Phải chăng đó là giọt nước mắt của sự ân năn và hối hận? Còn ăn năn và hối hận được nữa sao khi mà mọi việc giờ đã quá muộn màng.
***
Năm em một tuổi, ba và mẹ em chia tay. Nghe nói là vì ba có nhân tình nên cố ý chửi bới, đánh đập để mẹ không ở được mà bỏ đi.
Người ta kể lại rằng, ba em dữ lắm, ông túm ngược mớ tóc dài của mẹ mà lôi xềnh xệch ngoài đường, sẵn sàng đá đấm túi bụi vào bụng mẹ nếu bà phản kháng. Rồi mẹ em cũng không chịu được những trận đòn roi mà bỏ đi, mẹ ôm em vào lòng, vừa ra khỏi nhà thì bị ba em đuổi theo giật lại. Sau đó mẹ em bỏ vào nam làm ăn rồi bị người ta lừa bán sang Trung Quốc.
Ba rước nhân tình của mình về, chính là mẹ ghẻ của em bây giờ. Bà ta có một cô con gái riêng, lớn hơn em một tuổi. Năm em ba tuổi, em đã lớn hơn một chút nhưng gầy gò và còi cọc lắm. Em đã biết nói, biết chạy. Em gọi người phụ nữ đó là mẹ, gọi đứa con gái của bà ta là chị. Nhưng em không hiểu, tại sao mẹ lại không thương em.
Mẹ mua quần áo đẹp cho chị, còn em mặc mãi mấy bộ quần áo cũ do hàng xóm cho. Bữa ăn, mẹ gắp cho chị khúc cá ngon, còn em chỉ được ăn phần đầu. Mẹ cưng nựng chị khi chị khóc nhưng lại sẵn sàng dùng môi xới cơm gõ lên đầu em nếu em không nghe lời.
Năm em bốn tuổi. Người làng nói với em rằng đó không phải là mẹ ruột em, đó chỉ là mẹ ghẻ thôi. Mà mẹ ghẻ thì ác lắm. Giờ em mới có chút hiểu lờ mờ về khái niệm mẹ ghẻ, hóa ra những trận đòn roi và giày vò trong mấy năm qua cũng bởi em không phải là con ruột của bà. Khi bà ta giơ cán chổi lên tính đánh vào lưng em như mọi bận, em hét toáng lên “Bà là gì ghẻ, bà là đồ gì ghẻ độc ác”. Bà ta tru tréo, chửi bới, làm ầm ĩ. Ba nghe được, vọt thẳng từ trong nhà ra. Cầm lấy cán chổi, đánh tới tấp vào người em. Em vừa khóc, vừa kêu mẹ. Ngay cả lúc đó, em vẫn không hiểu, em kêu mẹ là vì nhớ hay là vì quá đau?
Cũng năm đó, mẹ ghẻ của em sinh em bé, là một em trai. Em càng bị ghẻ lạnh. Những trận đòn roi cũng nhiều hơn. Năm em năm tuổi, mọi đứa trẻ đều chuẩn bị đến trường để học mẫu giáo. Em cũng vậy. Nhưng bọn nó đứa nào cũng có cặp sách và vở tập tô. Chỉ riêng em không có gì cả. Cô giáo nhìn em đầy ái ngại, cuối cùng cũng cho em vào lớp, ngồi cùng các bạn nghe hát. Em thuộc được mấy bài hát, bài con cò bé bé, ba thương con, quả bóng tròn tròn…. Em thích thú lắm nhưng niềm vui chỉ được vẻn vẹn hai tháng, nhà em chẳng có ý kiến gì về khoản tiền học phí, xây dựng ở trường, cô giáo buộc phải cho em nghỉ.
Vậy là trong khi các bạn cùng tuổi sáng nào cũng hớn hở đi học, thì em lùa một đàn vịt đi đón. Người em nhỏ con, lầm lũi, cháy đen vì nắng. Mọi người gọi em là thằng “Hòa cháy”.
Tuổi thơ của em gắn liền với một nông trường đầy rau năn, rau cói và bèo tây. Hết mùa này qua mùa khác, em lùa đàn vịt ra đó chăn thả, chiều tối thì lùa về. Chẳng may có con vịt nào đi lạc, em phải lội khắp cánh đồng năn mà tìm cho bằng được nếu không tối đó trở về em lại bị một trận no đòn. Cánh đồng nông trường quen thuộc với em từ những cọng cây đến ngọn cỏ, đôi chân em chai lì và nứt nẻ do lội nước quá nhiều. Gương mặt em càng ngày càng đen và cháy nắng.
