Tôi đã nói chuyện với một người theo cách mà tôi vẫn thường nói chuyện với những người khác. Tôi hỏi họ về cuộc sống hiện tại (chúng tôi cùng tuổi) và họ hỏi tôi về công việc. Kể từ đó, tôi đã phỏng vấn hàng ngàn người xin việc. Họ ở trong một tình thế khó khăn bởi vì với sự khôn ngoan thông thường của một người đang ở vị trí tìm việc, họ được mách bảo phải cầu xin để được nhận công việc đó trong buổi phỏng vấn. Trên thực tế, đó là một trong những điều tồi tệ nhất mà họ đã làm.
Nhiều ứng viên cảm thấy lo lắng trong các buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến chúng ta có thể bắt đầu nói lan man về cuộc sống cá nhân - những thông tin mà đáng lẽ không nên xuất hiện trong một buổi nói chuyện liên quan đến công việc.
Không có nhà tuyển dụng nào muốn biết những chi tiết "rùng rợn" liên quan đến việc bạn đã rời bỏ công việc gần đây nhất như thế nào. Họ không cần biết ai đang sống với bạn hoặc bạn đã tự chi trả các khoản phí sinh hoạt hàng ngày như thế nào khi vẫn chưa xin được việc. Mặc dù điều này có thể khiến người phỏng vấn cảm thông nhưng đây không phải là một ý tưởng hay nếu bạn muốn lọt vào "mắt xanh" của họ.
Sau đây là 9 thông tin cá nhân không bao giờ được chủ động chia sẻ trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, cần lưu ý ở đây là nếu được hỏi, bạn vẫn phải cung cấp cho nhà tuyển dụng.
Trong buổi phỏng vấn, các ứng viên rất dễ dàng tiết lộ tình trạng tài chính khó khăn của mình. Tuy nhiên, điều này không giúp bạn có được công việc và thậm chí, nó có thể khiến bạn bị tổn thương. Tôi hoàn toàn hiểu được nếu bạn đang tự hào về cách mình đã vượt lên khó khăn như thế nào khi sống với mức thu nhập quá thấp nhưng bạn cần nhớ rằng, điều đó không liên quan tới tình hình tài chính của nhà tuyển dụng.
Nhiều ứng viên thường giải thích tình trạng hiện tại của mình bằng cách kể ra câu chuyện đằng sau quá trình tìm việc của họ, chẳng hạn như: "Tôi đã chuyển đến Atlanta với chồng tôi vào năm 2013 nhưng sau đó, anh ấy đã mất công việc của mình và chúng tôi sống dựa vào thu nhập của tôi. Chúng tôi đã ly dị vào mùa hè năm ngoái đúng vào khoảng thời gian tôi bị sa thải".
Rất nhiều người sẽ đồng cảm với tình hình khó khăn của bạn nhưng cuộc sống cá nhân không phải là chủ đề lý tưởng để đưa vào một buổi phỏng vấn xin việc.
Ngoại trừ một thực tế là sẽ có một vài người có quan điểm ngược lại nhưng nhìn chung, việc đề cập tới rắc rối trong các mối quan hệ có thể khiến bạn mất cơ hội giành được công việc bởi vì nhiều người có thể sẽ nghĩ rằng: "Chúng tôi không cần bạn mang một vở kịch đến đây". Do vậy, hãy giữ câu chuyện đó cho riêng bạn.
Không có lý do gì để thể hiện sự khó chịu của bạn đối với pháp luật hay bất kỳ một vấn đề nào khác liên quan đến pháp luật cả. "Tôi đang bị kiện bởi đối tác cũ nhưng tôi chắc chắn rằng, tôi sẽ thắng thế" - đây không phải là cách để xây dựng sự tự tin của bạn trong suy nghĩ của nhà tuyển dụng.
Nếu bạn đã có một khoảng thời gian nghỉ việc vì bệnh tật hoặc chấn thương thì bạn cũng không cần phải tiết lộ chúng trong buổi phỏng vấn cho công việc mới. Bạn có thể nói rằng bạn mất một năm nghỉ phép vì vấn đề cá nhân và không cần đi quá sâu vào chi tiết.
