Khi vận hành một startup, việc cho rằng chiến lược đã đặt ra sẽ làm bạn thất vọng là một nỗi sợ sai lầm. Sự thật này cũng đúng với việc sợ ý tưởng của mình sẽ thất bại hoặc rằng bạn không thể theo đuổi được đến cùng để đưa startup phát triển.
Khi mở công ty vào năm 2006, tôi đã viết một bản kế hoạch kinh doanh. Tôi thiết kế quy trình hoạt động bán lẻ, sẵn sàng để thực thi nó và vạch ra các kết quả mà tôi có thể sẽ thu được.
Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không mấy tốt đẹp.
Không một ai nói với tôi rằng hệ thống mà mình đã xây dựng không hoạt động theo cách đó. Tôi tự thiết lập và tự làm. Tôi đã nghĩ rằng thất bại đó là do kế hoạch và thiết kế của mình không hợp lý.
Không thể từ bỏ giữa chừng, tôi bắt đầu lắng nghe phản hồi của khách hàng. Tôi kết nối với họ sâu hơn và tạo ra một danh sách các hành động để cung cấp cho họ thứ họ muốn, mặc dù đôi lúc tôi cũng nghĩ những mong muốn đó hết sức vô lý.
Trong 4 năm đầu, mỗi tháng trôi qua tôi đều cảm tưởng như công việc kinh doanh của mình chẳng đi đến đâu cả.
Hệ thống phần mềm bán lẻ không đáp ứng được những gì chúng tôi mong đợi. Chúng tôi cũng không có đủ nhân viên để phục vụ khách hàng.
Quá trình tuyển dụng và đào tạo rất mất thời gian, trong khi bộ phận kế toán và chăm sóc khách hàng cũng làm việc kém hiệu quả.
Thành thực mà nói, rất nhiều lần tôi cảm tưởng như mọi thứ đang dần tuột khỏi tay mình.
Kinh doanh muốn thành công đều phải trải qua những thử thách để phá vỡ sự trì trệ, chậm chạp. Mỗi thử thách đều mang đến cho bạn một cơ hội cải tiến và phát triển.
Giai đoạn đầu của một startup là giai đoạn vô cùng cam go, nhiều chướng ngại vật và có thể, những gì bạn đã hình dung hoàn toàn trái ngược với thực tế. Tuy nhiên, nếu đủ niềm tin và bản lĩnh thì bạn sẽ vượt qua được.
Dưới đây là 3 tip giúp bạn "sống sót" trong giai đoạn đầu của giấc mơ khởi nghiệp.
Hãy phân loại những thứ mà bạn không thể thực hiện hoặc không có khả năng trở thành hiện thực. Đồng thời, xác định rõ những thứ cần ưu tiên và xử lý chúng trước.
Biết rõ khó khăn sẽ phải đối mặt và sau đó, tạo một danh sách các giải pháp mang tính hành động để tháo gỡ vấn đề chính là yếu tố quyết định giúp bạn đứng vững.
Hãy linh hoạt, áp dụng phương pháp "thử - sai" và đừng chờ đợi thời điểm hoàn hảo, chắc chắn "ánh sáng sẽ xuất hiện cuối đường hầm".
Đừng tiêu xài hoang phí cho những thứ mà bạn nghĩ rằng cuối cùng rồi cũng sẽ phải dừng lại và cũng đừng chi tiền cho tất cả các giải pháp.
Thực tế, chẳng hề có một giải pháp "kỳ diệu" nào có thể loại bỏ cảm giác không thoải mái trong giai đoạn đầu đầy cam go này cả. Thay vào đó, bạn nên xây dựng một vài chiến thuật phù hợp và thực thi trong giới hạn ngân sách sao cho giúp công ty tiếp tục duy trì được sự linh hoạt cũng như đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
Mỗi ngày, hãy dành 5 phút vào buổi sáng và 5 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ để vẽ ra tầm nhìn của bạn về công ty trong thời gian tới.
Điều quan trọng ở đây là phải vẽ ra được viễn cảnh của startup, đặc biệt là trong 5 năm đầu sau khi có mặt trên thị trường. Nếu để cho sự lộn xộn, những chi tiết vụn vặt và cảm xúc lấn át thì khả năng sáng tạo của bạn sẽ bị giảm sút.
Hình dung một bức tranh lớn hơn về tương lai của công ty cũng sẽ giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả hơn nên bạn không còn lãng phí năng lượng vào những thứ quá nhỏ nhặt và không cần thiết.
Nếu cho rằng kinh doanh đang thuận lợi thì hãy hiểu rằng các vấn đề chưa bao giờ biết mất. Chúng vẫn tồn tại ở một khâu nào đó trong hệ thống mà bạn vẫn chưa phát hiện được. Tuy nhiên, chỉ cần bạn linh hoạt và nhạy bén thì mọi thứ đều có thể kiểm soát được.