Em chưa từng biết đến một bộ quần áo đẹp, em càng không biết mặt chữ trông nó như thế nào. Bọn trẻ xung quanh kể với nhau về bộ phim Hoàn Châu Cách Cách đang nổi rầm rộ, bọn nó có cả một lô lốc ảnh dán đầy cặp sách, đầy trang vở. Em chẳng biết đó là cái gì cả. Bởi trong tâm trí em, chỉ có đàn vịt, chỉ có nông trường đầy nước, đầy năn và đầy bèo tây. Không có đứa nào chịu chơi với em bởi trông em khù khờ lắm, vừa đen lại vừa rách rưới. Bọn chúng thấy em thật thà nên hay bày trò để trêu chọc và bắt nạt.
***
Em mười sáu tuổi, theo mấy thanh niên trong làng đi làm gạch ở tận Kon Tum. Công việc dãi nắng dầm mưa nhưng em không còn phải nghe tiếng mắng chửi. Em dại lắm, em khờ lắm. Em sẵn sàng làm tăng ca nhưng có bao nhiêu tiền kiếm được lại gửi hết về cho ba, không dám ăn quà lấy một đồng, không mua cho mình bất cứ thứ gì cả.
Tết năm đó trở về, ba em có vẻ nhẹ nhàng hơn. Mẹ ghẻ mặc dù vẫn nguýt ngắn nguýt dài nhưng không còn la rầy em nhiều như trước nữa, chắc bởi bà ta biết, hiện em là một cái kho để kiếm tiền.
Chị gái em đã bước sang tuổi mười bảy, điệu đà và hay làm dáng. Nhà bên có cô bé hàng xóm, học hết lớp chín không đỗ vào cấp ba nên nghỉ học ở nhà. Tối hôm nào, ở khu ngõ nhà em cũng ồn ào tiếng chó sủa. Cô bé hàng xóm bằng tuổi em, có tiếng hát rất trong trẻo, đặc biệt là hay hát. Cô hát bất cứ lúc nào, kể cả lúc giặt quần áo, lúc rửa bát hay thậm chí là lúc gội đầu. Con gái đến tuổi dậy thì nên hai má hồng cứ hây hây. Đôi gò bồng đào căng tròn trước ngực cử nẩy lên nẩy xuống. Đặc biệt đôi mắt long lanh đưa tình khiến em tức ngực.
Em hay lén nhìn trộm mỗi lần nàng đi ra giếng. Cô bé hình như cũng biết nên càng cố tình lượn qua lượn lại nhiều hơn. Lòng em hân hoan và rạo rực, bắt đầu có những xúc cảm mới lạ. Em mơ về cô bé mỗi đêm, nghĩ đến cô bé mỗi ngày.
Một lần, em mải miết nhìn nàng từ bên sân giếng nhà mình. Nàng đang phơi quần áo, cũng vừa phơi vừa hát. Khi quay lại, bắt gặp anh chàng hàng xóm đang mải ngắm mình, nàng không e thẹn ngại ngùng mà nở nụ cười làm trái tim em nhảy loạn.
- Nhìn gì ghê vậy?
- Nói tui hả? Em bỡ ngỡ, trước đến giờ chưa có đứa con gái nào chịu nói chuyện với em.
- Chứ ai vào đây.
- Tui… Em đưa tay ra sau gãi đầu gãi tai.
- Hái cho quả ổi. Cô bé chỉ vào gốc ổi trĩu quả chín căng mọng bên cạnh giếng nhà em. Thì ra là nàng muốn ăn ổi, dù vậy em cũng vui lắm.
Cô bé cầm được ổi, ngúng nguẩy đi vào nhà mất hút, tiếng hát bên nhà hàng xóm vẫn trong trẻo vọng sang. Em đứng đó thẫn thờ.
Vậy là mỗi lần cô bé thèm ổi, lại nhớ đến em. Mỗi lần như vậy, em lại lấm lét ném ổi sang chỉ sợ mẹ ghẻ nhìn thấy. Em hạnh phúc với thứ tình cảm vụng dại.
Em viển vông nghĩ về nhiều thứ xa xôi. Trong giấc mơ của em, có lúc chập chờn hình ảnh của một gia đình có em và cô bé nhà bên.
