Nhiều người thường cảm thấy khó khăn khi lấy lại động lực để đạt được mục tiêu cá nhân hay mục tiêu trong công việc. Họ mải mê đi tìm cảm hứng từ những người thành công, người từng trải hay tham gia các sự kiện với mong muốn gặp được ai đó có thể truyền cảm hứng trở lại cho họ.
Tuy nhiên, sự thật là, họ đã có nguồn để tạo động lực cho mình mà không hề hay biết. Nó ở ngay trước mắt, xuất hiện hàng ngày và luôn tràn trề nhựa sống. Chỉ có điều, phải tinh tế và khéo léo một chút, bạn mới có thể cảm nhận được nguồn năng lượng vô cùng lớn đó.
Không có gì xa lạ, "tài sản" rất quý giá ấy chính là con cái của bạn – những em bé ngây thơ, hồn nhiên và tinh nghịch.
Trong khi chúng ta cố dạy con cái về cuộc sống thì chúng lại dạy cho ta biết ý nghĩa của cả cuộc đời - Angela Schwindt.
Theo Erik Wilson – nhà sáng lập và CEO của Spotify thì trẻ em chính là nguồn tạo động lực có thể giúp các bố mẹ theo đuổi và chinh phục mục tiêu của mình. Trên trang Addicted2Success, Wilson cũng đã có một bài viết chia sẻ 4 bài học mà người lớn có thể học được từ trẻ em để bạn đọc tham khảo.
Tất cả trẻ em đều là nghệ sĩ. Nhưng vấn đề là làm thế nào để vẫn là nghệ sĩ khi đã trưởng thành - Pablo Picasso.
Trẻ em có một điểm rất kỳ lạ đó là không bao giờ thiếu các câu hỏi để hỏi người lớn, cảm tưởng như trong đầu chúng đã được "lập trình" sẵn bộ câu hỏi này và chỉ chờ có cơ hội là sẽ hỏi! "Tại sao con chim biết bay?", "Tại sao nước biển lại mặn?", "Tại sao bông hoa có màu đỏ?"... Những câu hỏi "tại sao" chẳng bao giờ hết và chúng vẫn sẽ thắc mắc cho đến khi nhận được một câu trả lời "vừa ý" nhất.
Khám phá dường như là bản năng của chúng ta khi mới được sinh ra và đến khi lớn lên sẽ mờ nhạt dần nếu không được rèn luyện. Bạn có thấy khi còn đi học, ai cũng rất thích tìm hiểu nhưng đến khi đi làm, lập gia đình... dường như chúng ta lười đi và luôn sử dụng "sự bận rộn", "thiếu thời gian" để ngụy biện cho sự lười biếng đó.
Trẻ em thì chẳng bao giờ ngừng khám phá và đó chính là điều mà nếu để ý, bạn sẽ luôn thấy ở con cái mình.
Duy trì một thái độ thích khám phá, bạn không chỉ hiểu biết thêm mà còn mở ra nhiều cơ hội và con đường mới để vươn tới những thứ mà bạn chưa hề biết.
Khi bạn ngừng khám phá, ngừng đặt câu hỏi, ngừng suy nghĩ về "tại sao" thì bạn đã tự giảm bớt thái độ tò mò về thế giới, bạn bắt đầu hạn chế tiềm năng của mình và cũng tự làm mất đi những cơ hội quý giá ở phía trước.
Khi quan sát một đứa trẻ đang cố gắng làm một điều gì đó mà lần đầu tiên chúng thử làm, bạn sẽ thấy trẻ rất kiên trì.
Bé có thể thử cột dây giày hàng trăm lần và làm những việc vô cùng "nhàm chán" (với bạn). Tuy nhiên, chúng vẫn sẽ tiếp tục làm đi làm lại nhiều lần, thử hết lần này đến lần khác cho đến khi làm được mà chẳng quan tâm tới việc chúng đã thất bại bao nhiêu lần cả.
Có thể bạn nói rằng đó là do trẻ chưa nhận thức được những gì chúng đang cố gắng, chưa chịu áp lực của môi trường xung quanh và chưa hiểu được cảm giác của sự thất bại. Tuy nhiên, điều bạn và tôi không thể phủ nhận được đó là trẻ không bao giờ để cho sai lầm kìm hãm khao khát "thành công" của chúng.
Nếu như người lớn cũng mở lòng với thất bại theo cách của trẻ em thì chúng ta sẽ có cơ hội để đạt được nhiều thành quả hơn nữa cả trong cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.
Lòng dũng cảm là điều mà lúc nào chúng ta cũng cần đến – Pablo Picasso.
Trẻ sẵn sàng nhảy xuống hố sâu hay leo lên mái nhà dù không biết làm cách nào để leo lên hay xuống. Mặc cho ông bà, bố mẹ thót tim nhưng chúng vẫn cứ làm mà chẳng hề quan tâm mấy đến hậu quả.
Bạn có thể gọi đó là sự liều lĩnh trong vô thức nhưng tôi gọi đó là lòng dũng cảm.
Đừng bao giờ sợ điều chưa xảy ra. Hãy dũng cảm theo đuổi mục tiêu của bạn và ngay cả khi chưa có sự gan dạ thì bạn cũng chỉ cần giả vờ đã có tố chất này. Nó sẽ giúp bạn có thêm động lực để tiến về phía trước.
Mơ ước là bước đầu tiên để chúng ta bắt đầu làm thứ gì đó lớn hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều người trưởng thành không dám nghĩ đến cái gọi là "ước mơ" vì họ sợ không làm nổi hoặc sợ những người xung quanh "shock" về mình.
Trẻ em chẳng bao giờ ngại ngùng với những gì chúng muốn cả. Nếu không tin, hãy thử hỏi một đứa trẻ xem chúng muốn trở thành ai và rồi bạn sẽ phải thốt lên rằng "sao mà chúng có thể mơ lớn đến vậy? Ngay cả mình còn chẳng hề dám nghĩ đến?"
Công chúa, phi hành gia, bác sĩ, ca sĩ, nữ tổng thống hay một cầu thủ nổi tiếng.... Liệu bạn – một người lớn đã có ước mơ cho mình?
Đừng ngại ngùng ước mơ lớn hơn một chút, bởi vì bạn không bao giờ biết mình có làm được hay không khi bạn chưa từng cố gắng để đạt được nó.