Đối với nhân viên văn phòng, không có gì tuyệt vời hơn khi thi thoảng trong giờ làm lại có những khoảng thời gian nghỉ ngắn. Và đột nhiên, Pokemon Go xuất hiện đã gợi ý cho họ một cách thư giãn vô cùng tuyệt vời. Chắc chắn, bạn cũng phải thừa nhận điều đó.
Kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 6/7, Pokemon Go đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game, "vượt mặt" cả ứng dụng hẹn hò làm điên đảo giới trẻ Tinder và có số lượng người dùng tích cực mỗi ngày không kém gì mạng xã hội Twitter cả. Nhờ được tích hợp công nghệ thực tế ảo, các gamer có thể rèn luyện kỹ năng săn pokemon của mình với hơn 151 nhân vật và thay vì ngồi một chỗ như các trò chơi thông thường, Pokemon Go cho phép game thủ tự do di chuyển trong không gian thực cùng smartphone và tìm kiếm con vật yêu thích của mình tại những địa điểm có thật như quán café, phòng gym hay cửa hàng tạp hóa. Tất nhiên, họ cũng sẽ tìm thấy Pokemon tại nơi làm việc.
Mặc dù có một số người lạc quan rằng Pokemon Go có thể sẽ "gây ra những tác động ngắn hạn" nhưng "đa phần các nhân viên đặt công việc lên hàng đầu sẽ luôn biết cách giới hạn thời gian nghỉ của họ" (theo Lynn Taylor – chuyên gia về môi trường làm việc quốc gia và là tác giả của cuốn sách Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job) nhưng không ít người đã bắt đầu nhận ra một bộ phận không nhỏ nhân viên đang phớt lờ một vài trách nhiệm trong công việc.
Theo nhiều chuyên gia về môi trường làm việc, không ai kỳ vọng trò chơi này sẽ gây ra những tác động xấu đối với nhân viên văn phòng nhưng rõ ràng, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Các nhà quản lý nhân sự chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng như thời gian này khi rất nhiều nhân viên mải mê săn Pokemon còn hơn cả làm việc. Bất ngờ hơn là không chỉ nam giới, nữ giới cũng như vậy.
Một ví dụ điển hình là mới đây, khá nhiều người lao động ở Australia đã bị sa thải do dành quá nhiều thời gian để chơi Pokemon Go trong khi không tập trung vào nhiệm vụ. Không ai mong đợi điều này nhưng thực tế cho thấy, các nhà quản lý cần nhìn nhận một cách rõ ràng về ảnh hưởng tiêu cực của trò chơi đối với năng suất công việc.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi nếu bạn muốn ngăn chặn điều này đó là áp dụng cùng một chính sách cho tất cả các nhân viên, không có trường hợp ngoại lệ.
Xây dựng một cuốn sổ tay hướng dẫn cho nhân viên: Tất cả các quy tắc trong cuốn sổ này cũng đồng thời được áp dụng cho các trò chơi khác và mạng xã hội, không chỉ Pokemon Go. Đồng thời, nếu cấp điện thoại làm việc riêng cho từng người thì quản lý nên yêu cầu phòng IT giới hạn một số tính năng như không cho phép tải một số ứng dụng nhất định xuống máy, chặn kết nối WiFi hoặc cài đặt mã bí mật....
Chúng tôi trả tiền để bạn làm việc chứ không phải để đuổi bắt những nhân vật trong trò chơi viễn tưởng cùng chiếc điện thoại cả ngày. Hãy chơi trong giờ nghỉ giải lao hoặc ăn trưa. Nếu không cũng được thôi, bạn sẽ thất nghiệp và có khá nhiều thời gian để "bắt tất cả chúng" đấy.
Siết chặt việc thực thi các quy định: Hãy chắc chắn là bạn không lỏng lẻo, dễ dãi trong quá trình thực thi các quy định mới. Đừng dành cho nhân viên bất kỳ sự ưu đãi nào, chẳng hạn như được chơi Pokemon Go khi giải lao 5 phút trong giờ, cho phép chơi nhưng không được đi ra khỏi phòng hay được chơi trước mỗi buổi họp nhóm để kích thích sáng tạo. Nếu không cương quyết với các quy định chính là bạn đã tạo lỗ hổng để nhân viên phá luật.
Các nhà quản lý, trước hết, phải gương mẫu: Muốn ngăn chặn được hiện tượng nhân viên quá yêu thích trò chơi mà quên mất công việc thì trước hết, các nhà quản lý, lãnh đạo, trưởng nhóm... phải gương mẫu. Họ phải chính là những người không chơi game trong giờ làm việc, không rủ rê, mời mọc hay có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy họ cũng là những "thợ săn Pokemon" ngoài văn phòng. Nếu không thực hiện được điều này thì nhân viên chẳng thể nào "ngoan ngoãn" tuân thủ các quy tắc do bạn thiết lập.