Về tác giả: Bài viết này được dịch lại từ chia sẻ của tác giả Bel Pesce - doanh nhân và nhà báo hiện đang sống tại Brazil - đăng trên trang Medium. Bel Pesce cũng đã từng có một bài nói tại TED Talks.
Tất cả chúng ta đều muốn được làm được một điều gì đó có ý nghĩa đối với thế giới, được ghi tên mình trong danh sách "vàng" những người có đóng góp to lớn cho nhân loại hay một thứ gì đó tương tự. Thế nhưng, tại sao nhiều người lại từ bỏ những gì đang làm cho dù biết rằng đó là điều mà họ hy vọng sẽ trở thành thứ quan trọng nhất trong cuộc đời họ? Tôi đã dành khoảng 2 năm để tìm hiểu về cách mà mọi người thực hiện ước mơ của mình và lý do tại sao họ lại bỏ cuộc giữa chừng. Sau hàng trăm cuộc trò chuyện với rất nhiều người và công ty khác nhau tại hơn 30 nước, tôi đã tìm thấy giữa họ một vài điều trùng lặp về việc tại sao các ước mơ lại không thực hiện được.
Chắc bạn đều biết câu chuyện về một chàng trai tạo ra một ứng dụng di động bán được hàng triệu USD chỉ trong một vài ngày. Câu chuyện có vẻ rất thật nhưng nếu xem xét kỹ hơn thì trước đó, anh đã phải phát triển hơn 50 app lớn nhỏ, đồng thời phải nỗ lực học lên để trở thành tiến sĩ trong lĩnh vực của mình nhằm tạo uy tín với các hãng công nghệ. Bên cạnh đó, chàng trai này cũng phải nghĩ rất nhiều về các vấn đề và giải pháp tiềm năng trong nhiều năm liên tục để cải tiến sản phẩm. Rõ ràng, chẳng có điều gì gọi là thành công "sau một đêm" ở đây cả.
Mỗi câu chuyện thành công chớp nhoáng là kết quả của hàng trăm thứ mà họ phải hoàn thành và không ngừng làm việc cả đời để có được khoảnh khắc hạnh phúc đó.
Nếu may mắn, chúng ta sẽ được gặp rất nhiều người có nhiều kinh nghiệm hơn, giỏi hơn và xuất sắc hơn chúng ta rất nhiều. Khi xây dựng mọt dự án và nhận được lời khuyên từ họ, bạn cần phải lắng ghe, học hỏi và cảm hơn họ. Tuy nhiên, người đưa ra quyết định cuối cùng là bạn.
Hãy nghĩ hành trình đi đến thành công giống như một con đường và có rất nhiều lối rẽ để đi tới đích cuối cùng. Cho dù gia đình, bạn bè hay những người xung quanh có khuyên bạn như thế nào đi chăng nữa thì tự bạn vẫn phải là người chọn đường đi cho riêng mình. Hãy tin vào điều bạn tin và đã quyết định.
Chắc chắn, được làm điều mình thích rất tuyệt vời. Nhưng vấn đề là, khi bạn làm thứ gì đó bạn đam mê, bạn sẽ liên tục phải làm những thứ bạn không hề muốn. Đó chính là nghịch lý cuộc sống. Chị gái của tôi từng nhìn thấy tôi ở nhà, ngồi trước máy tính, thiết kế các dự án, phát triển nội dung và cho rằng chúng thật tuyệt. Tôi cũng nghĩ như vậy. Mãi cho đến khi mở công ty thật sự và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như khách hàng, nhân sự, chi phí cùng một loạt các tình huống phát sinh khác thì cả hai chị em tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ. Tôi yêu thích thiết kế phần mềm nhưng càng làm nó, tôi càng phải xử lý nhiều thứ mà tôi chẳng hề muốn chút nào.
Để thành công thực sự với điều gì đó bạn đam mê, bạn cũng cũng cần phải đủ đam mê và cam kết hoàn thành cả những thứ mà bạn chẳng hề thích.
5 năm trước, bạn làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm cho một dự án quan trọng. Cuối cùng, dự án hoàn thành với kết quả xuất sắc và công ty làm ăn có lãi. Bạn được tuyên dương, đồng thời, hình thành được một nhóm làm việc ăn ý, nhiệt huyết tràn đầy và luôn đưa ra được các ý tưởng thú vị. Đây chính là thời điểm mà bạn nghĩ đến sự ổn định.
Lúc ra mắt cuốn sách đầu tiên, tôi đã làm việc vất vả, phát hành nó mọi nơi ở Brazil và thành quả là hơn 3 triệu người download sách, hơn 50.000 người mua sách giấy. Khi tôi viết cuốn tiếp theo, tầm ảnh hưởng đã được đảm bảo. Kể cả khi tôi an cư, sức bán cũng sẽ kha khá. Tuy nhiên, kha khá không có nghĩa là tốt. Khi bạn đi đến đỉnh cao, bạn cần cố gắng hơn nữa để đưa bản thân mình đến đỉnh cao hơn. Do vậy, đừng vội vàng hài lòng với chiến thắng hiện tại vì chẳng có gì vĩnh cửu cả. Khi bạn thỏa mãn với thành công và ngừng cố gắng thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sắp đối mặt với thất bại.
Tôi thường xuyên thấy các bạn trẻ nói: "Tôi có ý tưởng tuyệt vời nhưng không ai đủ tầm nhìn để đầu tư", "Ồ, tôi tạo ra tuyệt phẩm này, nhưng thị trường thật chán quá, hàng bán ế ẩm", hoặc là "Tôi không tìm ra nhân tài, đội của tôi còn kém hơn những gì tôi nghĩ". Nếu có ước mơ, trách nhiệm thực hiện là ở bạn. Nhân tài có thể khó tìm, thị trường có thể vận hành không theo ý của bạn. Nhưng nếu không ai sẵn sàng đầu tư cho ý tưởng, nếu không ai mua sản phẩm của bạn, thì chắc chắn lỗi là ở bạn. Bạn cần biến giấc mơ của mình thành hiện thực và hãy thực sự có trách nhiệm với giấc mơ của bạn.
Một biển quảng cáo với rất nhiều người bạn cùng leo núi - một ngọn núi rất cao và họ tốn rất nhiều công sức. Bạn có thể thấy họ đang toát mồ hôi, nhưng họ rắn rỏi. Họ cứ thế leo, cuối cùng cũng lên tới đỉnh.Tất nhiên, họ sẽ ăn mừng: "Chúng ta đã làm được, chúng ta lên đến đỉnh rồi". Hai giây sau đó, họ leo xuống.
Cuộc sống không phải chỉ có các mục tiêu. Cuộc sống là một chuyến hành trình và cách tuyệt vời nhất để đạt được các mục tiêu đó là thực sự tận hưởng từng bước đi của bạn trên con đường thực hiện chúng.
Sẽ có lúc bạn vấp phải các chướng ngại vật. Đừng vội vàng nản chí, hãy biến chúng trở thành những "người thầy" giúp bạn học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng đón lấy những bài học đắt giá. Cứ mỗi lần như vậy, bạn sẽ học được nhiều hơn và có nhiều cơ hội hơn để đạt được thứ bạn muốn.