Chị và anh Bắc khi bắt đầu cũng như chuyện của em vậy. Chị đã đem lòng yêu thầy giáo chủ nhiệm của mình. Chẳng bao lâu trao thân cho anh ấy. Nhưng anh ấy yêu chị thật lòng. Chị cam đoan là như thế.
***
Tôi đến bệnh viện phụ sản khám thai. Đây là lần thứ hai tôi mang bầu của chồng tôi. Đứa lớn năm nay vào lớp một. Nó nói thích có em trai. Tôi cũng thích sinh thêm đứa nữa. Lúc chưa lấy chồng tôi còn nghĩ sau này sẽ sinh ít nhất ba đứa. Đẻ thêm một chút cho vui cửa vui nhà. Nhưng đến khi sinh đứa đầu lòng tôi thấy rất sợ. Sợ không phải vì đau. Bù lại nỗi sợ ấy, khi nhìn con lớn lên hằng ngày, từ hàng mi cong, đến đôi môi luôn nở nụ cười chúm chím, mỗi khi ngắm nó tôi cảm thấy hạnh phúc đến lạ kỳ. Chồng tôi có một công ty riêng, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ để ngốn gần hết thời gian của anh ấy vào công việc, tiệc tùng. Nếu không có con chắc tôi buồn chết mất. Bây giờ đứa lớn vào lớp mầm, tôi sinh đứa nữa làm em cho nó, làm bạn với tôi. Nhưng chắc cũng chỉ đứa này nữa thôi.
- Thưa bác sĩ, đây là đơn thuốc của em à?
- Ơ...ơ, hình như là Dung phải không?
- Dạ. A... Chị Thảo. Đúng rồi, chị Thảo. Chị mặc áo bác sĩ làm em chẳng nhận ra. Mà sao dạo này chị gầy quá vậy?
- Ờ. Bác sỹ mà em... Đang mang bầu đứa thứ mấy rồi?
- Dạ, thứ hai chị ạ
- Thế đã biết là trai hay gái chưa? Ông xã thích công chúa hay hoàng tử?
- Chưa chị ạ. Vả lại con gì cũng được...
- Sao? Thế ông xã không quan trọng à?
- Chuyện này hơi khó nói. Để lần sau em hẹn chị đi uồng nước rồi sẽ tâm sự nhiều hơn. Còn chị, đã lấy chồng chưa? Cách đây ba năm em hỏi hai bác thì biết chị cứ ở vậy sau chuyện với anh Bắc phải không?
- Không. Chị lấy chồng rồi. Có bé gần hai tuổi
- Ôi trời, bà chị làm em bất ngờ quá đấy. Mà chồng ở đâu hả chị?
- Là anh Bắc chứ ai. Đúng là chị có nghiệp duyên với anh ấy. Muốn chối bỏ cũng chẳng được...
- Ôi, thế sao? Kể cũng lạ. Bao nhiêu điều xảy ra như vậy anh chị vẫn đến được với nhau. Đúng là tiền duyên...
- Em nghĩ gì vậy?
- À không. Thôi em về đây. Hôm sau hẹn chị đi uống nước nhé. Đã quá lâu rồi chị em mình không gặp. Chuyện ngày ấy giờ không quan trọng nữa phải không chị? Chị em mình giờ đều đã chồng con đề huề. Có lẽ gặp chị ở đây cũng là tiền duyên...
- Cô này... Tất nhiên là như thế rồi. Hẹn em hôm sau nhé
Tôi ra về với túi thuốc dưỡng thai. Đầu óc từ lúc ấy cứ váng vất bóng dáng câu chuyện xưa. Người đàn ông xưa. Cái đám cưới ngày xưa của họ bị huỷ nữa...
Cách đây mười bốn năm, tôi và người đàn bà gầy guộc kia cùng yêu một người đàn ông. Người đàn ông chúng tôi cùng trao gửi những cảm xúc đầu đời là thầy giáo thời phổ thông. Tôi thực sự không muốn tỏ bày câu chuyện này. Nhưng những ám ảnh từ quá khứ dội về như liều thuốc kích thích. Thứ chất kích thích ấy giục tôi dậy, bắt tôi kể, những điều tôi kể tựa như là ẩn ức. Cái thứ ẩn ức đã chín nục, đã thấm vào từng tế bào trên thân thể tôi. Bóng dáng của những ngày cho tôi xúc động mạnh, những ngày làm xáo trộn tâm hồn tôi. Tôi và người ấy quyện hoà trong những âm thanh không động. Cũng từ đó tôi biết thế nào là ngọt ngào của tình ái. Lẽ ra tôi đã vùi lấp nó vào đống thực tại hỗn độn. Rồi người đàn bà ấy bỗng xuất hiện và mọi thứ từ quá vãng lại hiển hiện. Bất chợt không gian quanh tôi trở nên xanh mướt như cái màu xanh của triền đê năm ấy.
