Bài viết dưới đây được chuyển ngữ từ bài báo trên tờ Psychology Today của tác giả Marlynn Wei. Cô là một chuyên gia tâm thần học đã từng theo học tại Havard và Yale, đồng thời cũng là tác giả viết sách, giáo viên dạy yoga và diễn giả về các vấn đề liên quan tới thiền và Yoga. Marlynn Wei là tác giả của cuốn sách hướng dẫn The Havard Medical School Guide to Yoga và cũng là chuyên viên cố vấn của tờ Psychology Today và Havard Health.
Tôi đã chơi Pokémon Go một thời gian và cố gắng tìm hiểu xem hiện tượng này chính xác là gì, và tôi có thể hiểu được vì sao lại nhiều người nghiện Pokémon Go đến thế. Pokémon Go là một tựa game thực tế tăng cường (Augmented Reality - game AR) trong đó người chơi sẽ đi trong thế giới thực để bắt những con Pokémon ảo. Về khía cạnh lượt tải ứng dụng với người dùng Android thì game này đã vượt qua Tinder và được kì vọng sẽ còn vượt qua cả Twitter.
Xem thêm: Mô hình kinh doanh của Pokémon Go - Pokémon Go kiếm tiền như thế nào?
Giữa rất nhiều các bài viết nói về việc người chơi quá ham mê game, cũng có các bài viết cho rằng Pokémon Go thực sự có thể giúp con người vượt qua những căng thẳng (depression) hay ám ảnh sợ xã hội (social anxiety). Vẫn còn quá sớm để biết được liệu Pokémon Go có thực sự có tác dụng lâu dài trong việc điều trị những vấn đề trên hay không, nhưng game đã thành công trong việc lôi kéo mọi người ra đường, đi bộ và tương tác với nhau. Pokémon Go cũng có tiềm năng mang lại lợi ích cho những người không có động lực hoặc không thể ra khỏi do sợ hãi hoặc lo lắng.
Việc sử dụng công nghệ thực tế tăng cường trong y học để cải thiện sức khỏe sinh lý và tâm lý không phải là mới và cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều bệnh rối loạn. Game thực tế ảo hiện tại cũng đang được sử dụng và nghiên cứu để điều trị trầm cảm, lo lắng, PTSD (rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý) cũng như giảm đau hay thậm chí là cải thiện khả năng phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Thực tế tăng cường có chút ít khác với thực tế ảo bởi nó không đưa bạn tới 1 không gian mới mà vẫn để bạn sống trong thế giới thực. Các đồ vật ảo, ví dụ như Pokémon trong game này, được kết hợp thêm thông qua việc sử dụng GPS. Dù chưa nhiều nhưng công nghệ thực tế tăng cường đã được nghiên cứu như 1 liệu pháp điều trị bệnh rối loạn lo âu, sợ hãi quá mức 1 điều gì đó (phobias) như sợ gián (cockroach phobia) hay PTSD. Công nghệ này cũng đã được nghiên cứu, ít nhất là trong 1 trường hợp, để điều trị đau đớn do cắt chi - hiện tượng xảy ra khi chân hoặc tay bị chấn thương nghiêm trọng. Pokémon Go sử dụng sức mạnh của công nghệ thực tế tăng cường theo 1 cách khác, bằng cách khuyến khích mọi người ra đường và khám phá.
Dưới đây là những lợi ích và tác hại của Pokémon Go về mặt tâm lý.
Pokémon Go là 1 tựa game vui nhộn và đơn giản. Nó khuyến khích mọi người đứng lên khỏi chiếc ghế sô-pha và đi bộ xung quanh khu vực của mình. Ý tưởng cơ bản về mặt liệu pháp nhận thức hành vi là "kích hoạt hành vi" (behavioral activation), có nghĩa là nếu bạn ra ngoài và trải nghiệm những kết quả tích cực do thực hiện các hành vi lành mạnh, ví dụ như tới phòng tập thể hình, thì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và tiếp tục "vòng lặp" tích cực để thực hiện nhiều hành vi như vậy hơn.
Một cấu trúc rõ ràng, phản hồi ngay lập tức và những mục tiêu có thể đạt được rất hữu ích, đặc biệt với những người bị trầm cảm, để khiến con người hứng thú và bị lôi cuốn. Thiếu cấu trúc cụ thể sẽ khiến chúng ta không có năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán, thiếu động lực và cuối cùng là rơi vào trạng thái chán nản. Bằng cách tạo ra những mục tiêu ngày càng tăng, game mang tới cảm giác bạn đang tiến về phía trước.
Trong 1 giờ chơi Pokémon Go bên ngoài, rất nhiều người xung quanh tôi đã bắt đầu nói chuyện về game. Ám ảnh sợ xã hội và trầm cảm thường có nghĩa là bạn xa lánh xã hội và cảm thấy không thoải mái khi ở gần những người khác. Với ám ảnh sợ xã hội, cảm giác thường lạ bạn thấy mình không phù hợp ở nơi đó hoặc sợ người khác sẽ đánh giá bạn. Tựa game này cho phép bạn chơi 1 mình nhưng cũng có thể chơi cùng người khác, nó mang tới cho bạn lựa chọn tương tác với người khác nếu bạn cảm thấy có điểm gì chung với họ, vì thế hoạt động tương tác cũng ít rủi ro hơn. Sau 48 giờ chơi, tôi có thể xác nhận rằng những người chơi khác sẽ cảm thấy thoải mái nói chuyện với bạn nếu họ thấy bạn cũng đang chơi game. Như một bạn trẻ đã nói khi tôi hỏi cô ấy cảm thấy như thế nào khi mọi người nói chuyện với nhau:
Chắc chắn rồi, tôi sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với cô nếu không phải vì cô cũng đang chơi Pokémon Go.
Điều này khiến cho người chơi tập trung vào khía cạnh nào đó dễ thương bên trong họ, khác với các ứng dụng hẹn hò như Tinder hay Happen - trong đó người chơi có thể cảm thấy mình bị đánh giá hay áp lực phải thể hiện hình ảnh bản thân theo 1 cách nào đó. Pokémon Go cũng có lợi thế hơn các ứng dụng xã hội khác như Facebook hay Twitter - nơi người dùng cũng có áp lực phải tạo ra những nội dung hấp dẫn hay có thể tiếp cận những thông tin khiến họ cảm thấy ghen tị. Chủ đề đơn giản của Pokémon Go có thể giảm các loại áp lực, nỗi sợ xã hội hay tương tác tiêu cực.
Pokémon Go sẽ đòi hỏi bạn phải đi được 1 quãng đường nhất định để ấp trứng mà bạn đã thu thập. Tập thể dục vẫn được biết tới là phương pháp hiệu quả để trị trầm cảm hay tăng cường sức khỏe nói chung và ứng dụng này là 1 nguồn động lực hữu ích khiến bạn ra ngoài.
Trong game, người chơi sẽ thu thập các món vật phẩm tại Pokéstop - đặt xung quanh khu vực của bạn như các bức tượng, tòa nhà... Dù game không thể phát triển nhận thức và sự chú ý như thiền nhưng bạn cũng sẽ chú ý tới các chi tiết trong môi trường xung quanh mà vốn bạn chỉ lướt qua. Điều này sẽ giúp bạn yêu môi trường xung quanh mình hơn.
Tìm ra những nhân vật hoạt hình giữa tòa nhà hay trên đường phố có thể khiến bạn cảm thấy mình như 1 đưa trẻ. Game còn cho phép người chơi tạo những hình ảnh vui nhộn và sáng tạo.
Game cũng đã bị chê trách bởi gây ra thương tổn cho người chơi, chỉ trích về vấn đề quyền riêng tư hay các vấn đề tội ác như 1 vài người sử dụng Pokémon Go để lôi kéo người chơi tới 1 địa điểm và cướp tài sản của họ. Vì thế cẩn trọng là rất cần thiết. Dưới đây là những hạn chế hoặc điểm bất lợi về mặt tâm lý mà game mang lại.
Dù Pokémon Go thực sự khuyến khích bạn ra ngoài trời nhưng bạn vẫn "mắc kẹt" trong công nghệ. (Như 1 bạn trẻ đã nói với tôi: Coi chừng kẻo game sẽ làm sụt pin của chị đấy). Trong khi đi bộ bên ngoài mà bạn vẫn cầm điện thoại trong tay thì cuộc đời bạn cũng chẳng thay đổi mấy. Với trẻ em và thanh thiếu niên, Hiệp hội nhi khoa Mỹ (American Pediatric Association) khuyến nghị rằng thời gian ngồi trước màn hình chỉ nên là 1 tới 2 giờ một ngày. (Game cho phép bạn gặp gỡ và tương tác với người chơi khác thay vì chỉ nhìn vào điện thoại nên phần nào cũng giảm bớt tác hại này).
Tự bản thân game cũng có thông báo về nơi bạn đi, nhưng gần đây còn có nhiều báo cáo về việc người chơi bị chấn thương khi chơi game. Game đưa tâm trí bạn vào 1 không gian "thực trộn ảo", trong đó bạn không thực sự có mặt trọn vẹn trong "khoảnh khắc hiện tại" bởi mắt bạn tập trung vào điện thoại và tìm kiếm Pokémon chứ không phải trong thế giới thực.
Bởi bạn đang cố tìm và bắt Pokémon, cơ thể hầu hết sẽ ở trong tình trạng "fight-or-flight" (chống lại hoặc bỏ chạy, hay còn gọi là phản ứng stress cấp tính. Ví dụ như khi bạn gặp 1 con sư tử thì cơ thể sẽ sẵn sàng "chống lại" hoặc "bỏ chạy", đồng thời các bộ phận cơ thể sẽ đưa ra những phản ứng khác nhau như tim đập nhanh, con ngươi mắt mở rộng....) nghĩa là adrenaline được bơm lên nhiều hơn và nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. Trong 1 thời gian ngắn thì điều này có thể kích thích niềm vui nhưng về lâu dài, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, vì thế nếu cần thì hãy nghỉ ngơi và đảm bảo bạn không chịu những tác dụng phụ khi chơi game quá nhiều.
Chơi Pokémon Go thực sự có thể khiến bạn trở nên kém tương tác xã hội, tập trung vào điện thoại nhiều hơn. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào cách chơi của từng người.
Game hòa trộn yếu tố thực tế với các yếu tố ảo nên những người vốn gặp vấn đề với việc phân biệt những yếu tố này có thể gặp khó khăn, đặc biệt là những người bị loạn tâm thần (psychotic symptom). Vì thế bạn cần cẩn trọng trong tình huống này và nói trước với bác sĩ.