Ra tết được một tháng, em lại theo đám thanh niên trong xóm đi làm, lần này em đi làm phụ hồ ở Huế. Thời tiết ở Huế khắc nghiệt lắm, cứ ngày nắng hanh hao mà đêm đến trời trở lạnh. Nhiều cơn mưa bật chợt cứ ùn ùn đổ đến. Em bị ốm nặng mấy lần, người đã gầy, đã đen giờ càng thêm phần phờ phạc. Được cái em thật thà, chất phác nên chủ công trình quý, khi nhận tiền công cũng thưởng thêm cho.
Trong đám thợ đi làm, có lão Thế già, bình thường ở nhà lão vẫn thường qua nhà em chơi. Lão từng trải và già đời, nghiện rượu và giỏi chém gió, lão từng đi đãi cát tìm vàng, đi làm đồn điền cao su. Lão bảo lão thương em lắm, thấy em côi cút khổ quá nên nhận làm con nuôi, mỗi lần có chén chú chén anh, lão lại gọi cho bằng được em. Và mỗi lần lão túng thiếu, hết tiền, người đầu tiên lão nhớ đến cũng là em. Lão nói không nên tính toán những chuyện vặt vãnh ấy làm gì cả.
Em thì khù khờ lắm, tin người lắm, chỉ cần người ta tốt với em một, em sẽ tốt với họ mười. Có lẽ là vì từ nhỏ em đã quá thiếu thốn tình cảm. Vậy là mỗi lần lão cần, em lại đưa số tiền dành dụm được cho lão, sau đó nai lưng ra làm tăng ca để có tiền gửi về nhà cho ba và mẹ ghẻ.
Số tiền lão Thế già mượn rất ít khi trả lại. Lão nói, lão giữ hộ cho em, bao giờ em cưới vợ, lão sẽ hoàn cho em toàn bộ. Thế mà em cũng tin.
Tết năm đó em về, em dành tiền thưởng mua cho cô bé nhà bên một cái áo. Một cái áo đắt tiền mà em thấy mấy đứa con gái mới lớn thường hay mặc, trông rất xinh. Nàng nhận lấy áo, mừng lắm, lại ngúng nguẩy đi vào nhà.
Có một vài lần, em rủ được cô bé đi uống café, nàng rủ thêm một đám bạn đi cùng nữa. Mấy người đó cười cười nói nói, gọi bao nhiêu bim bim, nước ngọt, bánh trái, lại còn khen anh “Hòa cháy” hào phóng ghê. Em ngượng ngùng, đỏ mặt. Chỉ cần cô bé vui là em hạnh phúc rồi.
Buổi tối mồng ba tết, em đi từ nhà lão Thế già về. Lão làm cỗ nên gọi em qua ăn tết. Hơi men trong người làm em có chút chuếnh choáng, em nhìn thấy cô bé nhà bên và một gã trai khác đang ôm nhau tình tứ. Ngay trước mắt em đây, họ đang sờ soạng nhau, đang hôn hít nhau. Trái tim em đau nát, vỡ vụn.
Cô bé thấy em, đột ngột buông gã đàn ông ra. Gã nhìn em như kẻ phá đám, đôi mắt nổi lên những tia máu hằn học.
Hôm sau, em gặp cô bé và em gái nàng nói chuyện ở sân giếng. Họ thì thầm với nhau rồi lại cười khúc khích, em nghe loáng thoáng họ đang nói gì đó về mình “Chỉ có mấy quả ổi với cái áo mà làm như cái gì to tát lắm”. Và hình như cô bé cố tình để lộ cho em thấy sợi dây chuyền vàng mới có được treo trước vòm ngực trắng trẻo, đẫy đà. Hẳn là gã trai tối qua vừa mua cho nàng.
Em lại ngây dại nghĩ rằng, chỉ cần em cũng tặng nàng một dây chuyền vàng như thế, nàng sẽ là của em, nàng sẽ không chê em nghèo hèn, rách rưới nữa. Trong đầu em lúc đó ẩn hiện một sợi dây chuyền vàng có viên đá màu hồng rất đẹp. Sợi dây chuyền em đã nhìn thấy trong ngăn kéo của mẹ ghẻ vào cái lần em đưa nộp số tiền đi làm được trong năm. Em chưa bao giờ nhìn thấy một vật nào đẹp như vậy. Nếu em tặng nó cho nàng, nàng có về bên em không?
Em muốn thử. Những khó nhọc, cực khổ nhiều năm qua không khó chịu như việc em bị cô bé đó ghét và khinh miệt, em không thể ăn ngon cơm, không thể chơi vui vẻ.
Em khờ khạo đến mức không nghĩ ra một khi sợi dây chuyền được đeo lên cũng là lúc hành vi ăn cắp của em bị tố giác. Ba em ném tất cả đồ đạc và đuổi em ra khỏi nhà. Bà mẹ ghẻ tru tréo, chửi bới rằng em là thằng vô học, thằng mất dạy. Hàng xóm xì xào, coi thường em chỉ vì em là thằng ăn cắp. Em lang thang khắp nơi, làm mọi việc mà người ta cần để kiếm sống qua ngày.
Hai tháng sau đó, trên xã có người gọi em lên báo tin tức của mẹ đẻ em. Một người ở Thái Bình đi làm bên Trung Quốc tình cờ gặp được mẹ em, bà nhờ ông tìm kiếm và nhắn tin tức về nhà. Bà ở bên đó đã có hai người con gái, cuộc sống cũng tạm ổn, không đến nổi hà khắc như nhiều người đồn đại. Em run run bấm điện thoại cho mẹ, người mà em chưa gặp lấy một lần trong đời, không hề biết giọng nói thế nào, hình dáng ra sao. Giọng mẹ ấm lắm chứ không chua chát như giọng mẹ ghẻ kia. Bà xin lỗi em, bà hỏi em có hận bà không? Bà hứa sẽ về thăm em, sẽ đưa em cùng đi sang đó làm ăn.
Viễn cảnh về một cuộc sống có mẹ yêu thương làm khóe mắt em cay cay. Có thằng bạn rủ em vào Đà Nẵng làm công trình, em tính sẽ đi một thời gian chừng nào mẹ về Việt Nam sẽ quay về quê gặp bà. Em trở lại nhà lão Thế già để lấy một ít tiền lúc trước lão đã mượn. Em cần tiền để đi tàu xe và ăn uống nếu vào đấy mà chưa xin được việc ngay.
Khi em nhòm qua khe cửa nhà lão, ánh sáng lờ mờ trong căn phòng khiến em giật mình. Em sững sờ, không hiểu sao em lại cứ đứng mà nhìn trân trân vào đó. Rồi em rời đi, mặt em tái mét, em bước thật nhanh về nhà mình, em muốn gặp ba. Em đụng trúng cô bé hàng xóm đang đứng ở đống rơm nhà nàng. Nàng ta ở đây làm gì nhỉ? Nhớ đến vụ dây chuyện vàng hôm trước, em vội vàng đứng dậy rồi quay đi. Nhưng em nghe thấy tiếng cô bé khóc. Tiếng khóc làm em mềm lòng quay lại. Cô bé đột nhiên ôm lấy em, đôi gò bồng đào cọ xát bên người khiến toàn thân em nóng rực. Nàng nói nàng cũng thương em, qua vụ dây chuyền vàng nàng đã hiểu được tình cảm của em đáng quý đến thế nào. Gã trai hôm trước chỉ lừa dối nàng, sợi dây chuyền gã cho nàng cũng là giả.
Tự nhiên cả người em xốn xang, em chẳng còn nhớ gì đến những tổn thương mất mát khiến em bị đuổi ra khỏi nhà. Cái cổ trắng ngần của nàng và cả vòm ngực lấp ló ẩn hiện sau làn áo mỏng. Em nhớ đến tiếng rên rỉ đầy khoái lạc ở nhà lão Thế già, cái hình ảnh hai con người vồ vập lấy nhau khiến đầu óc em mụ mị. Vậy là em đẩy nàng xuống, môi em cắn lấy bờ môi thơm ngọt của nàng, thân thể em chạm vào làn da mềm mại, mát dịu.
Khi em đang lâng lâng thứ men cảm xúc kỳ lạ thì em nghe thấy tiếng cô bé kêu cứu, tiếng kêu thất thanh của nàng khiến em chợt tỉnh ngộ nhưng muộn quá rồi, một đám người đã chạy đến. Họ quy cho em tội hiếp dâm. Một thằng ăn cắp, hư hỏng, giờ lại biến thành một yêu râu xanh. Em không thể thanh minh, không thể giải thích. Ai cũng biết trước đó em đã từng lấy trộm dây chuyền để tặng nàng, giờ chắc là vì không kiềm chế được mà nảy ý đồ xấu. Họ giam em lại, chẳng cần biết đúng sai thế nào, đầu tiên họ sẽ đánh em bằng những dùi cui đau đớn nếu em còn tiếp tục chối tội.