Đó là một buổi chiều muộn. Quê tôi gần con sông Chu. Dòng sông không rộng lắm nhưng có những khúc cuộn duyên dáng. Nó oằn mình theo mảnh đất miền Trung quê tôi. Mùa xuân đọng lại trên lớp cỏ mềm. Da thịt tôi cũng thoang thoảng mùi cỏ mật. Thân thể tôi trườn dài trên triền đê mùa xuân ấy để hưởng thụ cái cảm giác ươn ướt lăn tròn và ngấm vào lỗ chân lông...
Năm ấy, tôi thi vào cấp ba với số điểm cao ngất. Thầy Bắc được phân công làm chủ nhiệm lớp chúng tôi. Số điểm cao gần nhất lớp và dáng vẻ nhanh nhẹn của tôi đã được thầy chỉ định làm lớp trưởng. Thầy bảo: Tạm thời bạn Dung sẽ làm lớp trưởng. Hai tuần sau đại hội chi đoàn lớp chúng ta sẽ bầu lại.
Tôi nhận chức vị và bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ của một lớp trưởng thường xuyên gặp và làm việc với thầy chủ nhiệm. Thầy Bắc năm ấy hai mươi bảy tuổi. Tốt nghiệp khoa Địa lý trường Sư phạm Hà Nội, là Bí thư đoàn trường, tài hoa, hài hước và có óc sáng tạo... Tôi không thật có khả năng quản lý lớp nhưng dưới sự hậu thuẫn của thầy tôi luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, sau hai tuần thử việc tôi vẫn tiếp tục vai trò của một lớp trưởng.
Mọi chuyện êm đềm qua đi. Hết một năm, giá như lên lớp mười một tôi không còn học với thầy Bắc nữa thì có lẽ những sợi cảm xúc rung động đầu đời theo đó mà phai nhạt dần. Nhưng sự thật thì khác. Ở trường tôi thường thầy cô nào làm chủ nhiệm sẽ kiêm chủ nhiệm cả ba năm luôn. Thế là tình cảm phôi thai của tôi với thầy giáo chủ nhiệm lớn dần. Đến lớp mười một thì bắt đầu đơm hoa kết trái. Có lẽ biểu hiện của thầy với tôi chỉ là sự quý mến. Cái cách quan tâm đó chỉ như với một cô em gái, tất nhiên, trừ "chuyện ấy". Không hiểu sao tôi cứ coi đó là tình yêu. Bạn thân biết tôi có tình cảm với thầy nó bảo "đó chỉ là sự ngưỡng mộ, Dung đang nhầm tình yêu với sự thần tượng. Dung phải nhận ra kẻo sau này lại hối hận...". Tôi bực mình mắng cô bạn ấy và khăng khăng coi mối quan hệ này là một tình yêu thực sự.
Khi tôi gần gũi thầy Bắc hơn, quan tâm đến đời tư nhiều hơn, và tất nhiên nghe ngóng dư luận xung quanh về thầy cũng nhiều hơn. Lúc đó tôi mới biết thầy Bắc từng có biết bao mối quan hệ rắc rối với các cô giáo trẻ, với các chị khoá trên. Họ toàn là những cô gái xinh đẹp, chăm ngoan. Thầy Bắc lại từng bị kiểm điểm vì chơi bài bạc gây xô xát... Nhưng tuổi hồng thơ ngây mà mãnh liệt của tôi cho phép tôi phủ nhận tất cả. Tôi nghĩ rằng phải vượt qua mọi cản ngăn và có thách thức mới là tình yêu đích thực.
Thân thể tôi càng lúc càng nở nang, eo oắt. Bọn bạn tôi bảo "mày dáng cao, má lúc nào cũng hây đỏ, da mịn màng nhìn ai chả thích". Rồi mỗi lần ngồi bên thầy tôi lại hồi hộp, lúc hồi hộp má lại hồng hơn, tôi nói rất nhanh để không bối rối. Nhiều lần thầy Bắc bảo tôi nói chuyện nhanh lại có duyên hơn. Vô tình chạm ánh mắt thầy tôi thấy nó như có lửa...
Một hôm tan học. Là một buổi chiều muộn. Tôi cùng thầy Bắc đi thăm một người bạn trong lớp ốm. Nhà bạn ấy rất xa. Kể ra mấy đứa cán bộ lớp chúng tôi đi là được rồi. Thầy Bắc không hiểu sao muốn đích thân vụ này. Chiếc xe máy thầy chở tôi không thật đắt tiền nhưng sạch bong và được trang bị đầy một bình xăng. Lúc trở về, ở quãng sông vắng người. Hoàng hôn quăng xuống mặt sông những sợi ánh sáng màu vàng lửa dát bạc tựa như một chiếc võng óng ánh. Thảm cỏ xanh dày được che khuất với mặt đê bởi một rặng tre đan kết vào nhau. Thầy bảo tôi "mình xuống đây ngắm hoàng hôn một lát em nhỉ? Lâu lắm rồi công việc bận rộn thầy quên cả màu hoàng hôn!". Thầy cười tươi, soi ánh mắt về phía tôi. Cảm giác yên lặng ở một góc quê, bên người đàn ông mà trong ý nghĩ, tôi từng thèm được áp mặt vào vòng ngực ấm nóng, Trái tim tôi bỗng đập rộn ràng hơn. Tôi gật đầu.
Buổi nhập nhoạng tối ấy tôi đã tắm mình bằng những giọt tinh tuý cuối ngày của đất trời. Tôi cảm giác rất rõ từng hạt, từng hạt một rơi xuống, len lỏi vào khắp thân thể. Lúc ấy đất trời đang tiến đến gần nhau. Trời làm văng ra những giọt tinh huyết, đất ngấm dần, ngấm dần cho mầm chồi mai ngày sinh sôi. Bức rèm thời gian kéo xuống. Vạn vật tan hoà vào bóng chiều tà. Bắc gửi lại trên mọi ngóc ngách cơ thể tôi ánh nhìn đắm đuối. Đôi mắt tôi khép hờ rồi toàn thân rơi tõm vào không trung. Chúng tôi tan hòa nhau...
Và sau đó, cứ mỗi tuần thầy Bắc lại đưa tôi đến một nơi chỉ hai chúng tôi biết. Lần nào gặp thầy tôi cũng háo hức không sao tả nổi. Nhưng khoảng hơn một tháng, sau cái lần chúng tôi ở với nhau dưới triền để ấy, thầy Bắc gặp tai nạn giao thông do uống rượu và đi quá tốc độ. Tôi vào viện chăm sóc và gặp Thảo. Cô gái có thân hình mảnh mai, mái tóc dài. Tôi hỏi chị ấy là thế nào với thầy Bắc. Chị ấy bảo "chị là vợ chưa cưới, hai nhà đã có miếng trầu dạm ngõ nhưng vì chị còn đang học nên chưa cưới được". Tôi rơi vào trạng thái bất thần, mặt tái mét. Sợ chị nhận ra nên quay mặt đi.
- Em sao vậy?
- À không. Em buồn hắt hơi ý mà. Thế chị định bao giờ cưới ạ? Mà nếu là vợ của thầy thì em phải gọi là "cô" mới phải chứ nhỉ?!
- Không cần đâu. Cứ gọi chị em cho thân mật. Chị hơn em vài ba tuổi thôi mà. Sao mặt em tái mét kìa. Thương thầy quá hả? Bác sĩ bảo vết thương của thầy không nguy hiểm lắm đâu. Em đừng lo quá!
- Chị chưa trả lời câu hỏi của em?
- À, chắc là cuối năm nay sẽ tổ chức đám cưới em ạ...
- Thế thì sắp rồi còn gì. Bây giờ là tháng chín âm, chỉ còn không đầy ba tháng là cuối năm rồi...
- Ừ, sao em? Em không vui à? Chị biết rồi, các cô không muốn thầy giáo lấy vợ chứ gì. Tâm lí ấy học trò đứa nào chả vậy, chị trước cũng thế.
Chị cười. Còn tôi lúng túng.
- Không! Nhưng mà... Ý em là...
- Sao?
Vừa lúc ấy thì bác sĩ gọi: "người nhà bệnh nhân Bắc đâu nhỉ"...
Tôi trở về ngậm ngùi. Lại tìm đến khúc sông vắng người qua lại. Nhưng không bao giờ tôi còn thấy buổi hoàng hôn nào trên sông đẹp như buổi ấy nữa. Rồi tôi cứ thấy cơ thể khó chịu, buồn nôn và chóng mặt. Bố mẹ tưởng tôi bị ốm nên hỏi han để mua thuốc. Tôi bảo không sao họ cũng không tin. Họ đem về rất nhiều thuốc mua ở hiệu thuốc Tây gần nhà, còn có cả đống thuốc bổ đen đỏ. Nhiều nhất là các loại dưỡng não. Họ sợ tôi mệt mỏi kém thông minh. Đồ ăn cũng mua về toàn thứ có nhiều chất bổ... Nhưng cả tháng trời mà da tôi vẫn vàng vọt. Những dấu hiệu của người thai nghén không qua được mắt mẹ. Bà nhân lúc chỉ hai mẹ con rồi thủ thỉ hỏi chuyện. Những điều đáng sợ mẹ gợi ra khiến tôi oà lên nức nở rồi kể tất cả. Tôi lớn lên được bố mẹ chăm sóc cẩn thận, chưa bao giờ dám giấu giếm chuyện gì. Mẹ nghe xong cũng không quá hốt hoảng. Hình như mẹ đã đoán biết điều đó, hỏi chuyện chỉ là xác minh lại sự nghi ngờ của bà...
Một ngày đi học về, thấy trong nhà hình như có khách. Tôi rón rén không để ai biết. Khi hé mắt vào phòng khách thì thấy thầy Bắc đang quỳ trước mặt bố mẹ. Tôi không hiểu chuyện của người lớn đến đâu chỉ nghe loáng thoáng vài câu, những lời cãi vã cuối cùng. Họ đang nói về cái thai trong bụng tôi. Tiếng bố tôi quát lớn:
- Mày là thầy giáo mà xử sự thế này? Mày định làm hại rồi vứt bỏ con tao phải không? Mày dạy học sinh mày biết thế nào là đạo đức con người thế mà bản thân mày lại làm thế. Tao nhất định không để yên đâu...
Với tôi mọi thứ bố nói ra đều rất đúng. Lúc ấy tôi chợt nghĩ đến câu nói từng nghe đâu đó. Đại ý là, với phương Tây, đạo đức là việc cho phép con người ta làm những gì họ muốn, họ có thể. Còn phương Đông, đạo đức là việc kìm chế được cái mà con người muốn làm và có khả năng làm. Hai chữ "đạo đức" sao mà rắc rối. Thầy Bắc cất giọng ngập ngừng:
- Xin hai bác tha thứ! Cháu sai rồi. Gia đình mình đưa em đi bệnh viện tốt, hết bao nhiêu cháu cũng bằng lòng. Bây giờ cháu đã hứa hôn và chuẩn bị làm đám cưới. Chuyện này mà vỡ ra thì cháu còn mặt mũi nào với gia tiên, họ hàng, trường lớp... Cháu thực lòng cầu xin hai bác!"
- Im mồm! Đồ khốn nạn, mày chỉ biết thể diện cho bản thân mày thôi à? Hạnh phúc cả đời của con gái tao mày coi thường sao? Đồ...
- Ôi bác...
Đúng lúc ấy thì bố tôi khuỵ xuống sàn nhà. Những lúc căng thăng bố tôi thường bị thế. Tôi định chạy ngay vào nhưng lại thôi, bên cạnh đã có chị gái, vả lại làm sao tôi đủ can đảm đối diện với người đàn ông vừa nói ra những điều như thế?... Lúc đó tôi không hiểu hết sự phức tạp của những mối quan hệ và cách người ta lựa chọn, cái này mà không phải cái kia. Tôi chỉ thấy căm thù người đàn ông tôi gọi là thầy. Nếu là bây giờ thì tôi căm thù chính tôi nhiều hơn. Trong người bức bối và chỉ muốn oà khóc thật to. Rồi tôi bỏ chạy. Chạy mệt tôi lại đi bộ. Cứ như vậy đến khi không nhìn thấy đường mới biết mình đã đi đến mười lăm cây số. Sau lần ấy tôi nhất quyết không đến lớp nữa. Bố mẹ đưa tôi đi bỏ cái thai và chuyển trường xuống Thành phố để tôi tiếp tục theo học. Xúc cảm hồi hộp, cả cảm giác êm đềm thầy Bắc đem lại vì lẽ gì chẳng mấy chốc đã tan mờ hết. Hơn mười năm qua đi, giờ đây tôi lại muốn biết rõ hơn về tất cả... Và tôi tìm gặp người phụ nữ ấy.