Trên thực tế, hồ sơ xin việc đã có sẵn các mục để bạn liệt kê rõ tình trạng sức khỏe hiện tại của mình và bạn cũng đã có thời gian đọc bản mô tả công việc hay tìm hiểu các thông tin liên quan để kiểm chứng liệu rằng mình có phù hợp với vị trí đó. Nếu bạn gặp rắc rối về sức khỏe mà nhà tuyển dụng vẫn tổ chức một buổi phỏng vấn với bạn, nghĩa là họ đã bị thu hút bởi năng lực thực sự của bạn. Hãy tập trung vào điều đó thay vì cố gắng miêu tả tình trạng đáng thương của mình.
Một vài nhà tuyển dụng thường thích tuyển phụ nữ chưa mang thai hoặc có những yêu cầu khắt khe với ứng viên nữ về vấn đề con cái. Mặc dù khó chấp nhận nhưng bạn buộc phải nắm được điều này để kiểm soát buổi phỏng vấn của mình. Hãy tìm hiểu trước về công ty đó và ra quyết định liệu rằng có nên đề cập tới kế hoạch sinh con hay không?
Những chuyện khiến bạn không hài lòng về ông chủ cũ, chia bè kéo phái giữa các nhân viên, thậm chí là có chút quái dị xảy ra ở công ty cũ của bạn có thể tạo thành một bộ phim hoặc một cuốn truyện tranh hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng không phải là thứ để bạn đề cập đến trong buổi phỏng vấn xin việc. Bạn có thể nói "Tôi đã sẵn sàng cho nhiệm vụ mới". Cho dù nhà tuyển dụng tỏ ra thân thiện hay đồng cảm đến mức nào thì tốt nhất là bạn không nên chủ động nói ra bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu với công việc trước đó.
Trừ khi có những lý do xác định như nhà tuyển dụng muốn biết bạn theo tôn giáo nào để xem thử liệu rằng bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không, còn lại, bạn không nên đề cập hay có bất cứ quan điểm nào liên quan đến tôn giáo.
Chính trị cũng như tôn giáo vậy. Đây là hai vấn đề không nên được nhắc đến tại nơi làm việc, chứ không đơn thuần chỉ trong buổi phỏng vấn.
Sở thích và những hoạt động cá nhân ngoài công việc luôn là hai chủ đề mà gần như ai cũng hào hứng được nói. Tuy nhiên, nếu một ứng viên chia sẻ quá nhiều về những việc thường làm khi rảnh rỗi, đặc biệt là chúng có thể tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng thì hoàn toàn có thể khiến nhà tuyển dụng không hài lòng.
Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, nhà tuyển dụng không thể hiểu được liệu rằng bạn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, hay nói chính xác hơn, họ chưa có đủ dữ liệu để đánh giá điều đó. Nếu như bạn có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động diễn ra ngoài văn phòng mà không ảnh hưởng tới công việc thì tốt nhất là không nên chia sẻ.
Trước buổi phỏng vấn, hãy tìm một nơi yên tĩnh để suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói trong buổi phỏng vấn ngày mai. Bạn có thể nhìn vào gương và luyện tập, thậm chí, hãy mặc bộ quần áo mà bạn đã chuẩn bị sẵn cho buổi phỏng vấn. Nhiều người thậm chí còn đóng kín phòng, tưởng tượng họ vừa bước vào phòng phỏng vấn, bắt tay nhà tuyển dụng và bắt đầu hình dung những gì họ sẽ nói. Điều này giúp họ có cảm giác như đang đứng trước nhà tuyển dụng thực sự.
Một mẹo nhỏ khác là nếu thấy gần địa điểm phỏng vấn có một chiếc cầu thang, bạn có thể chạy lên, chạy xuống khoảng 3 hoặc 4 lần để khiến đầu óc giảm căng thẳng và tránh bị áp lực bởi suy nghĩ về những gì mình sẽ nói. Ngoài ra, trước khi bắt đầu phỏng vấn, hãy cố gắng hít thở thật sâu và bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn rất nhiều.
Bài viết được chia sẻ bởi Liz Ryan - CEO và nhà sáng lập Human Workplace. Bạn đọc có thể theo dõi các chia sẻ của tác giả trên Twitter hoặc Forbes.com.