Cư sĩ Tô Đông Pha triều Tống là một Phật tử thành kính, trong thời gian bị giáng chức và chuyển đến Giang Bắc, ông thường cùng với thiền sư Phật Ấn ở Kim Sơn bên kia sông bàn luận về Đạo.
Có một lần, Tô Đông Pha viết một bài kệ ngũ ngôn (kệ là bài thơ trong kinh Phật): “Kê thủ thiên trung thiên, hào quang chiếu đại thiên; bát phong xuy bất động, đoan tọa tử kim liên” (Chắp tay thiên trung thiên, hào quang chiếu Đại Thiên; bát gió thổi bất động, ngồi ngay ngắn tựa hoa sen). Rồi phái người đưa thư sang sông, gửi cho vị thiền sư.
Tô Đông Pha ngóng chờ “tin vui” quay về, cứ đinh ninh rằng thiền sư sẽ tán thưởng mình. Không ngờ rằng khi mở thư ra, vừa nhìn, chỉ thấy thiền sư viết hai chữ to xiên xẹo “Rắm thối”. Tô Đông Pha tức giận muốn tìm thiền sư để nói lý, lập tức kêu thư đồng vội vàng chuẩn bị thuyền qua sông, muốn đích thân đến Kim Sơn một chuyến.
Tô Đông Pha đi thẳng đến phòng của vị thiền sư, đang định nhấc tay gõ cửa đi vào thì chợt phát hiện trên cửa dán một tờ giấy viết: “Bát phong xuy bất động, nhất thí quá giang lai” (Bát gió thổi bất động, một cái rắm qua sông). Ngươi nói 8 gió thổi không làm động tâm, nhưng 1 câu "rắm thối" đã làm ngươi qua sông?
Tô Đông Pha không chấp nhận được việc này, liền bước vào phòng và tọa thiền cùng thiền sư, hỏi rằng: “Ông xem ta hiện tại tư thế ngồi thiền là giống cái gì?”. Thiền sư nói: “Giống một pho tượng Phật”.
Thiền sư hỏi Tô Đông Pha: “Vậy ông xem dáng ngồi của ta giống cái gì?”. Tô Đông Pha trả lời: “Giống một đống phân trâu!”.
Thiền sư mỉm cười, hai tay hợp thập nói: “A Di Đà Phật!”.
Sau khi về nhà, Tô Đông Pha đắc ý khoe với muội muội, nói: “Hôm nay cuối cùng ta đã thắng lão thiền sư”.
Tô tiểu muội nghe xong đầu đuôi, bèn nói: “Ca ca, hôm nay huynh bị thua thảm rồi! Bởi vì thiền sư trong tâm tất cả đều là Phật, cho nên nhìn chúng sinh đều là Phật, còn trong lòng huynh thì toàn bộ đều là dơ bẩn không tịnh, mới nhìn thấy lục căn thanh tịnh của thiền sư giống như đống phân trâu. Đây chẳng phải là thua thật thảm hại sao?”.
Đối mặt với sự việc khiếm nhã hay lời lăng nhục, có thể phản ánh ra cảnh giới tâm tính chân thực của một người, cái gọi là “nhất thời nóng giận” cũng là biểu hiện tâm tính của người đó. Bình tĩnh và lý trí kiềm chế chỉ là một sự khởi đầu; “nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành”, đối với người tu luyện không phải là cố nén tức giận, mà là không động tâm cũng không oán hận – Đó là một loại trí huệ rộng lớn trong sáng, khoan dung từ bi, một loại thoải mái tự tại.
(ST)