"Chị Thảo cho em hỏi thật, tại sao hồi ấy chị lại huỷ hôn với anh Bắc?"
"Ơ... Thế em không biết thật à?"
"Vâng ạ. Từ khi chuyển trường em nghĩ hai người đã thành vợ chồng. Em cố ý không quan tâm. Kiểu như người ta muốn phủ định quá khứ."
"Vậy là chuyện cuốn băng ghi âm em không hay?"
"Dạ không. Ghi âm nào mới được chứ?"
"Thật là không biết sao?..."
"Chị nói gì em không hiểu?"
"Vậy tất cả là cha mẹ em làm. Nếu thật sự mọi chuyện là do người lớn tạo ra thì chị sẽ kể. Chị và anh Bắc khi bắt đầu cũng như chuyện của em vậy. Chị đã đem lòng yêu thầy giáo chủ nhiệm của mình. Chẳng bao lâu trao thân cho anh ấy. Nhưng anh ấy yêu chị thật lòng. Chị cam đoan là như thế. Khi chị không đỗ đại học anh ấy đã tìm cách để chị đi học Cao đẳng Y và hứa học xong thì cưới. Khi chị vừa tốt nghiệp. Chính là cái lúc vết thương tại nạn giao thông của anh ấy lành. Mọi chuẩn bị cho hôn lễ đã tươm tất thì bố em và vài người thanh niên đến nhà chị. Họ mang theo một cuốn băng ghi lại cuộc thương lượng của Bắc với gia đình em. Chị không chấp nhận nên huỷ hôn. Sau đó ra Hà Nội học liên thông đại học. Bắc đến nhà chị quỳ xin tha thứ. Nhưng tính chị đã quyết thì không thể thay đổi..."
"Rồi sao nữa chị?"
"Một thời gian sau chị được biết Bắc đã trở nên sa đoạ hơn rất nhiều. Anh ấy chơi bài bạc bị thua nợ. Sự việc vỡ lở khi bọn thắng bạc đưa mấy con nghiện đến nhà Bắc đòi nợ, phá phách. Chúng còn đánh Bắc thành thương tật. Nhà trường kỷ luật. Hình phạt là việc đình chỉ công tác một năm và khai trừ khỏi Đảng. Bố anh ấy vốn đã bệnh tật, sau cú sốc ấy thì qua đời. Lo ma chay cho bố xong, Bắc lên tận Mù Cang Chải xin đi dạy. Không biết lúc trên đó Bắc làm gì mà bây giờ cứ gần tết lại có gia đình người Mông, người Tày xuống nhà cho hàng gánh quà em ạ... Hết kỳ đình chỉ công tác nhưng anh ấy xin ở lại với bà con dân tộc hai năm nữa. Chị ra trường và làm bác sĩ ở bệnh viện Tỉnh. Cách đây ba năm, Bắc đi thăm người quen ở bệnh viện. Anh chị gặp lại mà cả hai vẫn độc thân, thế là thành vợ thành chồng".
"Vậy bây giờ anh Bắc vẫn làm thầy giáo hả chị? Anh chị được mấy cháu rồi?"
"Không sinh con được. Khổ. Bác sĩ phụ sản mà không sinh nở được. Lỗi ở anh ấy. Biết tin mình vô sinh Bắc rất suy sụp. Còn bảo chị đi tìm người khác. Nhưng chị không nghe. Rồi xin một đứa sơ sinh làm con nuôi. Anh ấy thì vẫn làm thầy giáo. Đã chuyển trường xuống dưới này cho gần nhà được một năm rồi. Thầy Bắc bây giờ chẳng là bộ đội xuất ngũ mà thương tật như thương binh ấy em ạ. Cứ lặng lẽ. Trầm buồn. Chị luôn cố gắng xóa đi quá khứ nhưng hình như anh ấy càng lúc càng nhớ..."
Sau lần chứng kiến cuộc thương lượng của Bắc với bố mẹ tôi. Một cuộc thương lượng đổi tiền để vứt đi cái thai trong bụng tôi và giữ dannh dự cho một thầy giáo, từ lúc ấy tôi thầm hứa với lòng mình "có chết tôi cũng không để con cái theo nghiệp sư phạm". Ý nghĩ ấy lúc này đang chờn vờn trong đầu tôi như khói của một nén nhang đương tàn. Tôi tạm bịêt bác sĩ Thảo trở về nhà, bỏ lại phía sau ánh mắt buồn của người đàn bà và bầu không gian tĩnh lặng bao trùm.