Người ta nói rằng ai được năm giọt mưa xuân chạm vào môi, người đó sẽ hạnh phúc.
***
Mùa xuân nào Nhi cũng ngửa mặt đón mưa, những hạt mưa nhỏ và mịn, nhưng chưa bao giờ có đủ năm giọt chạm xuống môi Nhi. Chỉ có bốn giọt rơi xuống, dù Nhi có chờ đợi lâu thế nào chăng nữa, chờ tới lúc hai tay Nhi chống lên thành ban công gỗ thấy tê tê. Ở ban công tầng hai đối diện, Vinh ngừng đàn ngẩng lên, cười: “Dù bốn hay năm giọt thì bố mẹ Nhi cũng sớm về thôi, đừng lo…”
Năm Nhi mười tuổi, bố mẹ Nhi ra nước ngoài làm việc. Nhi chuyển đến sống với ông bà ngoại. Nhà của ông bà ngoại là một ngôi nhà gạch to xây kiểu Pháp, sâu hun hút, được chia làm hai lớp ngăn cách bởi một khoảng sân hẹp có giếng nước suốt ngày ẩm ướt. Ngôi nhà ít ánh sáng nên quanh năm có mùi rêu âm ẩm bốc lên, đến nỗi Nhi tưởng rằng đó là mùi riêng của căn nhà. Ông bà ngoại sống lặng lẽ. Căn nhà tối tối, những bức tường ngả màu, ban thờ với hoành phi, câu đối, những sập gụ, tủ chè bằng gỗ lim đồ sộ cầu kỳ… tất cả khiến Nhi lúc nào cũng có cảm tưởng mình nhỏ xíu và cô độc.
Đối diện nhà bà ngoại là nhà chú Ân nhạc sĩ. Vinh là con một nên chú Ân cho Vinh đến cung thiếu nhi học đàn từ rất sớm. Để Nhi có bạn, ông bà cũng cho Nhi đến cung học vẽ. Thầy giáo bảo Nhi có những linh cảm của người nghệ sĩ. Bức tranh đầu tiên của Nhi vẽ Vinh mặc một chiếc áo lính thuỷ đang nắm tay một cô bé mặc váy đầm màu tím. Nhi lúc nào cũng cắt tóc ngắn, thế mà không hiểu sao cô bé váy tím nắm tay Vinh lại có hai bím tóc đen dài thật là dài.
Nhi vào lớp mười hai, cả nhà bàn tán xôn xao về chuyện Nhi thi đại học. Các dì các cậu đều nhất trí rằng Nhi nên thi Ngoại thương theo ngành của mẹ. Bà ngoại cũng đồng ý thế, bảo rằng việc vẽ vời chỉ là một thú vui, không làm nên cơm gạo. Chỉ có Vinh là khuyên Nhi thi Mỹ thuật. Chiều chiều khi Nhi cùng ông bà ngồi trên sập uống chè, Vinh đi đá bóng chạy ngang qua cửa, ngoắc tay với Nhi: “Bức tranh Nhi vẽ chiều nay ở lớp đẹp lắm, rất có hồn…”
Ông ngoại xoay chén trà nóng trong tay nheo mắt cười với Nhi: “Hai đứa cứ như hình với bóng ấy. Hồi nhỏ, chắc con không còn nhớ, đi học thì nó xách hộ cặp, lúc về xách hộ lọ mực, còn con thì cứ đi tay không bên cạnh mà léo nhéo…” Nhi vẫn nhớ, làm sao quên được. Còn cả những lần Vinh đánh nhau với bọn con trai khác để bênh Nhi, những lần hai đứa ngồi trên ban công tập đàn, tập vẽ. Hai đứa nhỏ như hai cái kẹo, ngõ lại vắng hoe chưa có hàng quán gì nên từ tầng hai nhìn xuống ngõ Phất lộc to và thẳng. Vinh thường bảo ngõ là một cái ê-ke mà góc vuông chính là Đình – Nậm – Rượu.
Nhi cãi: “Không phải Đình – Nậm – Rượu mà là Đình Phất Lộc, Đình họ Bùi…” Và bao giờ Vinh cũng giảng hoà: “Ừ, là đình – trong – tranh – Nhi…” Vinh lúc nào cũng thế, ân cần và nhường nhịn.
Bài vở ngày một nhiều, Nhi lao vào học ngày học đêm, giá vẽ để chơ vơ nơi góc phòng lâu lâu Nhi không đụng đến. Thỉnh thoảng ngẩng lên, nghe tiếng chuông thỉnh từ đình Phất Lộc vọng sang, thấy người mình mê mê, nặng nặng như kiệt sức. Buổi sáng, Nhi mang xô ra máy nước công cộng trước cổng đình, thấy Vinh đã xếp hàng từ bao giờ, tay cầm quyển sách vật lý. Vinh cầm lấy xô của Nhi: “Về ngủ thêm một lúc nữa đi, Vinh chờ cho…”
Một lần, khi nghe Vinh nói những lời ấy, Nhi nhận ra quanh đôi mắt một mí đen thẫm của Vinh có một quầng thâm mờ mờ. Vinh gầy đi nhiều quá. Trong một thoáng, Nhi tha thiết muốn nắm lấy tay Vinh nói một câu an ủi dịu dàng, hoặc một lời khích lệ mà không sao nói được. Nhi quay về nhà, nhớ có lần bà ngoại bảo khi người phụ nữ thấy xót xa cho một ai đó thì hẳn là người ấy vô cùng quan trọng…
Đã đến lúc phải làm hồ sơ thi đại học. Nhi thấy cần mẹ hơn bao giờ hết. Vinh đã nói đúng, giọt thứ năm của Nhi chính là điều ước cha mẹ quay về.
