Nếu bạn chưa hiểu hoặc chưa biết về thiền thì tôi sẽ diễn đạt lại tiêu đề bài viết rằng: "Mỗi ngày, tại sao chúng ta nên dành 10 phút để tập trung vào suy nghĩ?"
Bạn có thể cho rằng nó là điều hiển nhiên và không cần phải giải thích. Tuy nhiên, rèn luyện thân tâm, tập thiền, tập trung hay bất cứ thứ bạn chọn để làm trong 10 phút đó chỉ thực sự hiệu quả khi bạn chủ động tham gia vào nó. Hơn thế nữa, nó chỉ tạo hiệu ứng tích cực kéo dài nếu bạn luyện tập thường xuyên, xem nó là thói quen và có kỷ luật.
Giống như việc giảm cân hay tập thể dục để có cơ bắp săn chắc, nghĩa là có thẻ thành viên tại một phòng gym hay có kế hoạch tập yoga tại nhà thôi chưa đủ. Bạn đừng hy vọng sẽ đạt được mục tiêu nếu luyện tập một cách hời hợt. Thực tế, chúng ta cần có một lịch trình, luyện tập tới mức đổ mồ hôi, liên tục như vậy từ ngày này sang ngày khác trong một khoảng thời nhất định thì mới nhận thấy được hiệu quả.
Rèn luyện tâm trí cũng tuân thù đúng quy luật như vậy.
Trong một bài chia sẻ trên TED Talks, Andy Puddicombe đã từng nói rằng "chúng ta đang sống trong một thế giới cực kỳ bận rộn. Cường độ sống lúc nào cũng điên cuồng, tâm trí của chúng ta hoạt động liên tục và gần như mọi lúc, ai cũng đang làm một việc gì đấy chứ không được nghỉ ngơi thật sự".
Theo Puddicombe, mỗi ngày, chúng ta cần dành ra 10 phút không lo âu, không làm gì cả. Không làm gì cả ở đây có nghĩa là KHÔNG GÌ CẢ: không email, không Internet, không xem tivi, không nói chuyện, không ăn, không đọc, không nhắn tin, không viết lách...., chỉ đơn giản ngồi một chỗ và bàn chuyện tương lai hay nhớ về quá khứ.
Lần cuối cùng bạn dành thời gian để không làm gì cả là khi nào? Tôi đoán chắc nó có lẽ từ lâu lắm.
Tại sao phải làm như vậy? Cái Puddicombe muốn nhấn mạnh ở đây là tâm trí. Tâm trí là thứ tài nguyên quý giá mà con người được tạo hóa ban tặng. Nhờ nó mà chúng ta có thể trải nghiệm từng phút giây trong cuộc đời, biết vui, biết buồn, biết hài lòng, biết tốt bụng, biết suy nghĩ và quan tâm đến những người khác. Chúng ta cũng phục thuộc vào chính tâm trí này để tập trung, sáng tạo và thực hiện tốt nhất mọi thứ mà ta đang làm.
Trớ trêu thay, rất nhiều người bỏ quên việc chăm sóc tâm trí. Thay vào đó, họ dành thời gian chăm chút cho vẻ ngoài, quần áo, đầu tóc, xe cộ.... Và rồi, họ bị stress.
Lý do đơn giản thôi. Tâm trí giống như một chiếc máy giặt vậy. Nó quay vòng quanh, vòng quanh với rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, khó khăn và vì bị phân tâm bởi những thứ khác nên chúng ta không còn biết cách kiểm soát mình nữa.
Một số người lao đầu vào công việc để quên đi căng thẳng. Có người lại tìm đến gia đình và bạn bè để cầu cứu sự giúp đỡ. Số khác tìm đến rượu hoặc uống thuốc... Nhưng về lâu dài, những cách này sẽ càng "giết chết" bạn.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy trung bình, 47% thời gian trí óc của chúng ta bị lạc trong những suy nghĩ và chính điều này là nguyên nhân trực tiếp của việc không hạnh phúc.
1. Hãy tập thiển vào mỗi buổi sáng: Thiền sẽ giúp bạn "thoát khỏi thế giới đang sống tạm thời", tĩnh tâm và là cách rất tuyệt vời để bắt đầu ngày mới.
2. Lập kế hoạch mỗi ngày dành 10 phút không làm gì cả và áp dụng ngay hôm nay (hoặc ngay bây giờ).
3. Lựa chọn vị trí phù hợp, ưu tiên những nơi yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên và là nơi bạn thích.
4. Kết hợp các hoạt động khác, chẳng hạn như uống trà, sau đó thiền hay tắm trước khi thiền. Bằng cách này, bạn sẽ thấy luyện tập tĩnh tâm trở nên hứng thú hơn.
5. Hãy linh hoạt. Nếu không muốn thiền vào buổi sáng, bạn có thể lựa chọn một thời điểm phù hợp khác trong ngày.
6. Đừng quá áp đặt vào thành kiến "thiền tốt hay xấu?". Hãy nghĩ rằng bạn đang luyện tập thói quen chăm sóc tâm trí của mình, để nó không bị xáo trộn bởi những lo lắng và bộn bề của cuộc sống.
7. Tìm một người bạn để cùng luyện tập và chia sẻ cho nhau những điều cảm nhận được sau khi thiền.
8. Hãy thực tế với các kỳ vọng của bạn. Đừng mong đợi thứ gì đó quá xa vời hay vượt ngoài khả năng đạt được hiện tại. Bởi lẽ, nếu quá ham muốn thì khi không có được nó, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái thất vọng.