Cuộc đời tàn nhẫn với em quá! Em nhớ đến mẹ, đến bao giờ mẹ mới về đưa em thoát khỏi những khổ cực này.
Thật may, kết quả giám định cô bé đã có thai từ hai tháng trước. Tác giả của bào thai là gã trai từng ôm ấp nàng dạo nọ, gã chỉ là một kẻ lừa bịp, đã có vợ và hai con. Nàng khi biết được sự thật, lại phát hiện mình mang thai thì gã đã cao chạy xa bay. Đang buồn rầu, khóc lóc vì không biết giải quyết thế nào thì em xuất hiện đúng lúc. Nàng đem toàn bộ sự việc đổ lên đầu em. Em thành kẻ gánh tội.
Được minh oan, em trở về làng nhưng cũng chỉ toàn nhận được những cái nhìn bài xích. Ba em mang ít tiền sang nhà bên coi như hỗ trợ. Khi nhìn thấy em lầm lũi ở ngõ, ông tức giận ném cái chổi vào trước mặt em.
- Mày cút đi, đồ mất dạy.
- Được, tôi sẽ không bao giờ trở về cái nhà này nữa. Em hét lên và bỏ đi.
Không ngờ, sau lần đó, em vĩnh viễn không bao giờ về căn nhà đó nữa thật.
Em đến một cửa hàng cầm đồ, cầm cái điện thoại duy nhất có thể liên lạc, lấy tiền bắt chuyến xe vào Đà Nẵng. Lang thang mấy ngày vẫn chưa tìm được việc, tiền thì hết. Em đói, em rét. Em nhớ mẹ, bao giờ mẹ sẽ về đưa em đi, ở đây em cô đơn quá, em khổ quá.
Đến ngày thứ năm, em gặp một đội đang thi công cầu, em xin vào làm nhưng nhìn cái bộ dạng gầy gò, ốm đói của em họ không dám nhận. Em quỳ xuống cầu xin. Nếu em còn không có việc làm, em sẽ chết đói mất. Bà hàng nước bên cạnh nhìn em tội quá, thương quá, nói giúp em mấy câu nên họ mới đồng ý. Họ thấy em xanh xao, yếu ớt nên kêu em không cần làm việc nặng. Chỉ cần trèo lên cầu gỡ mấy đoạn dây thép xuống là được. Em làm chừng được ba mươi phút, bắt đầu thấy hoa mắt, chóng mặt. Hai bàn tay em bủn rủn và chân em không còn trụ được nữa. Em rơi xuống từ độ cao mười mét.
Em cảm nhận được thứ chất lỏng nhầy nhớt, ấm nóng ở đầu đang từ từ chảy ra. Em thấy mẹ em đang đến đón em, mẹ em cười hiền hậu lắm, tóc dài lắm, đẹp lắm, rồi mẹ đột ngột biến mất, tan biến giữa hư không. Em thấy bên kia bờ, cầu sông Hàn rực rỡ ánh đèn. Em từ từ nhắm mắt, khép lại một cuộc đời khi em mới mười tám, khép lại tuổi thanh xuân chưa có lấy một ngày bình yên, tươi đẹp.
Đám tang của em, người ta nghe tiếng khóc ỉ ôi của bà mẹ ghẻ, rồi lại nhìn thấy bà ta hứng khởi, vui vẻ vì nhận được tiền đền bù tai nạn của đứa con hờ. Cũng sau đám tang của em mấy ngày, ba em phát hiện ra mẹ ghẻ giăng díu với một gã nhân tình, không ai khác chính là lão Thế già. Khi sự việc bại lộ, lão và mụ ôm của bỏ chạy. Đứa em trai cứ tưởng là con chung duy nhất của ba em và mẹ ghẻ ai ngờ lại không phải, nó là máu mủ của lão Thế già.
Thế đấy, cuộc đời oan nghiệt thế đấy. Khi ba em cầm sợi dây chuyền duy nhất còn sót lại đi bán, đó là sợi dây chuyền mà em đã từng đánh cắp để tặng bé hàng xóm. Chủ tiệm nói với ba em, đó chẳng qua chỉ là sợi dây làm từ mỹ ký chứ đâu phải vàng.
Một giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua của người đàn ông đã từng rất dữ dằn. Phải chăng đó là giọt nước mắt của sự ân năn và hối hận? Còn ăn năn và hối hận được nữa sao khi mà mọi việc giờ đã quá muộn màng.
Thoa Nguyễn