Hallo Effect (hiệu ứng Halo) là một thành kiến nhận thức (Cognitive bias) ám chỉ ấn tượng tổng thể về một người sẽ tác động tới cách chúng ta cảm thấy và nghĩ như thế nào về tính cách của họ.
Về cơ bản, ấn tượng chung của bạn về một người (chẳng hạn, "anh ta đẹp") sẽ tác động tới những đánh giá của bạn về đặc điểm cụ thể của người đó (chẳng hạn, "anh ta thông minh").
Một ví dụ điển hình của hiệu ứng Halo trong thực tiễn đó là ấn tượng chung của chúng ta về người nổi tiếng. Vì chúng ta thừa nhận họ là những người hấp dẫn, thành công và ai cũng thích nên chúng ta có xu hướng đánh giá họ cũng thông minh, tốt bụng và hài hước.
Xem thêm các bài viết về thành kiến tâm lý:
"Được biết đến như một thành kiến về sự hấp dẫn về mặt hình thể và nguyên tắc "thứ gì đẹp thì cũng tốt", hiệu ứng Halo - ở cấp độ cụ thể nhất ám chỉ khuynh hướng mang tính chất thói quen của con người trong việc đánh giá các cá nhân sở hữu vẻ ngoài hấp dẫn sẽ có nhiều điểm tốt đẹp hơn về đặc điểm hoặc tính cách so với những người bình thường. Hiệu ứng này cũng được sử dụng trong những tình huống phổ biến hơn khi muốn mô tả tác động chung của một tính cách được yêu thích hoặc một vài đặc điểm cụ thể mà ai cũng khao khát có được trong việc tạo ra những phán xét sai lệch về một người khi nhìn nhận theo một khía cạnh nào đó. Do đó, thông thường, nhận thức đã bị cảm xúc lấn át khi đánh giá người khác" (Sách bách khoa toàn thư SAGE về các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, quyển 1, xuất bản năm 2004).
Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ này trong một bài báo được xuất bản vào năm 1920 với tựa đề "The Constant Error in Psychological Ratings" (Tạm dịch: Sai lầm không thể thay đổi trong các đánh giá về mặt tâm lý). Theo đó, Thorndike đã dẫn chứng bằng một thử nghiệm trong đó có sự tham gia của những người làm việc trong quân đội và ông yêu cầu họ đánh giá một loạt các phẩm chất của cấp dưới, bao gồm hình thể, khả năng lãnh đạo, trí thông minh, mức độ trung thành và đáng tin cậy.
Mục tiêu của Thorndike đó là xác định các đánh giá về một phẩm chất sẽ tác động tới các đánh giá về những phẩm chất khác như thế nào. Kết quả thu được đã cho ông một kết luận rằng những đánh giá cao về một phẩm chất đặc biệt tương quan với những đánh giá cao về những phẩm chất khác, trong khi đó, các đánh giá tiêu cực về một đặc điểm cụ thể cũng dẫn tới các nhận xét tiêu cực về những tính cách khác.
Vậy thì tại sao ấn tượng tổng thể về một người lại có thể tạo ra một hiệu ứng mà tác động tới cách chúng ta đánh giá những phẩm chất cụ thể về họ? Theo nhiều nhà nghiên cứu thì sự hấp dẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định. Cụ thể, khi chúng ta đánh giá mọi người đẹp thì chúng ta cũng có xu hướng tin rằng họ sở hữu các đặc điểm về tính cách rất tốt và dường như họ cũng thông minh hơn.
Thậm chí, một nghiên cứu khác cũng cho rằng các thành viên ban hội thẩm cũng ít khi tin rằng những người hấp dẫn không tuân thủ quy định pháp luật và phạm tội.
Tuy nhiên, thành kiến về sự hấp dẫn cũng là "lưỡi dao hai mặt". Bởi theo một số nghiên cứu thì mặc dù mọi người nhiều khả năng sẽ gán cho người hấp dẫn một loạt các đặc điểm tích cực nhưng họ cũng có xu hướng tin rằng những người có vẻ ngoài đẹp đó dễ tự phụ, kiêu ngạo, không trung thực và hay sử dụng sự hấp dẫn của mình để lợi dụng người khác.
Trong lớp học, các giáo viên dễ bị hiệu ứng halo chi phối trong việc đánh giá học sinh. Chẳng hạn, nếu nhìn thấy một học sinh ngoan ngoãn thì họ cũng có xu hướng cho rằng đứa trẻ đó sáng dạ, thông minh, cần mẫn trước khi có những đánh giá khách quan về khả năng học tập thực tế. Hiển nhiên, điều này có thể dẫn tới những đánh giá sai lệch về điểm số.
Không những vậy, hiệu ứng halo còn tác động tới cách mà học sinh đánh giá giáo viên. Trong một cuộc điều tra, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng khi người hướng dẫn được cho là ấm áp và thân thiện thì học sinh cũng mặc nhiên cho rằng giáo viên này hấp dẫn, lôi cuốn và dễ gần hơn.
Với những thương hiệu đã có tên tuổi, hiệu ứng Halo tạo cho họ có một lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xâm nhập thị trường mới. Chẳng hạn, thị trường thức ăn nhanh sẽ chưa lên cơn sốt nếu như chưa có bóng dáng của McDonald dù khi đó, KFC, Lotteria cũng là những đối thủ không thể xem nhẹ. Có thể nói, hiệu ứng này là hệ quả của một quá trình đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu một cách bài bản và đó cũng là phần thưởng dành cho những doanh nghiệp có tầm nhìn và sớm nhận ra giá trị to lớn của thương hiệu.
Từ nhà báo, nhà văn, người làm quảng cáo cho tới ứng viên xin việc, từ cấp trên tới cấp dưới, hiệu ứng halo đều có những ý nghĩa nhất định. Nếu bạn là một nhà báo có tiếng thì cơ hội để những bài viết của bạn sớm được đăng tải, thậm chí là lên trang nhất là rất cao. Nếu là một ứng viên sở hữu vẻ ngoài sáng sủa, hấp dẫn thì cơ hội được nhà tuyển dụng là rất lớn.
Biết cách tận dụng hiệu ứng halo là điều tốt nhưng cũng đừng lạm dụng nó bởi vì bạn dễ dàng sẽ có những đánh giá phiến diện về một người. Đồng thời, không nên cố xây dựng vẻ ngoài hào nhoáng, hấp dẫn để rồi làm mất đi hoặc bỏ qua con người thật của bạn.
Xem thêm: