Cách mà những hãng bán lẻ đo lường hành vi người tiêu dùng trong các cửa hàng đang không ngừng bị can thiệp với tốc độ chưa từng thấy. Nguyên nhân chính là bởi sự thăng hoa của các cửa hàng trực tuyến chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua. Những cửa hàng này vô cùng thành công trong việc tạo ra trải nghiệm mua sắm "bất khả chiến bại". Điều này có được là nhờ 1 vũ khí bí mật mà những cửa hàng trên mạng sở hữu hơn 1 thế kỉ qua: thu thập những dữ liệu phân tích chi tiết, ngay trong thời gian thực về mỗi khách hàng truy cập website, từ đó tối ưu hóa và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của họ dựa trên các dữ liệu thu thập được.
Trái lại, các cửa hàng bình thường lại chỉ có thể đo lường đơn thuần bằng các phương pháp dựa trên hoạt động của cửa hàng như đếm số người đặt chân vào cửa hàng hoặc các dữ liệu giao dịch thông qua hệ thống thanh toán POS (Point of Sale). Cũng dễ hiểu rằng những phương pháp này không thể tiếp cận gần tới khách hàng như những dữ liệu phân tích hành vi mà những cửa hàng trực tuyến hiện đang sử dụng. Bởi các dữ liệu này được chọn lọc cho từng khách hàng, ngay trong thời gian thực và từ đó sẽ mang tới trải nghiệm mua sắm tuyệt vời hơn.
Khoảng cách giữa các cửa hàng online và offline này đã nhen nhóm cho sự ra đời và bùng nổ của tiến bộ công nghệ cho phép phân tích hành vi người dùng ngay khi ghé thăm các cửa hàng bình thường. Wi-Fi trở thành công cụ phổ biến và linh hoạt nhất cho công việc này và cũng được nhiều người bán lẻ sử dụng.
Khi so sánh với việc đếm số người vào cửa hàng hay dữ liệu POS, Wi-Fi có khả năng phân tích toàn bộ (và lặp đi lặp lại) số lượt ghé thăm cửa hàng, cung cấp dữ liệu trong thời gian thực về tất cả không gian trong toàn bộ cửa hàng, nó còn có thể cung cấp chỉ dẫn đường đi, các dịch vụ dựa trên khoảng cách và tiếp thị khách hàng. Quan trọng hơn cả, không một dữ liệu nào bên trên yêu cầu phải có ứng dụng cài trên thiết bị của khách hàng, có nghĩa là khả năng tiếp cận khách hàng sẽ tốt hơn nhiều so với các công nghệ dựa trên ứng dụng khác.
Bởi công nghệ này còn tương đối mới, sẽ rất nhiều người muốn hiểu cách Wi-Fi thu thập và phân tích hành vi người dùng. Dưới đây là cơ chế hoạt động của công nghệ này.
Ngay cả khi không kết nối Wi-Fi, các thiết bị có thể bật Wi-Fi vẫn liên tục phát ra các tín hiệu để phát hiện và kết nối với những mạng Wi-Fi có sẵn xung quanh. Việc này diễn ra khoảng 15 cho tới 30 giây 1 lần phụ thuộc vào phần cứng của thiết bị. Hãy gọi các tín hiệu này là "ping".
Những điểm phát Wi-Fi đang có và/hoặc các cảm biến Wi-Fi sẽ "nghe" những tín hiệu ping được gửi từ điện thoại, và cùng với đó là độ mạnh yếu của các ping này. Bằng cách nghe ping từ nhiều địa điểm khác nhau trong cửa hàng, chúng ta có thể ước lượng thiết bị phát ra tín hiệu ping đang ở vị trí nào.
Giải pháp phân tích Wi-Fi có tích hợp các thuật toán nâng cao, sử dụng độ mạnh yếu của tín hiệu và những thông số khác để phát hiện sự có mặt và vị trí của tất cả các thiết bị đang bật Wi-Fi. Thuật toán lọc khác được dùng để loại trừ các thiết bị tĩnh và thiết bị của nhân viên, cùng với đó là sửa các lỗi hoặc độ lệch khác trong quá trình quan sát.
Với 1 chuỗi các kết quả quan sát về địa điểm trong cửa hàng của khách hàng, công cụ này có thể phân tích toàn bộ 1 "chuyến ghé thăm" của khác hàng, họ đi tới những địa điểm nào trong cửa hàng, theo thứ tự nào và dành thời gian ở mỗi địa điểm bao lâu... Cũng nhờ thế, bạn có thể thử nghiệm và xem kết quả các thay đổi khác như cách bố trí hàng hóa, tiếp thị... và sau đó lựa chọn cách thức khiến khách hàng hài lòng nhất.
Với những khả năng nói trên, các cửa hàng bình thường có thể nhanh chóng theo kịp tốc độ của các cửa hàng trực tuyến trên lĩnh vực đo lường và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng dựa trên những hành vi thực của khách hàng. Điều này có nghĩa là các cửa hàng offline giờ cũng có thể quản lý cửa hàng của mình như những cửa hàng online: đo lường tỉ lệ chuyển đổi, tiếp tục giám sát và tối ưu hóa, thử nghiệm những điều mới, nhìn cận cảnh vào xu hướng hành vi mua sắm, phân khúc dựa trên hành vi...
Chúng ta còn có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiều cách áp dụng khác như tối ưu hóa vị trí nhân viên dựa trên nhu cầu khách hàng, theo dõi, quản lý tài sản, truyền tải các thông điệp tiếp thị dựa trên địa điểm của người dùng...