Hôm qua có một anh bạn làm cùng công ty bỗng dưng nhìn tôi với ánh mắt vừa chân thành xen chút ghen tỵ: “Nhìn em thế mà sướng, không phải lo nghĩ gì cả."
Tôi có chút bất ngờ trước lời nhận định của anh bởi không phải anh là người đầu tiên nhận xét tôi như thế. Trước đó có khá nhiều người thân, bạn bè từng nói vậy. Có điều lạ ở đây là tôi mới chỉ làm ở công ty vài tháng, thời gian tiếp xúc với anh ta chưa nhiều, chưa đủ để có thể nhận xét về nhau một cách thấu đáo. Tôi tự hỏi chả lẽ mình sướng vậy sao?
Tôi sinh ra trong một gia đình công chức. Ở quê với đa số người dân làm ruộng mà bố mẹ tôi lại có lương hàng tháng, tuy chẳng giàu có hơn ai nhưng cũng đủ để tôi sống một cuộc sống thoải mái, không phải vất vả như nhiều đứa bạn cùng trang lứa.
Bố mẹ làm nhà nước, tất nhiên nhà tôi không có ruộng. Mỗi mùa cấy hay gặt lúa tôi không phải còng lưng cấy đến rạp người hay hì hục gặt lúa, phơi thóc rồi có khi phải cong mông chạy thóc khi trời dở chứng muốn mưa. Tôi chỉ cảm nhận được sự vất vả của công việc làm ruộng thông qua những lời kêu than mệt mỏi, những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt và ướt đẫm lưng áo hay hình dáng đen sạm vì nắng cùng móng tay, móng chân ố vàng của ruộng đồng qua những người xung quanh tôi chứng kiến. Chợt nghĩ đến mình, đúng là tôi sướng thật.
Mẹ tôi làm giáo viên nên có thời gian ở nhà nhiều. Mẹ cùng giành làm hầu hết những công việc nhà lớn nhỏ không cho tôi động tay vào việc gì chỉ với yêu cầu là ngồi vào bàn học. Cuộc đời học sinh của tôi chỉ có hai việc chính là ăn và học, ngoài ra tôi không phải bận tâm vào bất cứ chuyện gì. Ngẫm nghĩ, đúng là tôi sướng thật.
Chia tay thời học sinh, thời sinh viên qua cũng chẳng mấy chốc. Hình như sự sung sướng đó nó vẫn gắn bó với tôi chẳng thể rời. Nhờ có mối quan hệ xã hội rộng bố đã xin cho tôi vào làm ở một công ty của người quen một cách dễ dàng với công việc nhàn hạ và mức lương ổn định. Xâu chuỗi lại sự việc từ nhỏ đến giờ. Đúng là tôi sướng thật.
Ừ thì tôi sướng. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhớ hồi học sinh trong khi các bạn phải làm phụ giúp bố mẹ đến mệt nhoài thì tôi chỉ việc ngồi vào bàn học, học để mong sao đạt kết quả cao nhất. Trẻ con thì có phải ai cũng thích học hơn chơi đâu. Nhìn lũ bạn đi cấy gặt tuy vất vả nhưng vừa làm bọn nó có thể tụ tập đi bắt cua, bắt cào cào hay diệt chuột lấy đuôi về treo lên gác bếp phơi khô hết vụ mùa đem đến hợp tác xã đổi lấy tiền mua kẹo. Tuy vất vả nhưng bọn bạn có niềm vui mà tôi không có.
Bố mẹ lo cho tương lai của tôi nên cũng hạn chế cho đi chơi. Nhiều lúc vừa học tôi vừa lén nhìn qua ô cửa sổ xem bọn cùng tuổi ở xóm chơi trốn tìm, ném cóng bơ, bắt ốc quanh ao... Kèm theo những tràng cười sảng khoái, hồn nhiên vang xa khiến tôi không sao rời mắt được. Tôi thèm, thèm lắm được hòa nhập vào đó, được gác chuyện bài vở một bên để thoải mái chơi mà không phải lo lắng chuyện gì.
