Tết đã đến rất gần và đêm tất niên chính là khoảnh khắc ai trong chúng ta cũng đang mong ngóng. Đó chính là lúc cả gia đình quây quần bên mâm cỗ đủ đầy và cùng nhau chia sẻ hạnh sau một năm làm việc vất vả. Và khi không khí ấm cúng ấy không còn bao lâu nữa thì hãy cùng chúng tôi dạo quanh mâm cỗ ngày tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam với series gồm 3 bài viết để xem thử nét ẩm thực của mỗi miền có những nét gì khác biệt nhé.
Mâm cỗ ngày tết miền Bắc (Ảnh: Internet)
Trong văn hóa ẩm thực, người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội vốn ưa chuộng hình thức nên mâm cơm ngày tết thường khá kỳ công ở khâu chuẩn bị và trình bày. Hầu hết các món ăn đều có màu sắc bắt mắt, cách trang trí tinh tế và đầy đủ gia vị, như vẽ nên một bức tranh bốn mùa mơn mởn. Và đó cũng là mong muốn của mỗi người cho một năm mới được may mắn, thịnh vượng.
Thông thường, mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc thường có canh và đĩa thức ăn. Canh bao gồm 1 bát chân giò lợn nấu măng, 1 bát miến, 1 bát mọc nấm và 1 bát canh bóng thả. Thịt lợn, thịt gà luộc, giò lụa, chả quế được xếp thành 4 đĩa, tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. Một số gia đình còn bày thêm thịt nấu đông, đĩa su hào, nem rán, đĩa xào hạnh nhân, gà tần, bào ngư... để tăng thêm phần sang trọng, đủ đầy cho mâm cỗ.
(Ảnh: Internet)
Chân giò lợn nấu măng là một trong những món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết. Để món ăn được đậm đà, măng vàng giòn, nước canh trong và ngọt thì người chế biến phải có đôi bàn tay khéo léo từ việc chọn măng, móng giò, sơ chế…. cho đến quá trình ninh giò để chân giò chín không quá kỹ và thêm gia vị.
(Ảnh: Internet)
Vào ngày tết, các bà, các mẹ thường lựa chọn lòng gà nấu cùng với miến để tạo nên bát canh thơm ngon đặt vào mâm cỗ, vừa tận dụng được nước luộc gà, vừa tròn vị. Canh miến nấu lòng gà không mất nhiều thời gian chuẩn bị như chân giò lợn nấu măng, bạn đơn giản chỉ cần sử dụng lòng mề gà, nước luộc gà hoặc nước ninh xương, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, rau mùi, gia vị...
(Ảnh: Internet)
Nguyên liệu để làm canh mọc nấm rất đơn giản với nấm hương, giò sống, su hào, cà rốt, nước dùng xương, muối, tiêu, hành lá, rau mùi, gia vị... Canh mọc nấm với mùi thơm của nấm và vị ngọt của nước dùng là món ăn không thể thiếu vào ngày tết, cũng đồng thời là nét tinh túy của người Tràng An.
(Ảnh: Internet)
Canh bóng thả là một trong những món ăn ngày tết khá cầu kỳ, đòi hỏi quá trình chế biến công phu và sự khéo léo của người nội trợ. Muốn có một bát canh bóng thả thơm ngon thì bóng bì phải dẻo mềm, nước dùng đậm đà và có vị thanh mát. Đây cũng đồng thời là món ăn đặc trưng trong ngày tết của người Hà Nội xưa.
(Ảnh: Internet)
Thịt lợn là món ăn phổ biến vào ngày tết không chỉ ở miền Bắc. Tùy khẩu vị, thịt lợn có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như thịt lợn ngâm mắm, thịt lợn khô... ăn kèm với các loại rau sống, bánh tráng...
(Ảnh: Internet)
Gà luộc thường được bày trên mâm cỗ cúng trong đêm tất niên và các ngày đầu năm.Những miếng gà vàng ươm, đẹp mắt, lớp da căng mọng được cho là sẽ mang đến may mắn và khởi đầu thuận lợi cho mỗi nhà.
(Ảnh: Internet)
Giò lụa cũng là sự lựa chọn của chị em phụ nữ khi chuẩn bị mâm cỗ. Hiện nay, có rất nhiều người tự làm giò lụa ở nhà vừa đảm bảo vệ sinh, vừa có thể thêm một số gia vị theo sở thích nhằm tăng sự độc đáo cho món ăn trong ngày tết.
(Ảnh: Internet)
Chả quế hấp dẫn bởi màu vàng ruộm vô cùng bắt mắt và mùi thơm ngây ngất của quế. Chính vì lý do này mà chả quế cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ vào dịp tết.
(Ảnh: Internet)
Ngoài những món ăn trên thì bánh chưng cũng là phần không thể thiếu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn tạo thành chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt ăn kèm với dưa muối, dưa hành, vừa giúp ngon miệng hơn, vừa đỡ ngán.