Đã lâu lắm, Nhi không được đọc thư mẹ. Thỉnh thoảng có người quen về nước, bố mẹ gửi về cho Nhi quần áo, chocolate và rất nhiều tiền. Nhưng Nhi không cần những thứ đó. Vài dòng chữ nguệch ngoạc của mẹ, dù đẫm nước mắt, cũng không đủ xoa dịu nỗi lòng con trẻ. Bà ngoại, các cậu, các dì, không một ai hiểu được vì sao Nhi đã mười tám tuổi mà vẫn còn tin vào điều kỳ diệu về giọt mưa thứ năm.
Nhi hay thức học khuya. Chừng mười một hay mười hai giờ đêm, hai mắt díp lại. Một hôm, mười một giờ đêm, bỗng nhiên vang lên tiếng đàn khe khẽ của Vinh. Nhi chạy ra ban công. Những ngôi nhà đã chìm vào giấc ngủ, chỉ có ánh đèn của quán phở đầu ngõ hoe hoe sáng. Mái ngói nhà Vinh in một vệt thẫm lên nền trời tím nhạt. Không thấy ánh đèn, không thấy Vinh, nhưng từng nốt nhạc vẫn khe khẽ rơi. Tiếng nhạc chảy ra từ cửa sổ, từ bụi hoa dạ hương, từ một góc tối nào Nhi cũng không biết nữa. Người đánh đàn rõ ràng là đang tâm trạng lắm. Tiếng ghita gai gai lạnh, lúc buồn rầu, lúc sôi nổi. Những cụm dương xỉ trên tường cao run rẩy.
Nhi nghe hết bản nhạc, đợi không gian trở lại im ắng như cũ, quay vào nhà. Nhi vẽ, vẽ đến hụt hơi bức tranh đầy âm thanh mà mình vừa nhìn thấy. Những ngôi nhà cổ tựa vào nhau, bầu trời tím một màu rất Huế, những cụm dương xỉ và tiếng đàn lơ lửng trong không gian. Ở một góc còn trống, Nhi ngừng lại, không biết nên vẽ gì để làm nổi bật chiều sâu của bức tranh.
Hôm sau, hôm sau nữa… ngày nào cũng vậy, mười một giờ đêm lại có tiếng ghita của Vinh với bài Triệu đoá hồng. Nhi đâm ra cả ngày ngong ngóng đợi trời tối. Với Nhi, đây là một thông điệp âm thầm, là lời động viên của Vinh, là những điều Vinh muốn nói nhưng chưa thể nói. Nhi làm hồ sơ thi đại học Mỹ thuật, lòng tự nhủ sẽ cố gắng hết sức mình, vì Vinh.
Vô thức, trong Nhi lại dâng đầy cái cảm giác tha thiết muốn chạm vào tay Vinh hôm xưa, nơi máy nước, đến nỗi Nhi đã phải tự hỏi mình xem giọt mưa thứ năm của Nhi giờ đây chỉ còn cha mẹ hay còn cả một điều khác nữa.
Buổi tối trước hôm thi đại học, hai đứa bỏ sách vở ra ngồi ngoài ban công. Mảnh trăng lưỡi liềm xanh xao chiếu vào mắt Vinh lóng lánh. Nhi chưa bao giờ hỏi Vinh về bản nhạc lúc mười một giờ đêm, Vinh cũng không nói. Tiếng chuông từ phía đình Phất Lộc vọng sang nhẹ bẫng trong gió. Hoa dạ hương đã nở, thơm thoang thoảng. Nhi nói những chuyện bâng quơ về kỷ niệm, về những ngày thờ bé và nỗi sợ hãi khi phải lớn lên. Vinh bảo: “Dù là trẻ con hay người lớn, chúng mình mãi là bạn của nhau.” Vinh nói câu này bằng một giọng dịu dàng đến nỗi đêm hôm ấy suýt nữa Nhi vẽ vào góc tranh còn bỏ dở đôi mắt một mí rất đen của Vinh, đôi mắt lúc nào cũng nhìn Nhi quan tâm, ân cần.
Nhi làm bài rất tốt và nhìn Vinh, Nhi biết Vinh cũng vậy. Mọi người đều vui mừng. Bà ngoại bảo Nhi đã lớn rồi, chẳng bao lâu sẽ có những suy nghĩ của người lớn. Nhi nghĩ thầm: bà ngoại chẳng biết đâu, Nhi đã mơ mộng từ lâu rồi, từ buổi ngõ Phất Lộc đong đầy những giọt âm thanh buồn trong văn vắt.
Những ngày này, Nhi cứ bâng khuâng như thiếu thứ gì.
Được mấy hôm thì Nhi nhận ra, Vinh không đánh đàn nữa. Không còn bản triệu đoá hồng lúc 11 giờ đêm. Nhi sang nhà tìm Vinh, Vinh đi vắng suốt. Nhi đến cung thiếu nhi giúp thầy dạy các em nhỏ nhưng cũng không thấy Vinh. Lần đầu tiên hai đứa không đi cùng nhau lâu như vậy. Một vài lần gặp Vinh ở máy nước, Vinh vẫn cầm lấy cái xô từ tay Nhi: “Về đi, Vinh chờ cho…” Buổi chiều, Vinh không đi đá bóng nữa. Khi dắt xe máy ra cửa, Vinh ngoắc tay chào Nhi như cũ, Vinh mặc quần Jean, áo sơ mi kẻ.
Ông ngoại cười: “Thằng Vinh lớn thật rồi, không nhận ra thằng bé ngày xưa nữa…” Trong Nhi thoáng một linh cảm mơ hồ nhưng Nhi không muốn chấp nhận. Hai đứa đã thân nhau đến thế, hiểu nhau đến thế, suốt tám năm. Lũ bạn cùng lớp tới chơi, kéo Nhi đi liên hoan mừng thi xong. Vào quán Cổ Ngư ngồi uống nước, Nhi chấm tay vào cốc cà phê vẽ lên bàn những bông hoa sát cạnh nhau. Mặt trời lặn trên hồ Tây hắt ánh đỏ tê tái. Một mặt bàn đầy những bông hoa, hàng trăm, hàng triệu bông hồng nhìn Nhi ngân ngấn nước.
Chiều qua bố Vinh sang nhà Nhi chơi với ông ngoại đã nói với Nhi, không biết vô tình hay cố ý: “Thằng Vinh nhà bác có bạn gái rồi, Nhi ạ. Nghe đâu là một cô gái rất yêu hoa hồng…”
Cả Vinh và Nhi đều đỗ đại học. Hôm hai nhà liên hoan ăn mừng, Vinh dẫn bạn gái về ra mắt. Đó là một cô gái có bím tóc đen dài thật là dài. Vinh dẫn bạn lên gác và ở ban công tầng hai đối diện phòng Nhi, Vinh đánh ghita bản nhạc Nhi đã nghe suốt ba tháng: “Tặng cả đại dương hoa hồng thắm, cho người con gái anh yêu thầm…” Nhi có cảm giác như mình bị bỏ rơi, bị lãng quên, bị phản bội. Bản nhạc ấy không phải dành tặng Nhi. Vinh chỉ vào cô bạn gái: “Đây là Dương. Còn đây là Nhi, bạn thân của anh.” Nhi gượng cười quay vào nhà, nước mắt chảy ra như suối. Quan tâm và ân cần chỉ là dấu hiệu của tình bạn mà thôi.
Trước lúc Nhi nhập học hai tuần, bố mẹ báo sẽ về Việt Nam sinh sống. Vinh nghe tin chạy sang: “Thế là Nhi đã có đủ năm giọt mưa xuân rồi nhé…”
Bây giờ thì Nhi đã hiểu tại sao giọt mưa thứ năm không tới. Bởi hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn. Trong lòng Nhi cảm giác thất vọng đã lắng xuống, chỉ để lại chút ít tủi thân. Vinh giờ không còn là của riêng Nhi nữa. Dù thế, nhìn vào mắt Vinh, Nhi biết Vinh đang hạnh phúc. Bước ra khỏi ngõ Phất Lộc, Nhi sẽ thành người khác, sẽ lớn lên. Nhi nghĩ thế khi ngồi thu dọn đồ đạc của mình. Mới thế mà đã thấy nhớ nơi này, tha thiết nhớ con ngõ hình ê-ke, tiếng chuông rơi như thể thở dài, những cụm dương xỉ trên cao run rẩy, mùi hoa dạ hương… và cả tiếng đàn của Vinh.
Nhi kể tất cả cho bà ngoại nghe, bà nắm tay Nhi trong tay mình: “Nếu con dành một lời cầu chúc cho Vinh, thì một giọt mưa khác cũng sẽ đem hạnh phúc cho con, Nhi ạ.” Có lẽ, ngoại nói đúng. Nhi nhìn vào góc phòng nơi có bức tranh bỏ dở. Ở góc còn trống, Nhi vẽ vào đó mảnh trăng non trong suốt như pha lê của đêm hè xưa, khi Vinh nói hai đứa sẽ mãi là bạn của nhau. Nhi sẽ không quên lời hứa đó, cũng như sẽ không bao giờ quên những ngày thơ bé ở đây và những rung động thoáng qua nhưng chẳng dễ nguôi ngoai.
Ngoài kia, mùa xuân lại rắc những hạt mưa muộn và ấm. Nhi ra ban công ngửa mặt lên cho mưa chạm ướt môi. Và đếm: một, hai, ba, bốn…