Việc học hành đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ như mong đợi. Có khi điểm số không được như mong muốn, trong lúc tức giận mẹ tôi mắng: “Có mỗi việc ăn với học mà cũng không xong.” Dẫu biết rằng chỉ là câu nói không cố ý của mẹ trong lúc nóng giận nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn ghê gớm.
Tôi buồn cho chính bản thân mình và có lỗi với sự kỳ vọng của bố mẹ. Càng học lên cao thì áp lực càng lớn. Có những khi tôi tự dằn vặt bản thân vì đã không làm hài lòng bố mẹ. Tuổi thơ của tôi trôi qua không hồn nhiên, đầy ắp tiếng cười và hình như tôi có suy nghĩ già trước tuổi thì phải.
Khi trở thành sinh viên tôi bắt đầu rời xa gia đình nhập học nơi thủ đô ồn ào, náo nhiệt. Nơi không chỉ đơn thuần là những con người thật thà, chất phát như dân quê mà người ở đây có phần gì đó chua ngoa hơn, toán tính hơn và tình cảm giữa người với người rời rạc, khô khốc.
Giường như người chỉ quen với cuộc sống được bao bọc của gia đình như tôi nay phải tự mình bắt đầu không khỏi thấy khó khăn. Tôi phải bắt đầu học từ những việc đơn giản nhất như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo... Giao tiếp của tôi không tốt nên tôi rất ngại khi tiếp xúc, nói chuyện với người xung quanh. Dần dần tôi càng hạn chế những mối quan hệ ngoài xã hội và trở lên khép kín hơn.
Không biết có phải là tôi may mắn hay không khi ngay từ hồi bé xíu tôi đã được bố mẹ quan tâm đặc biệt. Giờ học xa không được chăm sóc như trước nữa nên cứ hơi ra ngoài dính tí mưa hay nắng là về ốm ngay. Uống thuốc nhiều đến trơ lì không còn cảm giác gì nữa. Bệnh hắt hơi, sổ mũi nhức đầu quanh năm làm tôi khó chịu vô cùng.
Hiện giờ tôi đã có một công việc ổn định như mong muốn. Thời buổi kinh tế khó khăn có được việc làm như tôi quả là niềm mơ ước của nhiều người. Tôi cũng cảm thấy mình là một người may mắn. Thế nhưng, chính sự dễ dàng đó tôi bị người đời xì xào, bàn tán. Người mừng cho tôi cũng có nhưng kẻ dè bỉu, ghen ghét cũng không ít.
Bề ngoài nhìn tôi có vẻ mạnh mẽ, cứng rắn, không quan tâm gì đến chuyện xung quanh nhưng thật ra tôi cũng buồn lắm. Nhiều đêm nghĩ mà nước mắt cứ chảy trào đẫm gối. Trên đời này có gì khổ bằng khổ tâm. Người ta có thể thiếu hụt vật chất nhưng tình cảm luôn đong đầy thì chẳng khó để vượt qua được.
Người đời chỉ nhìn vào những mặt tốt đẹp của người khác để đánh giá toàn diện mà có ai chịu tìm hiểu những mặt trái sau đó. Sống trên đời ai không có suy nghĩ? Nhiều khi tự động viên tinh thần mình phải phấn chấn lên, nghĩ nhiều về những điều tốt đẹp trước mắt. Nói là thế nhưng mấy ai làm được. Nỗi buồn nó luôn ẩn hiện đâu đó trong tâm hồn mỗi con người chỉ có điều cách thể hiện khác nhau.
Ở đời biết thế nào là sướng? Cái bình thường của người này có khi là sự thèm muốn, là mục tiêu phấn đấu của người khác. Vậy nên, biết đủ là đủ. Nên hài lòng với những gì mình đang có. Hạnh phúc đâu xa. Hạnh phúc luôn ở quanh mình. Lòng ghen ghét, đố kỵ chỉ làm hạ thấp giá trị bản thân mỗi người.
(ST)
CHÚC CÁC BẠN & GIA ĐÌNH TỐI CUỐI TUẦN BÌNH AN, HẠNH PHÚC