát triển ứng dụng sẽ nâng cao tính hiệu quả của chu trình làm việc. Nếu giải pháp bạn chọn chưa hiệu quả, đừng ngại tìm kiếm 1 giải pháp khác.