30 Tết là khoảng thời gian bạn nghỉ ngơi và làm đẹp cho bản thân, để chuẩn bị đón Tết sau những ngày vất vả rọn dẹp nhà cửa, và các công việc khác...
Trong dịp Tết, một công việc mọi người thường làm trong ngày tất niên đó là tắm bằng lá mùi già, đây có thể xem là một trong những phong tục đẹp, nét văn hóa độc đáo của người Việt. Phong tục này có nguồn gốc từ xa xưa và vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Theo đó, cứ vào chiều 30 Tết khi tất cả mọi công việc trong nhà được thu xếp gọn gàng thì các bậc ông bà, cha mẹ sẽ nhắc nhở con cháu mình nấu nước lá mùi để tắm. Nhiều bạn có thể thắc mắc vì sao lại phải tắm lá mùi vào chiều 30 Tết mà không phải những lá khác và ý nghĩa của phong tục này là gì?
Theo ông bà xưa kể lại, phong tục tắm lá mùi đã có từ rất lâu đời, con người chúng ta sau một năm vất vả và vướng bẩn bụi trần ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ, gột rửa đi mọi ưu phiền của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều thành công và niềm vui mới. Chính vì thế cây mùi được chọn dùng để nấu nước tắm cho cả gia đình vào dịp cuối năm. Nước hoa mùi không chỉ giúp cho con người chúng ta được sạch sẽ, mà nó còn giúp cho tinh thần chúng ta sảng khoái, hết mệt mỏi.
Mùi là loại rau thường được gieo trồng vào mùa đông. Thường vào cứ cuối đông, người ta đem hạt mùi ra reo vài luống, rồi cứ như thế cây mùi tự vươn lên trong giá rét, sau khoảng thời gian từ một đến hai tháng, những cây mùi đã lên tươi tốt, phất phơ hoa trắng và những trái nhỏ li ti, thân lá đã chuyển từ mầu xanh sang một mầu nâu tía khi đun lên có mùi thơm ngây ngất. Ấy là lúc thích hợp nhất để cắt mùi mà mang ra chợ bán.
Gọi là hoa mùi, thì dĩ nhiên phải có cái mùi đặc trưng của nó và đó ắt hẳn là mùi phải dễ nhớ, dễ cảm nhận không nhầm lẫn với bất kỳ hoa nào khác như hoa nhài, hoa huệ, lãng mạn như hồng, như ly, khiến người đời ngất ngây. Hoa có mùi thơm hăng hắc, ngai ngái nhưng đậm đà, lưu luyến lòng người... và cảm giác thì vô cũng dễ chịu.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm, trước khi cả gia đình sum vầy bên mâm cơm tất niên phải là những cây mùi già, cho hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương thơm đến vài ba ngày Tết. Nếu ai đã từng một lần được tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm ấy, chắc hẳn sẽ nhớ da diết, cồn cào hình ảnh của bà, của mẹ lui cụi trong bếp với một nồi nước to có khói bốc lên nghi ngút. Bên cạnh việc dùng lá mùi để nấu nước tắm thì nhiều người lại mua lá mùi về đun ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới vì mùi rất thơm. Dù mỗi người mua lá mùi về dùng với một ý nghĩa khác nhau nhưng họ đều mong muốn giúp rửa sạch những điều xấu của năm cũ, và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn.
Nhiều người lại lý giải thêm rằng, rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, trị chứng phong tà, sởi không mọc lên được, giải tỏa stress, phục hồi sức khỏe. Chưa hết, mùi là một loại cây còn có tính sát khuẩn tốt. Tinh dầu có trong rau mùi có chứa chất chống oxy hóa cao có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện. Bởi vậy, tắm nước lá mùi bênh cạnh việc giúp gột sạch bụi trần thì nó có nhiều tác dụng khác có lợi cho sức khỏe.
Tham khảo thêm một số bài viết: