Nhưng thông qua những trải nghiệm của mình, tôi cảm thấy điều này tốt rất hữu ích cho bản thân mình. Vì thế, tôi muốn chia sẻ với bạn và hy vọng rằng nó cũng sẽ giúp ích cho bạn.
Trong phần trước, tôi đã chia sẻ với bạn rằng những giá trị vật chất (tiền tài, nhà cửa, xe cộ, chức quyền,…) Không thể mang lại hạnh phúc bền vững. Và hạnh phúc nhiều khi đơn giản chỉ là trân trọng và tận hưởng những gì bạn đang có, cũng như chấp nhận bản thân mình.
Tuy nhiên, có một cạm bẫy nguy hiểm ở đây mà bạn cần phải biết. Đó là nếu bạn trở nên “quá bằng lòng” với mọi thứ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Câu trả lời là bạn sẽ ngừng vươn lên như một con người. Thậm chí, bạn có thể làm thui chột dần những tiềm năng bên trong mình. Đó không phải là hạnh phúc, đó là sống mà không biết ý nghĩa của cuộc đời mình.
Cùng với thời gian, khi thời cuộc thay đổi, bạn sẽ có ngày càng ít lý do có thể giúp bạn nuôi dưỡng hạnh phúc bên trong mình, bởi vì đơn giản, có thể những điều mà bạn trân trọng sẽ biến mất dần theo năm tháng, trong khi không có gì mới đến với bạn một khi bạn đã quên mình phải nỗ lực. Khi không còn nhiều điều để trân trọng trong cuộc sống, bạn không còn cái nguyên liệu cần thiết để tự tạo ra hạnh phúc bạn mong muốn.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bạn không nên bao giờ lẫn lộn giữa “trân trọng những gì mình đang có” với “bằng lòng với những gì mình đang có mà quên vươn lên”. Chúng ta hiểu rằng, thế giới luôn phát triển, nếu chúng ta không ngừng vươn lên, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có thể bạn đang ở vào một thời điểm trong đời mà bạn cảm thấy hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống hiện tại và đơn giản là bạn… Hạnh phúc. Điều ấy thật sự rất tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nghĩ đến một “hợp đồng bảo hiểm” cho hạnh phúc của mình. Hãy tranh thủ những lúc bạn đang cảm thấy hạnh phúc và chuyển nó thành năng lượng để vươn lên không ngừng bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Tôi đã từng rơi vào cái bẫy của “hài lòng với hiện tại” và tôi đã phải trả giá. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được một công việc ổn định với mức lương khá cao. Thế là tôi dành nhiều thời gian vào những việc vô bổ như chơi game online chẳng hạn. Cho đến một ngày, tôi mất việc vì công ty tôi phá sản. Chưa hết, công ty còn nợ tôi đến tận 3 tháng lương. Trong khi bạn tôi, nhờ tập trung phấn đấu dù xuất phát sau tôi đã làm ở những tập đoàn hàng đầu, ở những vị trí tốt với mức lương hấp dẫn.
Đang từ một người có công ăn việc làm ổn định, có mức lương tốt, có thú vui hàng ngày (game online),… Bỗng nhiên, tôi thấy mình đang tiêu hết những đồng tiết kiệm cuối cùng trong khi tiền thuê nhà thì vẫn cứ phải đóng, cùng với bao nhiêu chi phí khác của cuộc sống. Lúc đó, tôi chỉ mong rằng, phải chi mình đã sống có ích hơn, dành thời gian rảnh rỗi trước kia để đọc sách, học thêm cái này cái kia, tìm cách phấn đấu vươn lên (thay vì chơi game), thì bây giờ đâu đến nỗi. Nhưng hối cũng đã muộn, tôi đã hoài phí gần một năm cuộc đời mình vì quá bằng lòng với những gì mình đang có (thay vì trân trọng những gì mình đang có).
Sau khi tôi khó khăn lắm mới thoát khỏi hoàn cảnh ấy và lựa chọn từ bỏ lối sống cũ để sống xứng đáng hơn, tôi thề với bản thân mình rằng, tôi sẽ làm tất cả trong phạm vi đạo đức và pháp luật để trở nên thành công và giàu có. Và đó cũng là lúc tôi vô tình để mình rơi vào cái bẫy thứ hai.
Cái bẫy này hoàn toàn trái ngược với cái bẫy đầu tiên. Nó là cái bẫy của mong muốn thành công đến thật nhanh và kiếm thật nhiều tiền. Tôi chẳng làm gì vi phạm đạo đức hay pháp luật, nhưng vì cố gắng quá sức, tôi đã “đốt” đi sức khỏe và hạnh phúc của mình để chạy theo những điều tôi nghĩ sẽ làm tôi… Hạnh phúc.
Tôi trở nên vội vã để vươn đến thành công. Tôi đạt được một vài mong muốn nhưng tôi cảm thấy mình ít hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi cố tạo ra hạnh phúc từ bên trong mình và tôi làm được, nhưng rồi tôi lại nhanh chóng “đốt” chúng đi để tạo năng lượng… làm việc. Chỉ đến khi cảm thấy cuộc sống sao mà bế tắc, tôi mới nói với bản thân mình rằng: “Được rồi, chạy chậm lại. Đời là một cuộc ma–ra–tông. Muốn nhanh thì phải từ từ”.
Tôi chọn kiên định tiến đến mục tiêu của mình từng ngày một cách kiên trì như một vận động viên chạy bộ. Không quá chậm để trở nên tầm thường, nhưng cũng không quá nhanh để phải hụt hơi. Tôi chợt hiểu ra rằng, không chỉ thành công mà còn cả hạnh phúc, đều nằm trên chặng đường tôi vượt qua chứ không phải là một đích đến.
Nói cho cùng, tôi tìm ra bí quyết hạnh phúc của mình trong một từ: CÂN BẰNG. Để thật sự hạnh phúc, bạn cần phải biết tạo ra hạnh phúc bên trong mình. Cùng lúc đó, bạn cũng phải biết vươn lên để đạt được những thành quả để có thêm “nguyên liệu” để xây dựng hạnh phúc của mình. Nếu bạn chỉ tập trung quá nhiều vào việc tạo ra hạnh phúc bên trong, bạn có thể không bao giờ đạt được những thành quả mà bạn mong muốn trong đời. Ngược lại, nếu bạn sống vì những thành quả thì bạn có thể đang “đốt” hạnh phúc của mình trước khi xây được hạnh phúc.
Cho dù từ CÂN BẰNG nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng, nó thật ra là cả một nghệ thuật sống. Chúng ta đều biết điều đó, nhưng liệu bao nhiêu người trong chúng ta thật sự sống như thế? Chính vì thế, mỗi người chúng ta đều phải trả một cái giá nào đó để hiểu được nó, và thật ra, nó sẽ rất khác nhau trong suy nghĩ và trải nghiệm của mỗi người.
Hạnh phúc có cái giá của nó. Tôi đã trả cái giá của mình để thật sự tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Và khi tôi viết những dòng này, tôi thật sự hy vọng nó có thể giúp bạn tìm được hạnh phúc mà không cần phải trả giá quá cao. Chúc bạn những điều tốt lành nhất… Chúc bạn lựa chọn hạnh phúc.
(Trích từ chương “Suy ngẫm” – Sách Sống và Khát Vọng)