"Chí Phèo của Nguyễn Đức Mậu thì mất tích, còn Chí Phèo của nhà này thì xuất hiện."
***
Tớ là Chíp. Tớ 10 tuổi, sống cùng ba mẹ và bà chị hai dữ dằn. Tớ thích ăn kem, ngắm sao và đọc sách. Nhà tớ, như lời của Hai, "bao vây tứ phía là sách" nên tớ không bao giờ sợ buồn chán. Mỗi tội sách của ba mẹ thì khó hiểu còn sách của Hai thì nhiều quyển tớ bị cấm đọc.
Tớ cũng có một tủ sách của mình, sách do được tặng hoặc do Hai để lại. Sách quý lắm, ba mẹ và Hai vẫn dạy tớ thế, vì chúng được làm từ cây. Rất nhiều cây, những sự vật sống, đã hi sinh thân mình để làm ra chúng. Nhựa cây như máu, gỗ cây như xương, cây đã hiến để làm ra sách, ba nói khiến tớ nhớ đến các chú bộ đội thời chiến tranh mẹ vẫn kể. Vậy nên trong nhà tớ sách luôn được nâng niu.
Riêng tủ sách của tớ được sắp xếp kĩ càng theo độ cao của quyển, độ rộng trang bìa và cả chủ đề. Mỗi khi có sách mới tớ mất rất nhiều thời gian suy nghĩ để tìm vị trí thích hợp, thỉnh thoảng phải xếp lại cả một ngăn sách. Nếu ai làm xáo trộn tủ sách của tớ, tớ sẽ khó chịu lắm đấy.
Vậy mà sáng nay tớ phát hiện Hai đã nhét bừa quyển Nicolas vào giữa bộ Đôrêmon khiến tớ tìm bở hơi tai. Tớ khá bực bội. Tớ đã cho phép Hai mượn sách tớ tự do vì Hai luôn biết giữ gìn, đến cả nhỏ Linh em họ là đứa bạn thân nhất của tớ muốn mượn sách cũng phải hỏi xin để tớ kiểm tra lại sau khi nhỏ trả xem sách có bị hư hại gì không. Giờ Hai lại tỏ ra vô trách nhiệm thế này.
Ngay lập tức tớ sang phòng tìm Hai để trách cứ, nhưng mà Hai không có trong phòng. Trên bàn Hai là một quyển tiểu thuyết có tựa "Chí Phèo mất tích?" của nhà văn Nguyễn Đức Mậu. A, tớ có biết ông Chí Phèo này. Những lần ba quá chén, về nhà say xỉn mẹ vẫn bảo: "Dậy vào nhà ngủ đi ông Chí, nằm đây muỗi đốt đấy". Mẹ nói đó là một nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao, rất hay uống rượu và nhiều tật xấu.
Tớ hỏi ông ấy có lè nhè "Sao vợ lại dám mắng chồng như thế" rồi bị vợ bóp mũi cho tỉnh ngủ như ba không thì mẹ bảo không.
Tò mò, tớ mở quyển sách ra, trúng trang Hai làm dấu đọc dở. Đoạn truyện về một cuộc cãi nhau. Trong các câu đối thoại có hàng đống từ mới tớ chưa nghe bao giờ nhưng có thể đoán được nghĩa. Chúng nghe hay hay, rất người lớn, rất cá tính. Ba mẹ vẫn bảo đọc sách phải biết vận dụng vào cuộc sống, nếu không sẽ thành vô ích. Vậy là tớ tìm những từ đó khắp quyển sách, xem kĩ cách nhân vật dùng chúng trong câu và nghĩ ra vài trường hợp có thể sử dụng chúng.
Trong lúc tớ đang suy nghĩ thì Hai vào phòng. Thấy quyển sách nằm trước mặt tớ, Hai nhíu mày: "Em vào đây làm gì? Em có đọc sách của Hai không vậy?" Tớ lờ đi câu hỏi thứ hai: "Hai quên không xếp quyển Nicolas về chỗ cũ cho em." "Ừ. Hai xin lỗi. Còn sách Hai đã bảo không được đọc thì không được đọc đâu nhé." "Vâng." Và tớ về phòng. Không, tớ đâu có đọc, chỉ xem thôi. Xem vì mục đích học tập đấy chứ?
Trong nhiều ngày liền, tớ vẫn không có dịp sử dụng những từ ngữ hay ho đó nên cảm thấy rất bứt rứt trong lòng. Khi tớ gần như đã quên chúng thì cơ hội lại đến.
Một buổi chiều, cả nhà đang xem ti vi thì nghe ở ngoài có tiếng huyên náo. Hai chạy ra ngó nghiêng rồi la lên: "Người ta quây được một con rắn vào một góc tường, đang giết nó ba mẹ ơi!"
Tớ cũng ra xem, mẹ thì can: "Ở yên trong nhà, chạy ra nó cắn cho bây giờ." "Thảo nào hôm trước bác Bình có con gà bị cắn chết."
Tớ biết đây là lúc, vậy là câu nói được ấp ủ bao lâu tự động tuôn ra không cần suy nghĩ: "Tiên sư nhà nó, giết quách lũ rắn chết tiệt ấy đi!"
Nói xong, tớ thấy cực kì hài lòng và tự hào vì đã diễn đạt câu "giết chết rũ rắn có hại" hết sức biểu cảm và mới lạ. Thế mà cả nhà lại quay sang nhìn tớ chằm chằm ngỡ ngàng.
Ba nghiêm mặt: "Chi! Con học ở đâu mà lại nói bậy thế hả?" Tớ bắt đầu sợ vì khi ba gọi tớ là Chi nghĩa là ba đang rất tức giân. "Con đọc trong sách của Hai – tớ lắp bắp – quyển "Chí Phèo mất tích". Con không biết đây là từ bậy" rồi òa khóc.
Mặt ba giãn ra, mẹ tủm tỉm cười còn Hai nhăn nhó: "Hóa ra em lén đọc à? Hai đã nói thế nào hả? Hư quá!" Mẹ bước lại dỗ dành tớ: "Con vừa nói ra những từ không hay. Con đã thấy tác hại của việc đọc sách không hợp tuổi chưa? Giờ con chưa phân biệt được tốt xấu, sách đưa ra điều xấu cần tránh thì lại tiếp thu. Lần sau nhớ phải nghe lời vì ba mẹ có cấm đoán chuyện gì thì cũng vì muồn tốt cho con thôi."
Vẫn còn sụt sùi, tớ gật đầu rồi lau nước mũi. Ông Chí này đúng là đầy tật xấu và cần phải tránh xa!
Ba khùng khục cười: "Có muốn vận dụng từ mới thì phải biết rõ nghĩa nó đã nhé! Chí Phèo của Nguyễn Đức Mậu thì mất tích, còn Chí Phèo của nhà này thì xuất hiện."
Nguyễn Vũ Hương Mai